Wednesday, March 25, 2015

Nhận diện đao phủ bức tử Việt Nam

Nhận diện đao phủ bức tử Việt Nam

Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội
2015-03-25    
          

“Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ.”-Albert Camus.

TC tuyên bố chủ quyền ở VN

Hiện vẫn còn một nước tên là Việt Nam nhưng cái tên chưa đủ để minh chứng rằng nước chưa mất. Việt Nam bây giờ cũng như một cây cổ thụ ngàn năm tuổi đang bị lưỡi cưa máy đốn hạ, lá trên cây dù chưa rụng hết nhưng dưới gốc thì thân gỗ đã bị xẻ làm muôn mảnh đem bán để ghép thành cái tràng kỷ kê chỗ ngồi cho nhiều nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đám người này đã sốt sắng dâng lên đám đầu lĩnh Trung Cộng bữa đại tiệc với món chính là máu thịt của đất nước Việt Nam.
Chi tiết quan trọng nhất khiến người ta nghi ngờ rằng VN đã mất chủ quyền lãnh thổ vào tay Trung Cộng đã thể hiện trong một sự kiện chấn động khiến thế giới sửng sốt và bất bình nhưng nhà cầm quyền VN thì im lặng chấp nhận.
Tại cuộc họp báo ngày 8/3/2015, ông Vương Nghị - Bộ trưởng ngoại giao Trung Cộng đã lớn tiếng tuyên bố với thế giới rằng việc Trung Cộng xây các đảo đá trên biển Đông là xây trên sân nhà của họ và chỉ trích kịch liệt những ai phản đối hành vi này của Trung Cộng. Và cái phần mà Trung Cộng khẳng định là „sân nhà“ ấy, lại đang là lãnh hải của VN có lịch sử từ lâu đời và đã được công ước quốc tế đương nhiên thừa nhận.
Tuyên bố trên của Trung Cộng gây bàng hoàng và phẫn nộ cho những người công tâm và am hiểu lịch sử vấn đề. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia khi trả lời phỏng vấn của RFI đã không che giấu sự bất bình: “Tôi vô cùng kinh ngạc khi đọc thấy ý kiến của Ngoại trưởng Trung Cộng đưa ra vài hôm trước ngày kỷ niệm 27 năm cuộc tấn công của Hải quân Trung Cộng vào tàu hậu cần Việt Nam ở khu vực quan Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) ngày 14/3/1988. Nhận xét của ông Vương Nghị vừa thô bạo, vừa ngạo mạn.”
Dù liên tục lấn chiếm VN từ biên giới đến biển đảo, nhưng đây là lần đầu tiên TQ dám ngang ngược tuyên bố biển Đông là sân nhà. Việc Trung Cộng xây dựng những chuỗi đảo nhân tạo trên lãnh hải VN rõ ràng là hành động xâm lược, là bàn đạp để Trung Cộng thôn tính VN.
Trước sự xâm lược trắng trợn đó, trách nhiệm tối thiểu của nhà cầm quyền VN là phải lập tức phản đối mạnh mẽ trước hết trên lĩnh lực ngoại giao, đồng thời vận dụng các lực lượng quân sự, chính trị , sức mạnh quốc tế để buộc Trung Cộng trả lại chủ quyền lãnh thổ.
Nhưng sự ngược đời đã xảy ra. Sau tuyên bố của Vương Nghị, đến tận hôm nay VN vẫn không lên tiếng phản đối. Càng lạ lùng hơn là cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao VN dự định tổ chức vào ngày 12/ 3/2015, ba ngày sau tuyên bố của Trung Cộng lại bị xóa bỏ.

Lộ trình đao phủ bức tử VN

Trước sự im lặng chấp nhận của VN, Trung Cộng đã nuốt trọn phần còn lại của con mồi. Phần đầu đã được tiêu hóa xong từ những năm trước đây, khi những nhà cầm quyền VN từ cấp địa phương tới Trung ương đã hăm hở giao đất rừng dọc biên giới mà hầu hết là những vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng cho Trung Cộng thuê và quản lý tới 50 năm theo phương thức người Trung Cộng tha hồ tung tác trong đó.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết trên báo Đất Việt ngày 18/6/2014 : Qua khảo sát ở một số nơi, đã thấy có 19 dự án được các địa phương cấp phép cho thuê tới khoảng 398.374 ha đất rừng dọc biên giới Việt - Trung, đặc biệt là những vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. (Trong khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ báo là 10 tỉnh).
Mức giá mà VN cho Trung Cộng thuê đất rừng biên giới rẻ mạt đến mức không tưởng tượng nổi: nhiều nơi Trung Cộng chỉ phải trả 2,75 đ cho mỗi mét vuông đất mỗi năm! (Theo đại biểu QH Trần Việt Hưng(Hòa Bình) – báo Thanh niên đưa tin ngày 12/6/2010)
Nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng thực sự các cấp chính quyền đã bán rừng và dồn đất nước VN vào tình trạng tự sát, khiến VN mất đi vùng lãnh thổ quan trọng nhất về quốc phòng an ninh.
Mặc dù vậy, cho đến nay không một ai phải chịu trách nhiệm về những hành vi có thể coi là bán nước và phản quốc này.
Cùng trên lộ trình các cấp chính quyền VN để ngỏ cửa cho những kẻ xâm lược VN, họ còn tạo điều kiện đặc biệt dễ dàng cho người Trung Cộng vào kinh doanh, sản xuất, trốn thuế, thuê đất trồng lúa, rau quả, thuê mặt nước nuôi tôm cá... lập những đặc khu Trung Cộng như ở Vũng Áng – Hà Tĩnh và nhiều nơi. Song song với những chính sách về chính trị, ngoại giao và quốc phòng, an ninh, những chính sách về kinh tế thương mại đã giết chết nền sản xuất của VN và biến VN thành thị trường tiêu thụ hàng rởm và hàng độc hại của Trung Cộng. Không những nền kinh tế chính trị và văn hóa của VN bị bức tử mà cả VN đang bị biến thành một bệnh viện khổng lồ trong đó chen chúc những người dân đang chết dần mòn vì hóa chất độc hại của Trung Cộng.
Trong tình thế ấy, thay vì bảo vệ đất nước và nhân dân, nhà cầm quyền VN đã liên tục dùng mọi lực lượng từ văn hóa tư tưởng, báo chí truyền thông tới công an và côn đồ để ngăn chặn, vu cáo, mạt sát, khủng bố, đánh đập, bỏ tù, bao vây về kinh tế, cắt cả nguồn sống của những ai dám bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ tự do dân chủ và phản đối Trung Cộng xâm lược. Đến các cuộc dâng hương tưởng niệm những người đã hy sinh trong những cuộc chiến bảo vệ đất nước chống Trung Cộng tàn sát cũng bị nhà cầm quyền cho các lực lượng công an, dân phòng, dư luận viên và côn đồ ngăn cản.
Với những hành động có hệ thống, nhất quán trong nhiều năm như vậy, dư luận có quyền nhận định rằng nhà cầm quyền VN đã có quyền lợi chung với đám đao phủ Trung Cộng đang bức tử đất nước VN.
Để dẹp tan dư luận, Bộ trưởng quốc phòng VN – lại có những hành động bất chấp sự thật, trách nhiệm và và lương tâm khi khẳng định rằng “quan hệ Việt Trung vẫn phát triển tốt đẹp” và coi việc xâm lược của Trung Cộng chỉ là “mâu thuẫn gia đình”. Hơn thế nữa, Ngày 31/12/2014, vị này còn lớn tiếng răn đe và kết tội rằng người VN ghét Trung Cộng là một việc nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước cũng như quan hệ giữa hai quốc gia. (theo tinphapluat.com)
Dù không muốn thừa nhận sự thật đau lòng, người VN cũng không thể không nhận thấy dù cái tên VN còn đó, nhưng hồn nước thì đã bị nhiều nhà cầm quyền cộng sản làm tay sai cho Trung Cộng giẫm đạp mỗi ngày. Tung hoành trên mảnh đất này là dòng máu phản trắc đớn hèn đã được tiêm vào động mạch của vô số nhân vật trong các bộ máy quyền lực. Đó thực sự là đám tay sai của Trung Cộng, núp dưới chiêu bài Đảng cộng sản VN, lấy chủ nghĩa Mác Lê nin và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa mà nhân loại đã lên án là tội ác chống lại loài người làm bức màn sắt che cho những tham vọng, quyền lợi nhóm, để chĩa họng súng độc tài vào người dân, biến VN thành một “nhà tù” khổng lồ đàn áp bất cứ ai dám phê phán, ngăn cản con đường bán nước của chúng.
Người VN trong tình thế đó, là những con gà bị trói chặt, dao đã kề cổ. Ai cam tâm im lặng, chịu đi nhặt cơm thừa canh cặn, tung hô khen ngợi đám tay sai bán nước, tiếp tay cho bọn xâm lược, hoặc tiếp tục vắt kiệt máu mỡ mình nuôi bộ máy cầm quyền phè phỡn trên xương máu nhân dân thì sẽ được tồn tại.
Nhưng thế có phải là cuộc sống con người?
Người VN đã tê dại. Đã lạc mất linh hồn, Đến mức số đông đã mặc kệ mọi sự, cam chịu dao kề cổ và trong khi đang kê chiếc cổ gầy dưới lưỡi dao đao phủ , người VN cũng tương tự nhà cầm quyền của họ, chỉ dám mơ tới một con dao đao phủ cùn hơn để cứa cổ mình lâu chết hơn, chứ không dám mơ tới việc phải làm gì để thoát khỏi lưỡi dao ấy. Không ít người do không am hiểu tình hình nên đã trở thành độc ác, đứng về phía đao phủ bức tử VN, a dua mạt sát những dân oan hoặc những đồng bào đã không quản nguy hiểm đấu tranh cho quyền lợi của đất nước và cho cả chính họ.

