Friday, May 31, 2013

Trung Cộng lên tiếng bảo vệ tàu ngầm

Trung Cộng lên tiếng bảo vệ tàu ngầm

 
Một tàu ngầm loại Yuan của Trung Cộng. Ảnh: blogspot
Tàu ngầm Trung Cộng được tự do đi lại trong vùng biển quốc tế, bao gồm vùng tây bắc Thái Bình Dương, nơi lực lượng hàng hải các nước khác cũng đi qua, Xinhua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Cộng, ông Cảnh Nhạn Sinh, hôm qua cho biết.
Ông Cảnh cũng chỉ trích cái gọi là "Mối đe dọa Quân sự Trung Cộng", theo cách gọi của truyền thông Nhật Bản, và chỉ trích đó là một hành động "cố ý gây căng thẳng, ẩn sau đó là một động cơ chính trị". "Hành động đó là vô trách nhiệm và không có lợi cho hòa bình, ổn định trong khu vực", ông Cảnh nói.
Tuyên bố nhằm trả lời câu hỏi của một phóng viên về việc một số báo Nhật gần đây thường xuyên đưa tin về hành trình của các tàu ngầm lớp Yuan của Trung Cộng trong vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật.
Cũng trong buổi họp báo, ông Cảnh bác bỏ một báo cáo mới đây của Mỹ, cho rằng tin tặc Trung Cộng đã tiếp cận được các thiết kế của hơn hai mươi hệ thống vũ khí Mỹ. "Bài báo cáo vừa đánh giá thấp cả năng lực phòng vệ an ninh của Lầu Năm Góc lẫn sự thông minh của người Trung Cộng", PressTV dẫn lời ông Cảnh nói.
Washington Post hôm 28/5 dẫn một báo cáo của Hội đồng Khoa học Quốc phòng Mỹ cho biết các thiết kế máy bay, tàu chiến, cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa đã bị ảnh hưởng.
Bộ Quốc phòng Trung Cộng nhấn mạnh nước này không cần sự hỗ trợ của nước ngoài để phát triển vũ khí quân sự. "Tàu sân bay, chiến đấu cơ và máy bay vận tải mới đây của Trung Cộng rõ ràng cho thấy điều đó", ông Cảnh cho hay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Trung Cộng Tập Cận Bình dự kiến có cuộc thảo luận về an ninh mạng vào tuần tới tại Washington.
Trọng Giáp

Tin liên quan

Tin tặc Trung Cộng đánh cắp từng phần bản vẽ mật của Mỹ

Tin tặc Trung Cộng đánh cắp từng phần bản vẽ mật của Mỹ

TT - Các hãng an ninh mạng Mỹ cho biết tin tặc Trung Cộng không đánh cắp bản vẽ các hệ thống vũ khí hiện đại của quân đội Mỹ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) hay Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) mà chơi đòn “đánh lòn”!
Bản vẽ của các loại vũ khí tối tân của Mỹ như máy bay chiến đấu F-35 đã bị tin tặc Trung Cộng đánh cắp - Ảnh: Warplanes.com
Báo Washington Post ngày 28-5 dẫn báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ (DSB) khẳng định tin tặc Trung Cộng đã đánh cắp được thiết kế của phần lớn hệ thống vũ khí tối tân của quân đội Mỹ, từ lá chắn phi đạn Patriot và Aegis, máy bay chiến đấu F-35, trực thăng Black Hawk... mà DOD đang sử dụng ở châu Âu, châu Á và vùng Vịnh. Tuy nhiên, các hãng an ninh mạng cho biết tin tặc Trung Cộng không trực tiếp tấn công vào hệ thống mạng của DOD.

