Wednesday, July 6, 2011

Việt Nam cô đơn?

Việt Nam cô đơn?
Khi ta đụng chuyện, ai cũng ngoảnh mặt quay lưng thì ta phải xem xét lại cách sống. Kẻo những tai ương sắp tới ta sẽ tiếp tục đối mặt trong cô đơn và tuyệt vọng


Trang web BBC tiếng Việt vừa đăng bài viết “Mỹ sẽ không can thiệp quân sự?”. Bài viết trích lời Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, sinh sống tại Mỹ, cho rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp quân sự nếu Việt Nam đụng độ Trung Quốc. Lý do của hành động này, theo Giáo sư Hùng, là mối quan hệ Việt-Mỹ chưa đủ “đô”. Giáo sư Hùng đã dẫn lời hứa của Hoa Kỳ với Phi Luật Tân và Nhật Bản nhằm chứng minh sự chưa đủ “đô” trong mối quan hệ Việt-Mỹ so với các nước thuộc châu Á trước nguy cơ đụng độ Trung Quốc.

Bài viết cũng nhắc lại chuyện Mỹ từng “ngoảnh mặt làm ngơ” khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1975. Sau đó là Liên Xô cũng “vờ vịt ngoảnh mặt” khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa năm 1988. Sự án binh bất động của chiến hữu, Việt Nam cộng hòa lẫn Việt Nam XHCN, khiến Việt Nam cô đơn.

Phải chăng Việt Nam cần nhìn nhận lại cách hành xử để có thể nhận được sự hỗ trợ tích cực từ bạn bè quốc tế khi đương đầu với Trung Quốc trong thời gian tới?

Việt Nam cộng hòa: đi một dây cũng chết

Thời Nam-Bắc phân tranh, Việt Nam cộng hòa chỉ biết có Mỹ là chỗ dựa. Mỹ luôn hứa sẽ là đồng minh, là chiến hữu trong trận chiến chống sự bành trướng của ý thức hệ Cộng sản. Đến lúc Mỹ nhận thấy rằng quyền lợi của Mỹ nặng hơn ý chí chống Cộng, Mỹ rút chân. Việt Nam cộng hòa, vào thời điểm đó, thực sự cô đơn trước họa xâm lăng của miền Bắc.

Thời nay, Mỹ cũng có những lời hứa tương tự lời hứa năm xưa với Nhận Bản, Phi Luật Tân, Đài Loan… mà giáo sư Hùng đã dẫn trong bài viết của BBC. Xét về động cơ của lời hứa Mỹ tuy xưa và nay có phần khác biệt nhưng tóm lại vẫn là lời hứa. Liệu Trung Quốc có một đề nghị với Mỹ về sự phân chia lợi ích nào đó, Mỹ có còn giữ được lời hứa của mình chăng, hay cũng rút chân như từng rút với Việt Nam cộng hòa.

Đi một dây, trung thành với một nước lớn, cũng chết.

Việt Nam XHCN: đi hai dây cũng chết

Thời gian qua, Việt Nam XHCN chọn cho mình con đường đi hai dây: không quá thân với Trung Quốc và cũng chẳng quá thân với Mỹ, đồng thời chẳng lạnh nhạt với anh nào. Trong quan hệ với Trung Quốc, mỗi khi “lạnh” thì Việt Nam XHCN bèn “nóng” với Mỹ và ngược lại hòng tìm cho được sự cân bằng giữa hai nước lớn, tạo sự triệt tiêu sức mạnh giữa hai nước lớn để Việt Nam XHCN trở thành vùng đất yên bình.

Đối sách này được Việt Nam XHCN xem là sự khôn ngoan của nước nhỏ. Song khi một trong hai nước lớn nhất định ra tay thì sự thể lại diễn biến khác. Trước mắt, Mỹ luôn lên giây cót cho Việt Nam XHCN trong quá trình “khẩu chiến” với Trung Quốc. Tuy nhiên, như giáo sư Hùng nhận định, vì lợi ích Mỹ, một lần nữa sẽ “tọa sơn quan hổ đấu”. Điều này cũng có nghĩa là sách lược đi hai dây được xem là khôn ngoan phá sản.

Vậy đi hai dây, không trung thành với một nước lớn nào, cũng chết.
Việt Nam cô đơn?

Khi ta đụng chuyện, ai cũng ngoảnh mặt quay lưng thì ta phải xem xét lại cách sống. Kẻo những tai ương sắp tới ta sẽ tiếp tục đối mặt trong cô đơn và tuyệt vọng.

Lẽ nào Việt Nam XHCN cô đơn trong thế giới rộng lớn này?

Xét theo thời thế, nếu Mỹ không nhúng tay khi Việt Nam XHCN đụng độ với Trung Quốc XHCN, không còn quốc gia nào dám nhúng tay. Đến lúc đó, câu trả lời “Đúng, Việt Nam XHCN cô đơn thật”.

Cả thế giới, lúc Việt Nam XHCN và Trung Quốc XHCN đụng độ nhau, sẽ ngồi xem và bình phẩm: “Xem kìa, xem các đồng chí Cộng sản đánh nhau kìa”. Một lần nữa, lợi ích quốc gia được Trung Quốc đặt lên hàng đầu, giống như Mỹ trước đây, khiến tình đồng chí, chiến hữu trở nên vô nghĩa.

Vậy Việt Nam XHCN chỉ hết cô đơn trong thế giới này khi và chỉ khi chứng tỏ cho thế giới thấy Việt Nam hữu ích. Ít nhất cũng là sự cổ súy thật tình cho các giá trị mà thế giới này đang theo đuổi.

Việt Nam XHCN đang quay lưng với thế giới, làm sao đòi hỏi thế giới không quay lưng với mình.

Việt Nam XHCN đang quay lưng với chính đồng bào của mình, làm sao đòi hỏi bạn bè quốc tế tôn trọng và giúp đỡ.

Lẽ đương nhiên, Việt Nam XHCN đành đối mặt với tai ương trong cô đơn và tuyệt vọng.

Đỗ Bá Quyền
(Nguồn:
Dân Luận)
Trước -- -- Trước
http://dangnguoivietyeunguoiviet.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment