Tầu Giương cờ và Hạ cánh
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-07-06
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Tầu hôm mùng một vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu rằng đảng phải đảm bảo ổn định xã hội nếu không thì mọi thành quả đạt được đều tiêu vong.
Ông nói thêm rằng trong tiến trình phát triển hiện nay, thể nào cũng có vấn đề và xung đột. Trong khi ấy, người ta chú ý đến sự kiện là tư tưởng cực tả thời Mao Trạch Đông đã tái xuất hiện và đang trở thành một chủ nghĩa dân tộc không chỉ nhắm vào Tây phương mà còn có chiều hướng chỉ đạo phương thức sinh hoạt và suy tư của người dân.
Lãnh đạo Tầu đang thấy những gì ở bên trong, 90 năm sau khi đảng Cộng sản ra đời, 60 năm sau khi thành lập Cộng hoà Nhân dân Tầu và 30 năm sau khi tiến hành cải cách kinh tế? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi cho nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Lãnh đạo Tầu âu lo?
Vũ Hoàng: Đài Á Châu Tự Do xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, mùng một Tháng Bảy vừa rồi, Tầu long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Tầu. Trong dịp này người ta lại chú ý đến lời phát biểu đầy ưu lo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người lãnh đạo cả đảng, nhà nước và quân đội Tầu.
Trong khi ấy, thế giới cũng nói đến sự tái xuất hiện của phong trào "Văn hóa đỏ" - nhất là ở thành phố Trùng Khánh - khiến người ta nhớ đến cuộc "Cách mạng Văn hóa" xảy ra đúng 45 năm trước. Thưa ông, câu hỏi mà nhiều người nêu lên là "chuyện gì đang xảy ra tại Tầu"?
Lãnh đạo đảng Cộng sản xứ này thấy những gì mà có vẻ e ngại và dường như còn đang huy động quần chúng vào những chiến dịch tuyên truyền đã từng thấy ngày xưa?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng xứ này đang ở vào một khúc quanh khá ngặt nghèo về kinh tế xã hội, lại đang ở giữa giai đoạn chuyển giao quyền lực qua một đại hội đảng, và đảng Cộng sản Tầu thấy ra những bất ổn về chính trị nên mới tìm về phản ứng cách mạng năm xưa. Đây là điều rất đáng lo ngại cho người dân ở bên trong và cho các lân bang bên ngoài.
Vũ Hoàng: Chúng ta không quên rằng 30 năm sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, Tầu đã vọt lên thành một cường quốc kinh tế và năm nay vừa qua mặt Nhật Bản. Thế thì vì sao lãnh đạo của họ lại có vẻ ưu lo như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, có lẽ ta nên nhìn vào bối cảnh chung của các quốc gia khi khởi sự công nghiệp hóa, với quy luật phổ biến là "đà gia tốc của khoa học kỹ thuật" khiến các nước đi sau tiến nhanh hơn vì tiếp nhận kinh nghiệm và kiến thức của các nước đi trước.
Tây phương mất chừng 200 năm để công nghiệp hóa; sau đó, Nhật Bản mất 125 năm; đến các nước tân hưng Đông Á thì chỉ mất có 50 năm. Cũng trong giai đoạn khởi phát đó, nước Anh mất gần 60 năm để nhân đôi lợi tức bình quân một đầu người, sau đó Hoa Kỳ mất chừng 47 năm, Nhật Bản mất có 34 năm và Nam Hàn mất 11 năm. Tầu cũng thế, từ khi chuyển hướng kinh tế vào năm 1979, xứ này đã thấy lợi tức nhân đôi trong vòng chưa đầy 10 năm đầu tiên.
Với một dân số cực lớn là hơn một tỷ 300 triệu người, tổng sản lượng tăng vọt sau 150 năm lụn bại của xứ này mới gây ấn tượng về một "sự kỳ diệu kinh tế của Tầu", hoặc về thành tích của đảng Cộng sản Tầu. Đó là nói về số lượng và thời khoảng trong giai đoạn "cất cánh" hay khởi phát của một quốc gia.
Nhưng 30 năm sau Đặng Tiểu Bình, chiến lược kinh tế đã đi hết sự vận hành dễ dàng ban đầu và đảng cần có những chọn lựa khác trong khi lại gặp nhiều mâu thuẫn bên trong do chính hệ thống kinh tế chính trị gây ra. Cho nên, kinh tế có thể hạ cánh thiếu an toàn và có khi chính trị sẽ lâm khủng hoảng. Nỗi bất an đó mới khiến một số xu hướng trong đảng phát huy lại tinh thần cách mạng thời Mao Trạch Đông để bảo vệ quyền lực đảng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có nói đến yêu cầu chiến lược là ổn định thì cũng vì sự ưu lo ấy.
Mâu thuẫn chính trị-kinh tế
Vũ Hoàng: Ông vừa nói rằng chiến lược kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã đi hết sự vận hành dễ dãi ban đầu và xứ này gặp nhiều mâu thuẫn do hệ thống kinh tế chính trị gây ra. Xin ông giải thích cho thính giả hiểu rõ hơn sự thể ấy vì dường như Việt Nam cũng áp dụng mô thức cải cách kinh tế của Trung Quốc và đang gặp một số vấn đề tương tự.
Nguyễn xuân Nghĩa:
Sau giai đoạn cách mạng hoang tưởng và duy ý chí của Mao khiến xứ này còn lụn bại hơn trước, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành cải cách qua việc giải phóng khả năng sản xuất của khu vực tư nhân và áp dụng quy luật tự do của thị trường một cách có chọn lọc. Nhờ vậy mà sản lượng kinh tế tăng vọt nếu ta so sánh với sự suy sụp thảm khốc của "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" thời Mao. Nhưng chỉ 10 năm sau thôi, quy luật thị trường cũng gây ra vấn đề về kinh tế, trước tiên là lạm phát. Và hệ thống kiểm soát chính trị trong nền kinh tế tự do hơn lại sản sinh ra thuộc tính của mọi chế độ độc tài, là nạn tham nhũng, Do đó, năm 1989, xứ này mới bị khủng hoảng, kết thúc bằng vụ thảm sát Thiên an môn vào tháng Sáu năm đó.
Năm 1992, sau khi tuần thú các tỉnh miền Nam, Đặng Tiểu Bình tiếp tục cho phát triển khu vực kinh tế tư doanh vì đấy là động lực cần thiết cho phát triển, nhưng lại củng cố quyền lực đảng cho chặt chẽ hơn. Khi ấy, thiên hạ mới nói đến phép lạ kinh tế Tầu mà ít chú ý đến phí tổn xã hội của cái phép lạ này. Sau khi họ Đặng tạ thế năm 1997, thế hệ thứ ba lên lãnh đạo là Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ tiếp tục chiến lược đó và lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng nên mới có tốc độ tăng trưởng gọi là rồng cọp, nhất là từ khi xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001.
Điều sáng tạo của Giang Trạch Dân mà Việt Nam cũng đang kín đáo và dè dặt áp dụng là kết nạp tư doanh vào hệ thống chính trị, cụ thể là cho doanh gia được gia nhập đảng để đảng có thể kiểm soát được doanh trường. Nhưng kết quả lại là sự cấu kết giữa các đảng viên và đại gia kinh doanh để chia chác đặc quyền và đặc lợi. Chính là sự cấu kết này mới cản trở nhiều nỗ lực cải cách của thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ngày nay.
