Saturday, June 15, 2013

40 tỉ USD “lật đổ” kênh đào Panama

40 tỉ USD cạnh tranh kênh đào Panama

Quyết định của Nicaragua cho Trung Cộng xây kênh đào băng ngang nước này để nối 2 đại dương đang gây nhiều thắc mắc và nghi ngờ.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega vừa tuyên bố đồng ý cho một công ty Trung Cộng đầu tư xây dựng và vận hành một kênh đào qua lãnh thổ nước này, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama ở cách đó hơn 1.200 km, theo AFP. Tuy còn phải đợi quốc hội thông qua, nhưng giới quan sát cho rằng dự án nhiều tranh cãi này gần như chắc chắn sẽ được phê duyệt.  
Đầy tham vọng
Theo báo El Nuevo Diario của Nicaragua, nước này đã thỏa thuận để Công ty đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua thuộc công ty HKDN, có trụ sở tại Hồng Kông, xây dựng kênh đào nói trên, cùng một đường ống dẫn dầu, một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa, 2 cảng nước sâu, 2 sân bay và một loạt khu thương mại tự do. Dự án có chi phí 40 tỉ USD, dự tính hoàn thành trong 11 năm. Những người ủng hộ dự án tuyên bố kênh đào mới sẽ chiếm 4,5% khối lượng giao thương hàng hải toàn cầu, tạo ra 40.000 việc làm trong thời gian thi công và tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người của Nicaragua, quốc gia hiện nằm trong nhóm nghèo nhất tại châu Mỹ La-tinh.

Vị trí 2 kênh đào ở Panama và Nicaragua - Ảnh: Daily Mail / Đồ họa: Hồng Sơn
  
AP đưa tin cho biết chính phủ Nicaragua dự tính sẽ trao cho đối tác Trung Cộng quyền vận hành và khai thác kênh trong 50 năm và có thể gia hạn lên đến 100 năm. Trong 10 năm đầu, HKDN sẽ trả Nicaragua 10 triệu USD/năm, sau đó chia lợi nhuận cho nước này ở mức 1% và sẽ tăng dần về sau. Sau khi thời hạn khai thác kết thúc, toàn bộ cơ sở hạ tầng của kênh đào sẽ được bàn giao cho chính quyền Nicaragua.
Theo các nghiên cứu ban đầu, kênh đào sẽ dài 200 km, chạy dọc theo các con sông từ bờ đông Nicaragua đến hồ Nicaragua rồi thêm hơn 10 km nữa xuyên qua Dải đất Rivas để nối với Thái Bình Dương.
Mập mờ và tranh cãi
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mù mờ về dự án này khi có rất ít thông tin về Tập đoàn HKDN được công bố. Hiện có 6 tuyến lộ trình của con kênh được tính đến nhưng chưa rõ tuyến nào được chọn trong khi ảnh hưởng về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như các vấn đề tiếp vận vẫn còn là những dấu hỏi lớn. Tờ International Business Times dẫn lời chính trị gia đối lập Javier Vallejos của Nicaragua nhận xét: “Điều này giống như cầm đèn chạy trước ô tô vậy”.
Theo kế hoạch, kênh đào mới sẽ dài gần gấp 3 lần so với kênh đào Pamana (77 km). Đến nay, kênh đào Panama là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới và nằm trong số những công trình lớn và gian khổ nhất từ trước đến nay với 27.500 công nhân chết trong suốt thời gian xây dựng, theo website chính thức của Cơ quan Quản lý kênh đào. Người Pháp bắt tay xây dựng vào năm 1881 nhưng phải bỏ dở, rồi Mỹ nhảy vào và hoàn thành kênh đào vào năm 1914. Theo báo Daily Mail, kênh đào này đã giúp giảm phân nửa thời gian đi lại giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, và đang chiếm 5% lưu lượng giao thương hàng hải toàn cầu. Panama đang tiến hành dự án mở rộng kênh đào với chi phí 5,2 tỉ USD, dự tính hoàn tất trong năm tới. Cơ quan quản lý thu phí dựa trên chiều dài tàu và theo tính toán mới nhất, tàu bè đi qua kênh Panama trả phí trung bình khoảng 54.000 USD/lượt.
Vì thế, đã có nhiều ý kiến lo ngại về hiệu quả của dự án ở Nicaragua. Tính cạnh tranh của kênh đào Nicaragua có thể bị ảnh hưởng bởi chính tham vọng của mình. “Sinh sau đẻ muộn” và hành trình lại dài hơn nên để cạnh tranh và thu hút nhiều tàu bè, kênh đào mới phải rộng hơn, sâu hơn nên phải ngốn chi phí bảo trì lớn hơn và từ đó sẽ đội mức phí thu lên, báo Christian Science Monitor dẫn lời chuyên gia tư vấn Eduardo Lugo nhận định. Ngoài ra, các chuyên gia đang tranh luận liệu Nam Mỹ có cần 2 kênh đào hay không. “Theo kinh nghiệm và những nghiên cứu của tôi về khối lượng thương mại thế giới thì không có đủ lượng tàu bè lưu thông cần thiết để dự án này có thể lấy lại vốn chứ đừng nói là có lời”, chuyên gia Lugo nói.
Đến nay, giới chức Panama vẫn tỏ ra tự tin và AFP dẫn lời ông Manual Benitez, Phó giám đốc Cơ quan Quản trị kênh đào, nói: “Hiện giờ chúng tôi không lo ngại mấy vì phải mất rất lâu nữa thì nguy cơ cạnh tranh mới thật sự xuất hiện”.

Động cơ địa chính trị ?
Nhận định trên trang tin Sizemore Investment Letter, một số chuyên gia cho rằng trong dự án này, Trung Cộng có động cơ địa chính trị nhiều hơn là kinh tế. Lâu nay, Mỹ vẫn xem Trung Mỹ là “sân sau” và kênh đào Panama là “cửa sau” của mình dù đã trao trả kênh đào cho nước sở tại từ năm 1999. Theo thỏa ước, Washington vẫn bảo lưu quyền can thiệp nếu cảm thấy “sự tự do lưu thông và tính trung lập của kênh đào bị đe dọa”, và vẫn xem đây là tài sản quan trọng về quốc phòng. Trung Cộng nhiều khả năng cũng có ý định tương tự với kênh đào ở Nicaragua, đồng thời giành giật ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực.

No comments:

Post a Comment