Saturday, August 9, 2014

Nhìn lại lịch sử 40 năm trước – Nguyễn Tiến Hưng

Nhìn lại lịch sử 40 năm trước – Nguyễn Tiến Hưng

 
1
Ngày Song Bát (8.8.1974)



“It’s so sad, it’s so sad” (Thật là buồn, thật là buồn), tôi nghe thấy Pat lẩm bẩm nói bâng quơ… Không ai nói năng gì nữa. Cũng chẳng còn hạt nước mắt nào để mà khóc. Tôi ngả đầu vào lưng ghế và nhắm mắt lại,” TT Nixon viết để kết thúc cuốn hồi ký dài 1,120 trang. Ðây là lúc ông ngồi trên chiếc trực thăng rời Washington sau khi từ chức ngày hôm trước. Bà Patricia là phu nhân tổng thống.
Trước 10 giờ sáng ngày Thứ Năm, mồng 8 tháng 8, 1974, Phó Tổng Thống Gerald Ford cùng với Phụ tá John Marsh chủ tọa lễ trao Huân Chương Danh Dự Quốc Hội cho gia đình của bảy người quân nhân tử trận ở Việt Nam. Lễ nghi diễn ra tại Blair House, nhà khách của Tổng Thống [chúng tôi xin mở ngoặc để ghi lại là TT Thiệu đã lưu lại nơi đây vào tháng 4, 1972 khi TT Nixon mời ông tới Washington; chúng tôi có ghé thăm ông]. Lễ nghi vừa xong, ông Ford liền được Tướng Al Haig, chánh văn phòng cho biết Tổng Thống Nixon muốn gặp ông ngay. Ông vội vàng bước qua đường Pennsylvania sang tòa Bạch Ốc. Khi ông vừa tới, TT Nixon đứng lên bắt tay rồi ngồi xuống ngả lưng vào ghế. Hai tay nắm chặt vào nhau để trên đùi, trông mặt ông thật căng thẳng vì vừa trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn. Với một giọng nghiêm nghị nhưng kiềm chế, ông chậm rãi nói với ông Ford: “Tôi đã quyết định từ chức, quyền lợi đất nước đòi hỏi như vậy. Tôi không muốn nói tới chi tiết những lý do nên hay không nên làm như vậy, nhưng tôi đã đi tới quyết định rồi.” Buổi tối hôm ấy TT Nixon lên TV tuyên bố từ chức.
Chúng tôi gọi ngày này là “Ngày Song Bát,” ngày lịch sử của Hoa Kỳ, cũng là ngày đánh dấu buổi hoàng hôn của nền Cộng Hòa Việt Nam.
‘Water – gate’ hay cửa đập nước đã mở?
Watergate là tên của một tập hợp những cao ốc đẹp nằm trên đường Virginia cạnh bờ sông Potomac lãng mạn. Ðây là một khuôn viên gồm khách sạn, chung cư sang trọng và một cao ốc văn phòng. Nơi đây có trụ sở của “Ủy Ban Quốc Gia Ðảng Dân Chủ.” Nhân viên của Tổng Thống Nixon đã cho người đột nhập vào trụ sở này vào ngày 17 tháng 6, 1972 để cài đặt đường dây nghe lén vào mùa vận động bầu cử Tổng Thống 1972. Sau khi đổ bể, Quốc Hội điều tra, TT Nixon chối đi là ông không dính dáng gì đến việc này. Cuộc điều tra tiếp tục. Từ chuyện này dẫn tới chuyện khác. Tuy nhiên cũng chưa có bằng chứng nào kết tội tổng thống.
Tới trên hai năm sau, vào ngày 24 tháng 7, 1974 thì có bước ngoặt: Tối Cao Pháp Viện phán quyết Tổng Thống Nixon phải chuyển cho Chánh Án Sirica băng thu 64 cuộc nói chuyện tại văn phòng Tòa Bạch Ốc. Trước đó luật sư của Tòa Bạch Ốc đã tranh đấu để không chuyển băng. Hai bên giằng co rất quyết liệt vì những băng này có liên quan tới việc xét xử sáu quan chức trong vụ Watergate. Chỉ ba ngày sau thì có biến cố lớn. TT Nixon kể lại về ngày 27 tháng 7, 1972: “Tôi đang tắm ở bãi biển Red Beach gần San Clemente khi Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện bỏ phiếu điều khoản thứ nhất của thủ tục bãi chức tổng thống (impeachment). Ðiều khoản này buộc tội tôi đã có những hành động cản trở việc điều tra Watergate. Số phiếu thuận là 27 và chống là 11, đúng như tôi vẫn e sợ. Tôi đang mặc quần áo trong chiếc xe trailer thì chuông điện thoại kêu và (phụ tá) Ziegler báo tin cho tôi. Ðây là giây phút tôi biết mình sẽ là tổng thống thứ nhất trong 106 năm bị đề nghị bãi chức. Lúc ấy tôi đang đứng trong chiếc xe trailer trên bãi biển, đi chân không, mặc cái quần xà lỏn, một cái áo chemise Banlon và một cái áo ở ngoài có vẽ dấu ấn của tổng thống.”
Cuốn băng “Smoking Gun”
Ngày 5 tháng 8, Tòa Bạch Ốc bắt buộc phải chuyển giao băng thu cuộc họp ngày 23 tháng 6, 1972. Băng này đã ghi lại rõ ràng là chỉ mấy ngày sau vụ đột nhập Watergate, chính TT Nixon đã họp với Phụ tá Haldeman để bàn tính việc ngăn chận cuộc điều tra. Theo kế hoạch thì Haldeman sẽ để cho CIA thông báo đại với FBI là vụ này dính tới an ninh quốc gia nên không điều tra nữa.“Một cách để xử lý vụ này,” Haldeman nói với tổng thống, “là ta cho Walters (CIA) gọi đại cho Pat (FBI) để chỉ nói ‘Chớ có dính líu gì tới việc này… việc này, chà… chúng tôi không muốn các anh đi sâu hơn nữa.’” (Stay the hell out of this… this is ah, business here we don’t want you to go any further on it). TT Nixon chấp thuận kế hoạch. Ông chỉ thị Haldeman, “Ðược rồi, tốt, tôi hiểu hết rồi… Anh gọi bọn họ vào. Tốt, cách xử lý tốt đấy. Phải cho thật cứng rắn. Ðó là cách họ đối xử với chúng ta và cũng là cách chúng ta sẽ đối xử với họ.”
Nghe băng này, các luật sư của Tòa Bạch Ốc thấy hết đường cứu chữa! Ðây là bằng chứng đi ngược lại với những lời phủ nhận của TT Nixon và ngược lại với những lý luận của các luật sư trước đó. Như vậy TT Nixon đã có tội là “cản trở việc thi hành luật pháp.” Người ta gọi cuốn băng này là “Smoking Gun,” nòng súng có khói (bằng chứng là súng đã có bắn).
Căn dặn người kế vị hãy cẩn thận với ông Kissinger
Trong những giờ phút cuối cùng, TT Nixon vẫn còn quan tâm đến VNCH. Ông viết về cuộc họp với ông Ford sáng ngày 8 tháng 8: “Chúng tôi nói tới những vấn đề ông Ford sẽ phải đối đầu khi ông lên chức tổng thống đúng 24 giờ nữa. Quan trọng nhất là chớ có để cho những người lãnh đạo ở Moscow hay Bắc Kinh nắm lấy việc từ chức của tôi để thử thách Hoa Kỳ tại Việt Nam và những nơi khác trên thế giới.”
Sau đó TT Nixon đã căn dặn người kế vị rằng nên dùng ông Kissinger nhưng phải cẩn thận đối với ông này. TT Ford kể lại lời trối trăn trong Hồi Ký ‘A Time To Heal':
“Tổng Thống Nixon đã khuyên tôi nên tiếp tục một chính sách mạnh mẽ về Việt Nam và Campuchia và nhấn mạnh vai trò của Henry Kissinger trong việc này.” Ông thêm rằng, “Henry là một thiên tài, tuy nhiên ông không phải chấp nhận tất cả mọi việc ông ta đề nghị. Ông ta có thể rất hữu ích, và trung thành, nhưng ông không thể để cho Kissinger hoàn toàn tự do làm theo ý mình.”