Đánh cắp từng phần

Trung Cộng phủ nhận cáo buộc tấn công mạng
Bộ Quốc phòng Trung Cộng ngày 30-5 đã phủ nhận cáo buộc tin tặc nước này đánh cắp bản vẽ các hệ thống vũ khí của Mỹ. Reuters cho biết một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Cộng khẳng định Bắc Kinh có đủ năng lực để sản xuất các loại vũ khí hiện đại và khẳng định “tàu sân bay, máy bay chiến đấu và máy bay vận tải mới của chúng tôi đã chứng minh điều đó”.
“Tin tặc có thể lấy mọi thông tin từ các nhà thầu quân sự Mỹ” - kênh CBS News dẫn lời chuyên gia Richard Bejtlich thuộc hãng an ninh mạng danh tiếng Mandiant nêu rõ.
Mandiant chính là hãng trước đây tố cáo đơn vị 61398 của quân đội Trung Cộng đóng tại ngoại ô Thượng Hải đã thực hiện nhiều vụ tấn công mạng nhắm vào chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ.
Giới chuyên gia cũng thừa nhận các nhà thầu nhỏ là mục tiêu tấn công ưa thích của tin tặc Trung Cộng. Lý do dễ hiểu: các cơ quan Chính phủ Mỹ như DOD, NSA hay Cục Điều tra liên bang (FBI) đã đầu tư nguồn lực lớn để bảo vệ hạ tầng mạng và có những cơ sở đặc biệt để lưu trữ và bảo vệ dữ liệu. Các nhà thầu quân sự Mỹ như Lockheed Martin hay Boeing cũng có thể đã làm như thế.
Thế nhưng các nhà thầu nhỏ hơn thì không đủ nguồn lực để lập hàng rào bảo vệ hệ thống mạng vững vàng.
Cách làm thông thường của tin tặc Trung Cộng là gửi thư điện tử chứa mã độc tới một nhân viên công ty mục tiêu để xâm nhập các hệ thống mạng và ăn trộm dữ liệu.
Ví dụ, mới đây Tổ chức Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM) nhận được một bức thư đề là của một phóng viên Bloomberg muốn lấy thông tin chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế bức thư điện tử này do một tay tin tặc có nguồn gốc Trung Cộng gửi đi, trong tập tin thư chứa đầy mã độc.
Bằng cách tấn công kiểu này và với từng nhà thầu, tin tặc Trung Cộng có thể lấy đủ thông tin về các hệ thống vũ khí Mỹ dù không ăn cắp được bản vẽ hoàn chỉnh. Chuyên gia James Harris, cựu đặc vụ tội phạm mạng của FBI, cho biết DOD hay NSA chỉ bảo vệ bản vẽ hoàn chỉnh, còn các nhà thầu nắm từng phần của bản vẽ.
Chuyên gia Christopher Ling, phó chủ tịch Hãng an ninh tình báo Booz Allen Hamilton, cho biết Trung Cộng là nước “tích cực nhất” trong việc đánh cắp thông tin quốc phòng, công nghệ và kinh tế trên không gian ảo. “Đây là một chủ trương mang tầm quốc gia của Trung Cộng” - ông nhấn mạnh. Theo ông, không phải bây giờ mà từ năm 2011 Văn phòng Phản gián quốc gia Mỹ đã lên tiếng báo động về “làn sóng tấn công mạng” xuất phát từ Trung Cộng.
Mô hình “phi tập trung”
Theo dõi và phân tích các vụ tấn công mạng của tin tặc Trung Cộng trong hai năm qua, Mandiant cho rằng tin tặc Trung Cộng đã sử dụng mô hình “phi tập trung” để tấn công hệ thống mạng của Mỹ. Mandiant phát hiện 20 nhóm tin tặc khác nhau, có quy mô từ vài chục đến vài ngàn người.
Các nhóm này nhận chỉ thị tấn công từng mục tiêu cụ thể, nhưng “có những trường hợp sáu hoặc bảy nhóm tin tặc Trung Cộng cùng tấn công một mục tiêu”, như xác nhận của chuyên gia Richard Bejtlich, giám đốc an ninh của Mandiant.
Cũng theo chuyên gia Bejtlich, tin tặc Trung Cộng có thể che giấu tung tích trong nhiều tháng sau mỗi vụ tấn công. Một tin tặc có thể đánh cắp tài khoản và mật khẩu của một nhân viên làm cho nhà thầu quân sự Mỹ, dùng tài khoản và mật khẩu này để xâm nhập hệ thống mạng của công ty.
Hắn sẽ tung hỏa mù che giấu đường đi của mình qua một máy vi tính “thây ma” (đã bị xâm nhập và bị điều khiển) tại nhà của nhân viên này. Khi đó, các bằng chứng trên mạng chỉ cho thấy vụ tấn công xuất phát từ nhà nhân viên đó. Ngoài ra, tin tặc cũng chỉ cần dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay xâm nhập hệ thống Internet không dây (wifi) từ một quán cà phê Internet để xâm nhập hệ thống mạng của công ty mục tiêu.
>> Nhọc nhằn 'săn' visa đi Mỹ
>> Ấn Độ: nắng nóng, hơn 500 người chết
>> Phụ nữ treo cổ tự tử, máy bay hạ cánh khẩn


