Thursday, July 7, 2011

Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974

Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974

Tác giả: Thạch Sơn - Thành Luân
Bài đã được xuất bản.: 03/07/2011 05:00 GMT+7

 "Sáng 19-1, khi tàu Nhật Tảo tới đúng tọa độ vị trí tập trung thì đã thấy 3 tàu bạn có mặt, nhưng cách khu vực tập hợp vài hải lý còn có thêm 4 tàu Trung Cộng cùng xuất hiện. Linh tính tôi mách bảo chắc chắn sắp xảy ra giao tranh giữa hai phía".
Cuối tuần qua, đại diện báo Đại Đoàn Kết đã tìm về miền Tây Nam Bộ để gặp lại những nhân chứng sống trực tiếp tham gia trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa ngày 19-1- 1974. Qua từng câu chuyện cảm động được các ông kể, chúng tôi cảm nhận cảm xúc đặc biệt mà những người Việt đã phải trải qua khi chứng kiến biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm chiếm bằng vũ lực.

Chiến đấu tới hơi thở cuối cùng

Giai đoạn 1973 - 1974, khi Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris đã được ký kết, việc quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trở thành việc riêng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, cùng với rút quân trên bộ, Đệ nhất Hạm đội Hoa Kỳ cũng được lệnh rút hỏi khu vực Biển Đông.
Mỹ rút, đồng nghĩa với việc viện trợ quân sự của Mỹ ngày càng giảm buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải chuyển dần các lực lượng hải quân đang chiếm giữ tại quần đảo Hoàng Sa về hỗ trợ cuộc chiến trên đất liền, chỉ để lại một trung đội địa phương trấn giữ. Ngay sau đó, Trung Quốc tiến hành liên tiếp các cuộc đổ bộ xâm chiếm các đảo đá và bãi ngầm trên quần đảo Hoàng Sa, cho đến khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa phát hiện được vào tháng 1-1974 và xảy ra trận thủy chiến để bảo vệ Hoàng Sa.
Ông Trần Văn Hà (tên thường gọi Tư Hà, 58 tuổi, hiện cư ngụ tại xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), thủy thủ tàu Nhật Tảo (HQ - 10), một trong 4 chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa tham gia vào trận chiến kể lại: "Chiều 18-1, khi đang tuần tra ở vùng biển Đà Nẵng - Quy Nhơn, tàu chúng tôi bất ngờ nhận được lệnh đi Hoàng Sa. Không khí của các thủy thủ tàu lúc đó đều hết sức căng thẳng, nhưng tất cả đều sẵn sàng chiến đấu vì chủ quyền thiêng liêng của cha ông để lại. Cũng ngay chiều cùng ngày chúng tôi được học các ký hiệu nhận dạng tàu địch để sẵn sàng chiến đấu".
Đại diện Báo Đại đoàn kết trao đổi với các nhân chứng của trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 - Ông Nguyễn Văn Chọn, thủy thủ tuần dương hạm HQ-6 (trái); Ông Tư Hà, thủy thủ tuần dương hạm Nhật Tảo - HQ-10 (giữa)