Như vậy TT Nixon đã hối hận vì để cho Kissinger lộng hành? Tuy người tiền nhiệm đã dặn dò như vậy, nhưng TT Ford vẫn khoán trắng cho ông Kissinger. Trở về văn phòng, việc đầu tiên ông Ford làm là gọi điện thoại cho Kissinger: “Henry, tôi cần ông, đất nước cần ông. Tôi muốn ông tiếp tục ở lại. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để làm việc với ông.” Kissinger trả lời, “Thưa ngài, sẽ không có vấn đề gì. Bổn phận của tôi là làm việc cùng với ngài chứ không phải là ngài cùng với tôi.” TT Ford mời ông Kissinger tiếp tục kiêm nhiệm cả hai chức vụ cùng một lúc: Ngoại Trưởng và Cố Vấn An Ninh: tha hồ mà thao túng.
Miền Nam rung động
Tuy đã tiên đoán là Tổng Thống Nixon sẽ phải từ chức, nhưng khi nghe tin này, Tổng Thống Thiệu vẫn bàng hoàng. Gặp ông ngay buổi chiều hôm ấy, chúng tôi thấy ông không giấu nổi sự lo lắng. Vụ Watergate bắt đầu từ tháng 6, 1972 nhưng TT Nixon vẫn thắng cử nhiệm kỳ hai vào mùa Thu năm ấy. Tuy nhiên sau Hiệp Ðịnh Paris thì TT Thiệu đã thấy có điều gì không ổn. Ông kể lại là sau cuộc họp tại San Clemente ngày 3 tháng 4, 1973, khi TT Nixon chào tạm biệt để tiễn ông lên trực thăng (cùng chiếc Mariner One – xem hình) thì “hồn vía ông ta như để ở đâu đâu; trực thăng vừa cất cánh thì ông đã quay gót trở lại. Vội vã đi vào nhà.” Những lần trước khi hai người gặp nhau, dù ở đảo Midway hay ở Sài Gòn (1969), lễ nghi tiễn biệt đã kéo dài, TT Nixon vui vẻ giơ tay vẫy chào thật lâu (‘Khi Ðồng Minh Tháo Chạy,’ Chương 4). TT Thiệu bắt đầu e ngại nhưng vẫn còn chút hy vọng vì đã có được những cam kết tuy bí mật nhưng hết sức vững vàng của người lãnh đạo tối cao Hoa Kỳ. Mặc dù Hiệp Ðịnh Paris, TT Nixon cũng không nỡ lòng nào bỏ rơi Miền Nam. Ông vẫn tranh đấu cho viện trợ. Nhưng sau ngày Song Bát thì khác.
Ðang lúc bối rối như vậy thì TT Thiệu nhận ngay được một lá thư của tân Tổng Thống Ford gửi cho ông. Thư đề ngày 10 tháng 8, 1974 đã khẳng định: “Thưa tổng thống… tất cả những gì mà Hoa Kỳ đã cam kết với VNCH trong quá khứ thì vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi.” Ông Thiệu lên tinh thần đôi chút. Nhìn lại lịch sử, chúng tôi cho rằng đây chỉ là một mưu lược rất tinh xảo của ông Kissinger nhằm trấn an ông Thiệu. Vì Kissinger đã giấu nhẹm đi không cho TT Ford và Quốc Hội biết gì về những cam kết của TT Nixon, bây giờ ông phải tìm cách để tiếp tục che giấu. Nếu để ông Thiệu nại đến những cam kết này khi bị Quốc Hội cắt xén quá nhiều viện trợ thì sẽ gây nhiều tranh luận, đưa chính ông Kissinger vào chỗ kẹt. Ðiều hay nhất là làm sao giữ cho Sài Gòn cứ yên lặng, làm sao cho mọi chuyện được êm ả cho tới lúc hạ màn. Ðó là điều ông Kissinger đã từng cố vấn TT Nixon: “Thưa tổng thống, chúng ta chỉ cần tìm ra một công thức nào đó để làm cho yên bề mọi chuyện trong một hay hai năm, rồi sau đó thì Việt Nam sẽ trở thành một bãi hoang vu.” (‘Tâm Tư Tổng Thống Thiệu,’ Chương 15).
