Wednesday, October 29, 2014

Malala Yousafzai, người trẻ nhất được giải Nobel Hoà Bình

Malala Yousafzai, người trẻ nhất được giải Nobel Hoà Bình

Hoài Vũ, phóng viên RFA
2014-10-26
         
   

Nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuồi Malala Yousafzai hôm 10 tháng 10, 2014 trong buổi tiếp xúc với báo chí tại Birmingham, Anh Quốc sau khi có tin cô được trao giải Nobel Hòa bình 2014
Nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuồi Malala Yousafzai hôm 10 tháng 10, 2014 trong buổi tiếp xúc với báo chí tại Birmingham, Anh Quốc sau khi có tin cô được trao giải Nobel Hòa bình 2014
AFP  
    
Cô bé 17 tuổi Malala Yousafzai là người trẻ nhất được trao giải Nobel Hoà Bình trong lịch sử hơn 100 năm của giải thưởng danh giá này nhờ những đấu tranh không mệt mỏi cho giáo dục dành cho các em bé gái. Malala chia sẻ giải thưởng với một nhà hoạt động Ấn Độ cũng đấu tranh vì quyền trẻ em. Tạp chí phụ nữ tuần này xin gửi đến quý thính giả chân dung cô bé Malala Yousafzai.
Malala Yousafzai đang ngồi trong lớp học môn hoá khi cô giáo bước đến, nói rằng cô có một thông tin quan trọng cần cho Malala biết. Malala cho biết cô rất bất ngờ khi nhận được tin vì thời điểm thông báo kết quả của giải Nobel Hoà Bình đã qua từ lâu. Cô cho biết về cảm xúc khi biết tin như sau:
Malala Yousafzai: “Đôi khi thật khó để bày tỏ cảm xúc của tôi nhưng tôi cảm thấy rất vinh dự. Tôi cũng cảm thấy được truyền thêm sức mạnh và dũng cảm hơn bởi vì phần thưởng này không chỉ là một miếng kim loại hoặc huy chương mà bạn đeo trên người hay treo trên tường. Nó là sự động viên tôi tiếp tục làm những gì mình đang theo đuổi và tin tưởng vào bản thân”.
Malala chia sẻ giải thưởng này với Kailash Satyarthi, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em ở Ấn Độ. Malala nói về ý nghĩa của giải thưởng dành cho hai người này:
Tôi cũng cảm thấy được truyền thêm sức mạnh và dũng cảm hơn bởi vì phần thưởng này không chỉ là một miếng kim loại hoặc huy chương mà bạn đeo trên người hay treo trên tường. Nó là sự động viên tôi tiếp tục làm những gì mình đang theo đuổi và tin tưởng vào bản than. Malala Yousafzai
Malala Yousafzai: “Một người từ Pakistan, một người từ Ấn Độ. Một người theo đạo Hindu, một người có niềm tin mãnh liệt vào Hồi giáo. Nó mang một thông điệp đến cho mọi người về tình yêu giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa các tôn giáo và rằng chúng ta đều ủng hộ nhau. Bất kể con người ta mang màu da gì, nói tiếng gì và theo tôn giáo gì, chúng ta nên coi nhau là những con người và tôn trọng lẫn nhau, đấu tranh vì quyền của chúng ta, vì quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ và quyền của tất cả mọi người.
Malala chia sẻ một nửa của 1,1 triệu USD phần thưởng cho việc giành giải Nobel Hoà Bình. Cô đã thông báo sẽ quyên góp số tiền này để giúp trẻ em ở Pakistan được đi học.
Malala là ai?
“Malala là ai?” Đây là câu hỏi mà một tay súng Taliban hét lên khi nhảy lên chiếc xe buýt đông đóng ở miền tây bắc Pakistan hai năm trước. Sau đó, tay sung này bắn một phát đạn vào đầu Malala Yousafzai, lúc đó mới 15 tuổi và là một nhà hoạt động vì quyền được đi học của nữ sinh.
Câu hỏi này đã được đưa ra nhiều lần kể từ khi Malala sống sót sau vụ ám sát và trở thành một nhà hoạt động không mệt mỏi, một ngôi sao toàn cầu và mới đây là người trẻ nhất giành giải Nobel Hoà Bình.
