Bài học về sự thành công và hạnh phúc
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2013-02-15
Đối với nhiều người, câu chuyện của một bác sĩ trẻ người Singapore – Richard Teo Keng Siang không chỉ là một câu chuyện đầy cảm động và ý nghĩa mà nó ở một khía cạnh nào đó có thể làm thay đổi cuộc sống của họ.
Bác sĩ Richard Teo (1972-2012)
Danh vọng, tiền bạc không là tất cả
Nếu gõ từ Dr. Richard Teo trên công cụ tìm kiếm Google, sẽ thấy hơn 7 triệu kết quả trong vòng 0,28 giây. Trước khi mất vào tháng 10 năm ngoái, mặc dù là một bác sĩ có tiếng tại Singapore, ông Richard cũng không được nhiều người biết đến như vậy.
Những người biết đến ông đặc biệt là giới sinh viên Y khoa Singapore và những người có đức tin khi ông chia sẻ cuộc hành trình của chính cuộc đời mình trong những ngày tháng cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo. Người ta biết đến ông, nhớ về ông không phải vì ông đã thành công trong việc tạo ra một câu chuyện cảm động từ chính cuộc đời mình mà là bài học ông rút ra từ bi kịch mà ông trải qua.
Nói chuyện tại một buổi lễ ở một nhà thờ Tin lành vào cuối tháng 11 năm 2011, giọng ông Richard đã bắt đầu trầm thấp và khàn đục. Nhưng chỉ hai tháng sau đó, nói chuyện tại một lớp nha khoa ở Singapore, giọng nói ông lại càng khó nghe ông như một mớ âm thanh ồn ào, sột soạt bởi lúc đó ông đang vật vã với đợt hóa trị lần 5.
Người đàn ông ốm yếu, không còn sinh khí, ăn mặc đơn giản nhưng lại cầm micro phone bày tỏ một cách tự tin trước bao sinh viên nha khoa khiến nhiều người phải tò mò đặt câu hỏi “Bác sĩ Richard Teo Keng Sieng là ai?
“Tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội. Tôi là sản phẩm đặc trưng mà giới truyền thông vẽ ra. Từ lúc còn trẻ, tôi bị ảnh hưởng và có ấn tượng rằng thành công là hạnh phúc. Và để thành công thì tôi phải giàu có”.
Tất cả đều diễn ra rất tốt đẹp. Thời vinh quang của tôi đã đến. Tôi ở tột đỉnh của sự nghiệp. Tôi có mọi thứ trong cuộc sống...Thế nhưng tôi đã lầm. Tôi không thể chế ngự mọi chuyệnDr. Richard Teo
Thời còn ngồi ở giảng đường đại học, ông Richard là một trong những học sinh giỏi của trường đại học quốc gia Singapore (NUS). Cũng như những thanh niên đầy hoài bão và tự hào về chính bản thân mình, ông Richard là mẫu người luôn ganh đua để đạt được những gì mình muốn: bạn gái, thể thao, học hành... Richard trở thành sinh viên trường y của khoa giải phẩu mắt - một trong những chuyên khoa khó nhất – với học bổng nghiên cứu của NUS.
Trong thời gian nghiên cứu, ông đạt được hai bằng phát minh về dụng cụ y khoa và tia lasers. Tuy nhiên, đây không phải là những gì Richard hướng tới vì nó không mang đến cho ông sự giàu có.
“Sự thật thì những người có lợi tức trung bình không được gọi là anh hùng. Người ta tạo ra anh hùng từ những người nổi tiếng giàu có, từ những chính trị gia, từ người giàu có và nổi tiếng. Và tôi muốn trở thành một trong số họ”.
Chiếc Ferrari f70 Enzo 2012 (ảnh minh hoạ) The Motor Report
Với khả năng thiên phú của mình, Richard đã chuyển sang ngành giải phẫu thẩm mỹ không quá khó khăn cũng như không quá khó khăn để ông mở một phòng mạch cho công việc này. Rồi chẳng mấy chốc Richarad trở thành triệu phú khi phòng mạch có thêm 1, 2, 3 rồi 4 bác sĩ. Lịch chờ đợi để được phẫu thuật từ 1 tuần kéo dài đến 3 tháng và Richard có thêm cơ hội thu hút nhiều khách ở nước láng giềng Indonesia.
“Tất cả đều diễn ra rất tốt đẹp. Thời vinh quang của tôi đã đến. Tôi ở tột đỉnh của sự nghiệp. Tôi có mọi thứ trong cuộc sống”
Richard chia sẻ một cách thật thà, hơi phóng khoáng cộng một chút chua chát tại các buổi nói chuyện với các sinh viên, các anh chị em trong Chúa những lúc cuối đời. Chỉ trước đó vài tháng, ông chưa nghi ngờ về thời mà ông gọi là vinh quang đó.
Tiền bạc dư dả, Richard đã sắm chiếc xe đắt giá Ferrari. Cuối tuần ông tiêu khiển tại các câu lạc bộ đua xe hơi. Richard xây dựng nhà cửa, có khu nghỉ mát và hòa nhập với những người giàu có và nổi tiếng. Ông từng giao du với những người thành công nhất trên thế giới, những hoa hậu được nhiều người biết đến và thưởng thức những món ăn của các đầu bếp nổi tiếng tầm thế giới.
Bác sĩ Richard Teo năm 40 tuổi (năm ông mất) Source Facebook
Richard chia sẻ ông đã từng nghĩ mình chế ngự được mọi việc và có thể tạo nên mọi thứ với đôi tay của mình. Chính vì thế, trước khi mắc bệnh, ông chưa từng nghĩ mình cần bất cứ ai, kể cả Chúa.
“Thế nhưng tôi đã lầm. Tôi không thể chế ngự mọi chuyện.”
Tháng 3 năm 2011, Richard bắt đầu bị đau lưng và kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị ung thư phổi giai đoạn 4b – giai đoạn cuối. Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Theo chuẩn đoán, ông chỉ còn sống được 3-4 tháng. Dĩ nhiên với sự tự tin pha lẫn chút ngoan cố và hiếu thắng, Richard không tin những gì diễn ra trước mắt mình là thật. Ông chưa qua tuổi 40, không uống rượu, chỉ hút thuốc khi xã giao, và ông tập thể dục 6 ngày một tuần. Và điều quan trọng hơn hết là ông giàu có. Ông từng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới chịu khổ ải.
“Các em có biết, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được cuộc sống, đã đạt đến tột đỉnh cuộc sống nhưng tiếp đó tôi mất tất cả”.
Richard rơi vào trạng thái chán nản và tuyệt vọng. Ông luôn đặt câu hỏi “Vì sao phải là tôi?” Khi mắc bệnh, ông bất ngờ nhận ra rằng những thứ ông cất công theo đuổi như xe hơi đắt tiền, nhà lầu, khu nghỉ mát lại không mang đến niềm vui cho ông khi ông xuống tinh thần. Nói với sinh viên nha khoa vào tháng 1 năm 2012, ông chia sẻ:
“Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc. Không phải vậy. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng cũng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, người thân như tôi tưởng. Điều thật sự mang lại niềm vui trong 10 tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người cười và khóc cùng tôi”.
Sắp chết mới biết nên sống như thế nào
Lúc chia sẻ những lời cuối cùng này vào tháng 1 năm ngoái, Richard đã trải qua lần hóa trị thứ 5 – đau đớn và dằn vặt. Một trong những sự dằn vặt lớn nhất của bệnh ung thư là sự dằn vặt về tinh thần bởi họ sống mất hết hy vọng vì biết rằng chỉ một thời gian ngắn nữa họ sẽ vĩnh viễn nằm yên dưới lòng đất. Là một bác sĩ, hơn ai hết Richard biết điều đó và tuyệt vọng. Đến lúc này trở thành một bệnh nhân, ông mới thấu được nỗi đau của các bệnh nhân ông từng tiếp xúc với sự vô cảm trước đó. Richard từng sống và cho rằng chữa bệnh chỉ là một công việc và không cho bệnh nhân chút thông cảm nào.
