Vũ khí “thay đổi cuộc chơi” trên biển
22/10/2012 3:05Mỹ đang nỗ lực tạo ra bước ngoặt mới cả trong hải chiến lẫn do thám, cấp cứu trên biển bằng cách phát triển tàu nổi không người lái.
Mới đây, tạp chí chuyên ngành quân sự Jane’s Defence Weekly (JDW) đưa tin Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) vừa bổ sung đầu tư thêm để phát triển tàu nổi không người lái (Unmanned Surface Vehicle - USV) chống tàu ngầm.
Tờ JDW dẫn lời chuyên gia Scott Littlefield của DARPA nhận định: “Mục tiêu của chúng tôi là “thay đổi cuộc chơi” trong hoạt động của hải quân”. Đặc biệt là khả năng săn tàu ngầm. Vì thế, giới chuyên gia nhận định hành động trên là một trong những chương trình mà Mỹ dùng để chống lại Trung Cộng giữa lúc Bắc Kinh thể hiện rõ tham vọng phát triển lực lượng tàu ngầm.
Ảnh đồ họa USV chuyên săn tàu ngầm (ACTUV) - Ảnh: DARPA
|
Từ săn tàu ngầm…
Để thực hiện dự án trên, DARPA quyết định cung cấp khoản tiền trị giá 58,4 triệu USD để nhà thầu quốc phòng Mỹ SAIC thực hiện 3 giai đoạn sau cùng của chương trình phát triển USV chuyên săn tàu ngầm (ACTUV). Từ khoản ngân sách này, SAIC sẽ chế tạo một chiếc USV có 3 thân dài 40 m. Theo thông tin từ DARPA, tàu ACTUV được tích hợp các kỹ thuật dò tìm và định vị tàu ngầm tối tân nhất. Thậm chí, các tàu ngầm sử dụng động cơ điện kết hợp diesel, nổi danh chạy cực êm, cũng khó thoát khỏi “mắt thần” của ACTUV. Sau khi phát giác tàu ngầm mục tiêu, nó sẽ tiến hành theo dấu và liên tục gửi thông tin cho trung tâm điều khiển để bổ xung, tấn công nếu cần.
Ngoài ra, loại USV này còn có nhiều kỹ thuật liên lạc kết nối tối tân cùng một “bộ não” cực kỳ thông minh. Ngay cả trong trường hợp mất liên lạc từ trung tâm điều khiển, chiếc ACTUV cũng có thể tự theo dõi, dò tìm tàu ngầm và tự né tránh các tàu nổi khác trên biển. Đặc biệt, loại USV này có tầm hoạt động lên đến 6.200 km và đủ sức hoạt động liên tục suốt 80 ngày mà không cần tiếp thêm năng lượng. Dự định, DARPA có thể chạy thử chiếc đầu tiên vào giữa năm 2015 và chi phí sản xuất sau đó khoảng 20 triệu USD mỗi chiếc.
Một chiếc USV Spartan được vũ trang - Ảnh: US Navy
|
…đến tấn công trên biển
Giống như máy bay không người lái, tàu nổi không người lái cũng là một trong những chiến lược quan trọng của Ngũ Giác Đài. Từ năm 2007, Bộ Tư lệnh hải quân Mỹ đề ra kế hoạch phát triển toàn diện các loại USV. Theo tài liệu do cơ quan này công bố, Washington sẽ tập trung phát triển 4 loại USV căn bản gồm: loại X có chiều dài dưới 3 m, loại Harbor dài 7 m và đạt tốc độ 35 hải lý/giờ (hơn 60 km/giờ), loại Snorkeler dài 7 m hoạt động theo kiểu bán tàu ngầm và đạt tốc độ 15 hải lý/giờ (27 km/giờ), loại Fleet dài 11 m và có tốc độ 20 - 24 hải lý/giờ (37 - 44 km/giờ). Trong đó, USV loại X nhằm phục vụ mục đích do thám, giám sát trên biển. Ba loại còn lại là Harbor, Snorkeler và Fleet được phát triển theo nhiều mục đích như: dò và phá thủy lôi, tấn công đa nhiệm và cấp cứu tại những khu vực mà con người khó tiếp cận. Theo kế hoạch này, Mỹ phát triển 3 nhóm vũ khí căn bản cho các tàu nổi không người lái gồm: súng máy và pháo, ngư lôi, hỏa tiễn. Về súng máy và pháo, các loại USV của Mỹ được thiết kế tương thích với các hệ thống súng máy cỡ nòng 7,62 mm đến những loại pháo cỡ nòng 25 mm phục vụ cận chiến.
Đối với hệ thống ngư lôi, các SUV được phát triển để có thể mang theo những loại ngư lôi MK 54 và MK 48 hạng nhẹ, đủ sức tấn công tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm. Ngoài ra, tàu nổi không người lái Mỹ có thể được trang bị cả hỏa tiễn đối không lẫn tấn công mặt đất, ví dụ như hỏa tiễn Hellfire tấn công đất liền và cả xe tăng, xe bọc thép. Vì thế, các USV của Mỹ có thể dùng làm lực lượng tiên phong trong tấn công đổ bộ. Gần đây, hải quân Mỹ liên tục điều hành loại USV Spartan có thể được trang bị hỏa tiễn tấn công; đồng thời Ngũ Giác Đài còn sử dụng các USV vũ trang như một lực lượng quan trọng cho các tàu chiến cận bờ để tăng khả năng tác chiến phi đối xứng cho loại chiến hạm này. Theo tạp chí quốc phòng Defense Industry Daily, Singapore từ sớm cũng tậu một số USV Spartan cho công tác giám sát bờ biển.
Ngô Minh Trí
No comments:
Post a Comment