Malala sinh ra ở thung lũng Swat tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nơi mà cô nói là đẹp tuyệt với cây cối xanh ngút ngàn và những suối nước trong như ngọc. Gia đình cô sở hữu một loạt trường học trong thung lũng này.
Một người theo đạo Hindu, một người có niềm tin mãnh liệt vào Hồi giáo. Nó mang một thông điệp đến cho mọi người về tình yêu giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa các tôn giáo và rằng chúng ta đều ủng hộ nhau. Bất kể con người ta mang màu da gì, nói tiếng gì và theo tôn giáo gì, chúng ta nên coi nhau là những con người và tôn trọng lẫn nhau
Malala Yousafzai
Ở Pakistan, cô là biểu tượng của sự đấu tranh của đất nước này chống lại bạo lực của nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban. Cô nổi lên từ năm 2009, với tư cách là một blogger giấu tên của BBC. Trên trang blog, cô mô tả đời sống ở thung lũng Swat nơi mà các chiến binh ngày ngày đe doạ đời sống của dân thường. Mùa hè năm sau đó, nhà báo Adam Ellick của tờ New York Times làm một video tài liệu dài hơn 30 phút về cuộc sống của em và gia đình em vào thời điểm Taliban tuyên bố nữ sinh không được phép đến trường.
Malala vẫn đến trường mặc cho lệnh cấm của Taliban. Tuy nhiên, sau đó, tình hình ở Thung lũng Swat trở nên quá nguy hiểm, gia đình Malala buộc phải rời khỏi nơi này đi di tản.
Malala khi đó còn ước mong trở thành bác sĩ. Viễn cảnh không được đi học đối với cô bé là thật khủng khiếp vì điều đó có nghĩa là cô sẽ không thể trở thành bác sĩ, như ước nguyện của bản thân. Về cuối đoạn phim tài liệu, Malala quyết định trở thành một nhà chính trị, để đấu tranh cho quyền lợi của các em gái.
Sau khi chính phủ đuổi Taliban khỏi thung lũng Swat, cô trở thành một nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông Pakistan với hàng loạt các bài phát biểu kêu gọi hòa bình. Điều đó khiến cô bị Taliban để ý. Vào mùa hè năm 2012, Taliban lên kế hoạch giết chết Malala.
Thế giới biết đến Malala sau sự kiện thảm khốc vào tháng 10 năm 2012 khi tay súng Taliban bắn phát đạn định mệnh vào đầu cô. Malala được đưa sang Anh để chữa trị và hiện giờ đang học tập ở Anh.
Ở tuổi 17, cô đã gặp gỡ và trò chuyện với gia đình Tổng thống Mỹ Barrack Obama, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, phát biểu trước Liên Hợp Quốc và giành giải Nobel Hoà bình, người trẻ nhất nhận giải này kể từ năm giải này sáng lập năm 1901. Năm 2013, cô xếp thứ hai trong cuộc bình chọn nhân vật của năm của tạp chí Time, chỉ đứng sau Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hilary Clinton.
Người yêu, kẻ ghét
Tin về người Pakistan đầu tiên giành giải Nobel Hoà bình khiến Pakistan hân hoan. Sana Jamal, nữ nhà báo của trang Pakistan Observer, cho biết:
Sana Jamal: Rất nhiều người Pakistan, đặc biệt là phụ nữ và các em gái, rất tự hào về Malala, một cô bé từ vùng quê ở Pakistan khi cô giành được giải thưởng Nobel Hoà bình và hình ảnh của cô được phát đi khắp thế giới. Khắp các trường học, trên báo chí đều ăn mừng sự kiện cô bé giành được phần thưởng lớn này. Tất nhiên, tôi cũng rất tự hào về cô bé.
Rất nhiều người Pakistan, đặc biệt là phụ nữ và các em gái, rất tự hào về Malala, một cô bé từ vùng quê ở Pakistan khi cô giành được giải thưởng Nobel Hoà bình và hình ảnh của cô được phát đi khắp thế giới. Khắp các trường học, trên báo chí đều ăn mừng sự kiện cô bé giành được phần thưởng lớn này
