Friday, May 24, 2013

Nhật Bản hỗ trợ Miến Điện để chống Tầu

Nhật Bản hỗ trợ Miến Điện để chống Tầu

Tổng thống Miến Điện Thein Sein (T) tiếp phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Naypyidaw, 03/01/2013 
Tổng thống Miến Điện Thein Sein (T) tiếp phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Naypyidaw, 03/01/2013. REUTERS

Tú Anh

Chuyến công du Miến Điện ba ngày của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là cơ hội để Tokyo thông báo một loạt biện pháp kinh tế và thương mại trợ giúp quốc gia Đông nam Á đầy hứa hẹn. Nhưng khác với Tây phương, Nhật Bản luôn luôn duy trì quan hệ với Miến Điện để ngăn chận ảnh hưởng của Tầu.



Tháng Tư năm 2012, chính phủ Nhật Bản thuộc phe trung tả đã xóa nợ cho Miến Điện gần 3 tỷ đôla Mỹ. Trong chuyến công du Miến Điện ba ngày kể từ hôm nay 24/05/2013, thủ tướng Shinzo Abe, cầm đầu cánh hữu Nhật Bản sẽ thông báo bỏ luôn món nợ còn lại là 1,5 tỷ đôla, không tính « bao thư 100 tỷ yen » viện trợ thêm, tức gần 1 tỷ đôla Mỹ.
Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, thì Tokyo luôn sát cánh với chính quyền Miến Điện kể cả trong thời kỳ quân phiệt cầm quyền. Mục tiêu chiến lược của Tokyo và cũng là ước nguyện của giới lãnh đạo và xã hội công dân Miến Điện là không để cho Tầu thao túng quốc gia Đông nam Á có nhiều tài nguyên và vị trí địa lý chiến lược trong khu vực.
Với tham vọng làm « cường quốc hải dương », Bắc Kinh tranh giành lãnh hải với Nhật Bản ở phía đông, lấn sâu về phương nam với « đường lưỡi bò » ở biển Đông nam Á và với chiến lược « chuỗi trân châu » kéo dài đến Ấn độ Dương. Trên bộ, Tầu xây dựng ống dẫn dầu từ cảng Kyaukphyu trong vịnh Bangal xuyên ngang Miến Điện đến tận Vân Nam, trong khi doanh nhân người Hoa lợi dụng thời kỳ Tây phương cấm vận đã đổ qua Miến Điện chiếm thị trường.
Theo chuyên gia Pháp Léon Bernard Pinatel, Bắc Kinh đã âm thầm thi hành chính sách thực dân tại Miến Điện từ 20 năm qua. Tại tỉnh Mandalay, chiếc nôi văn hóa của Miến Điện, người Hoa chiếm gần 40% dân cư. Tâm lý phản cảm chống Tầu đã đưa đến nhiều vụ đặt bom phá hoại công trình dầu khí của Tầu trong năm 2010. Gần đây nhất, dân chúng Miến Điện phản đối công trình xây dựng đập thủy điện do Tầu làm chủ thầu và một mỏ đồng do Tầu khai thác.
Chính sách Miến Điện của Nhật Bản tuy không ồ ạt quy mô như Tầu, nhưng lại rất bền bỉ. Chuyên gia Masahiko Tanaka, đại diện của JICA, cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật tại Rangoon nhận định là từ 1960 đến nay, khác với Tây phương, không bao giờ Tokyo bỏ rơi Miến Điện. Chuyên gia thuộc cơ quan hợp tác của Nhật hoạt động tại chỗ. Một trong những nhược điểm của Miến Điện là thiếu chuyên viên đã được Nhật Bản tận tình đào tạo tại chỗ cũng như đưa sang Nhật tập huấn 300 người mỗi năm.
Tháng Giêng năm nay, ngay sau khi đảng Tự Do Dân Chủ lên cầm quyền, từ thủ tướng đến các bộ trưỏng quan trọng của Nhật đã chọn Đông Nam Á viếng thăm đầu tiên, thay vì sang Tầu hay Hoa Kỳ.
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Tài chính Taro Aso được nhiệm vụ đến Miến Điện mở đường đầu tư cho doanh nhân, kỹ nghệ gia Nhật Bản. Công trình xây dựng và phát triển đặc khu công nghiệp Thilawa rộng 2000 hecta sẽ do ba đại tập đoàn của Nhật đảm trách.
Theo giới phân tích, trong vùng Đông Nam Á, đặc biệt là tại Miến Điện, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, Tokyo mở cuộc chiến tranh không tiếng súng để cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Chuyên gia Guy Faure, giám đốc ban Bắc Á của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp cho rằng, Tokyo cảm thấy bị « mất đất » trong khu vực từ năm 2000 vì Bắc Kinh.
Từ năm 2009, kỹ nghệ Nhật Bản đầu tư mỗi năm vào Đông Nam Á nhiều hơn là vào Tầu. Miến Điện chắc chắn sẽ là vùng đất hứa có thể tiếp nhận các xí nghiệp Nhật Bản dời cơ sở từ Trung Quốc sang.
Từ viện trợ quân sự cho các quốc gia Đông Nam Á bị Tầu đe dọa như cung cấp 12 tầu tuần duyên cho Philippines đến viện trợ phát triển kinh tế cho Đông Nam Á, hơn bao giờ hết, Tokyo với chính phủ Shinzo Abe xây dựng thế liên hoàn trước tham vọng không che dấu của Bắc Kinh.

No comments:

Post a Comment