Nhưng kết quả lại là sự cấu kết giữa các đảng viên và đại gia kinh doanh để chia chác đặc quyền và đặc lợi. Chính là sự cấu kết này mới cản trở nhiều nỗ lực cải cách của thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ngày nay.Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông vì sao thế hệ thứ tư lại phải tiến hành cải cách và họ bị cản trở như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhìn từ cơ cấu địa dư hình thể Tầu, ta thấy xứ này có ba khu vực khác biệt theo lối gọi là "nhất quốc tam kinh", một quốc gia có ba nền kinh tế mà diễn đàn của chúng ta nhiều lần đề cập tới từ mấy năm qua. Thế hệ Giang Trạch Dân có thấy ra vấn đề là tốc độ tăng trưởng không đều giữa các khu vực nhưng vẫn ưu tiên phát triển khu vực trù phú nhất ờ vùng duyên hải, qua chiến lược xuất khẩu.
Thế hệ Hồ Cẩm Đào càng thấy ra vấn đề chính trị của lối phát triển đầy bất công xã hội nên muốn tập trung quyền lực để trung ương tái phân phối lợi tức cho các tỉnh nghèo và cho các thành phần cùng khốn ở thôn quê hầu tránh nguy cơ động loạn xã hội. Nhưng họ bị chính hệ thống cấu kết giữa các thế lực kinh tế và đảng bộ địa phương cản trở.
Tình trạng cấu kết ấy thực tế khai thác đặc lợi cho một thiểu số chừng 70 triệu đảng viên và hai ba chục triệu đại gia kinh tế, tổng cộng là trăm triệu người so với dân số một tỷ ba, và họ cưỡng chống những chủ trương cải cách bất lợi cho họ. Hệ thống kinh tế chính trị này thực tế là một thế lực phản tiến hóa rất mạnh.
Vũ Hoàng: Một trọng điểm của chiến lược Đặng Tiểu Bình được Giang Trạch dân tiếp tục chính là lấy xuất khẩu làm đầu máy. Thưa ông, tình hình bây giờ có khác hay không và thế hệ Hồ Cẩm Đào hay thế hệ nối tiếp sau Đại hội 18 vào năm tới có chọn lựa nào khác chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi lên lãnh đạo từ năm 2003, thế hệ Hồ Cẩm Đào đã muốn thay đổi và tìm một lực đẩy khác hơn là xuất khẩu hầu tránh được sự khác biệt lợi tức quá lớn giữa các khu vực và thành phần kinh tế. Nhưng họ làm không nổi vì sức kéo hay sự cưỡng chống của các đảng bộ kiếm lời nhờ chiến lược này. Thực tế thì ngày nay, họ vẫn đang phải áp dụng chiến lược xuất khẩu trong khi thế giới đã đổi khác.
Đổi khác vì thế giới ngày nay hết còn các đầu máy nhập khẩu hàng hóa Tầu như xưa. Cụ thể là ba khối kinh tế giàu mạnh nhất là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đang phải giảm chi và tiêu thụ ít hơn nên xuất khẩu không còn tạo ra tác dụng đòn bẩy cho kinh tế Tầu, cho nên thị trường tiêu thụ nội địa của xứ này phải giữ vai trò thay thế, mà thật ra vẫn chưa đủ lực.
Người ta cứ nói đến sức mạnh rồng cọp của kinh tế Tầu chứ lợi tức một người dân xứ này chỉ bằng 8% lợi tức bình quân của dân Mỹ thôi. Vì vậy, trong những năm tới, với sức mua nội địa chưa đủ mạnh để bù đắp thiếu hụt về xuất cảng, kinh tế Tầu sẽ có đà tăng trưởng chậm hơn trung bình mấy chục năm qua.
Nếu tăng trưởng dưới 8% một năm là bộ máy sản xuất không hấp thụ nổi 14 triệu thanh niên đến tuổi gia nhập thị trường lao động và thất nghiệp trong giới trẻ sẽ là yếu tố khủng hoảng khác, ngoài sự bất mãn phổ biến của dân nghèo về đời sống của họ và về sự lạm dụng của hệ thống kinh tế chính trị, của các tay tư bản đỏ được nhiều đảng viên bảo trợ phía sau. Chính là sự bất mãn phổ biến này mới khiến đảng nói đến việc chuyển hướng từ lượng sang phẩm trong Kế hoạch Năm năm thứ 12, từ 2011 đến 2016. Nếu không thì xứ này có thể bị loạn và càng dễ bị loạn nếu kinh tế hạ cánh không an toàn trong thời gian tới đây.
