Monday, July 11, 2011

Chuyện nợ nần của Tầu

Chuyện nợ nần của Tầu

2011-06-30
Nói đến chuyện nợ nần của một quốc gia, người ta có thể nghĩ đến Hy Lạp ở châu Âu. Hoặc nghĩ đến Hoa Kỳ, nơi đang diễn ra cuộc tranh luận chính trị về định mức tối đa để đi vay. Nhưng ít ai nghĩ đến Tầu.
AFP photo
Ga xe lửa ở Quảng Đông dịp cuối năm- AFP photo

Không nghĩ đến cũng phải, vì Trung Quốc đang làm chủ một khối dự trữ ngoại tệ lên đến 3.000 tỷ đô la. Vậy mà xứ này đang bị nợ nần nhiều hơn là người ta có thể biết. Và kỳ lạ nhất là chính quyền Bắc Kinh thật ra không biết là nợ tất cả là bao nhiêu tiền! Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu câu chuyện này qua phần trao đổi sau đây cùng chuyên gia tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Sợ nội biến, gây chuyện biển Đông

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm thứ Hai 27, hệ thống Xinhua của Bắc Kinh loan tin cơ quan giám định kế toán quốc gia, là "National Audit Office", đã hoàn tất việc kiểm kê các khoản nợ của chính quyền địa phương và sẽ đệ trình một báo cáo lên Quốc hội. Theo cơ quan này thì tính đến cuối năm ngoái, tổng cộng các khoản nợ của địa phương lên tới khoảng một ngàn bảy trăm tỷ đô la, nhưng còn thấp hơn con số hơn hai ngàn tỷ đô la do Ngân hàng Nhà nước của Tầu đưa ra hồi đầu tháng Sáu này. Chúng tôi nhớ rằng trên diễn đàn này, từ mùng bốn tháng Tám năm ngoái, bài "Những Khoản Nợ Dấu Kín của Tầu – và của Ta" có nói đến loại công ty đầu tư địa phương do các chính quyền địa phương lập ra để đi vay tiền ngoài khả năng kiểm soát và trả nợ. Như vậy, vấn đề đặt ra là xứ này mắc nợ bao nhiêu và làm sao thanh toán? Từ đã lâu, theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc để đối chiếu với trường hợp tương tự và đáng lo ngại của Việt Nam, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Euro, đô la và nhân dân tệ- AFP photo
Euro, đô la và nhân dân tệ- AFP photo


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Một cách tổng quát, tôi thiển nghĩ rằng 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế, chiến lược kinh tế Tầu đã đi hết sự vận hành có ích của nó và xứ này đang đi vào một khúc quanh nguy ngập nên gặp rất nhiều khó khăn mà lãnh đạo của họ có biết chứ không phải là không.

- Tuy nhiên, vì đang ở vào giai đoạn chuyển giao quyền lực qua Đại hội đảng khóa 18 vào năm tới, lãnh đạo Bắc Kinh bị lúng túng nên khó xoay trở và trong hoàn cảnh đó, ảnh hưởng của quân đội lại gia tăng và chi phối nhiều quyết định của lãnh đạo đảng nên chúng ta mới thấy nhiều biểu hiện đầy rủi ro ngoài vùng biển Đông Nam Á, tức là biển Đông của Việt Nam. Trong khi ấy, các vấn đề kinh tế vẫn tích lũy và gây ra nguy cơ khủng hoảng.

- Các vấn đề ấy là tình trạng nợ nần không thể kiểm tra nổi; là rủi ro động loạn vì có cả triệu doanh nghiệp loại nhỏ và vừa đang bị nguy cơ phá sản nên sẽ gây thất nghiệp nặng; là sự suy sụp mức sống của thành phần ta gọi là "trung lưu" trước sự tích lũy và tẩu tán tài sản của thành phần thượng lưu là các "đại gia" giàu nhất nước nhờ có quan hệ với hệ thống chính trị; là nạn lạm phát và bể bóng đầu cơ khiến kinh tế và xã hội sẽ bị chấn động; là tình trạng hủy hoại môi sinh với những hậu quả kinh hoàng cho nhiều thế hệ sau này. Trong khung cảnh ngặt nghèo ấy ta mới có báo cáo về nợ nần của của cơ quan kiểm tra tối cao mà ông vừa nhắc tới.

- Báo cáo đó có mục tiêu chính trị là đẩy lui tâm lý hoảng sợ nhưng chính vì vậy mà lại phơi bày ra sự thể là chính quyền trung ương thật sự không kiểm soát nổi tình hình nợ nần đang gia tăng – tôi xin nói rõ là ĐANG gia tăng – và là một yếu tố khủng hoảng phụ trội.

Hồ sơ rành rẽ

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày, chuyện nợ nần của Tầu lại còn gay go hơn là người ta có thể nghĩ mà lại chỉ là một phần của nhiều vấn đề nguy ngập khác. Như vậy, xin ông trình bày cho hồ sơ nợ nần này của Tầu.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ năm ngoái rồi, lãnh đạo Bắc Kinh đã biết đến tai họa của chuyện các địa phương vay mượn mà không lý gì đến việc hoàn trả nên trung ương sẽ phải gánh vác, nếu không thì các ngân hàng của nhà nước ở địa phương sẽ đồng loạt phá sản vì bị mất nợ. Tháng Ba năm nay, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới chỉ thị chính quyền trung ương rà soát và kiểm tra xem khối nợ nần này là bao nhiêu.

- Trong Quốc vụ viện, là Hội đồng Chính phủ, có một cơ quan ngang bộ do Hiến pháp quy định việc thành lập từ năm 1983 để kiểm kê và giám định các trương mục kế toán quốc gia. Họ gọi cơ quan đó là "Thẩm Kế Thự" mà ta có thể hiểu là "Giám định Kế toán Quốc gia" như Tân Hoa Xã đã nói đến hôm 27 vừa rồi trong bản tin Anh ngữ của họ. Người cầm đầu là một Tổng giám định có chức vụ Bộ trưởng trong Nội các hay Hội đồng Chính phủ hay Quốc vụ viện.

- Thế rồi, sau khi rà soát lại tình hình nợ nần của các công ty đầu tư do chính quyền địa phương lập ra để đi vay tiền các ngân hàng đa số của nhà nước ở tại địa phương, Cơ quan Giám định này cho rằng cho đến cuối năm ngoái tổng số nợ của các công ty đầu tư địa phương chỉ ở khoảng 5.000 tỷ đồng Nguyên, tức là thấp hơn rất nhiều so với lượng định do Ngân hàng Trung ương Tầu mới loan báo hồi đầu tháng này.

- Nói vắn tắt thì hai cơ quan trung ương đưa ra hai con số khác nhau về cùng một hiện trạng. Bộ Giám định Kế toán Quốc gia hay "Thẩm Kế Thự" thì cho rằng khoản nợ của các địa phương lên tới 27% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, còn Ngân hàng Nhân dân Tầu tức là Ngân hàng Trung ương thì đưa ra con số bằng 35% GDP của riêng các công ty đầu tư của địa phương!

- Vấn đề là hai cơ quan này không kiểm kê cùng một loại đối tượng! Vì nếu tính chung khoảng 5.700 tỷ đồng Nguyên của các chính quyền địa phương - chứ không phải 5.000 tỷ đồng của cả vạn công ty đầu tư - do bộ Giám định Kế toán đưa ra, với khoản nợ là 14 ngàn 400 tỷ đồng Nguyên của các công ty đầu tư địa phương, nhưng do Ngân hàng Trung ương ước tính, thì ta có gần 20 ngàn tỷ đồng, là phân nửa Tổng sản lượng GDP của xứ này!

- Nếu lại phải kể thêm khoản nợ chừng 20% GDP của chính quyền trung ương thì ta có con số công trái, là nợ nần của khu vực nhà nước, lên tới 70% tổng sản lượng cả năm của Tầu. Kinh hoàng hơn thế là sự kiện các chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục vay nợ thêm mà lại không có tài sản thế chấp để làm vật đảm bảo, y hệt như trường hợp các nước Đông Á trước khi bị khủng hoảng năm 1997. Tôi xin lỗi quý thính giả là cứ nói đến mấy con số khó nghe khó
hiểu đó nhưng có vậy ta mới thông cảm với tình trạng nhức đầu khó chịu của chính quyền Bắc Kinh!

- Người ta chỉ nghe nói đến trường hợp nợ nần Hy Lạp hay Hoa Kỳ đang được công khai hóa và gây tranh luận trước sự chứng kiến của toàn dân và toàn cầu mà ít ai chú ý đến trường hợp nợ nần của Tầu và nhất là chú ý đến sự kiện chính quyền trung ương Bắc Kinh chưa nhất trí nổi là mắc nợ bao nhiêu và làm sao thanh toán!

Vũ Hoàng: Quả thật vậy, "làm sao thanh toán" là vấn đề mà ai cũng nghĩ đến hay muốn nêu ra.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tại các xứ khác, người ta có quyền nêu vấn đề và thị trường cũng có sự phê phán hay lượng cấp về khả năng trả nợ nên mới chi phối phân lời và lãi suất. Tại Tầu vấn đề lại không được công khai hóa nên ta chỉ có thể suy ra mối rủi ro và bất nhất của các cơ quan do nhà nước lập ra. Đáng chú ý là sau khi thấy ra vấn đề thì xứ này vẫn tiếp tục mắc nợ, với đà gia tốc cao như năm ngoái, trong khi một cơ quan của Hội đồng Chính phủ lại muốn khoả lấp mối nguy bằng những báo cáo được tô hồng.

- Chúng ta phải suy đoán rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang chuẩn bị cách đối phó là lập ra một chương trình chuộc nợ vĩ đại, có thể lên tới 600 tỷ Mỹ kim như tin đồn, để ngân sách nhà nước trả nợ đậy cho hệ thống ngân hàng khỏi sụp đổ dưới một núi nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Nghĩa là các khoản công chi cần thiết về xã hội để tránh động loạn sẽ bị thu hẹp vì mất một khối tiền cực lớn. Và nghĩa là nhiều đại gia hay cán bộ tài phú sẽ ôm bạc tỷ trốn ra ngoài, như chính quyền Bắc Kinh mới báo động, rằng từ năm 1996 đến 2008 đã có 123 tỷ đô la bị thất thoát ra nước ngoài, đa số là của đảng viên cán bộ và nhất là cán bộ về an ninh!

- Nhìn trong trước mắt thì việc chuộc nợ sẽ không dễ vì kinh tế không thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hơn 10% như đã thấy trong mấy chục năm qua và việc chuyển hướng từ lượng sang phẩm như Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đề ra hồi tháng 10 năm ngoái sẽ khó thành công. Và trong khung cảnh chuẩn bị người lên lãnh đạo sau này, vấn đề ấy sẽ gây tranh luận, thậm chí đấu đá, mà không có sự phán quyết của người dân vì xứ này chưa có dân chủ.

Trung lưu è cổ, thượng tầng chuyển ngân

Vũ Hoàng: Thưa ông Nghĩa, ngay trong phần trình bày ban nãy, ông nhắc đến nguy cơ phá sản của hàng triệu doanh nghiệp loại nhỏ và trung bình và sự suy sụp lợi tức của thành phần ta gọi là "trung lưu". Những hiện tượng đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trên đại thể, kinh tế chính trị học Tầu có loại "doanh nghiệp lớn" dù có xưng danh là tư doanh thì cũng vẫn phải có quan hệ với giới chức có quyền vì quyền sẽ đẻ ra lợi. Còn lại là các doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ, là loại đơn vị tư doanh sống nhờ vào hệ thống sản xuất của các đại gia kia với mức lời rất thấp nhưng lại có vị trí xã hội rất trọng yếu vì tạo ra việc làm cho dân chúng lầm than ở địa phương.