Tin liên quan

  • Tin tặc Trung Cộng chiếm thông tin phản gián …
  • 'Tin tặc Trung Cộng nắm bí mật vũ khí của …
  • Tin tặc Trung Cộng “săn” tiêm kích tàng hình …
  • Trung Cộng chiếm đoạt hàng chục thiết kế …
  • Ăn gạo Trung Cộng, bạn có thể bị suy thậ …
  • Trung Cộng: nổ mỏ than, 27 công nhân thiệt …
  • Lamborghini Egoista - cảm hứng trực thăng …
  • Trung Cộng lập trạm nhận thông tin về biển …
  • 

    Thursday, May 30, 2013

    Chỉ một góc nhìn duy nhất

    Chỉ một góc nhìn duy nhất

    Tưởng Năng Tiến, RFA blog
    2013-05-29
    tdn-305.jpg
    Blogger Truơng Duy Nhất, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of Tienphong


    “Trước một thông tin, trước một tác phẩm, một bài viết, một cây bút, một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng chính phương cách truyền thông “tham chiến”, chứ không được phép dùng đến cái còng số 8, nòng súng và nhà giam”. -  Trương Duy Nhất

    Nghỉ báo viết blog

    Sau quyết định (“Nghỉ Báo Viết Blog”) của Trương Duy Nhất, có độc giả “bình” rằng đây là một “cáo phó” cho báo bổ thời bao cấp. Ông Mặc Lâm thì mô tả hành động này như là một phương cách “thoát khỏi vòng kim cô” của nhà báo nổi tiếng này.
    Trương Duy Nhất, nói nào ngay, không phải là người đầu tiên có quyết định ngon lành như thế. Hơn nửa thế kỷ trước, Nguyên Hồng còn tuyên bố một câu (ngon) hơn thế:
    - “Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa.”
    Ấy thế nhưng chả bao lâu sau, vẫn theo lời kể của Tô Hoài:
    “Hội Nhà văn Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. Ấy là việc dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế.
    Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào. Hai trăm cái xe lăn cả vào kho Bộ Thương nghiệp.” (Tô Hoài. Cát Bụi Chân Ai. Wesminster, CA: Hồng Lĩnh, 1993.)
    Tôi nghe nói, Bộ Thương Nghiệp, vào thời điểm vàng son của nó, quản  luôn cả đến cây kim và sợi chỉ nữa cơ. Nhờ thế, nhà nước cột chặt được tất cả mọi người, không xót một ai.  Muốn “đéo chơi” (với chúng nó) nữa cũng chả phải là chuyện dễ dàng gì.
    Cái thời hoàng kim (thổ tả) đó, của chúng nó, may quá, đã qua. Bây giờ, cả ông hai ông Hữu Thỉnh và Đinh Thế Huynh dù có tam cố thảo lư, và khiêng đủ “200 chiếc xe đạp Diamont mới cứng” đến tận nhà (chắc) cũng không cách chi thuyết phục được Trương Duy Nhất trở lại cái “Hợp Tác Xã Tư Tưởng” của nhà nước nữa.

