Friday, March 23, 2012

Ai Làm Cali Lụn Bại?

Ai Làm Cali Lụn Bại?
 
(03/23/2012)
Tác giả : Vi Anh
 
Chuyện khó tin nhưng có thật. Nhiều vấn đề không hợp tình, không hợp lý ở Cali làm cho nhiều sinh viên phàn nàn, chống đối; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chào Cali bằng chân một đi không trở lại; và cuộc sống ở Cali không dễ dáng, mà mắc mỏ.

Thứ nhứt, đối với sinh viên tương lai của xứ sở. Mười ngàn giáo chức và sinh viên mới đây biểu tình trước Quốc Hội California. 10 ngàn người này cho tòan dân thiên hạ biết bằng biểu ngữ. Chuyện bực tức hết chịu nổi, không lý do gì học phí đại học ở Cali lại cao hơn các đại học Harward, MIT, Yale, Princeton là những đại học của Mỹ nằm trong 40 đại học được xếp hàng đầu trên thế giới. Vì sao? Vì chánh quyền tiểu bang lập cũng như hành pháp thấy ngành giáo dục tòan dân “hiền hòa” nên cứ cắt ngân sách giáo dục mạnh và mãi. Khiến các trường từ tiểu, trung, đại học đều phải bớt lớp, bớt thầy, bớt dịch vụ trợ huấn cho học sinh, sinh viên. Trường phải tăng sĩ số cho lớp, và tăng học phí đối với ngành học là ngành đầu tư lâu dài, bền vững và kiến hiệu cho tương lai xứ sở. Giáo chức và sinh viên biều tình xác quyết và khẳng định “giáo dục là nhân quyền, chớ không phải đặc quyền”. Chánh quyền xứng đáng là chánh quyền phải tái phân phối lợi tức để đầu tư cho giáo dục, để có bình đẳng trong giáo dục. Chớ không thể cắt ngân sách hòai, học phí sẽ tăng, chỉ con nhà giàu mới đủ tiền đi học.

Thứ hai, đối với những người và những cơ sở sản xuất nhỏ. Thuế cao và thủ tục hành chánh khó khăn và qui định môi sinh nhiều và khó khiến không ít chào Cali bằng chân, một đi không trở lại. Năm 2011, khỏang 254 cơ sở sản xuất kinh doanh chào Cali bằng chân. Nhiều hơn trước, năm 2010 chỉ có 202 và năm 2009 chỉ có 51 thôi.
Bỏ Cali ra đi vì khung cảnh pháp lý và hành chánh về sản xuất kinh doanh trở thành thù nghịch đối với những nhà sản xuất kinh doanh. Khiến trung bình mỗi tuần lễ có 3.9 cơ sở sản xuất kinh doanh của Cali rời bỏ Cali, tìm đất lành ở các tiểu bang khác hay ra ngoại quốc để dễ làm ăn, dễ sống hơn.

Theo Jon Coupal, chủ tich của hội Howard Jarvis Taxpayers Association và John Kabateck, giám đốc điều hành của National Federation of Independent Businesses, bầu không khí sản xuất kinh doanh của Cali xấu hạng nhì so với cả nước Mỹ. Thuế lợi tức doanh nghiệp là 8.84%, cao nhứt ở vùng phía tây sông Mississippi và hạng tám trên tòan quốc Mỹ.

Thuế lợi tức của Cali, là thuế phần lớn các chủ cơ sở nhỏ phải trả, là thuế cao hàng thứ ba so với cả nước Mỹ. Những người có lợi tức khỏang $46,349 phải trả tô suất tới 9.3% nếu khai với tư cách cá nhân. Và những người có lợi tức 1 triệu 1 năm phải trả với tô suất 10.3%.

Thuế thương mãi là 7.25%, còn phải cộng thêm một số phụ thu khác tại một số khu vực. Thuế vốn tăng, tô suất là 9.3% cao hàng thứ tư trên tòan quốc. Thuế xăng cao hàng thứ hai trên tòan quốc, trung bình mỗi gallon xăng, người tiêu thụ phải trả 65 cent thuế.

Chưa hết đâu, Cali có nhiều qui định nhiêu khê, rắc rối với môi trường mà các cơ sở sản xuất kinh doanh phải nhức đầu, nhức óc, mất thì giờ làm ăn để mệt mỏi đàm phán.