Mất nước là bởi nhà cầm quyền VN


000_Hkg9812263.jpg
Vùng đảo Gạc Ma nhìn từ trên cao, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.

Trung Cộng thực sự rất ngang ngược, tham lam và đã dùng nhiều thủ đoạn đối với loài người trên thế giới này. Không ngẫu nhiên khi có nhiều tài liệu khoa học thống kê, phân tích về những thủ đoạn thâm hiểm, tàn bạo của nhà cầm quyền cộng sản Trung Cộng và một trong những cuốn sách rất nổi tiếng đã được xuất bản mang tên “Chết bởi tay Trung Cộng” của hai giáo sư kinh tế học Perto Navarro và Greg Autr đã cảnh báo loài người về những tham vọng và hiểm họa mà Trung Cộng mang tới để các nước đối phó.
VN “đã chết bởi tay Trung Cộng”! Nhưng khốn khổ khốn nạn ở đây là cái chết do VN tự chuốc lấy. Chết chỉ vì nhà cầm quyền cộng sản đã bằng mọi giá, thà hy sinh lãnh thổ, danh dự, đất nước, nhân dân chứ không chịu mất Đảng, mất thể chế cộng sản.
Họ yêu Đảng, yêu Mác Lê nin, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đến thế kia ư?
Hoàn toàn không. Ở trong bộ máy, họ biết quá nhiều hành vi bỉ ổi độc ác của nhau và của thứ chủ nghĩa này. Họ gắn bó chẳng qua thể chế ấy, chủ nghĩa ấy là một cỗ xe bọc thép mang vũ khí hạng nặng bảo vệ hữu hiệu nhất cho băng cướp tham nhũng tha hồ lừa bịp và cướp bóc người dân. Thế giới đã chứng minh cỗ xe cộng sản càng lăn đi càng chất chồng tội ác. Sự sợ hãi bị mất tất cả đã khiến nhà cầm quyền gắn với thể chế cộng sản như mạng sống. Họ đã lựa chọn con đường hy sinh đất nước và nhân dân để giữ chế độ độc tài nhằm bảo vệ cho giai cấp thống trị tha hồ cướp bóc.
Đó cũng là điều mà Trung Cộng đã rất khôn ngoan tận dụng để thao túng đám cướp bóc này. Đám này còn rất sốt sắng thực hiện mưu đồ nhập VN vào Trung Cộng trong năm 2020 theo như cam kết của Hội nghị Thành Đô 1990. Tham vọng vĩ cuồng mang hơi hướng Mao Trạch Đông của Tập Cận Bình cộng với và sự nôn nóng muốn rảnh tay nên giao đất sớm cho Trung Cộng của đám bán nước VN, nay đã về đích trước 5 năm so với kế hoạch?!
Albert Camus nói: “Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ”. Khi nhà cầm quyền hoặc người VN đứng về phía đao phủ , thì chính họ đang hái quả trên ngọn cây nhưng lại dùng lưỡi cưa xẻ nát thân cây đã dung dưỡng họ.
Xét những động thái khác thường qua tuyên bố của Trung Cộng và sự im lặng chấp nhận của VN, dư luận không thể không nhận ra VN đã nằm gọn trong cái mõm tham lam của TQ. Cánh tay của nước Mỹ dù mạnh nhưng đã bị khước từ bởi chính nhà cầm quyền VN không những chỉ đứng về phía đao phủ mà còn là tay trong cho đao phủ. Nước Mỹ và khối các nước văn minh hiện giờ chỉ còn chứng kiến những cú đong đưa cầu lợi của VN đang được điều khiển bởi đầu não Trung Cộng mà thôi.
Nhưng chính Trung Cộng cũng đang phải đối diện với nguy cơ sụp đổ trong tương lai gần bởi chính những khối ung thư nội bộ của họ. Sự phát triển nôn nóng bất chấp danh dự và thủ đoạn của nền kinh tế Trung Cộng đương nhiên sẽ mau chóng phá vỡ cái vỏ chật chội lạc hậu của thể chế chính trị phi tự nhiên theo ý thức hệ cộng sản đã bị loài người tẩy chay. Việc cộng dồn những tội ác chống lại loài người mà nhiều thế hệ nhà cầm quyền Trung Cộng đã làm với người dân của họ và thế giới cũng sẽ đến ngày “tức nước vỡ bờ”, chưa kể những chấn động mạnh mẽ của cuộc tranh giành quyền lực phe nhóm đang diễn ra dưới vỏ bọc “đả hổ diệt ruồi” tại Trung Cộng.
Sự sụp đổ ấy đương nhiên sẽ kéo theo sự tan vỡ bi thảm trong một ngày không xa của thể chế cộng sản VN đã tự nguyện nộp mình vào tay Trung Cộng thay vì thức thời đón nhận những cơ hội của Cách mạng Nhung VN, tự cải cách thể chế, đồng hành với quyền lợi của toàn dân tộc.
Và dẫu nước VN có mất về tay Trung Cộng, những người gắng gỏi vì đất nước và người dân VN không tuyệt vọng. Cuộc đấu tranh đòi thoát khỏi thể chế cộng sản để cứu nước, đem lai toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, tự do và nhân quyền cho người VN dù khó khăn nhưng là một cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ. Nhà cầm quyền không bao giờ có thể tiêu diệt hết được những người yêu nước yêu công lý và yêu tự do.
Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

