Trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta có một số danh xưng để chỉ Biển Đông, miền biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đó là Biển Đông, Biển Trung Hoa, Biển Nam Trung Hoa và gần đây Biển Đông Nam Á hay bằng Hán Việt là Biển Nam Hải hay vắn tắt hơn, Nam Hải. Các danh xưng này đã được sử dụng và trở thành quen thuộc qua các bài học về địa lý kể từ khi chương trình Trung và Tiểu Học Việt Nam được Việt hóa, rõ hơn là từ thời Chính Phủ Trần Trọng Kim qua Chương Trình Hoàng Xuân Hãn, vị Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Mỹ Thuật đương thời. Trước đó là Chương Trình Pháp Việt dạy bằng tiếng Pháp. Vì được chuyển từ tiếng Pháp sang và vì thời đó chưa có các cuộc tranh chấp về các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng và ở Biển Đông nói chung nên danh xưng Biển Trung Hoa, dịch từ tiếng Pháp Mer de Chine đã được sử dụng. Sau này khi tiếng Anh được dùng nhiều, ta lại có thêm danh xưng Biển Nam Trung Hoa, South China Sea, mà người ta cho là dịch từ danh xưng Nam Hải mà ra. Ở đây tôi không bàn về các danh xưng khác mà chỉ bàn về danh xưng Nam Hải và danh xưng Biển Nam Trung Hoa hay Mer de Chine hay South China Sea mà thôi.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao từ Nam Hải, danh xưng này lại trở thành Biển Trung Hoa, Mer de Chine hay Biển Nam Trung Hoa và South China Sea? Nam Hải chỉ có nghĩa là Biển Nam mà thôi, làm gì có hai chữ Trung Hoa?
Nam Hải chỉ có nghĩa là Biển Nam để phân biệt với Biển Bắc và rộng ra là Miền Nam với Miền Bắc, Nam Quốc với Bắc Quốc mà thôi
Điều này quá rõ ràng ai cũng nhận thấy. Rõ ràng không phải là theo nghĩa từng chữ mà còn theo lối nói chung của người Việt. Nam là một phương trong đông, tây, nam, bắc trong không gian sống của con người lấy chính mình làm mốc. Có Biển Nam là phải có Biển Bắc hay các biển khác. Những câu ca dao sau đây cho ta thấy điều đó:
Tìm em như thể tìm chim,
Chim ăn Biển Bắc đi tìm Biển Đông
Tìm Biển Đông, tây đông chim nhạn.
Anh tìm biển cạn, thấy đàn chim bay.
Tìm em bảy tám hôm nay,
Hôm qua là chín, hôm nay là mười.
Rồi chuyện Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm đón sứ nước Tầu mà trước đây ai cũng biết. Ở đây người ta lại thấy có thêm Nam Bang, Nam Thổ, Bắc Quốc. Anh chàng sứ Tàu ở đây không hiểu hoặc cố tình làm nhục hay thách thức người dân Nam có mặt lúc đó, hoặc hôm trước ăn uống linh đình đã vô tình hay hữu ý “đánh bủm”. Tiếng kêu vang động đến tai mọi người. Để chữa thẹn hay nhục mạ, anh đọc một vế đối rất kiêu căng và rất đểu:
“Sấm động Nam Bang” có nghĩa là tiếng sẩm làm chuyển động nước Nam.
Ngay lập tức Trạng Quỳnh ra đứng trước mũi thuyền, đứng “tè” và đọc câu đối lại:
“Vũ qua Bắc Hải” có nghĩa là mưa qua Biển Bắc.
Đến lượt Đoàn Thị Điểm, có thể vì lịch sự, tránh cử chỉ thô lỗ, sứ Tầu chỉ đọc:
“An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” có nghĩa là một tấc đất An Nam cũng không có lấy một người cầy tri kỷ, ý muốn chê đàn bà Việt Nam thiếu trung thành.
Đoàn Thị Điểm đọc lại ngay: “Bắc Quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất” có nghĩa là các bậc đại trượng phu Bắc Quốc đều do đường ấy mà ra.
Ở đây người ta thấy An Nam chan chát đối với Bắc Quốc, An Nam đối đầu với Bắc Quốc.
Thuốc Bắc, thuốc Nam
Trong các địa hạt sinh hoạt bình thường khác, chẳng hạn như trong địa hạt y khoa, các cụ đã phân biệt thuốc Bắc với thuốc Nam. Thuốc Bắc là thuốc dùng những dược liệu nhập cảng từ nước Tầu, được người Tầu sao, tẩm, chế biến; còn thuốc Nam thì dùng các dược liệu, các cây cỏ có sẵn ở trong nước. Chưa hết, trong việc dùng phân bón, các cụ cũng phân biệt phân bắc và phân xanh. Phân bắc là phân người. Người ta trộn lẫn phân người với tro bếp để khử mùi hôi thay vì dùng phân sống tức phân nguyên chất. Ở thôn quê miền Bắc, nhà nào cũng có một nhà xí hay cầu tiêu đào sâu xuống đất để chứa tro và phân để bón ruộng như vậy. Còn ở thành phố thì người ta dùng thùng để dưới nhà xí và có người chuyên đi thu góp gọi là “đổ thùng”. Phân Bắc quý hơn phân xanh tức phân thảo mộc hay thú vật. Ở Miền Bắc có nhiều làng chuyên nghề thu nhặt phân người rải rác khắp các đồng ruộng hay ven bờ đê. Người đọc không hiểu nguồn gốc của chữ “bắc” ở đây do đâu mà ra, có phải do người Tầu dùng trước hay không nhưng đây là một sự kiện liên hệ tới chữ bắc trong tiếng Việt và văn hóa Việt.