    Nhất đã đi rồi

    “Hợp Tác Xã Tư Tưởng” là chữ dùng (riêng) của Trương Duy Nhất để mô tả những sinh hoạt có liên quan đến sách báo thời bao cấp. Cái thời mà blogger Đào Tuấn đặt tên, một cách (vô cùng) lãng mạn, là “Thời Đại Buông Rèm.” Tôi vốn sính Tây nên gọi cái thứ của nợ này là một loại ghetto, dành cho những người cầm viết, ở Việt Nam.
    Trong Thế Chiến Thứ II, ghettos được Đức Quốc Xã tạo nên (ở nhiều thành phố Đông Âu) để làm nơi tập trung người Do Thái. Với thời gian, hạn từ ghetto được phổ biến theo một nghĩa  rộng rãi hơn – để chỉ những nơi biệt cư, thường là nghèo nàn và chật hẹp, của một nhóm người (nào đó) trong lòng phố thị:Black Ghetto, Mexican Ghetto, Chinese Ghetto, Student Ghetto, Gay Ghetto...
    Từ hơn nửa thế kỷ qua, nhà đương cuộc Hà Nội cũng thiết lập một loại ghetto bẩn chật (tương tự) để làm nơi quần tụ cho những người cầm viết. Kẻ nào lỡ bước qua (hay bị đẩy ra) khỏi lằn ranh của cái ghetto văn hoá này là sẽ bị rơi ngay vào “bước đường cùng” – theo như (nguyên văn) lời của Bùi Ngọc Tấn:
    “Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mặc Lân, Lê Bầu. Nếu hạn hữu có in cũng không được ký tên hai người… không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt.
    Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…
    Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…
    Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:
    Chính Yên!
    Phan Kế Bảo!
    …..
    Phương Nam!
    Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời gian gấp ruổi“. Viết về bè bạn. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006.)
    Và đến “bước đường cùng” thì mới thấm thía hương vị của một tô phở, cho dù là phở quốc doanh. Nó có thể làm cho khách qua đường phải ứa nước miếng, và (đôi khi)… nước mắt:
    “Ngày ấy từ quê ra đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở. Nhưng khi lục túi chỉ còn ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt, nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở.” (Bùi Ngọc Tấn. Vũ trụ không cùng. Fall Church,Virginia: Tiếng Quê Hương, 2007).
    Ở trong vòng ghetto, tuy bẩn chật nhưng được cái an toàn. Nó an toàn đến độ khiến không ít kẻ sinh tật múa gậy vườn hoang – theo như lời than phiền của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, về một cây viết và một tờ báo tăm tiếng (và tai tiếng) nhất hiện nay:
    “Vì sao Nguyễn Như Phong và báo An Ninh Thế Giới dám tự tung tự tác, ngang nhiên hoành hành, đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người như vậy? “
    An Ninh Thế Giới không phải là tờ báo duy nhất chuyên ngậm máu (hay ngậm cứt) phun ngườinhư thế. Ngày 31 tháng 10 năm 2009, qua một bài báo (“Bán dâu - Hủ tục man rợ vẫn hoành hành”) tờ Tiền Phong cũng đã ngang hiên xỉ nhục người dân ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, về điều mà họ mô tả là “tập tục vô luân” nơi địa phương này: ”Thích thì bỏ tiền cưới vợ, khi ‘bực mình’ thì rao bán cả vợ cả con, bố mẹ chồng cũng có quyền bán con dâu và cháu nội…”
    Một tuần sau, cũng báo Tiền Phong, số ra ngày 8 tháng 11, đăng lời “xin lỗi nhân dân và chính quyền xã Phong Dụ cùng bạn đọc...” vì “tác giả bài báo đã xào xáo và không hiểu biết gì về tập tụcvà đời sống bà con đồngbào dân tộc, thêm thắt, thổi phồng sự việc...”