Mấy ngày sau khi nhận được thư của TT Ford, sau một buổi họp của Hội Ðồng Tổng Trưởng tại Dinh Ðộc Lập, ông Thiệu bảo tôi ở lại nói chuyện thêm. Ông hỏi qua loa về cá nhân ông Ford, vì ông này quá mới mẻ đối với VNCH. Tôi nói với ông Thiệu về cái thông lệ của Hoa Kỳ là một tân tổng thống thường được Quốc Hội dành cho một “tuần trăng mật” chỉ dài khoảng 100 ngày, đôi khi lâu hơn. Trong thời gian này, họ dành mọi sự dễ dàng cho vị tân tổng thống. Không những TT Thiệu mà tất cả Nội Các cũng hết sức lo âu. Câu chuyện mọi người bàn bạc lúc ăn trưa trong những buổi họp hàng tháng vào sáng Thứ Tư tại Phủ Thủ Tướng cũng đều xoanh quanh Watergate và viện trợ Hoa Kỳ.
Ðể tìm hiểu rõ hơn về tình hình và xem Việt Nam Cộng Hòa phải xoay xở ra sao, chúng tôi đề nghị Tổng Thống Thiệu mời Giáo Sư Warren Nutter sang thăm. Ông là cựu phụ tá tổng trưởng Quốc Phòng, đặc trách phần tài chính của chương trình Việt Nam Hóa. Ông cũng là người thầy kính mến của chúng tôi tại Ðại Học Virginia. Ông rất am hiểu đường đi nước bước của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và vấn đề quân viện. GS Nutter dự điểm tâm với TT Thiệu và chúng tôi sáng ngày 23 tháng 8 tại Dinh Ðộc Lập. Tổng Thống Thiệu nói về tình hình đang trở nên hết sức nguy ngập và bày tỏ sự lo ngại về viện trợ Hoa Kỳ.
Là người ủng hộ ông Thiệu từ lâu, ông Nutter cũng rất bối rối. Ông cảm thấy khó khăn khi giải thích hành động của Quốc Hội. Ông hứa khi về đến Washington sẽ cố gắng trình lên Tổng Thống Ford tình trạng nguy ngập ở Việt Nam. Ông than phiền: “Không có nhân vật cao cấp nào trong chính phủ để ý đến vấn đề Việt Nam nữa!” Câu nói của GS Nutter làm TT Thiệu bỏ dở tô hủ tiếu. Về tới Washington, ông viết một lá thư cho bạn ông là John O. Marsh, Phụ Tá của TT Ford. Nutter nhất quyết rằng miền Nam sẽ tồn tại được nếu có phương tiện chống trả các cuộc tấn công của quân đội chính quy Bắc Việt. Nhưng nếu Hoa Kỳ ngưng viện trợ thì sẽ gây hậu quả trầm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nutter viết cho ông Marsh và đưa cho tôi một bản sao:
“Tôi chưa thấy ông Thiệu và các tướng lãnh Việt Nam có khí sắc u sầu như vậy bao giờ. Họ sẽ càng mất tinh thần nếu Bắc Việt tiếp tục gây áp lực… Tôi tin rằng hành động của Quốc hội và hậu quả tai hại của việc cắt viện trợ là đầu mối của những xáo trộn chính trị và biểu tình trong vài tuần lễ gần đây (tại Sài Gòn). Tình hình sẽ bất ổn về cả chính trị lẫn quân sự, và mọi sự có thể đổ vỡ nếu không xoay ngược được chiều hướng này. Nếu phải lựa chọn, ta nên viện trợ quân sự trước, rồi kinh tế sau, để đương đầu với những đe dọa quân sự trước mắt…
“Ðể cho Miền Nam Việt Nam rơi vào đổ vỡ và thảm cảnh chỉ vì hơn kém nửa tỷ đôla sẽ có hậu quả còn sâu xa hơn, đó là sẽ xé nát lương tâm của Hoa Kỳ. Nó sẽ là ngọn gió thổi bay ảnh hưởng của Hoa Kỳ tuy còn mạnh nhưng đang yếu dần trên chính trường quốc tế.”
Thêm vào đó, Ðại Sứ Martin cũng cố gắng vận động tại Quốc Hội Hoa Kỳ, nhưng chẳng ai làm được gì vì ông Kissinger đã trở nên một ông quan toàn quyền.
Hoàng hôn của nền Cộng Hòa
Cuối Hè vào Thu, chân trời miền Nam đã tím lại. Chỉ vài ngày sau khi TT Ford viết bức thư cho TT Thiệu khuyên ông đừng có lo nghĩ gì cả vì “sau cùng VNCH sẽ được đầy đủ cả quân viện lẫn kinh viện,” Ủy Ban Chuẩn Chi Thượng Viện đã cắt thêm nữa: từ mức quân viện cho Tài khóa 1973 là 2.2 tỷ đôla bây giờ cắt xuống còn 700 triệu. Ðiều chỉnh theo lạm phát thật cao lúc ấy thì mãi lực của số tiền này chẳng còn bao nhiêu. Thực là tin sét đánh cho Bộ Tổng Tham Mưu VNCH. Ðối với TT Thiệu một chút hy vọng khi nhận được thư đầu tiên của vị tân tổng thống Mỹ đã tan biến đi như mây khói.
Ngoài chiến trường thì tình hình bắt đầu sôi động, đặc biệt là ở Ðức Dục và Thường Ðức. Tới cuối năm 1974 thì đạn dược và xăng nhớt đã cạn kiệt. Theo dự tính của Bộ Tổng Tham Mưu: dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày. Ðại Tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng kết luận rằng, “nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì“số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng 6, 1975 nếu không nhận được thêm viện trợ.” Tình hình chiến sự đã tiếp tục xảy ra, lại theo một nhịp độ gia tăng. Không nhận được thêm viện trợ, lại còn bị Quốc Hội biểu quyết cúp hết quân viện, Miền Nam đã sụp đổ trước tháng 6, 1975.
***
Về miền Cali
Sau khi từ chức và trao quyền cho TT Ford, trưa ngày 9 tháng 8, 1974 nguyên TT Nixon và gia đình rời cửa trước Tòa Bạch Ốc từ từ đi trên tấm thảm đỏ dài dẫn tới Marine One, chiếc trực thăng của tổng thống. Sau đây là những dòng cuối cùng của cuốn ‘Nhật Ký Richard Nixon’ – viết về lúc giã từ thủ đô:
“Tôi bắt tay Jerry (Ford) – Pat ôm Betty (phu nhân TT Ford) – rồi hôn Julie (con gái) – và tạm biệt David (con trai). Rồi tôi đứng một mình. Lên hết cầu thang, tôi quay mình, nhìn lại một lần cuối… Tôi giơ tay vẫy chào lần cuối cùng. Tôi vẫn cười. Tôi bước vào trực thăng, cửa đóng lại, chiếc thảm đỏ được cuộn nhanh. Ðộng cơ bắt đầu nổ. Cánh quạt bắt đầu quay. Tiếng động cơ ầm ầm mạnh lên hầu như lấn át cả những suy nghĩ của tôi.
“Bất chợt chiếc trực thăng từ từ bay lên. Những người ở dưới vẫy tay chào. Rồi chúng tôi đổi hướng. Bây giờ thì Tòa Bạch Ốc đã nằm phía sau chúng tôi. Chúng tôi bay thấp và ngang qua Washington Monument. Một lần đổi hướng nữa và hồ Tidal Basin đã nằm ở dưới. Rồi tới Jefferson Memorial.  
“Không ai nói năng gì. Cũng chẳng còn hạt nước mắt nào để mà khóc. Tôi ngả đầu vào lưng ghế và nhắm mắt lại. ‘Thật là buồn, thật là buồn’ tôi nghe thấy Pat lẩm bẩm nói bâng quơ.”