- Như vậy, ta có một hình tháp rất lạ là trên cùng có các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi theo diện chính sách, có loại tư doanh cỡ lớn được ưu đãi nhờ quan hệ chính trị và tiền bạc với cán bộ nhà nước và có cả triệu doanh nghiệp nhỏ ở dưới cùng làm gia công cho các đại gia ở trên. Thế rồi thống kê gần đây của bộ Công nghiệp và Công nghệ Tin học Tầu cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ sẽ bị phá sản đã gia tăng đột ngột, từ 0,3% năm ngoái năm nay có thể lên tới gần 16% và mức lỗ lã tài chính tăng hơn 22%. Tức là nền móng của hình tháp ấy đang bị soi mòn từ dưới đáy với hậu quả xã hội và chính trị khó lường ở trên.

- Chuyện thứ nhì là sự suy sụp của thành phần ta gọi là "trung lưu", các hộ gia đình có lợi tức bình quân từ 5.000 đến 30.000 đồng, tức là khoảng từ 800 đến 4.600 đô la một tháng. Người ta cứ lý tưởng cho rằng dân số của thành phần này mà gia tăng thì xã hội Tầu sẽ thay đổi qua một sự chuyển hóa chậm rãi trong ổn định. Thực tế thì lại khác.
Người nghèo ở Trung Quốc- AFP photo
Người nghèo ở Trung Quốc- AFP photo
- Theo một báo cáo gần đây của Uỷ ban Khoa học Xã hội, là cơ quan nghiên cứu của nhà nước, thì tính đến cuối năm ngoái, Tầu có khoảng hơn 100 triệu người trung lưu, là 8% dân số toàn quốc. Nhưng ta thấy ra hai sự việc. Thứ nhất, con số ấy có giảm mạnh so với cũng báo cáo năm ngoái của ủy ban này là gần 25% dân số, có thể vì họ điều chỉnh lại tiêu chuẩn hay định nghĩa.Thứ hai, thành phần này thật ra lại chịu cái cảnh gọi là "một cổ đôi ba tròng".

- Họ phải gánh chịu những chi phí rất cao về gia cư, giáo dục và sinh hoạt tại đô thị, nhất là trong hoàn cảnh lạm phát và bong bóng địa ốc khiến họ rất khó mua nhà vì phải trồng tiền cọc nhiều hơ mà lại không được nâng đỡ về phúc lợi xã hội như nhiều thành phần khác.

- Chuyện thứ hai là khi lên đến trình độ gọi là trung lưu, họ cũng bất mãn thấy ra mức sống và thói sống của các giai tầng cao hơn ở trên, là thành phần thượng lưu và các đại gia có quan hệ thân tộc với tay chân của chế độ. Theo một báo cáo của doanh nghiệp tư vấn Boston Consulting Group thì đến 70% tài sản của Tầu nằm trong tay 0,2% dân số - là khoảng hai triệu rưởi.

- Thành phần thượng lưu giàu có này có khả năng và phương tiện bảo tồn tài sản cho con cháu và nhất là đã tích cực chuyển ngân ra ngoài, có khi dưới danh nghĩa đầu tư để thụ đắc quốc tịch nước ngoài, Nghĩa là giới trung lưu chừng 100 triệu người đang bị vất vả mà lại thấy vài triệu kẻ ở trên lại rút tiền bỏ chạy ra nước ngoài, nhiều nhất là chạy qua Mỹ, Canada hay Singapore.

- Tổng kết lại, và ta nên nghĩ đến trường hợp tương tự tại Việt Nam, khi thành phần ưu tú ở trên cùng lại bòn rút tài nguyên quốc dân để làm giàu bất chính và còn rút ruột quốc gia để chạy ra ngoài thì xã hội không thể yên được. Lãnh đạo Bắc Kinh có hiểu ra và rất sợ những chuyện đó, trong đó có cả hồ sơ nợ nần của các địa phương, cho nên ta mới thấy ra những lúng túng bất nhất, kể cả biểu hiệu của sự hung hăng ngoài Đông hải.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

No comments:

Post a Comment