    Xin lỗi quấy quá, cho có lệ vậy thôi, chứ “đổi trắng thay đen” hay “thêm thắt, thổi phồng sự việc” để phỉ báng thiên hạ – đối với những người cầm viết trong ghetto Việt Nam – chỉ là chuyện nhỏ, không đáng để họ phải bận tâm. Họ còn được dung túng để thay mặt cho cả ngành tư pháp của xứ sở này kết án hết người này, đến người nọ về tội danh này hay tội danh khác nữa cơ.
    Qua một cuộc phỏng vấn, do Lê Thị Thái Hoà thực hiện, đọc được ở Thanh Niên Online vào ngày 30 tháng 4 năm 2008, nhà văn Trần Đăng Khoa cho biết:
    ”Tôi nói thật, chưa bao giờ tôi viết có xúc cảm hết. Thời trẻ con cũng thế và sau này cũng vậy. Thấy cần viết là tôi viết. Họ đặt ký tôi viết về người này người kia thì tôi viết. Thế là có tập Chân dung và Đối thoại đấy. »
    “Thế ... đấy” nhưng tập Chân Dung Và Đối Thoại vẫn được tái bản đều đều. Lý do: ghetto chữ nghĩa ở VN là một loại công ty độc quyền, không có đối thủ, miễn có cạnh tranh, và thường kín như bưng. Bởi vậy, khi Trần Đăng Khoa hé mở cho chút xíu ánh sáng (sự thật) soi rọi vào một vài mảng tối thui ở đất nước này là tác phẩm của ông liền được đón chào nhiệt liệt.
    Dù thế, chỉ hơn một năm sau, qua một cuộc phỏng vấn khác – đọc được vào hôm 13 tháng 7 năm 2009, do Hồng Thanh Quang thực hiện – Trần Đăng Khoa đã nói khác ngay. Ông không đề cập đến chuyện “viết không cần cảm xúc” hay “viết theo đơn đặt” nữa. Thay vào đó, ông nêu lên“thiên chức của nhà văn” bằng những lời lẽ hết sức trang trọng và cảm động:
    “Bởi vì ở Phương Đông cũng như ở Việt Nam, văn chương đích thực, phải tải Đạo, như cụ Đồ Chiểu nói: Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm. Vì thế, trong con mắt của xã hội, nhà văn là cao quí, là đại diện cho giá trị đạo đức và văn hoá xã hội.”
    Cảm ơn Trần Đăng Khoa, và cảm ơn Trời. Thế thời, rõ ràng, đã đổi. Và đổi nhanh ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Mới bữa nào người dân Việt còn thi thoảng uống cà phê chui, nay thì họ ngồi đầy những tiệm cà phê internet.
    Cái phương tiện truyền thông (tân kỳ) này đã làm cho quả địa cầu nhỏ lại. Nhân loại nhích lại gần nhau hơn. Việt Nam không còn là một nơi biệt cư, dành riêng cho một dân tộc hoàn toàn mù thông tin, như trước nữa. Bây giờ mà vẫn cứ “viết theo đơn đặt hàng” thì rách việc như không. Và điều này thì Trương Duy Nhất biết rõ hơn rất nhiều người.
    Cuối bài “Viện Sĩ Tự Sướng” (viết ngày 4 tháng 2 năm 2011) ông cho biết: “Tôi post bài này lên lúc 14 giờ 57, xong đi một vòng chúc Tết. Chưa đầy 2 tiếng sau về mở lại thì thấy báo Nhân Dân đã tháo bài này xuống khỏi trang Nhân Dân điện tử.”
    Trước đó không lâu, báo Pháp Luật cũng bị một tai nạn tương tự vì bài báo “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Xuất Sắc Nhất Châu Á” của ông hay bà Phượng Lê nào đó. Nó cũng được “tháo xuống” tức thì.
    Hệ thống truyền thông quốc doanh, rõ ràng, không còn là nơi để có thể múa gậy vườn hoang (như xưa) nữa. Dù nấp dưới bút danh nào, và trong ngõ ngách nào chăng nữa, hễ cứ nói bậy hay nói láo là bị chúng “vả” vào mồm – khiến mặt mũi sưng vù – ngay tức khắc.
    Cái ghetto chữ nghĩa Việt Nam bây giờ, ví von mà nói, là một con thuyền lủng. Nó sắp đắm đến nơi. Bởi thế, khi Trương Duy Nhất tuyên bố “bỏ thuyền” thì ai cũng lấy làm mừng. Đây là một tin vui. Một người ngay thoát nạn!