Theo ông Hà bồi hồi nhớ lại, cùng với tàu HQ-10, còn có 3 tàu khác của Việt Nam Cộng hòa tham gia trận chiến là tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4). "Sáng 19-1, khi tàu Nhật Tảo tới đúng tọa độ vị trí tập trung thì đã thấy 3 tàu bạn có mặt, nhưng cách khu vực tập hợp vài hải lý còn có thêm 4 tàu Trung Cộng cùng xuất hiện. Linh tính tôi mách bảo chắc chắn sắp xảy ra giao tranh giữa hai phía".
Tiếp đó, các tàu Việt Nam liên tục phát tín hiệu hàng hải yêu cầu tàu Trung Cộng di chuyển ra khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, phía tàu Trung Cộng cũng phản ứng lại tương tự. Tới 10h30 cùng ngày, khi Trung Cộng tiếp tục bất hợp tác, có dấu hiệu cố tình gây sự, dùng bạo lực tấn công xâm chiếm biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam thì không còn cách nào khác, tàu Nhật Tảo được lệnh khai hỏa.
Ngay sau đó, liên tục các tiếng nổ lớn dồn dập oang trời từ cả hai phía. Riêng tàu HQ-10 bị hỏa lực của địch bắn dữ dội; thông tin cháy ở các buồng máy 1, sau đó là buồng máy số 2 được truyền đi liên tục qua bộ đàm. "Bộ phận thủy thủ cơ khí chúng tôi được lệnh lên boong tàu hỗ trợ lực lượng trực chiến lúc này đã bị chết phần nửa. Xác chết đầy trên boong; tàu bị hư hỏng nặng và bốc cháy nhiều vị trí. Ngay cả hạm trưởng Ngụy Văn Thà cũng bị chết do đài chỉ huy bị hỏa lực địch bắn trúng". Ông Hà nhớ như in: "Khi tàu đã mất khả năng khiển dụng, HQ-10 phát tín hiệu cầu cứu sang các tàu bạn, tuy nhiên lúc này cả HQ-4 và HQ-5 đã rời đi, còn tàu HQ-16 tuy chưa rút kịp nhưng cũng bị hư hỏng nặng, khó có thể tương trợ HQ-10. Ngay trong khoảnh khắc đó, chúng tôi nghe lệnh mới từ Bộ Chỉ huy yêu cầu thủy thủ tàu đào thoát xuống các bè lưới trôi trên biển".
Ông Trần Văn Hà, một trong những thủy thủ thoát khỏi tàu sau cùng và nằm lênh đênh trên biển trong khu vực xảy ra trận chiến nên đã chứng kiến và kể lại: "dù bị hư hỏng nặng, phần nửa thủy thủ tàu đã chết, tuy nhiên những thủy thủ bị thương không còn khả năng đào thoát vẫn tiếp tục bám giữ vị trí chiến đấu. Các khẩu pháo 40 ly từ HQ-10 vẫn nổ giòn giã vào tàu Trung Cộng khiến các tàu này phải vất vả chống trả. Cuộc đấu súng cứ thế kéo dài tới chiều tối mới kết thúc khi hỏa lực từ tàu HQ-10 ngừng hẳn và chìm xuống biển sâu".
"Có lẽ đến lúc đó những thủy thủ còn lại trên tàu đã kiệt sức hoặc bị trúng đạn. Họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để hơn 20 đồng đội đào thoát thành công trên các bè lưới. 58 người con nước Việt đã ngã xuống biển sâu trong trận chiến này vì đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc Việt Nam", ông Tư Hà xúc động.
"Cảm nhận chủ quyền dân tộc nơi đảo xa"

Ông Nguyễn Văn Chọn (61 tuổi, hiện ngụ tại xã Phú Nghĩa Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), thủy thủ tuần dương hạm HQ-6 kể lại: "Sáng ngày 19-1, tàu HQ-6 được lệnh tức tốc ra Hoàng Sa hỗ trợ trận chiến. Tuy nhiên, do xuất phát chậm, HQ-6 đã không thể tới kịp hỗ trợ đồng đội, cùng lúc đó thì tin hộ tống hạm Nhật Tảo bị nạn khiến chúng tôi hết sức lo lắng về số phận của anh em thủy thủ tàu. Thật may, 4 ngày sau tin anh Tư Hà (tên thường gọi của ông Trần Văn Hà-NV) cùng 19 thủy thủ khác được tàu Hà Lan cứu sống đã phần nào khiến chúng tôi nguôi ngoai. Sau đó hầu hết chúng tôi được phân công nhiệm vụ khác".
Từng nhiều lần tuần tra trên quần đảo Hoàng Sa, ông Chọn cho biết: "trong giai đoạn từ năm 1971 - 1973, tuần dương hạm HQ-6 từng nhiều lần được lệnh tuần tra khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong những lần ấy, tôi từng trực tiếp phát hiện các bia chủ quyền có khắc ngự bút của vua Minh Mạng, ngoài ra có một đảo tương đối lớn (không nhớ tên) còn có cả Đài Khí tượng do Pháp dựng từ các thập kỷ trước đó".
Về sau này, trong các tài liệu còn lưu giữ lại xác nhận Đài Khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa là do Pháp xây, trực thuộc Ty khí tượng Đà Nẵng và được bảo vệ bởi một đơn vị hải quân của Chính quyền Sài Gòn cũ. Điều này cho thấy hồi ức của ông Chọn là có cơ sở, hơn nữa cũng phù hợp với các thư tịch từ thời Nhà Nguyễn đã xác định.
"Cuộc chiến đã lùi xa hơn 38 năm, dù không thể giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha nhưng chúng tôi luôn nhận thức nơi biên cương ấy vẫn là vùng biển đảo chủ quyền của dân tộc Việt Nam; là máu, là nước mắt mà biết bao con người Việt Nam đã hi sinh để bảo vệ", ông Chọn tâm sự.
· Theo Đại đoàn kết

No comments:

Post a Comment