“Đừng nghĩ rằng người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn không có gì. Họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi.”
Richard nhận ra rằng càng tích tụ, ông càng trở nên ham muốn và càng có động lực để đạt được. Thành công, giàu có không có gì sai trái nhưng sự lệ thuộc và không thể kìm hãm lòng ham muốn mới chính là vấn đề. Richard chia sẻ điều này sau nhiều năm ông miệt mài kiếm tiền và hả hê với những món của cải mình đạt được.
“Mọi người đều biết rằng một ngày nào đó mình sẽ chết, ai cũng biết thế. Nhưng sự thật không ai tin. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này khi bệnh hoạn nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua”.
Đoạn video clip ghi lại buổi nói chuyện của Richard trước các sinh viên mặc dù không thật rõ nét nhưng cũng đủ để người ta thấy được sự xúc động nơi người bác sĩ trẻ. Ông Richard nói rằng ông đã trả một giá đắt cho bài học phải sống thế nào.
Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này khi bệnh hoạn nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.Bác sĩ Richard Teo Keng Sieng
“Đừng quên khi thành danh, các em đưa tay đến những người cần giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang đến sự khác biệt cho họ. Bây giờ ở vị trí người tiếp nhận, tôi hiểu rõ. Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Điều này đã xảy ra với tôi. Tôi ngỡ như vậy là hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình”.
Thời sinh viên, Richard được rửa tội theo đạo Tin lành nhưng ông không đến nhà thờ và cho rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc. Ông từng sống và nghĩ rằng mình không cần Chúa vì bản thân ông có thể tự tạo ra được những gì mình muốn. Sự ngoan cố và cao ngạo đã khiến ông nghĩ rằng những điều kì diệu xảy ra đối với ông là do trùng hợp. Sự sống của ông kéo dài nhiều tháng trước khi mất trước sự ngạc nhiên của nhiều bác sĩ được ông giải thích là do trùng hợp. Tuy nhiên, đã có quá nhiều sự trùng hợp xảy ra trong những tháng cuối đời khiến ông bị thuyết phục. Ông chưa bao giờ đọc Kinh thánh nhưng trong một giấc mơ chập choạng lại thấy dòng chữ Hebrews 12: 7-8. Tỉnh dậy, ông tìm trong Tân ước và thấy lời Chúa nói rằng:
“Ví bằng anh em chịu sửa phạt ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào làm con mà cha không xử phạt?Tôi nghĩ niềm vui sướng thật sự là khi biết Thượng Đế. Đây là điều quan trọng nhất mà tôi học hỏi được”, Richard chia sẻ.
Câu chuyện của ông Richard không chỉ gây xúc động trong những người tin Chúa:
Bác sĩ Richard Teo Keng Sieng mất vào ngày 18 tháng 10 năm ngoái, hưởng thọ 40 tuổi. Câu chuyện của ông được lan truyền trên mạng như một điển hình cho sự thành công và hạnh phúc. Đó cũng là một câu chuyện điển hình của sự phụ thuộc vào vật chất, chuyện của những bác sĩ đặt y đức sau đồng tiền và là một câu chuyện cảm động về lòng kính phục, khiêm nhường trước đấng siêu nhiên.
Có lẽ không quá vô lý khi cho rằng người ta thường biết cái giá của mọi thứ nhưng lại hiếm khi biết được giá trị của nó. Steve Jobs – người sáng lập thương hiệu máy tính Apple từng viết rằng “Tôi và khi 23 tuổi, tôi đáng giá 1 triệu đô la. Khi 24 tuổi tôi đáng giá 10 triệu đô la. Khi tôi 25, tôi đáng giá 100 triệu đô la. Nhưng điều đó không quan trọng lắm vì tôi không làm vì tiền”. Có lẽ không phải ai cũng nghĩ như Steve Jobs. Và chắc chắn rằng không phải ai cũng tin rằng mình sẽ ra đi mãi mãi một ngày nào đó để sống xứng đáng cho cuộc đời.
No comments:
Post a Comment