    Nhất đã đi rồi!

    Tưởng là đi đâu, ai dè ổng đi... vô hộp, theo như tin loan của Thanh Niên On Line, đọc được vào hôm 26 tháng 5 năm 2013:
    “Bộ Công an vừa tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (49 tuổi, ngụ tại TP.Đà Nẵng) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.”
    Nguyên Hồng, rõ ràng, vẫn may mắn hơn Trương Duy Nhất. Thời của ông nhà văn ở miền Bắc Việt Nam ngày trước – nói nào ngay –cửa tù không mở rộng (hết cỡ) như thời của ông nhà báo hôm nay, trên toàn lãnh thổ. Bởi vậy, nhiều người cầm bút ở Việt Nam đã chọn cuộc sống trong ghetto (được lúc nào hay lúc đó) thay vì ở trong tù. Cái trước, khách quan mà xét, vẫn rộng rãi thoải mái hơn cái sau  nhiều lắm. Thiệt đúng là một xứ sở chỉ có một góc nhìn duy nhất!
    (Bài viết trích từ trang blog cá nhân của Tưởng Năng Tiến. Nội dung không phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do)

    BÀN QUA VỀ SỰ BẤT LƯƠNG



    BÀN QUA VỀ SỰ BẤT LƯƠNG



    Trần Mạnh Hảo

    Trên website “ Nhân dân” điện tử thứ hai ngày 20-5-2013 , tác giả : Lê Võ Hoài Ân viết về vụ án “Đinh Nguyên Kha & Nguyễn Phương Uyên chống nhà nước” của tòa án tỉnh Long An xử “tội yêu nước” rải truyền đơn chống bọn Trung Quốc xâm lược của hai thanh niên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên có tên  “Cổ vũ cho hành vi phạm pháp là hành động bất lương”, có đoạn viết như sau :
    Về Ðinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, mọi người lương thiện đều mong mỏi họ sẽ nhận thức sâu sắc về lỗi lầm, để nhận được sự khoan dung của pháp luật, từ đó phấn đấu trở thành công dân có ích. Khi còn thiếu bản lĩnh và sự chín chắn, sai lầm có thể xảy ra; nhưng xã hội luôn rộng lượng, sẵn sàng giúp họ về với con đường đúng. Vì thế cổ vũ, khuyến khích họ đi theo cái xấu và có hành vi phạm pháp là việc làm bất lương.”
    ( Trích bài : “Cổ vũ cho hành vi phạm pháp là hành động bất lương” của Lê Võ Hoài Ân – website “nhân dân” điện tử thứ hai ngày 20-5-2013)
    Việc báo chí lề trái (mà phải), lề phải (mà trái) bàn qua tán lại vụ tòa án tỉnh Long An kết án oan khiên, xử tội hai thanh niên kể trên nặng nề về “ tội yêu nước” mọi người đã tường tận, khỏi phải nhắc lại. Nay, chúng tôi chỉ bàn qua lời chửi bới của báo Nhân Dân với dư luận các blog tự do và dư luận toàn thế giới lên án vụ xử án tàn bạo, bất chấp công lý , xử theo luật rừng, luật phát xít, kết án tù năng nề hai thanh niên tốt đẹp chỉ vì họ yêu nước, rải truyền đơn chống bọn xâm lược Trung Quốc.
    Nay, chúng tôi chỉ muốn bàn qua với ông ( bà) Lê Võ Hoài Ân và báo “ Nhân Dân” về nội hàm của khái niệm “ bất lương”, xem ai, những ai là kẻ bất lương ?
    Trong cuốn từ điển : “ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ VỊ” của HUỲNH TỊNH PAULUS CỦA  (ấn bản 1895 -1896 tại Sài Gòn) do NXB Trẻ in lại 1998, vào trang 41, tìm mục “ bất”, không thấy có định nghĩa từ “ bất lương”, nhưng có từ “ bất nhơn” ( tương đương) thay thế như sau :
    -        “ Bất nhơn : không có nhơn đạo, không biết thương xót, cũng là tiếng than trách : “Thằng bất nhơn
    Trong cuốn “ Từ điển Việt Nam” do “Ban tu thư Khai Trí”, nhà sách Khai Trí 62- Lê Lợi Sài Gòn 1971 định  nghĩa từ “bất lương” trang 60  như sau :
    -        “Bất lương” : không lương thiện, gian
    Trong cuốn : “Từ  Điển tiếng Việt” của Văn Tân do NXB Khoa học xã hội  1994, định nghĩa từ “ Bất lương” trang 64 như sau :
    -        “ Bất lương” : trái với đạo đức : ăn ở bất lương
    Trong cuốn : “Đại từ điển tiếng Việt” NXB Văn hóa-Thông tin in năm 1999, trang 133, định nghĩa từ “ bất lương” như sau :
    Bất lương” : không có lương tâm, không lương thiện, kẻ bất lương, hành động bất lương, , nghề bất lương”.
    Như vậy, qua các cuốn từ điển trên, ta có thể tổng hợp lại nội hàm ngữ nghĩa từ “bất lương” như sau :
    “ BẤT LƯƠNG” :
    “Không có nhơn đạo, không biết thương xót, không lương thiện, gian, trái với đạo đức : ăn ở bất lương, không có lương tâm…”
    Từ ngữ nghĩa rốt ráo của từ “ bất lương” trên, chúng ta cùng xét các sự việc sau cho thật khách quan :
    -        Tòa án tỉnh Long An quy kết hai em : Kha và Uyên tội “ tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” là gian dối, vô đạo đức, thiếu lương thiện.
    -        Kha và Uyên trước tòa không nhận mình có tội chống nhà nước như tòa tuyên. Hai em chỉ nhận mình yêu nước, chống quân Trung Quốc xâm lược. Mà quân Trung Quốc xâm lược, cướp đảo, cướp biển, cướp đất của Việt Nam không phải là nhà nước Việt Nam.
    -        Kha và Uyên có nhận mình “ chống đảng cộng sản Việt Nam ”. Vả, trong hiến pháp hiện hành không thấy trang nào nói rằng “cấm việc chống đảng CSVN” cả.
    -        Tòa án Long An đánh tráo khái niệm : đồng nhất đảng CSVN là nhà nước VN là gian dối phi đạo đức.
    SOI VÀO ĐỊNH NGHĨA CỦA TỪ “BẤT LƯƠNG” TRÊN, TA CÓ THỂ KẾT LUẬN PHIÊN XỬ HAI EM KHA VÀ UYÊN CỦA TÒA ÁN TỈNH LONG AN LÀ MỘT PHIÊN TÒA BẤT LƯƠNG.
    Ông ( hay bà) Lê Võ Hoài Ân ca ngợi tòa án bất lương trên thì đích thị là kẻ bất lương rồi. Tờ báo đăng bài báo bất lương liệu có phải là tờ báo lương thiện ?
    Báo “Nhân Dân” thực chất là tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không phải tờ báo của Nhân Dân; vì Nhân Dân không đọc tờ báo này. Bằng chứng là hầu hết các sạp báo của Nhân Dân trên các con đường Sài Gòn không hề có bán tờ báo Nhân Dân. Mạo danh Nhân Dân để phục vụ đảng cầm quyền là lương thiện hay bất lương ?
    Nhân Dân có tham nhũng không ? – Không ! Chỉ chính quyền của đảng cầm quyền trên đất nước ta tham nhũng mà thôi. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước tham nhũng vào loại nhất thế giới. Hành vi tham nhũng của chính quyền Việt Nam là hành vi lương thiện hay bất lương thưa ông ( hay bà) Lê Võ Hoài Ân và thưa báo “ Nhân Dân” ?