Nhà giàu Trung Cộng học làm người sang

Nhà giàu Trung Cộng học làm người sang

  • 25 tháng 3 2015
Thí sinh Hoa hậu Trung Cộng 2014 học cách ứng xử từ giáo viên trường Seatton (Ảnh Darcy Holdorf)

Năm người phụ nữ Trung Cộng ngồi thẳng lưng trên ghế, túi xách tay hàng hiệu để ở dưới chân, tập trung lắng nghe một phóng viên ảnh của tạp chí Tatler của Trung Cộng giảng về cách tạo dáng như thế nào ở nơi công cộng. Anh đang nói về cách trang điểm, ánh sáng....
Căn phòng được trang trí giấy dán tường Pierre Frey và các học viên nhâm nhi trà pha trong bộ ấm chén Bernardaud. Tay cầm sổ, họ đang ghi chép những điều nên và tránh làm trước ống kính máy ảnh.
Khóa học “Cách tạo dáng thanh lịch trước ống kính” là một trong những lớp của Viện Sarita, một mô hình hiện đại của trường nghi thức xã giao châu Âu cung cấp dịch vụ cho người mới giàu Trung Cộng.
Những lớp khác do trường thực hiện là ở quận Sanlitun hiện đại của Bắc Kinh, gồm các lớp dạy dỗ trẻ em, kiểu cách ăn uống tao nhã và cách phát âm tên các thương hiệu nổi tiếng.

'Giàu nhưng quê'

“Phần lớn các khách hàng của tôi từng có những lúc bối rối khi ra nước ngoài hay khi ăn tối bàn bạc chuyện làm ăn. Họ tới đây vì họ muốn học cách ứng phó tốt hơn,” bà Sara-Jane Hồ, một phụ nữ ăn mặc hết sức chải chuốt và là người thành lập trường, ngồi trong phòng khách bày toàn đồ nội thất cổ nhập từ Pháp, nói.

“Chủ yếu là học cách ứng xử trong môi trường quốc tế,” bà Hồ nói. Bản thân bà từng học nghi thức xã giao ở Viện Villa Pierrefeu-Thụy Sĩ, một trong những trường hàng đầu về nghi thức trên thế giới.
Cho tới nay, bà đã thu hút được vài trăm người Trung Cộng giàu có tới học. Bà sẽ mở một chi nhánh ở Thượng Hải vào tháng Năm.
Với 190 tỷ phú và hơn hai triệu triệu phú thì Trung Cộng chỉ thua Mỹ về số lượng cá nhân có giá trị tài sản lớn, theo nghiên cứu của tạp chí Forbes và Boston Consulting Group.
Trong số này, nhiều khối tài sản đã phát triển nhanh song song với nền kinh tế mới mở rộng của Trung Cộng và với các cơ hội kinh doanh cấp số nhân. Một số nhà giàu mới nổi thì không có mấy kiến thức, ít được đào tạo về cách cư xử trong trong các hội nghị kinh doanh quốc tế và những lúc giao tế.
“Đất nước này đã quá cô lập trong 30 năm qua,” bà Hồ nói. “Nhiều người đã trở nên giàu có trong một thời gian quá ngắn. Sự thay đổi đã tạo rất nhiều sức ép đối với cá nhân.”
Kết quả là các doanh nhân nhận thức được rằng họ quá vụng về, thô lậu trước các đối tác Tây Âu hoặc Châu Á.
Sự khéo léo tế nhị có thể làm các giao dịch kinh doanh được dễ dàng hơn. “Chỉ đơn giản như biết cách sử dụng thành thạo dao, dĩa trong bữa ăn cũng có thể giúp tăng lợi thế để giành hợp đồng rồi,” James Hebbert nói. Ông là đại diện của Seatton, một trường chuyên đào tạo về nghi thức xã giao ở Trung Cộng.

Khát vọng 'lột xác'

Những học viên học mọi thứ về cách dùng trà Anh. (Ảnh Seatton)

Các khách hàng tham dự lớp học nghi thức giao tế ở Trung Cộng bao gồm các quan chức chính phủ, trẻ em được du học ở nước ngoài, các bà vợ sẽ phải tiếp trọng khách và những người thích du lịch nước ngoài.
“Với phạm vi đào tạo rộng này thì nhu cầu là rất lớn,” Hebbert nói. Khách hàng của ông lúc đầu chủ yếu là tài xế hãng Rolls Royces muốn ăn mặc cho đúng cách, sau đó là tầng lớp trung lưu mong muốn có kinh nghiệm về lối sống ở Anh.
“Chỉ trong vài năm tôi chứng kiến một sự chuyển đổi thực sự về khách hàng. Người Trung Cộng đi du lịch ngày càng nhiều. Họ trông thấy cái lợi thế lớn của việc hiểu biết quốc tế."

“Lần tới, khi đi Milan và ăn tối ở một khách sạn sang trọng thì tôi có thể tự tin nói với chồng tôi là không nên cầm dao ăn như cầm dao găm,” một học viên khóa dạy phép xã giao Tây Âu nói. Người muốn ẩn danh này dự khóa học với James Hebbert ở Thượng Hải.
Hebbert tính phí 20.000 nhân dân tệ (3.243 USD) một khóa buổi chiều cho nhóm 10 người.
Khóa được ưa thích nhất của Viện Sarita mang tên “Làm chủ tiệc”, có phí 100.000 nhân dân tệ (16.216 USD) trong 12 ngày. Khóa học này dạy khách hàng các kỹ năng từ cách tiếp chuyện xã giao ban đầu cho đến cách dùng rượu vang với đồ ăn.

'Bất lịch sự'

Thí sinh Hoa hậu Trung Cộng 2014 được một chuyên gia trường Seatton đào tạo. (Ảnh Darcy Holdorf)

Giới truyền thông và ngay cả Chủ tịch Trung Cộng đã phê phán một số du khách Trung Cộng về cách cư xử khi ra nước ngoài.
Trong chuyến đi tới Maldives, ông Tập Cận Bình đã khuyên công dân Trung Cộng nên “văn minh hơn nữa khi đi du lịch nước ngoài.”
Với hơn 100 triệu người Trung Cộng đi du lịch trong năm 2014 thì việc ứng xử thô lỗ đã bị bêu xấu khá nhiều trên báo chí quốc tế. Những điều tệ nhất từng được nhắc tới là du khách Trung Cộng làm hỏng mặt tượng Ai Cập, té nước sôi vào tiếp viên hàng không và đái bậy.
Trong tháng 10, Cục Du lịch Quốc gia Trung Cộng đã ra hướng dẫn nghiêm ngặt về cách cư xử khi đi du lịch.