Sana Jamal
Nhà báo Sana cho biết việc trao giải thưởng Nobel Hoà bình sẽ khiến Malala trở thành một niềm cảm hứng, biểu tượng cho trẻ em ở Pakistan hướng tới.
Tuy nhiên, đi kèm với sự vui mừng này nhiều người còn cảm thấy không hài lòng với tất cả những sự chú ý mà Malala giành được. Trên mạng xã hội ở Pakistan, đi kèm những lời khen còn vô số những lời chỉ trích.
Những người thuộc phe bảo thủ ở Pakistan thì buộc tội cô là con tốt của phương Tây, nhằm bêu xấu Pakistan là đất nước chìm trong bạo lực. Nhiều người thì cáo buộc BBC chỉ mượn tên tuổi của Malala để viết blog và rằng cuốn tự truyện của cô cũng là do người khác viết. Có người khác thì nói rằng cô là điệp viên của cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA.
Những người ôn hoà hơn thì chỉ trích phương Tây chỉ chú ý tới Malala, trong khi tình cảnh của cô cũng không lấy gì là quá đặc biệt ở Pakistan. Hai cô bé cũng bị bắn với Malala vào tháng 10/2012 thì không hề được cộng đồng thế giới nhắc đến. Hơn thế nữa, dường như Malala chưa làm gì đáng kể cho các bé gái ở Pakistan.
Nhà báo Sana nhận định:
Sana Jamal: Ngay từ đầu, mọi thứ chỉ xoay quanh Malala và Malala. Tại sao chúng ta không tập trung vào vấn đề quan trọng hiện tại là giáo dục cho các em gái. Tôi không nghĩ là cô Malala đã làm gì giúp được cho các em gái ở Pakistan kể từ ngày cô ấy bị bắn đến ngày cô giành được giải Nobel Hoà Bình.
Malala cũng biết đến những chỉ trích liên quan tới cô, rằng người dân ngay ở chính Pakistan nói cô làm việc cho CIA. Tuy nhiên, Malala nói ai cũng có quyền tự do nêu ý kiến và cô không để mình sao lãng khỏi mục tiêu quan trọng nhất là đấu tranh cho quyền được đi học của các em gái. Cô nói:
Malala: Mục đích duy nhất của tôi là đấu tranh vì quyền lợi được đến trường của các em gái. Việc mọi người quay lưng lại với tôi không có nghĩa là tôi sẽ chấm dứt cuộc đấu tranh này. Tôi nghĩ việc quan trọng là đào tạo thế hệ tương lai để tạo ra thay đổi. Vì thế, tôi không được phép để bản thân mất đi hy vọng đó.
Dù vậy, giữa những tranh cãi về Malala không ai có thể nghi ngờ sự dũng cảm của cô bé đã dám lên tiếng phản đối Taliban. Cô còn là một cô bé có tính cách đầy lôi cuốn và khả năng ăn nói không khác gì những chính trị gia lão luyện. Năm ngoái trên mạng còn lan truyền đoạn video phỏng vấn giữa cây hài lão luyện, người dẫn chương trường Jon Stewart, ngạc nhiên tột độ khi được nghe Malala nói chuyện. Jon Stewart sau đó nói rằng ông cảm thấy bản thân thật tầm thường khi đứng trước cô bé.
Nhà báo Jamal hy vọng rằng với những sự chú ý mới này nhờ giải Nobel, Malala sẽ ngày càng thúc đẩy hơn những gì cô đã đấu tranh cho và hy vọng ngày càng nhiều trẻ em Pakistan được đến trường nhờ những nỗ lực của Malala. Với việc ủng hộ toàn bộ giải thưởng Nobel Hoà Bình, Malala có lẽ đã phần nào đền đáp đất nước sinh ra cô.
For Magazine Only: Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hoài Vũ xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Mọi đóng góp cho trang phụ nữ, xin mời quý thính giả gửi về địa chỉ email hoaivu@rfa.org hoặc trang cá nhân của Hoài Vũ trên mạng xã hội Facebook tại www.facebook.com/hoaivurfa.
Hoài Vũ xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị và sáng thứ hai tuần sau. Xin chúc quý vị ngày đầu tuần vui vẻ

No comments:

Post a Comment