    Việc các đảng cộng sản trên thế giới dùng bạo lực, dùng súng cướp chính quyền rồi nói dối lên rằng do dân bầu là việc làm lương thiện hay bất lương thưa các ông ?
    Việc các ông cầm quyền bằng bạo lực và độc tài, lại mạo danh là dân chủ là hành vi lương thiện hay bất lương đây ?
    Việc các ông lừa hàng tỉ người trên thế giới rằng phải quyết sống chết tìm ra thiên đường trên trái đất là chủ nghĩa cộng sản ( một chủ nghĩa ảo tưởng không có thật) rồi giết sạch ( hoặc bỏ tù) những người từ chối thiên đường lừa phỉnh đó của các ông, là lương thiện hay bất lương đây ?
    Việc các ông giết oan hàng vạn người yêu nước ( địa chủ yêu nước như bà Nguyễn Thị Năm” trong cải cách ruộng đất là hành vi lương thiện hay bất lương đây ?
    Việc các ông bắt giam bỏ tù hàng ngót trăm văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác trong phong trào “ nhân văn giai phẩm”, vu cho họ tội chống chế độ, chống đảng chống nhà nước ( theo đại tá công an Thái Kế Toại, người theo dõi hồ sơ vụ án oan khiên này của bộ công an khẳng định các văn nghệ sĩ trong nhóm“ nhân văn giai phẩm” chỉ là một nhóm người muốn thay đổi phương cách sáng tác, tuyệt nhiên không chống chế độ) là hanh vi lương thiện hay bất lương thưa các ông ?
    Việc các ông bắt giam bỏ tù hàng ngót trăm cán bộ cao cấp như ông Hoàng Minh Chính, sĩ quan cao cấp như tướng Lê Liêm…vu cho họ cái tội không có thật là  tội “xét lại” năm 1967 là hành vi lương thiện hay bất lương đây, thưa các ông ?
    Việc các ông đã bỏ hẳn chủ nghĩa xã hội năm 1986 bằng cách xây dựng chế độ tư bản ( kinh tế tự do đa thành phần- chủ nghĩa Marx nhìn chung là chủ thuyết kinh tế) sao vẫn nói dối nhân dân để xưng rằng chế độ các ông là chế độ xã hội chủ nghĩa, việc này là lương thiện hay bất lương thưa các ông ?
    Việc đảng của các ông đứng trên hiến pháp, đứng ngoài hiến pháp, tự các ông khẳng định mình có quyền tuyệt đối bằng điều 4 trong cái gọi là hiến pháp, mà vẫn cứ giả vờ bắt dân bầu cử ( đảng cử dân bầu), giả dối nói chế độ của các ông “ của dân, do dân, vì dân” là lương thiện hay bất lương đây ?
    Chúng tôi- kẻ viết bài này- có thể đặt ra hàng nghìn câu hỏi như trên với chế độ nói và làm ngược nhau của các ông; nay chỉ nêu ra bằng ấy câu hỏi nhãn tiền, mong ông ( hay bà?)  Lê Võ Hoài Ân và báo Nhân Dân trả lời chúng tôi công khai trên Internet,  rằng các ông có lương thiện hay không ? Nếu các ông im lặng, lờ đi theo kiểu “ Việt Minh làm thinh đồng ý” thì coi như các ông đã tự chứng tỏ mình và quan thầy của mình không có chính nghĩa, không lương thiện. Cám ơn các ông .,.

    Sài Gòn ngày 25-5-2013
    Trần Mạnh Hảo