Cuốn cẩm nang 64 trang cảnh báo các du khách Trung Cộng là không được tiểu tiện trong bể bơi, không ăn cắp áo phao trên máy bay và không dẫm giầy dép lên bệ xí bệt. Các hình phạt về những hành động như vậy bao gồm phạt tiền người hướng dẫn du lịch và liệt vào sổ đen những du khách thô lỗ.
“Người Trung Cộng thiếu cách cư xử lịch lãm. Đây không chỉ là điều cha mẹ dạy bảo. Tôi luôn ngạc nhiên khi nhiều người giữ cửa cho tôi đi qua khi ở Paris. Điều này không bao giờ xảy ra ở Trung Cộng,” Yue-Sai Kan nói. Gương mặt người Mỹ gốc Hoa này là người dẫn chương trình TV và là tác giả cuốn Nghi thức giao tế cho người Trung Cộng hiện đại.
Cuốn sách của bà rất ăn khách tại Trung Cộng, với hơn 3 triệu bản đã được bán ra. Ngày nay, bà Kan giảng về nghi thức xã giao và đào tạo các thí sinh Trung Cộng cho đợt thi Hoa Hậu Hoàn Vũ.

Di sản Cách mạng Văn hóa?

Trong khi một số điều bị những người phương Tây coi là thô lỗ xuất phát từ vấn đề văn hoá (quan niệm về khoảng không công cộng và riêng tư ở Trung Cộng là rất khác) thì những thói xấu khác lại bắt nguồn từ thời Cách mạng Văn hóa, thời mà tất cả những gì tinh tế, tao nhã đều bị đánh giá là tư sản và bị chà đạp tàn tệ.
“Thử nghĩ khi bạn đang phải tranh cướp giành giật thức ăn thì bạn còn nghĩ gì về khoảng không riêng tư được nữa,” bà Hồ giải thích.
Cái có thể bị coi là bất lịch sự ngày nay với người mới tới Trung Cộng như xô đẩy, chen lấn khi xếp hàng, nói to hoặc ngoáy mũi nơi công cộng thì đa số người Trung Cộng lại coi là bình thường.
Tuy nhiên, với việc Trung Cộng mở cửa và giao lưu với thế giới thì dân chúng ngày càng hiểu họ bị nước ngoài đánh giá họ như thế nào.
(Ảnh Seatton)

Bộ mặt mới

Để tách mình ra khỏi tiếng xấu này, nhiều người thuộc giới thượng lưu mới đang tìm sự tao nhã lịch thiệp ở các trường nghi thức xã giao. Đồng thời họ cũng đang tìm cách hành xử đẹp như tạo một thước đo mới cho biểu tượng của địa vị cá nhân.
“Người Trung Cộng hiểu rằng vị thế của họ là một cường quốc lớn nhất thế giới đã đưa họ vào một hoàn cảnh buộc họ phải học hỏi những nền văn hoá và cách cư xử ở các nước khác nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ chính trị và kinh doanh,” Viviane Neri, lãnh đạo Viện Villa Pierrefeu viết trong một email.
“Trước đây, đó là việc sở hữu một xe hơi to,” Hebbert nói. “Ngày nay, người giàu đang đi tìm một cái gì khác để tạo sự khác biệt.”
Bài gốc tiếng Anh đã được đăng trên BBC Capital.

Tuesday, March 24, 2015

Người con gái ‘lập dị’ của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu trải lòng về cha mẹ

Người con gái ‘lập dị’ của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu trải lòng về cha mẹ

A- A A+ ‹Đọc›

Tiến sĩ Lý Vỹ Linh (sinh năm 1955), là con thứ 2 của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, đã không kết hôn và sống bên bố mẹ đến những giờ phút cuối cùng.

Một trong những tấm ảnh rõ ràng hiếm hoi của tiến sĩ Vỹ Linh .
Một trong những tấm ảnh rõ ràng hiếm hoi của tiến sĩ Vỹ Linh .
Tiến sĩ Vỹ Linh hiện là giám đốc viện khoa học thần kinh quốc gia Singapore. Suốt nhiều chục năm qua, bà không hề được nhắc đến nhiều như 2 người con trai của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu là thủ tướng Lý Hiển Long hay giám đốc Singtel Lý Hiển Dương. Thậm chí, người phụ nữ này còn không mấy khi xuất hiện trong những tấm ảnh gia đình Thủ tướng.Là một người phụ nữ cô độc suốt cuộc đời, bà Vỹ Linh sống và phụng dưỡng cha mẹ đến giây phút cuối cùng. Sau khi cha mất, bà đã gửi tạp chí Straitstimes những bức thư bà từng viết từ năm 2011 đến nay, bao gồm toàn những gạch đầu dòng ngắn gọn, nói về cha mẹ và cuộc đời mình.

Tiến sĩ Lý Vỹ Linh và ông Lý Quang Diệu.
Bố tôi là một người nghiện công việc- Cả gia đình tôi ở trong bệnh viện khi bố phải đặt stent động mạch vành, không ai nói với ai lời nào, không phải vì căng thẳng đâu, đơn giản vì chúng tôi rất bận.- Bố tôi ngồi trên giường bệnh, ông vẫn lúi húi bên chiếc laptop, mẹ tôi kiểm tra giấy tờ, còn tôi cũng ngồi giải quyết những công việc tại viện.- Nếu ai đi qua nhìn thấy 3 người chúng tôi như vậy, chẳng ai nghĩ rằng bố tôi sắp phải phẫu thuật tim. Năm ấy, ông 73 tuổi, ca phẫu thuật là lý do không đủ lớn để ông ngừng làm việc.- Tôi chưa từng thấy ông thể hiện cảm xúc, ông luôn nhẫn nhịn để đối đầu với thử thách.- Ông chưa từng hoảng sợ, bố tôi nghĩ hoảng sợ sẽ ảnh hưởng không tốt đến tư duy.-  Để chèo lái một đất nước, sự đanh thép là cực kỳ cần thiết, và ông đã làm điều đó 31 năm.- Trong gia đình, tôi và cha tôi đều có tính khí rất mạnh, thế nên không phải lúc nào quan hệ của bố con tôi cũng tốt đẹp.

Một tấm ảnh hiếm về 2 cha con thủ tướng.

- Thật ra, mỗi khi chúng tôi cãi vã, trận chiến đó sẽ kéo dài đến lúc người kia chịu thua thì thôi.- Năm 2002, tôi đã bỏ nhà đi sau một trận cãi lộn với bố.- Bố luôn muốn tôi ngừng tập tạ, có lẽ vì ông thấy tôi bị gãy xương quá nhiều lần.- Có lần bố gọi tôi vào phòng làm việc, ông bảo tôi sẽ bị liệt nếu còn tập luyện nặng, nếu tôi còn sống cùng ông thì phải dừng ngay việc đó lại.- Thế nên tôi bỏ nhà đi luôn, thật ra là tôi đến nhà anh Long (thủ tướng Lý Hiển Long) ở.- Năm ấy tôi 47 tuổi.-  Thế mà 1 năm sau, tôi nói với bố là sắp đến Hawaii để thám hiểm núi lửa, ông chỉ nói đúng 1 câu "Cẩn thận đấy".

Tiến sĩ Vỹ Linh cùng cháu gái.
Gia đình tôi thích sống kiểu thanh đạm- Mặc dù gia đình khá giả, nhưng bố mẹ dạy dỗ 3 anh em tôi phải thật tiết kiệm.- Nếu 1 trong 3 đứa mà để vòi nước vẫn nhỏ giọt hoặc điện vẫn sáng khi ra khỏi phòng thì sẽ bị phạt rất nặng.- Khi đi công tác nước ngoài, bố tôi toàn tự giặt quần áo, ông bảo chi phí giặt đồ khách sạn tốn kém quá, tiền công để giặt một cái áo đắt đúng bằng mua một cái mới.- Mẹ tôi rất giỏi việc thay chun quần áo, vì bố tôi chỉ thay chun thôi chứ không mua đồ mới.- Căn nhà gia đình tôi ở xây dựng từ 100 năm trước.

Bà Lý Vỹ Linh (trái) trong một giải đấu karate quốc gia năm 1979.

-  Tôi có 3 cái đồng hồ Casio, 1 cái Seiko bố cho từ 40 năm trước, 2 cái Tag Heuer cực đắt tiền của anh Long và Dương tặng. - Nhưng tôi chỉ đeo đúng 1 cái casio, tôi không bao giờ tháo nó ra, có đêm tôi làm rơi nó ở đâu đó quanh nhà, thế là tôi phải lấy cái khác ra đeo thì mới ngủ được.- Tôi có một bọc váy mua từ 20 năm trước, nhưng chỉ mặc 3 trong số đó, không có gì hợp với tôi hơn áo phông và quần ngố.

Bà Vỹ Linh phát biểu tại đám tang mẹ.

Sống một cuộc sống không hối tiếc- Bố tôi có một cuộc sống trọn vẹn, phong phú và đầy ý nghĩa.- Khoảng 20 năm trước, bố mẹ tôi có nói với tôi về chuyện lập gia đình, ông bảo mặc dù có con gái sống cùng cũng vui, nhưng khi bố mẹ mất thì tôi sẽ cô độc lắm.- Tôi trả lời "Thà như thế còn hơn mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân vô vị".- Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.- Trước đây bố mẹ tôi hay đi công tác hoặc du lịch cùng nhau.- Sức khỏe bố tôi xuống dốc từ ngày mẹ qua đời, trước đây ông ấy khỏe lắm.

Thủ tướng và 3 con trong đám tang bà Kha Ngọc Chi năm 2011.

- Từ ngày mẹ mất, tôi hay đưa bố đi công tác nước ngoài cùng mình, ông có vẻ cũng thích thế lắm.- Bố tôi rất thích đi du lịch, ông cho rằng đi du lịch sẽ học được điều mới đem về cho Singapore.- Năm 2011, sau khi mẹ mất không lâu, ông cùng tôi đi công tác vòng quanh thế giới trong 16 ngày.- Tôi biết bố rất buồn vì mẹ qua đời, nhưng ông không bao giờ thể hiện điều đó. Năm ngoái, ông có nói với tôi là "đối tác làm ăn" lâu dài và uy tín nhất của ông chính là mẹ.- Sau tang lễ của mẹ, ông tập luyện thể thao điên cuồng, tôi đã phải ngăn cản vì sợ ông bị kiệt sức.- Vị thế đã thay đổi, hồi xưa ông cấm tôi tập thể thao, giờ đến lượt tôi cấm ông, nhưng tôi thấy buồn vì điều đó.- Khi đối mặt với bệnh tật, tinh thần và suy nghĩ của bố tôi rất hợp với bài thơ của Robert Frost:"Rừng tối đen và sâu thẳmNhưng tôi còn một lời hứaVà còn hàng dặm dài phải đi trước khi ngủVà còn hàng dặm dài phải đi trước khi ngủ"


Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1117525#ixzz3VLXPpscb doc tin tuc www.xaluan.com

Wednesday, March 11, 2015

"Theo Vận Nước Nổi Trôi"

Buổi ra mắt Bút ký của bà Thảo Hoàng
tại Hội Trường VNCR, lúc 11:00am ngày 29.3.2015
 
~~~~~~~~~~~~
Bút ký "Theo Vận Nước Nổi Trôi"
của bà Thảo Hoàng                                                                                            Bài của Bích Huyền

Biến cố năm 1975 đã xua đuổi người ta ra khỏi quê hương yêu dấu, lang bạt khắp bốn phương trời. Dù có an cư lạc nghiệp nơi xứ người nhưng những người ra đi vẫn mang nặng hai điều: Chia ly và mong ước trở về. Mong ước trở về có nghĩa là vẫn còn lưu lạc. Như vậy thật sự chỉ còn có những cuộc chia ly. Chia ly với ngư...ời. Chia ly với cảnh. Chia ly với đất. Rồi thời gian trôi qua vì tình quê hương người ta trở lại. Có thể trở về nơi chốn cũ bằng chiếc vé máy bay nhẹ tênh, mà cũng có thể trở về với một hành trang tư tưởng nặng trĩu, qua chính ngòi bút của mình, trải dài trong từng trang giấy như bà Thảo Hoàng đã ghi lại dòng đời của mình trong tác phẩm: Theo Vận Nước Nổi Trôi.


Chúng ta sẽ cùng tác giả đến tỉnh Thái Bình, một thành phố khang trang với cánh đồng ruộng lúa mênh mông, bát ngát, bãi biển trong xanh. Đó là quê ngoại của bà Thảo Hoàng, làng Lễ Nghĩa. Nơi đây, Cuộc sống người dân có một cuộc sống an hòa. Trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ …thu nhập thêm cho ngân sách gia đình. Bà thuộc gia đình buôn bán, trung lưu. Nhưng nạn đói năm Ất Dậu, rồi tiếp theo đó là chiến tranh Thế giới lần thứ 2 chấm dứt 1945, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống dân miền Bắc trong đó có tỉnh Thái Bình. Người dân rời bỏ làng quê tản mát khắp nơi. Gia đình bà Hoàng tản cư lên Hà Nội...
Mỗi một con người hình như ai cũng mang trong hồn mình quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, nơi một thời lớn lên trong mái ấm gia đình. Quê hương nhỏ bé, êm đềm nhưng giàu những hình ảnh, kỷ niệm của quá khứ. Là một phần thịt xương, một cái gì thiêng liêng nhất trong lòng. Nào đã hết, biến cố 1975 ập tới. Bà đã lênh đênh tám hướng trên biển với bao hiểm nguy, tưỏng chừng như tuyệt vọng . Nhưng cuối cùng được đặt chân lên một quần đảo thuộc Indonesia, vùng đất tự do. Sau đó định cư tại Pháp, học lại và xây dựng sự nghiệp tại Pháp, trước khi sang MỸ.
Trước những ngày xẩy ra biến cố bi thảm 1975, đất nước của chúng ta, nói rõ hơn, miền Nam của chúng ta dường như đã được báo trước bằng những tín hiệu đau thương. Không, không phải chỉ là những tín hiệu. Mà đó là điều mà chúng ta cảm nhận được, trong văn thơ của miền Nam sau 1954, và hôm nay thấp thoáng trong những trang sách Theo Vận Nước Nổi Trôi, bà Thảo Hoàng đã viết. Đó là sự thật, sự thật người ta nhìn thấy hàng ngày. Sự thật trong ngay chính gia đình tác giả.
Cuộc chiến tranh, dù thế nào cũng phải kết thúc. Và với những gì đang diễn ra, nó khó có thể kết thúc một cách bình thường. Hiểu như vậy, nhưng người ta cũng không thể tưởng tượng được nó sẽ chấm dứt như thế nào. Trước đó hai muơi năm, người ta trải qua cái lần chiến tranh bằng cuộc chia cắt đất nước. Hàng triệu người đã phải rời bỏ miền Bắc ra đi khởi đầu từ Hà Nội. Cái giấc mơ người ta mang theo trong lòng là sẽ có ngày trở lại. Trở lại Hà Nội, không phải chỉ như một thành phố người ta yêu mến. Mà cuộc trở lại ấy còn có ý nghĩa hàn gắn lại đất nước, chắp nối lại giềng mối, quá khứ, tiến tới tương lai.
 
Tôi yêu cái thật, cái giản dị trong văn phong của bà Thảo Hoàng. Cuốn sách này có thể giúp cho những ai muốn tìm hiểu vế đất nước, con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trong ý tưởng ấy, tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm với quý vị độc giả, những người còn yêu chữ nghĩa Việt Nam, yêu quê hương Việt Nam xa cách muôn trùng…Bích Huyền Cali tháng 2-2015

Saturday, March 7, 2015

Đọc tản văn của Khuất Đẩu

Đọc tản văn của Khuất Đẩu

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-03-07  
         
 Đọc tản văn của Khuất Đẩu Phần âm thanh Tải xuống âm thanh  
5875673175_089c1e85a5-622.jpg
Nhà văn Khuất Đẩu
Courtesy Dung Tran Huu
 
Vào giữa năm 2010 trên trang mạng Talawas xuất hiện tác phẩm “Những tháng năm cuồng nộ” được người đọc nhanh chóng yêu thích không những do đề tài cấm kỵ được một cây viết đang sống trong nước khai thác mà bởi chính phong cách riêng của tác phẩm đã khiến nó được tìm đọc và lan truyền.

Viết chỉ để mở lòng

Tác giả quyển sách là nhà văn Khuất Đẩu. Ông không sống bằng nghề viết văn và theo như ông tự nhận, ông viết chỉ để mở lòng ra cho vơi những chất chứa, như con tầm tự phải nhả tơ. Mặc dù khó khăn chúng tôi cũng may mắn tìm ra địa chỉ của ông và được ông cho biết:
“Tôi bữa nay đã 75 tuổi rồi, bị thoái hóa cột sống cho nên ngồi cũng không được lâu mà tay chân một phần bị tê nữa. Bị tim mạch và tuột huyết áp cho nên những lúc ngủ không được, khó ngủ quá trằn trọc rồi buồn buồn nên viết vậy chớ thật ra tôi cũng ngưng lâu rồi không thể viết được như trước. Bây giờ mà viết cái gì dài dài một chút thì không viết nổi, đó là thứ nhất, thứ hai tôi nhận thấy một điều thế này bây giờ trên Internet bài vở nó nhiều lắm, lượng thông tin nó khủng khiếp lắm. Lúc đầu mỗi một chữ một câu hay một tác phẩm nào đó xuất hiện thì tác động lớn lắm nhưng bây giờ thì độc giả người ta cũng quen thuộc nhàm chán rồi nên thấy rằng bây giờ mình viết dài thì người ta cũng ớn đọc.”
Những tản văn ngắn mới nhất của ông không phải là các sản phẩm chặt đầu chặt đuôi cho vừa với chiếc hộp Internet từ yêu cầu của người đọc hôm nay như ông nói, nhưng chúng thật sự là những tác phẩm tiêu biểu của một ngòi viết sắc sảo có cái nhìn soi rọi và chuẩn xác của một người đã thông qua hết nẻo đời và mọi diễn biến xã hội được ngòi bút ấy biểu cảm một cách tinh tế.
Khuất Đầu có một phong cách viết dí dỏm và trong từng câu chữ của ông tuy nổi lên các phê phán rất mạnh mẽ nhưng sự hiểm ác không hề có. Chiếc roi dư luận được ông xử dụng thành thạo và chừng mực, chừng như ông sợ người bị đòn sẽ đau, kể cả kẻ ấy là Đảng, một thế chế mà ông đã minh họa từng chi tiết trong “Những tháng năm cuồng nộ” nhiều năm về trước.
Giả sử, Đảng được sinh ra trong một gia đình nào đó, có nghĩa là một sinh vật hẳn hoi, thì chẳng biết Đảng đực hay cái. Đảng không có chim, cũng không có bướm, vậy mà trong 85 năm, Đảng sinh ra đến hàng triệu đảng viên. Đảng hơn cả mẹ Âu Cơ, sinh đẻ cứ như cua, cá. Mà cua cá thì anh cứ việc xơi, chứ đảng viên, đụng vào là bỏ mẹ.
-Trích Sinh Nhật Buồn
Trong ngày sinh của Đảng, ông lẩm nhẩm tính lại những gì Đảng đã làm trong 85 năm qua và kết luận: Sinh Nhật Buồn!
“Sinh Nhật Buồn
Đang ngồi chờ cạo mặt ráy tai ở một quán hớt tóc đầu con hẻm, bỗng nghe lệnh của tổ dân phố phát ra oang oang trong loa phóng thanh: Để mừng Đảng mừng xuân, mọi nhà đều phải treo cờ tổ quốc!
Chợt nhớ ra ngày mai, mồng ba tháng hai là ngày sinh của Đảng. Và Đảng 85 tuổi. Như thế cũng đã gần thượng thọ rồi. Đảng hơn tôi 10 tuổi. Nếu là trong giới viết lách, có thể gọi thân mật bằng anh, rủ nhau đi cà phê tán gẫu. Nhưng Đảng, không phải là người, không hình thù mặt mũi, chỉ “văn kỳ thanh chứ bất kiến kỳ hình”, có muốn nâng ly chúc mừng cũng không biết chúc ai.
Nhưng Đảng cũng không phải là ma. Đảng có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Gần, thì tổ trưởng dân phố, công an khu vực. Xa, thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch nước. Chót vót là tổng bí thư.
Đảng là một tổ chức chính trị trùm cả nước. Cái bóng của Đảng to đến nỗi trông lên chỉ thấy Đảng chứ không thấy Trời.
Sức mạnh của Đảng thì khỏi phải nói. Nào đánh Pháp, đuổi Mỹ. Ơn Đảng còn hơn cả ơn Chúa. Nhưng Đảng cũng là một cái gì chưa trọn, cứ phải xây dựng hoài mà chưa xong. Đảng cũng thối tha không kém, nên cứ phải làm trong sạch mãi.
Giả sử, Đảng được sinh ra trong một gia đình nào đó, có nghĩa là một sinh vật hẳn hoi, thì chẳng biết Đảng đực hay cái. Đảng không có chim, cũng không có bướm, vậy mà trong 85 năm, Đảng sinh ra đến hàng triệu đảng viên. Đảng hơn cả mẹ Âu Cơ, sinh đẻ cứ như cua, cá. Mà cua cá thì anh cứ việc xơi, chứ đảng viên, đụng vào là bỏ mẹ.”
Khuất Đẩu tuy biết “đụng vào là bỏ mẹ” nhưng không đụng lại không được. Ông lấy ngay một cụ bà cũng là đảng viên trong suốt 85 năm ấy để so sánh và ông thấy rằng Đảng đã đánh cắp ngày sinh nhật của cụ bởi ngay ngày hôm nay cụ không còn ai chung quanh để hát “Happy Birthday” vì mọi người đều bận mừng sinh nhật Đảng còn cụ thì hom hem ngồi nhớ lại thành tích tù đày bầm dập của mình.
nhungthangnamcuongnokd-400.jpg
Bìa tác phẩm “Những tháng năm cuồng nộ” của Tác giả nhà văn Khuất Đẩu. Courtesy photo.

“Trong số hàng triệu đảng viên, có nhiều người cùng tuổi với Đảng. Nghĩa là Đảng mới chào đời đã kịp sinh con, như cụ bà Phạm Thị Trinh, cũng đã 85 tuổi Đảng (101 tuổi đời). Đảng thì lớn mạnh vẻ vang, còn cụ thì tù đày bầm dập. Cùng tuổi với Đảng nhưng chẳng được ai chúc mừng, kể cả con cháu.
Vậy thì Đảng là cái gì mà mọi nhà đều phải treo cờ, đến nỗi, hơn 50 năm trước, Trần Dần phải kêu lên: Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà/ chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Lá cờ mà sau đó ông gọi là lá cờ trừ ma.
Người ta bảo Đảng bây giờ cũng như cái xác trong lăng kia, chỉ chờ ngày chôn thôi. Tôi thì tôi không dám tin như vậy. Chẳng những thế tôi còn đâm ra sợ Đảng như nhân vật của Kafka, có thể đang hóa thân thành một con gì đó hơn cả con sâu. Bởi thế, cứ tới ngày sinh của Đảng thì tôi (và 85 triệu người không Đảng) lại buồn. Còn buồn hơn chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu!”

Hình ảnh của diệt vong

Nếu Đảng vô hình nhưng khuynh đảo mọi thứ trong xã hội thì con dê tuy là một vật nuôi cho thịt nhưng lại có những thứ mà Khuất Đẩu cho rằng sẽ có lợi hơn những gì mà hơn ba triệu đảng viên đang cắm cúi làm. Con dê tượng trưng cho sự sinh tồn còn Đảng lại là hình ảnh của diệt vong. Có lẽ vì thế mà Khuất Đẩu hớn hở chào năm con Dê có chút gì đó hy vọng, niềm hy vọng nối liền những hy vọng khác trong nhiều năm qua vào ngày đầu năm như mọi người Việt Nam thường có
“Chào cụ dê!
Trời đã bớt lạnh. Nắng đã ấm. Cụ dê đã lại gõ móng đứng trước thềm năm mới. Trông cụ vẫn cứ sung như 12 năm trước. Bộ râu dê của cụ không cần vuốt vẫn cứ quặp vào một cách kiêu hãnh.
Lénin cũng có một bộ râu nổi tiếng như cụ, cũng được thần tượng một thời, nhưng nay xác thì nằm lạnh lẽo trong lăng, còn tượng thì bị dân Mông Cổ và Ucraina kéo đổ.
Nghiêng trời lệch đất như Hitler, ăn ảnh với bộ râu “cứt mũi”, cuối cùng cũng tự sát với người tình già. Còn bộ râu đã từng làm nhột một cô cháu họ Nông xem ra còn tệ hơn nữa.”
Từ cụ Dê, Khuất Đẩu liên tưởng đến cụ Đảng. Cũng đáng gọi bằng cụ lắm chứ vì năm nay cụ ấy đã được 85. Nhưng thay vì xây dựng một cộng đồng dê ngày càng đông đúc hơn thì cụ Đảng lại xây lăng! Có lẽ vì thế khi cụ Dê chết người ta vẫn tận thu được từng tế báo nhỏ nhất trong cơ thể cụ.
“Khi cụ chết, người ta không xây lăng, mà trước hết lấy máu cụ hòa với rượu làm ra “dâm dương tửu”, tin rằng còn hiệu nghiệm hơn cả Viagra. Ngoại trừ lông và cứt, xác cụ được chế biến thành ra tái dê, lẫu dê, dê hon, dê nướng…để rồi được an táng một cách thơ thới trong các nhà mồ kêu óc ách.
Nghiêng trời lệch đất như Hitler, ăn ảnh với bộ râu “cứt mũi”, cuối cùng cũng tự sát với người tình già. Còn bộ râu đã từng làm nhột một cô cháu họ Nông xem ra còn tệ hơn nữa.
-Trích Chào Cụ Dê
Các nhà chính trị của ta cái máu dê thì ít mà máu tham thì nhiều. Báo chí trong luồng và ngoài luồng chỉ phanh phui những kẻ lương thì chẳng bao nhiêu mà giàu hơn cả Thạch Sùng. Chưa thấy đồng chí X., đồng chí Y. nào thả dê bậy bạ ngoài anh Nguyễn Trường Tô tép riu. Mà nếu có mó dái dê thì cũng không đến nỗi bị đá hậu hộc máu như mó dái ngựa. Kim Quốc Hoa, báo Người Cao Tuổi, trong năm ngựa lại mó dái ngựa, chẳng những bị đá văng khỏi chức chủ bút, còn bị truy tố ra tòa.
Vậy thì, cụ dê ơi, Chúa ban cái sức sung mãn cho cụ, nếu không làm cho đời sướng hơn thì cũng không làm cho đời khổ hơn. Cụ rất xứng đáng được học tập. Các nhà chính trị Việt Nam, nên noi gương cụ, làm tình chứ không làm tiền.
Làm tình thì có chết thằng Tây đen nào đâu, chứ làm tiền thì chết dân nhiều lắm đó.”