“Sau một lần đổi hướng nữa chúng tôi đã bay về hướng phi trường Andrew, ở đó chiếc Air Force One đã đợi để đưa chúng tôi về California.”
“Tiếng động cơ ầm ầm mạnh lên hầu như lấn át cả những suy nghĩ của tôi.”
Chắc chắn rằng trong những suy nghĩ của TT Nixon về những gì đã xẩy ra ông không khỏi hối hận vì đã sơ suất để phải chết đuối trong vũng lầy. Vào mùa bầu cử 1972, ông đã quá mạnh để thắng nhiệm kỳ hai, không cần phải cho nghe lén ở trụ sở Ðảng Dân Chủ. Thành tích của ông vẻ vang vì mở cửa Bắc Kinh lại rút hầu hết quân đội Mỹ khỏi Việt Nam. Chương trình Việt Nam Hóa – chứng minh cho ‘Học Thuyết Nixon’ – đang thành công.
Nhìn theo một khía cạnh tâm linh nào đó, ta có thể cho Ngày Song Bát cũng chỉ là điểm chốt của vận mệnh TT Nixon. Từ một chuyện nhỏ nhặt đã gây nên thảm cảnh. Một thanh niên người da mầu tên là Frank Wills, 24 tuổi, làm nhân viên bảo vệ cho một cao ốc văn phòng tại khuôn viên Watergate. Ðêm ngày 17 tháng 6, 1973, anh thủng thẳng đi quanh tòa nhà để xem xét, bất chợt anh thấy có miếng băng nhỏ dán vào ổ khóa một cánh cửa. Chẳng nghi ngờ gì, anh lấy tay gỡ miếng băng ra, đóng chặt cửa rồi tiếp tục đi kiểm tra như thường lệ. Ba mươi phút sau anh vòng lại chỗ cũ. Ấy chết, lại có thêm băng dán vào chốt cửa. Vội vàng, anh chạy lên lobby lấy điện thoại gọi cho cảnh sát Khu Vực II. Cảnh sát ập tới, bắt được năm người trong văn phòng Ðảng Dân Chủ đang cài dây nghe lén. Thế là chỉ trong giây phút “Water – gate” đã bắt đầu – cửa đập đã mở ra cho nước lũ tràn xuống.
Ta thử hỏi giả như anh Wills không vòng lại lần thứ hai thì lịch sử đã như thế nào? Vô tình, chỉ trong giây phút anh đã là người khởi sự quá trình dẫn đến ngày Song Bát. Một quá trình đã chấm dứt sự nghiệp của người tổng thống lừng danh. Ông đã đại thắng trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai – một đại thắng ‘landslide’ – long trời lở đất. Ðể rồi đại bại, sụp đổ. TT Nixon đã ra đi và giã từ thủ đô để trở về miền Cali, nơi có nắng âm hiền hòa hơn Washington.
Chưa tới chín tháng sau ngày Song Bát, miền Nam Việt Nam cũng sụp đổ theo ông. Những con thuyền bé nhỏ lênh đênh trên mặt Biển Ðông trông giống như những chiếc lá tre trôi dạt dào. Bao nhiêu người quay lại giã từ Sài Gòn một lần chót. Mệt lả, họ lẩm bẩm “thật là buồn, thật là buồn – It’s so sad, it’s so sad!” Cũng chẳng còn hạt nước mắt nào để mà khóc. Không có lưng ghế, họ ngả đầu vào nhau, nhắm mắt lại, phó mặc cho số phận. Với chút may mắn, một số người đã vượt qua được đại dương. Từng đợt rồi lại từng đợt, họ kéo nhau về miền Cali, nơi có nắng ấm hiền hòa. Thêm một sự trùng hợp lạ lùng nữa: phần đông lớp người ra đi đầu tiên lại được đưa tới Camp Pendleton, gần ngay khu nhà Casa Pacifica của TT Nixon ở San Clemente. Cả hai đều nằm sát Ðường Xuyên Bang – Interstate 5.

No comments:

Post a Comment