Bầu không khí hành chánh, pháp lý đối với sản xuất kinh doanh thù nghịch hơn lúc nào hết vì những chánh trị gia đầu tư và xây dựng nghề làm chánh trị chuyên nghiệp dân cử của mình là những người sống ngòai môi trường sản xuất kinh doanh, coi sản xuất kinh doanh như một thứ đáng khinh miệt hơn là một nguồn lợi đáng đánh giá cao.

Những chính khách này không xuất thân trong gia đình, trong ngành sản xuất kinh doanh, chỉ ăn học, làm chánh trị chuyên nghiệp dân cử, sống bằng nghề đại diện dân, hết làm nghị viên, dân biểu, nghị sĩ thì làm đầu nậu, làm mối, làm cò mồi vận động hành lang cho các ông chủ lớn của các đại công ty, nên rất ít biết nỗi khó khăn của những người và những cơ sở vừa và nhỏ. Trái lại thực tế và thực sự những người này đóng góp nhiều nhứt cho ngân sách, thu dụng nhiều lao động và tiêu thụ nhiều nhứt, giúp cho nền kinh tế Mỹ nói chung phát triễn.

Ông Joe Vranich, một nhà chuyên môn tái định cư của Quận Cam đã từng theo dõi con đường sinh lộ của những cơ sở sản xuất kinh doanh rời Cali tìm đất lành để sống cho biết ra khỏi Cali, đến các tiểu bang khác hay ra ngọai quốc làm việc ít bị gò bó vế thuế má, về môi trường.

Quyền lợi khi rời khỏi Cali đi các tiểu bang khác, quyền lợi đó rất lớn. Nhà chuyên môn ở Quận Cam này nói, người bỏ Cali đi nơi khác sẽ tiết kiệm được từ 20% đến 40% mỗi năm. Một giám đốc điều hành đã rời Cali nói với Vranich, rằng chúng tôi có thể cạnh tranh khắp hòan cầu, nhưng chúng tôi phải đầu hàng với giá cả chi phí ở Cali.
Một người khác nói với Vranich, California "là tiểu bang tệ nhứt để sản xuất kinh doanh trong nước Mỹ này. .. Chưa thấy cải tiến gì ở chân trời”.

Thứ ba, còn đối với dân Cali, thì Cali là nơi khó sống nhứt dù điều kiện thiên nhiên tốt, khí hậu tốt, nông phẩm tươi sống nhiều và rẻ. Sưu khảo của MoneyRates.com cho biết California là tiểu bang khó sống hàng thứ bảy ở Mỹ. Khó sống vì tỷ lệ thất nghiệp cao (10.9%) , lương trung bình hàng năm thấp ($31,459 năm 2011), thuế má cao và mức sống mắc. Cali khó sống đứng hàng thứ 44 trên 50 tiểu bang Mỹ.

Cuối cùng, dù “Cali tiểu bang vàng” nay đang “vàng phai”, chớ không còn “vàng tươi” như trước nữa, nhưng Cali không tàn tạ, không chết. Nếu chỉ là một tiểu bang của Mỹ nhưng từng là một siêu cường kinh tế so kè với đệ ngũ siêu cường kinh tế là Pháp, Cali bây giớ có sụt hạng nhưng vẫn còn là một siêu cường kinh tế thứ tám trên thế giới.

Cali xuống dốc vì những “ bịnh hậu” gây ra bởi những chính khách chuyên nghiệp chánh trị dân cử, bầu cử mà không hiểu dân tình và các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Những “quan lớn, quan nhỏ dân cử” này một mặt không thể ngưng đánh thuế, cứ tăng chi tiêu, bày ra nhiều qui định sách nhiễu ngành sản xuất kinh doanh. Và mặt khác thấy ngành giáo dục “hiền”, những người hưu, những người già lợi tức thấp “nghèo”, thế yếu nên cứ mạnh tay cắt giảm ngân sách giáo dục, an sinh xã hội và phúc lợi y tế. Khi nào những thái độ và hành động cũng như lớp quan dân cử đó không thay đổi, thì số cơ sở sản xuất, kinh doanh từ bỏ, rút lui, và rời khỏi Cali, con số ấy còn tiếp tục tăng.

Vi Anh

No comments:

Post a Comment