Vụ tham nhũng RBA: có phần của Bộ Công An CSVN
Cuộc điều tra vụ tham nhũng RBA của cảnh sát Úc ngày càng có thêm nhiều thông tin và tiến triển mới. Sau khi bắt giữ 2 kẻ môi giới tại Mã Lai, thì hôm thứ Sáu 1/07 cảnh sát liên bang Úc đã bắt giữ sáu quan chức nắm giữ 3 chức danh quan trọng là Tổng Giám Đốc điều hành, Tổng quản Tài chánh và Tổng quản Thương Mại-Tiếp thị của hai công ty Securency và Note Printing Australia (NPA). Hai ngày sau tại Đức, theo lời yêu cầu của Úc, cảnh sát Đức đã bắt giữ một cựu giám đốc thương mại của NPA là Christian Boilott.
Đây là một loạt các hoạt động điều tra toàn cầu mà cảnh sát liên bang Úc đang tiến hành trong vụ án tham nhũng của kỹ nghệ in tiền nhựa Polymer của Úc.
Gần đây ngoài việc nêu đích danh quan chức Việt Nam cao cấp có liên đới là cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy thì báo chí Úc cũng đã nêu rõ lai lịch của tay môi giới Lương Ngọc Anh.
Lương Ngọc Anh không chỉ đơn thuần là cựu tổng giám đốc của CFTD, mà thật ra là một đại tá (chuyên ngành tình báo?) của bộ công an. Các tài liệu nội bộ của cơ quan thương mại Austrade đã cho thấy Đại tá Lương Ngọc Anh là “người có mối quan hệ họ hàng trong nhiều cơ quan của chính phủ”, trong khi bố của anh ta có nhiều mối quan hệ sâu rộng và bố vợ là Bộ trưởng bộ công an Lê Hồng Anh.
Để cho thấy tầm quan trọng của tay môi giới này, các tài liệu của Úc cho biết cơ quan Austrade và nhân viên ngoại giao đoàn Úc tại Hà Nội đã có nhiều buổi gặp gỡ và tiếp xúc với anh ta. Chỉ riêng khoảng từ 1999 đến 2001 đã có 18 buổi tiếp xúc như vậy. Mọi sự việc liên quan đến nhân vật này đều đặc biệt và hơn hẳn các nhân vật môi giới tại những nước khác. Khác với những con số được đưa ra trước đây, nay báo chí Úc cho biết số tiền được trả trung gian qua tay Đại tá Lương Ngọc Anh là $20 triệu đô. Đây là số tiền được cho là lớn nhất trong tất cả các số tiền mà Securency đã chi trả cho các quan chức ngân hàng nước ngoài. Con số $20 triệu đô trên tổng giá trị hợp đồng $125 triệu đô cũng là món “lại quả” đậm nhất, hơn hẳn con số 10% mà trước đây ai ai cũng nghĩ rằng đó là “thông lệ”. Trước đây khi nói về việc “lại quả” đậm cho Lương Ngọc Anh và các quan chức Việt Nam, nhà báo Bill Hayton (BBC) từng giải thích rằng “vì mối quan hệ (của Lương Ngọc Anh) thuộc loại… cao cấp mà có lẽ các mối làm ăn khác không thể bì được”.
Đại tá Lương Ngọc Anh cũng hưởng khoảng 20-30% của số tiền “huê hồng” này, tức là khoảng $5triệu đô. Chắc chắn một mình anh ta không thể ẳm hết số tiền này được. Vậy còn lại khoảng $15 triệu đô đã đi về đâu? Nhất định là có phần của cha con Lê Đức Thúy – Lê Đức Minh.
Một cựu nhân viên của Securency có ghi lại trong cuốn sổ tay của mình mẩu đối thoại với Đại tá Lương Ngọc Anh trong một buổi thảo luận là “Ông Thống đốc Ngân hàng sẽ vui hơn nữa nếu quý vị chịu chi (trả) thêm tiền huê hồng”.
Securency đã ưu ái, tiếp đón hậu hĩnh để làm vui lòng ông Thống đốc cũng như các quan chức ngân hàng trong những chuyến đến Úc. Đôi khi những nhân viên PR của Securency được yêu cầu giúp tìm kiếm “mấy em chân dài người Á Châu” cho các vị Thống đốc và Phó thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam. Một nhân viên nam của Securency còn kể lại lời yêu cầu của cấp trên: “Lần tới khi vị khách này đến đây thì tôi cần anh giúp tìm cho ông ta một nữ bảo vệ (vừa nói vừa nháy mắt ra hiệu), loại bảo vệ đặc biệt ấy mà,… anh hiểu chứ. Phải là người Á Châu nhé”.
Trong số những kẻ được chia chác, thì phải kể đến một số cổ đông của CFTD như Đỗ Minh Thương, một chuyên viên cao cấp của hai Bộ Ngoại Giao và Bộ Công Thương, và cũng là đại diện của Việt Nam tại một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Đi xa hơn nữa, chắc chắn phải có phần của bố Lương Ngọc Anh và ông bộ trưởng bộ công an, bố vợ của anh ta và nhiều quan chức cao cấp khác nữa.