Củng cố quyền lực
Vũ Hoàng: Phải chăng vì vậy mà đảng Cộng sản Tầu mới đang củng cố quyền lực và lại tung ra khẩu hiệu cách mạng đỏ như dưới thời Mao Trạch Đông?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Tôi có cảm tưởng là lãnh đạo Tầu đang thiếu thống nhất về các ưu tiên và sau Đại hội năm tới thì Thường vụ Bộ Chính trị có thay đổi lớn với bảy ủy viên mới bên cạnh hai nhân vật có thể lãnh đạo là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Trong hoàn cảnh bất nhất của lãnh đạo trước các mục tiêu mâu thuẫn, lại gặp bất ổn về kinh tế và tranh giành quyền lực trên thượng tầng, Tầu có thể gặp rủi ro lớn.
Chính là trong không khí ấy ta mới thấy xuất hiện xu hướng mị dân lối cực tả là phát huy sức mạnh của quần chúng bằng khẩu hiệu cách mạng như Mao Trạch Đông. Hiện tượng Trùng Khánh giương cờ đỏ là một biểu hiện rõ rệt nhất. Lồng trong đó là tư tưởng ái quốc theo kiểu chủ nghĩa Đại Hán chống mối nguy lũng đoạn của Tây phương hay sự cấu kết của các đảng viên tham ô biến chất với doanh nghiệp nước ngoài. Rồi còn phản ứng bành trướng của nhiều tướng lãnh, vốn cũng có tiếng nói trong hai cơ chế lãnh đạo quân đội là Quân ủy Trung ương của đảng và của nhà nước. Họ đang đẩy những kẻ có tham vọng lên lãnh đạo vào chủ trương bá quyền của nước lớn để tìm thêm phương tiện cho quân đội.
Nếu nhìn về dài thì khi Đặng Tiểu Bình chuẩn bị rút lui vì đã cao tuổi sau năm 1992, ông ta vẫn duy trì chiến lược mở cửa về kinh tế nhưng tuyệt đối kiểm soát chính trị và dựa vào quân đội để chuẩn bị việc chuyển quyền êm thấm cho thế hệ Giang Trạch Dân mà còn chọn người sẽ kế nhiệm Giang Trạch Dân là Hồ Cẩm Đào.
Trong hoàn cảnh bất nhất của lãnh đạo trước các mục tiêu mâu thuẫn, lại gặp bất ổn về kinh tế và tranh giành quyền lực trên thượng tầng, Tầu có thể gặp rủi ro lớn.Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Hơn hai chục năm sau, khi Hồ Cẩm Đào chuẩn bị rút lui, kinh tế bắt đầu có triệu chứng suy trầm với lạm phát và rủi ro bể bóng đầu tư, mà ông ta lại không có uy tín hay ảnh hưởng lớn mạnh như Đặng Tiểu Bình và thực tế thì vẫn phải nương vào các tướng lãnh mà không chọn được người sẽ kế vị sau này.
Kết cuộc thì nếu không thay đổi, đảng sẽ bị khủng hoảng, mà thay đổi không khéo thì càng dễ bị khủng hoảng! Chính là sự phân vân ấy mới là cơ hội tái xuất hiện của các phản ứng cực đoan nhất, khiến nhà nước sẽ kiểm soát kinh tế chặt chẽ hơn và đảng sẽ lấy ý thức hệ cách mạng làm kim chỉ nam, một kịch bản có rất nhiều rủi ro cho các lân bang yếu kém như Việt Nam.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã giành cho cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment