Thursday, February 14, 2013

..Lễ hội chùa Hương: Vừa bị 'chặt chém', vừa bị chửi

Lễ hội chùa Hương: 'chặt, chém, chửi'

(VTC News) – Chặt chém, chèo kéo khách, chen lấn, xô đẩy… vẫn là những “thảm cảnh” mà nhiều du khách đi lễ hội chùa Hương gặp phải.
Động đâu “chặt” đó!

Mặc dù cách khoảng 20km mới đến chùa Hương, nhưng dọc con đường dẫn đến đây luôn thường trực các “cò” chỉ chực thấy có khách nhìn sang trọng là bám theo và chỉ dẫn đường đi cũng như “phục vụ” tất cả các dịch vụ hết sức chu đáo. Chỉ có điều…giá quá “chát”.

Mùng 4 Tết, anh Hải, một khách đi chùa Hương cho biết, đến địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội), một chiếc xe máy bám sát xe anh và hỏi: “Bác đi chùa Hương à, có đò chưa, em gọi giúp cho”. Tuy đã từ chối thẳng thừng, thậm chí bày tỏ thái độ khó chịu ra mặt, nhưng anh kia vẫn bám sát xe anh Hải đến tận cổng chùa Hương.


Khách chen nhau đi chùa Hương 
Tới nơi, anh kia nhanh chóng mua 1 chiếc vé xe ô tô giá 40.000 đồng đưa cho anh Hải để đi qua cổng và nhiệt tình chỉ dẫn đường đi tới bến đò.
“Các bác chắc ở xa đến đây, chắc chưa đi chùa Hương bao giờ, nên chúng em giúp là chính thôi. Vé tham quan và vé đò, chúng em mua cả rồi. Hôm nay đông, các bác đi riêng 1 đò cho thoải mái. Giá mềm lắm”, anh “cò” cho biết.

Khi anh Hải hỏi giá đò “mềm” là bao nhiêu thì thực sự choáng vì là 700.000 đồng một lượt trọn gói. Trong khi đó, giá vé được bán ở ngoài cổng vào chỉ 50.000 đồng/vé/người tham quan và 35.000 đồng/vé/người tiền đò. Tức là trọn gói mỗi người cũng chỉ 85.000 đồng.



Các lái đò đua nhau "chặt chém" khách 
Thấy giá quá đắt, anh Hải từ chối thì được “cò” giảm giá xuống 400.000 đồng/lượt. Không đồng ý, anh Hải trả tiền vé xe ô tô và tự đi tìm đò, thì ngay lập tức tay “cò” liền “văng” những lời thô tục vào mặt khách.
“Chắc lần sau mà có đi chùa Hương, tôi phải kiên quyết cắt đuôi mấy tay “cò” này từ xa”, anh Hải nhăn nhó nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, mùng 4 Tết, mặc dù chưa đến ngày khai hội, nhưng không khí đi lễ chùa ở Chùa Hương đã khá nhộn nhịp, lượng người đổ về khá đông. Vì vậy, giá đò ở đây cũng khá cao. Ngoài mua vé là 85.000 đồng/người, đa số mỗi khách ngồi đó phải “bo” thêm tiền cho lái đò ít nhất là 100.000 đồng.



Nhiều đò quá tải 
Tuy nhiên, với những ai chưa đi chùa Hương bao giờ thì đi đò riêng, ít nhất giá cũng từ 350.000 – 400.000 đồng/đò. Càng đi đông, giá tiền càng tăng lên.


Không chỉ tiền đò, dịch vụ ăn uống tại đây cũng được dịp hét giá “trên trời”. Một bát canh rau sắng có giá 120.000 đồng hay thịt các loại thú rừng như: sóc, hươu, nai,…giá ít nhất từ 300.000 đồng/đĩa trở lên.

Điều đáng nói, thịt các loại thú rừng được các nhà hàng bày bán và giết thịt hết sức ngang nhiên, rất phản cảm.


Mướt mồ hôi chờ cáp treo


Có lẽ điều khiến nhiều du khách phải ngán ngẩm nhất là việc mất hàng giờ chờ đi cáp treo để lên động Hương Tích. Mặc dù hệ thống loa của ban quản lý cáp treo luôn đọc thông báo nhắc nhở lực lượng bảo vệ không cho phép các “cò” vé hoạt động tại khu vực cáp treo.

Thậm chí, để thể hiện sự quyết liệt, trên hệ thống loa còn yêu cầu các khách hàng không được mua vé của các “cò”, nếu phát hiện khách nào mua vé của “cò” sẽ không cho xếp hàng đi cáp treo. Tuy nhiên, ngay trước khu vực 2 cửa bán vé cáp treo, có đến gần chục “cò” vé vẫn hoạt động ngang nhiên và không thấy có bóng dáng của nhân viên bảo vệ nào.

Mặc dù mới mùng 4 Tết, nhưng đoàn người đi chùa Hương đã khá đông. Lượng người sếp hàng đi cáp treo vừa giữa trưa qua có thể lên đến hàng nghìn người.



Oải vì chờ cáp treo 
Anh Minh, một khách xếp hàng đi cáp treo ngán ngẩm: “Tôi chờ hơn 2 tiếng đồng hồ rồi, vẫn chưa lên được cáp. Cháu bé nhà tôi nãy giờ kêu khóc vì đói nhưng cũng không có cách nào. Đông như thế này, giờ có đi ra cũng chịu”.
Không chỉ anh Minh, đại đa số các khách đi cáp treo đều tỏ ra mệt mỏi vì phải xếp hàng đứng chờ hàng giờ đồng hồ mà vẫn chưa được lên cáp.

Một điều đáng nói nữa là hầu hết các đò tại chùa Hương đều không có áo phao hay người kiểm soát an toàn khi các đò này hoạt động. Chị Mùi, một lái đò cho biết, mực nước tại chùa Hương vào khoảng 2-3m. Tuy nhiên, ở đây chưa xảy ra vụ đắm đò nào nên cũng không cần thiết phải trang bị áo phao.

Theo quan sát của phóng viên VTC News, lái đò ở đây cũng chủ yếu là người dân địa phương, từ đàn bà đến đàn ông, thậm chí cả cháu bé vẫn còn mặc áo đồng phục đến các cụ già, đã cao tuổi. Nhiều đò, vì tham khách, chở quá đông đến mức chỉ cần có một chiếc ca nô đi qua là nước đã có thể tràn vào trong thuyền.

Bài, ảnh: Châu Anh

No comments:

Post a Comment