Hồ sơ điều tra cũng cho biết vào năm 2007 Securency đã chi tiền để nhờ người môi giới và một số cán bộ ngân hàng của Việt Nam bay sang tận Venezuela giúp thuyết phục quan chức ngân hàng nước này chuyển đổi tiền giấy sang tiền nhựa Polymer. Điều này lại trùng hợp với chuyến đi của phái đoàn TBT Nông Đức Mạnh đến thủ đô Caracas của Venezuela vào ngày 30/05/2007 để hội kiến với Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội của Venezuela và nhiều quan chức, thành viên trong chính phủ. Hơn một năm sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng dẫn một phái đoàn sang Venezuela vào ngày 19/11/2008.
Cơ quan đóng vai trò đắc lực trong việc giới thiệu Securency với môi giới tại các quốc gia là cơ quan đại diện thương mại Úc Austrade. Trường hợp của đại diện trưởng AusTrade tại Nam Mỹ và Việt Nam là một điển hình. Tuy cho đến nay chưa có đại diện trưởng nào của AusTrade bị bắt, nhưng hầu hết các cựu đại diện trưởng của AusTrade tại Việt Nam đều được cảnh sát Úc thẩm vấn. Được biết, trong số các đại diện trưởng của AusTrade tại Việt Nam trước đây có bà Lê Vi, một phụ nữ Úc gốc Việt (nhiệm kỳ 6/1996 – 7/1999). Bà cũng là phu nhân của Pete Peterson, cựu đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam (1997 – 2001).
Mối quen biết giữa Đại tá Lương Ngọc Anh với cơ quan AusTrade kéo dài hơn 10 năm kể từ năm 1998. Từ năm 2002, Ngọc Anh và công ty CFTD của hắn chính thức trở thành môi giới cho Securency. Vào tháng 11 năm 1999, hắn được cơ quan này mời sang Úc tham dự một buổi hội thảo về thị trường Việt Nam. Ngoài ra hắn còn là khách quý của Tòa Đại sứ Úc tại nhiều buổi chiêu đãi. Chưa hết, vào tháng 8 năm 2008, Lương Ngọc Anh còn được AusTrade mời làm thành viên trong kỳ họp thường niên của phái đoàn Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại và Kinh tế Úc – Việt (JTEC), mặc dầu chỉ trước đó mấy tháng vị đại diện trưởng của AusTrade đã cảnh báo về sự liên hệ của Lương Ngọc Anh với Bộ Công an. Thậm chí ngay sau khi báo The Age lên tiếng về vụ bê bối tại Securency vào tháng 5 năm 2009, Đại tá Anh vẫn còn tiếp tục gặp gỡ với các quan chức ngoại giao của Tòa Đại Sứ Úc đến 2 lần.
Sự liên can của Bộ Công an CSVN thông qua Đại tá Lương Ngọc Anh trong việc môi giới cho Securency in tiền nhựa Polymer đã quá rõ ràng.
Trong một diễn biến khác, khi đánh dấu tròn 1 năm ngày hai nhân viên của hãng hàng không Qantas trở về từ “địa ngục Việt Nam” sau khi bị giam lỏng hơn 6 tháng để “phục vụ điều tra”, báo Herald đã nhắc lại vụ việc này với nhiều chi tiết chưa hề được tiết lộ trước đây.
Trong số hôm nay, báo Herald cho biết đã tiếp cận được 18 bức điện đánh đi từ Việt Nam liên quan đến chi tiết các cuộc thương lượng để giải thoát cho hai nhân viên Qantas. Trong số này có 12 bức điện thuộc loại “nhạy cảm” có nhiều chi tiết liên quan đến việc thương lượng mặc cả, được hãng Qantas yêu cầu Bộ Ngoại Giao Úc giữ kín, vì không muốn ảnh hưởng đến mối quan hệ với đối tác Việt Nam, trong khi 6 bức điện còn lại cũng được kiểm duyệt gắt gao. Bộ Ngoại Giao cũng quan ngại việc tiết lộ những chi tiết này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với Việt Nam. Chi tiết “nhạy cảm” mà Qantas muốn giấu nhẹm là số tiền to lớn phải chung chi cho Bộ công an để đổi lấy sự tự do cho hai nhân viên của hãng.
Chi tiết duy nhất được tiết lộ là cuộc điều tra và thương lượng cũng như tuyên bố trả tự do cho hai nhân viên Qantas đều do Thiếu tướng công an Trần Trung Dũng cục trưởng Cục An ninh điều tra (A92) cầm đầu, cùng với một đại tá công an của cục này.
Nhắc thêm vụ việc này để chúng ta thấy được quyền lực và sự can dự sâu rộng của Bộ Công an trong các vụ việc có liên quan đến tài chánh, tiền bạc.
Sydney, ngày 4/07/2011
© Lê Minh
© Đàn Chim Việt
==========================================
Type Vietnamese anywhere ! http://www.angeltech.us/viet-anywhere/
No comments:
Post a Comment