Thursday, July 3, 2014

Đặc sản khó quên đất Cần Thơ

Đặc sản khó quên đất Cần Thơ
 
 
 Sài Gòn là đô thị sầm uất nhất Việt Nam thì Cần Thơ là hòn ngọc sáng miền Tây tổ quốc. Cần Thơ gạo trắng nước trong, miền sông nước mênh mang có biết bao đặc sản ngon đang chờ bạn khám phá.            
1. Nem nướng Cái Răng
Mỗi vùng đất tạo cho món ăn của mình một sắc màu hương vị riêng. Nem nướng vùng nào cũng có nhưng nem nướng vùng Cái Răng vẫn luôn là đặc sản đáng tự hào của người Cần Thơ mà bất kì thực khách nào cũng muốn tìm ăn cho thỏa nỗi hả hê.


Nem nướng Cái Răng làm từ thịt lợn tươi quết dẻo, vo tròn, nướng trên than hồng. Viên nem vàng óng, mướt mát cuốn kèm bánh tráng, rau thơm, chuối chát, khế chua, dưa leo lại càng thấm vị thơm ngon. Nem chấm với tương xay thơm ngọt, thêm chút đậu phộng bùi béo tạo hương vị mê mẩn, khó quên./

2. Bánh tét lá cẩm

Bánh tét lá cẩm có màu tím nõn nà đẹp mắt, là thứ bánh tét sáng tạo của riêng đất Cần thơ. Lá cẩm nấu lấy nước xào nếp với cốt dừa tạo lớp vỏ ngậy thơm cho bánh tét, phần nhân bên trong làm từ thịt, trứng vịt muối thay thịt heo như thông thường. Bánh tét có vị ngọt thơm của gạo nếp, cốt dừa, vị mằn mặn của trứng muối, béo bùi của đậu xanh, thêm màu tím ngon mắt của lá cẩm mang tới hương vị quyến rũ chẳng nơi nào sánh được.
3. Hủ tiếu khô Sa Đéc


Trái với hủ tiếu nước thông thường, hủ tiếu Sa Đéc ở Cần Thơ được bày trong đĩa, ăn khô. Những cọng hủ tiếu tươi to, trắng ngà bày lên đĩa, bên trên là tim, gan, thịt heo thái. Thêm chút hẹ, xà lách tươi xắt nhuyễn và hành phi càng tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là nước sốt màu vàng đậm rưới trên cùng đĩa hủ tiếu. Đó là bí quyết làm nên vị khác lạ, ngon lành khi ăn. Để người ăn không cảm thấy khô, đĩa hủ tiếu được phục vụ kèm chén nước dùng nếu khách thích.

4. Chuối nếp nướng

Nếu ở Sài Gòn, trái chuối nếp thon dài, Mỹ Tho thì trái to bự ăn một quả là căng bụng, còn ở Cần Thơ, trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không mập. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn. Không sơn hào hải vị, chỉ là thú ăn chơi, nhưng ăn một lần là ghiền luôn món chuối nướng thơm thảo mùi ruộng đồng dân dã.
5. Bánh tằm bì

Ai đã lớn lên ở vùng sông nước Cửu Long mà chưa từng thưởng thức qua món Bánh Tầm thật quả thiếu sót lớn. Hương vị bánh tầm bì ở Cần Thơ rất đặc biệt: bánh được hấp trong cái xững trên bếp than, nên luôn nóng hổi. Những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon. Còn nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt. Cái vị béo của nước cốt dừa luôn hoà quyện vào những sợi bánh tầm trắng phau đi cùng rau, giá, dưa chua. Cho dù đi nơi đâu, hay là người Cần Thơ xa quê hương sẽ luôn nhớ về hương vị ấy.

6. Lẩu mắm

Sẽ là một thiếu sót nếu đến miệt vườn sông nước Cần Thơ mà quên thưởng thức món ăn đặc trưng nơi đây - món lẩu mắm. Mắm là hương vị chính của nồi lẩu, nhưng nguyên liệu nấu lẩu mắm không thể thiếu thịt cá tươi hay vị cay của sả, ớt, tỏi băm nhỏ cùng các loại rau miệt vườn như bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh…. Vị ngọt đậm đà từ thịt của các loại cá tươi, vị cay cay dậy lên mùi thơm của sả, của ớt, của tỏi quyện cùng mùi thơm đặc trưng của mắm, thực khách sẽ chẳng thể nào quên món ăn dân dã của vùng đất phương nam này.

7. Ốc nướng tiêu


Ốc được luộc sơ cho rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào đĩa lót rau răm thơm phức. Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc cũng rất tuyệt. Hoặc ốc được nướng tươi sống trong lúc nướng cho nước mắm, lại có vị chua cay gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ thì mùi thơm của nó càng hấp dẫn hơn, khi ăn rất giòn.
7. Bánh cống

Bánh cống là thứ bánh dân dã, đã rẻ lại ngon, ai đã ăn một lần không dễ quên. Người Cần Thơ xem bánh cống là thứ quà vặt nên chỉ để ăn vào buổi chiều hay tối, từ khoảng bốn năm giờ trở đi.Bánh cống (bánh cóng) có hình ống thấp, hoặc tròn hơi phồng. Bánh chiên giòn bên ngoài, bên trong mềm xốp; được ăn cùng các loại rau sống và nước mắm chua cay. Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế…

No comments:

Post a Comment