Bắc Quốc, Nam Quốc, không có Trung Quốc
Trên đây tôi đã đưa ra cái nhìn của quảng đại quần chúng người Việt, theo đó Nam là đối nghịch với Bắc, không có Trung ở chỗ nào cả. Vượt lên trên, ở tầm mức quốc gia thì ngay ở thời Lý Thường Kiệt ý thức về sự hiện diện của một Nam Quốc, một Nước Nam, đã tồn tại: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư” để đến thời Nhà Trần với Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.”
Sau này với Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo ”Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác”. Có điều khi nói tới nước Tầu, Nguyễn Trãi đã dùng tên các triều đại khi ông viết: “Từ Đinh, Lê Lý Trần gây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.”
Tại sao vậy? Đó là vì trong lịch sử, nước Tầu đã không có quốc hiệu cho mãi đến Cách Mạng Tân Hợi 1911 mới có tên chính thức là Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc rồi sau này dưới chế độ Cộng Sản là Trung Quốc, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc hay chính thức hơn Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc. Trước đó người ta dùng tên của triều đại, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, thêm chữ Đại đằng trước. Trong khi đó ngay từ thời nhà Đinh, Đinh Tiên Hoàng đã đặt quốc hiệu cho nưóc ta là Đaị Cồ Việt, rồi tới thời Lý Nam Đế là Vạn Xuân… đến thời Nhà Nguyễn là Việt Nam hay Đại Việt Nam và Đại Nam.
Trở về với quá khứ xa hơn nữa, từ thời Đế Minh, Kinh Dương Vương và Họ Hồng Bàng, sự tồn tại của quan niệm hai nước Nam và Bắc cũng đã có. Câu truyện được các sách về lịch sử buổi đầu của dân tộc Việt Nam ghi lại đại khái như sau:
“Cháu ba đời Vua Thần Nông là Đế Minh đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh gặp Bà Vụ Tiên lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục là người có thánh đức nên được Đế Minh yêu quí lắm, muốn nhường ngôi cho nhưng Lộc Tục hết sức chối từ, xin nhường ngôi này cho anh mình là Đế Nghi. Đế Minh đành phải phong cho Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam
“Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Bà Âu Cơ con của Đế Lai, cháu của Đế Nghi, sinh ra một bọc trăm trứng, trứng nở thành một trăm người con trai …”
Ý thức ngang hàng
Nói tóm lại, ý thức coi mình ngang hàng với người Tầu của người Việt đã có từ rất sớm. Người Việt tự coi mình là Người Nam, nước mình là Nước Nam là Nam Quốc còn người Tầu là Người Bắc, nước Tầu là nước Bắc, là Bắc Quốc, không hề coi họ là người Trung Quốc và nước Tầu là Trung Quốc là nước nằm ở giữa và vẫn thích dùng các danh xưng người Tầu, nước Tầu, một danh xưng bình thường, không có gì là xấu, hơn là Trung Hoa hay Trung Quốc kể cả từ sau năm 1911 khi danh xưng Trung Hoa được chính thức sử dụng. Danh xưng Nam Hải cũng vậy không hề có nghĩa biển nam của một nước Trung Hoa nằm ở giữa, từ đó là biển của Trung Hoa là Mer de Chine. Cũng nên biết thêm là danh xưng Nam Hải này còn được hiểu là Nước Nam luôn. Người sử dụng Nam Hải để chỉ Nước Nam là Phan Kế Bình qua tác phẩm Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện của ông.
Tóm lại Nam Hải chỉ có nghĩa là Biển Nam, hay Biển của Nước Nam mà thôi. Tuy nhiên đây không phải là ý chính của người viết. Ý chính của người viết trong bài này là quan niệm về hai nước đã song hành tồn tại từ đầu ở Đông Á là Bắc Quốc và Nam Quốc chứ không phải là một nước An Nam đối kháng với một một nước Trung Quốc văn minh và hùng mạnh hơn nằm ở giữa.
Chính với quan niệm này mà tổ tiên chúng ta đã dựng nước và giữ nước từ nhiều ngàn năm trước và chúng ta vẫn tiếp nối công trình này. Cũng chính vì quan niệm này mà người Tầu không thể chấp nhận người Việt và luôn tìm cách đồng hóa và tiêu diệt.
Vấn đề được đặt ra là sang thiên niên kỷ thứ ba này liệu chúng ta còn có thể tiếp tục giữ vững được quan niệm này nữa hay không?
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả. Ông Phạm Cao Dương lấy bằng tiến sĩ sử học ở Đại học Paris, và dạy ở nhiều đại học tại Sài Gòn trước 1975. Sau khi sang Mỹ, ông dạy về lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam ở một số trường tại Nam California trước khi về hưu.
No comments:
Post a Comment