'Tiên sư thằng ăn trộm!'
Ai bị mất trộm cũng buốt ruột, đau khổ. Thường khi đã bị mất trộm rồi người dân vẫn an ủi nhau rằng “của đi thay người”. Còn bị trộm mà mất đến tiền tỉ, vàng vài trăm lượng, đô tính bằng đơn vị chục ngàn thì ôi thôi, cũng đành… “tiên sư thằng ăn trộm” vậy!
"Siêu trộm" Đặng Ngọc Tân từng gây rúng động dư luận Đà Nẵng trong suốt một thời gian dài - Ảnh: Nguyễn Tú |
Xem HBO hay STAR Movie, những kênh truyền hình chiếu phim truyện nổi tiếng trên thế giới, thỉnh thoảng người xem phải “há hốc mồm” kinh ngạc khi thưởng thức những kiệt tác, siêu phẩm về “nghề ăn trộm”. Qua hiệu ứng của công nghệ điện ảnh, sự sáng tạo, sắp đặt độc đáo hấp dẫn của những nhà làm phim, nhà viết kịch bản cùng với diễn xuất tài tình của các minh tinh… đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và trong phút chốc những tên đạo chích kia bỗng hóa thành “siêu nhân” trên màn hình tivi, không ít người xem phải thốt lên rằng:
- Sao “chúng nó” giỏi thế?
- Tiên sư “chúng nó”, ai dám bảo ăn trộm là một nghề hạ đẳng?
- Tiên sư “chúng nó”, ai dám bảo ăn trộm là một nghề hạ đẳng?
Cho dù phim ảnh có hư cấu bao nhiêu đi nữa thì ít nhiều cũng dựa vào những sự việc, cốt chuyện đời thường. Với văn hóa Việt Nam, đạo chích bị liệt vào một trong những việc làm xấu xa nhất (làm đĩ, trộm cướp), bị cả xã hội lên án và khinh bỉ. Tuy nhiên, ngay từ xưa, lại có những kẻ trộm được dân nghèo ca tụng bởi hành vi trộm cắp của những người này lại gắn liền với hành động nghĩa hiệp và ‘giải tỏa’ bớt về mặt tinh thần mâu thuẫn xã hội: Lấy trộm của người giàu chia cho người nghèo. Hoặc đơn thuần chỉ khoét vách những nhà giàu có, hay tham quan ô lại. Và đã có những tên trộm kiểu như thế được gọi là siêu trộm.
Ngày nay thì sao? Nhiều vụ trộm xảy ra được thông tin trên báo chí vẫn khiến nhiều độc giả phải vỗ đùi đen đét mà kêu lên: “Tiên sư thằng ăn trộm!”.
Tháng 6.2013, Tòa án Nhân dân TP.Đà Nẵng tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Đặng Ngọc Tân, một “siêu trộm” với những vụ “làm quả” gây rúng động dư luận Đà Nẵng trong suốt một thời gian dài, khiến các lực lượng chức năng tổn công hao sức. Theo cáo trạng, trong số 36 vụ trộm trót lọt của y cùng đồng bọn, số đồ lấy cắp được bao gồm 2.908,6 chỉ vàng, 1,795 tỉ đồng, 23.250 USD cùng một số thiết bị điện tử khác… tổng trị giá gần 10,4 tỉ đồng.
Gọi y là một “siêu trộm” quả là không oan, bởi cách “hành nghề” của y có nhiều đặc điểm khác thường. Đặng Ngọc Tân hầu như chỉ chọn đột nhập nhà những đại gia, quan chức… lắm tiền nhiều của. Thời gian y chưa bị tóm, không ít người được gọi là đại gia, quan chức ở thành phổ biển miền Trung này lo lắng hoang mang. Khoác chiếc vợt đi “chơi tenis”, lúc thì ô tô với biển số có đuôi 007, lúc thì siêu mô tô phân khối lớn… nhưng thực chất là để Tân thám thính, dò la, quan sát và cuối cùng là… đi ăn trộm.
Đặc biệt hơn, y còn có một “giai thoại” để đời mà đại tá Trần Mưu, Trưởng phòng PC45, Công an Đà Nẵng cho báo chí biết: “Ngay sau khi bị bắt, cơ quan CSĐT lấy lời khai, "siêu trộm" Đặng Ngọc Tân có ước nguyện muốn gặp tôi để xin lỗi sau đó mới khai. Khi gặp tôi, Tân xin lỗi và nói: Nếu anh không bắt nhanh thì nhà tiếp theo tôi đột nhập ăn trộm là… nhà anh”.
Phiên tòa xử Đặng Ngọc Tân và đồng bọn thu hút sự quan tâm của dư luận, rất nhiều người hiếu kỳ đến dự phiên tòa, nhưng lại thiếu vắng gần một nửa những người bị hại, đa số là gia đình có người nhà là quan chức…
Với mức lương như hiện nay, không ít công chức, quan chức than thở là “mức lương chết đói”. Thế nhưng, khi các vị “công bộc” của dân bị mất trộm, người ta mới té ngửa rằng các vị đâu có sống bằng “đồng lương chết đói” đó. Những giá trị tài sản bị mất của các vị đó không thể suy luận căn cứ đơn thuần bằng lương được.
Mới đây, ngày 08.08.2014, lại một vụ trộm gây sự chú ý rất lớn cho dư luận, ông Đào Duy Kiệt (giám đốc Sở TNMT TPHCM) bị mất trộm 1 tỉ đồng và 30 nghìn USD ngay tại trụ sở cơ quan. Ông Kiệt khai báo với cơ quan chức năng đây là số tiền do ông tích cóp lâu năm mới có được. Mong rằng cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra thủ phạm, đem lại sự công bằng cho ông giám đốc kém may mắn kia.
Một đất nước mà “trộm cắp như rươi” là một đất nước bất an. Và dù là thời đại nào thì ăn trộm vẫn là hành vi bị lên án, cần loại bỏ. Dù bất bình trong xã hội vẫn còn, nhưng ở một xã hội văn minh, hiện đại, chúng ta vẫn phải sống và làm việc theo pháp luật. Chúng ta nên tin và cần phải tin rằng pháp luật nhà nước sẽ không dung tha những kẻ mượn danh nhà nước hay vi phạm pháp luật để đục khoét tư lợi, làm giàu bất chính.
Ai bị mất trộm cũng buốt ruột, đau khổ. Thường khi đã bị mất trộm rồi, người dân vẫn an ủi nhau rằng “của đi thay người”. Còn bị trộm mà mất đến tiền tỉ, vàng vài trăm lượng, đô tính bằng đơn vị chục ngàn… thì ôi thôi, cũng đành… “tiên sư thằng ăn trộm” vậy!
Minh Phước (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.Đà Nẵng
No comments:
Post a Comment