Trong các tản văn ngăn ngắn của Khuất Đẩu không phải chỉ nói chuyện chính trị mà trong đó còn lắm chủ đề mà ngày nay ít người khai thác. Khao khát tìm tới cái đẹp thực sự của văn chương, Khuất Đẩu rất thành công trong thao tác đánh thức tính thẩm mỹ và triết học qua câu chuyện “Nam mô Chiếc áo cà sa” của ông.
Một nhà sư nghèo trụ trì trong một ngôi chùa còn nghèo hơn ông. Gia tài vỏn vẹn một chiếc áo cà sa mà ông mặc tới mặc lui trong nhiều năm. Do lo sợ mặc nhiều chiếc áo có thể hư hỏng, tối đi ngủ nhà sư treo nó lên vách. Một đêm, khi bị truy đuổi một cô gái làm tiền chạy vào chùa, cô ấy đã quơ chiếc áo cà sa khoát lên người để trốn sự truy bắt. Kết quả là cô thoát và nhà sư thì bị dằn vặt một cách thánh thiện, sự dằn vặt của bậc hiền minh.
“Cụ run rẩy đặt mấy ngón tay lên lớp vải vàng ố vì đã quá cũ. Thường thì nó nhạt nhạt, lạnh lạnh. Nhưng giờ, như nó vừa được hơ lửa, nóng đến bỏng tay. Áo nóng hay tay mình nóng? Cụ ngơ ngác tự hỏi. Nó đã được cái gì trăng trắng cuộn tròn vào mình, khít rịt từ đỉnh đầu cho đến gót chân, đã từng nghe máu chạy dưới da, từng hít cái hơi son phấn nồng nàn, nó nóng là phải. Đó là cái mùi của tội lỗi. Còn mình? Mình cũng có tội chứ không à? Sao không nhào tớí mà ngăn nó laị? Cùng lắm thì cứ đè nó ra mà lột, đến tuổi này thì còn sợ gì cái trăng trắng đó nữa! Nhưng như thế thì ác quá! Nó sẽ bị công an lôi đi đưa vào những trại giáo dưỡng như nhà tù. Con nó ai nuôi, cha mẹ nó ai săn sóc?! Giá như hôm nay có đức Phật, chắc ngài cũng để cho nó mượn áo mà thôi. Có phải vì thế mà chiếc áo trở nên ô uế đâu. Khi hành đạo chính ngài đã nhặt nhạnh từng miếng vải vụn trên đường đi, kết thành một tấm vảỉ lớn quấn quanh mình. Chẳng thịt da nào là có tội. Cũng chẳng quần áo nào là đáng khinh. Không chừng chiếc áo vừa rồi đã làm nên ơn phước vì cứu được một người. Như thế cũng là công đức.
Sư cụ bình tĩnh nhặt lên, vuốt lại cho thẳng thóm, ướm thử lên ngực, ngần ngừ một lúc rồi treo lại trên vách.”
Khuất Đẩu cho biết ông không phải là nhà văn, ông chỉ viết do bức xúc khi nhìn thấy sự vật. Những hình ảnh thật ấy gây phản ứng cho tâm hồn, rồi ông viết:
“Thực ra mà nói với anh tôi thấy mình không phải là một nhà văn nhà viết gì cả. Trước kia tôi dạy học, sau 75 thì “mất dạy”! Tức là không cho dạy vì lý lịch, thì tụi tui cũng sống vớ va vớ vẩn cho nó qua ngày. Nhưng cảm thấy mình là một người dân, có những điều bức xúc thì mình phải nói vậy thôi. Không làm được việc gì to lớn hơn thì mình chỉ nói cái gì nếu được một hai người hiểu năm ba người biết thì đó là điều quý.”
Ngòi bút của Khuất Đẩu đáng gọi là đa dạng, ông có thể khiến người ta cười không dứt nhưng không ít lần làm người đọc trầm ngâm. Riêng về cách ghi lại những cảm xúc thì ông đáng gọi bậc thầy.
Cảm xúc là nguồn mạch văn chương, thiếu nó thì không một tác phẩm nào có thể bám được vào bậc tam cấp dẫn lên tượng đài tôn sùng cái đẹp. Diễn tả cảm xúc qua một buổi chiều đối với Khuất Đẩu thật muôn hình vạn trạng. Ông nhìn thấy chiều qua lăng kính vạn hoa và bên kia là những gì tuy thấy nhưng nhà văn vẫn lo vì sắp mất.
“Chiều chiều…
Chiều, cũng là lúc mà cô dâu mới về nhà chồng, len lén ra ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều!
Một lần ngó đến những chín lần đau, đủ biết các cô dâu ngày xưa vất vả và cô đơn biết chừng nào. Ta có thể tưởng tượng cô vừa giã xong cối gạo, hay vừa bắc nồi cơm lên bếp, lấy cớ ra sau bờ mương bẻ một vài bẹ môn, hay xé một miếng lá chuối. Cô chỉ loáng thoáng nhìn về những bờ cây xanh xanh đó, ngọn đồi nho nhỏ đó, nơi mẹ cô cũng đang lặng lẽ đi xách nước tưới rau hay đang vo gạo nấu cơm. Nơi có con chó già trung hậu lúc nào cũng ngúc ngoắc đuôi khi thấy cô về. Nơi cha cô đang nằm trên võng hát nghêu ngao chờ bữa tối.
Đó cũng là lúc những thửa ruộng trước nhà vừa bừa xong, mặt ruộng phẳng như gương lênh láng mây trời. Chín hay mười người quần đen nón trắng, xếp thành một hàng dài nghiêng nghiêng vừa cấy vừa hế hò hê. Tiếng hò của bà già trầu thợ cả, của các mẹ các thím nheo nhóc con cái đùm đề, của các cô học việc mười lăm, mười bảy… không qua một trường lớp thanh nhạc nào, vẫn trong vắt, cao vút.
Là lúc, khói thổi cơm chiều từ các mái nhà tranh lơ lửng bay lên, mang theo mùi rơm rạ, sau đó là mùi cá kho đậm đà hay mùi mắm cua chua dịu nhỉu.
Là lúc, mẹ đặt gánh hàng lên thềm nhà, hối: lấy cho mẹ gáo nước, đi con. Rồi nghe mẹ uống ừng ực, nước chảy qua hai hàng răng đen, chảy xuống cằm trước khi rơi xuống cái áo đang ướt đẫm mồ hôi.
Là lúc ở chân trời tím nhạt, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên ngã màu nâu thẩm, đột nhiên trở nên cao lớn hùng vĩ. Đâu đó vọng lại tiếng ru hời hời nghe như tiếng buồn vang trong mây của một dân tộc mất nước.”
Người xa quê đọc bài “Chiều chiều” của Khuất Đẩu khó cưỡng lại nỗi lòng mênh mông nhớ thương một mảnh đất đã nuôi dưỡng mình bằng những buổi chiều ký ức kia. Chiều trong bất cứ trạng thái nào qua ngòi bút của ông cũng làm người ta ngây ngất…
“Chiều lên. Chiều xuống. Chiều về. Chiều nào cũng gợi cho ta một nỗi buồn nhè nhẹ. Nhưng hai tiếng chiều rơi, nghe rất tây, lại cho ta thấy vẻ đẹp vĩnh cửu của đất trời. Cái màu vàng của nắng lúc này nhạt dần, mỏng và nhẹ, nhưng vẫn là một màu không phai như màu hồng của hoa anh đào khi lả tả rơi.
Những buổi chiều không một tiếng còi xe, không một tiếng máy nổ ấy, giờ đây không còn ở chốn làng quê yên ả.
Vẫn biết không cứ mãi đi sau cái cày, không cứ lọc cọc với chiếc xe bò, không cứ giậm chân một chỗ nhìn cuộc tiến hóa ầm ầm lướt qua, nhưng sao vẫn cứ thấy tiếc. Tiếc mùi khê khê của rơm rạ khi dùng đun bếp, tiếc mùi bùn của thủa ruộng đang cấy. Và nhất là thấy tiếc cái tiếng hế hò hê mênh mang. Như Trần Tế Xương thấy tiếc con sông Lấp ở Nam Định mà thèm nghe một tiếng gọi đò.
Cái tiếc ấy đúng là đứt ruột khi tuổi đã xế chiều.”
Nhà văn Khuất Đẩu đang vào tuổi mà ông gọi là tiếc đứt ruột, nhưng dù sao thì nhà văn cũng yên tâm vì những tản văn ngăn ngắn của ông đã có dịp tới rất nhiều người đọc trong và ngoài nước.
Bên trong, người ta đọc ông để bớt nỗi đau của người không được nói.
Bên ngoài, người ta đọc ông để nhớ rằng mình vẫn còn những “Chiều chiều” bên kia bờ đại dương để nhớ mà về…