Sunday, December 28, 2014

Kiều hối phao cứu sinh cho nền kinh tế

Kiều hối phao cứu sinh cho nền kinh tế

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-12-26       
                   
          
  12262014-money-remit-is-lifsv.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh  
Kiều hối phao cứu sinh cho kinh tế Việt nam
Kiều hối phao cứu sinh cho kinh tế Việt nam
RFA minh họa

Kiều hối tức ngoại tệ do người Việt ở nước ngoài gởi về cho thân nhân trong 25 năm qua lớn hơn tổng viện trợ phát triển ODA giải ngân cho Việt Nam. Kiều hối đã đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội nhưng Chính phủ Việt Nam từng có lúc giới hạn người dân chỉ được nhận tiền quà từ nước ngoài không quá ba lần một năm.
Vai trò quan trọng của Kiều Hối
Ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chính hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
“ Nếu thật sự không có nguồn kiều hối trên dưới 100 tỷ USD của bà con mình gởi về, tình hình kinh tế tài chính Việt Nam rất bi đát nếu không có nguồn tiền ấy thì kinh tế của Việt Nam ở đâu bây giờ? Tất cả thế giới mỗi năm viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam được bao nhiêu, còn đây là số tiền của bà con ở nước ngoài, bà con đi lao động ở nước ngoài gởi về… đó là nguồn tiền không hoàn lại, có ai trên thế giới giúp cho Việt Nam 100 tỷ USD không hoàn lại đâu, làm gì có. Thậm chí viện trợ nước ngoài cũng chỉ là cho vay dài hạn và đấy không phải là một nguồn tài chính vĩnh cửu cho Việt Nam.”
Báo chí Việt Nam kể cả Thông tấn xã Nhà nước, trong những ngày trước Lễ Giáng Sinh, đưa nhiều tin bài lên mạng Internet với nhiều chi tiết đáng chú ý, thể hiện toàn cảnh dòng tiền kiều hối. Các báo đã trích số liệu cụ thể và nhận định của chuyên gia qua bản Báo cáo toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam vừa được Viên Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Công ty chuyển tiền Western Union của Hoa Kỳ công bố.
Có ai trên thế giới giúp cho Việt Nam 100 tỷ USD không hoàn lại đâu, làm gì có. Thậm chí viện trợ nước ngoài cũng chỉ là cho vay dài hạn và đấy không phải là một nguồn tài chính vĩnh cửu cho Việt Nam
Ông Bùi Kiến Thành
Theo báo điện tử Pháp luật và Đời sống, tổng lượng kiều hối trong thời gian từ 1991-2013 đạt mức tổng cộng 80 tỷ 386 triệu USD. Dự kiến trọn năm 2014 số tiền do người Việt ở nước ngoài gởi về cho thân nhân vào khoảng từ 11 tới 12 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn ở Saigon nhận định:
“ Với mức 11-12 tỷ đô la kiều hối chuyển về mỗi năm từ rất nhiều nguồn, từ thân nhân, từ lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng có, số lượng nó như thế rất lớn và chiếm tỷ trọng không nhỏ trên GDP của Việt Nam. Chắc chắn kiều hối nó làm cho thu nhập bình quân đầu người của người Việt trong nước cải thiện một cách đáng kể, có khi cải thiện còn hơn so với GDP vì đây là nguồn tiền từ nước ngoài gởi về. Tôi nghĩ nguồn tiền này có vai trò rất lớn trong việc duy trì sức sống của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lúc khó khăn kinh tế Việt Nam bị áp lực chịu ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu, hay trong tình trạng các doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt rồi lao động thất nghiệp tăng lên. Nguồn kiều hối trong những lúc như thế này này rất quan trọng và hữu ích trong việc duy trì sức mua của nền kinh tế.”
Cái phao cứu sinh
Báo Dân Trí bản điện tử trích lời TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định rằng, kiều hối bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Ngoài ra kiều hối còn đóng góp lớn cho đầu tư và trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước trong thời gian qua. Vẫn theo báo Dân Trí và TS Võ Trí Thành, lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI, hay viện trợ phát triển ODA, những dòng vốn mà có thể đem đến như phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp mang động cơ chính trị của các nhà tài trợ.
Tôi nghĩ nguồn tiền này có vai trò rất lớn trong việc duy trì sức sống của nền kinh tế VN, đặc biệt trong lúc khó khăn kinh tế VN bị áp lực chịu ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu, hay trong tình trạng các doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt rồi lao động thất nghiệp tăng lên
Chuyên gia KT Huỳnh Bửu Sơn
Chuyên gia tài chính Bùi  Kiến Thành nhận định:
“ Chắc chắn nó là nguồn tiếp viện rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, theo các chuyên gia tính là khoảng 9%-10% của tổng sản lượng quốc nội GDP, một nguồn tài chính rất là lớn đối với đất nước. Dù sao đi nữa nó cũng đóng góp phần rất lớn cho dự trử ngoại tệ của mình. Thực sự nếu không có 100 tỷ USD kiều hối về đấy thì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam bây giờ sẽ là âm; theo báo cáo gần nhất của Ngân hàng Nhà nước dự trữ của ta bây giờ là 35-36 tỷ đô mà nếu không có 100 tỷ đô la kia về thì dự trữ ngoại tệ là âm rồi. Một nước mà nếu có tổng số dự trữ âm như thế thì đối với thế giới hệ số tín nhiệm tài chính của mình sẽ rất là nguy kịch.”
Bản Báo cáo toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam do Viên Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Công ty chuyển tiền Western Union của Hoa Kỳ công bố cho thấy, trong vòng 5 năm qua 30% người nhận kiều hối gởi vào ngân hàng lấy lãi; từ 27% tới 30% đầu tư cho sản xuất dịch vụ, 20% mua vàng 16%-17% mua nhà đất.
Theo bản tin của báo Pháp Luật và Đời sống, gần 16% người tham gia khảo sát cho biết dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất đã đóng vai trò “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng, do các qui định nghiêm ngặt về điều kiện vay vốn. Đối với đời sống và tiêu dùng, có tới 40% người dân đã khẳng định, kiều hối đóng vai trò từ quan trọng tới rất quan trọng trong đời sống của họ. Ngoài ra khoảng 17% người tham gia khảo sát còn cho biết, tiền kiều hối chiếm đến 80% tổng thu nhập gia đình họ.
Theo Báo cáo của Viên Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương do Western Union tài trợ, trong giai đoạn 2010-2012 Hoa Kỳ là xuất xứ tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, chiếm 57% tổng số kiều hối chính thức. Trong giai đoạn 2007-2013, nguồn tiền kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 ở Việt Nam xếp sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện và lớn hơn cả vốn viện trợ chính thức ODA đã giải ngân.
Lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI, hay viện trợ phát triển ODA, những dòng vốn mà có thể đem đến như phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp mang động cơ chính trị của các nhà tài trợ
theo báo Dân Trí và TS Võ Trí Thành
Cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết hiện nghỉ hưu ở Hà Nội nhận định:
“Kiều hối gởi về cho các gia đình thì tôi thấy họ khá lên trong cuộc sống hàng ngày. Thành quả lao động của họ cộng với số tiền do thân nhân ở nước ngoài gởi về thì cuộc sống của họ được cải thiện tốt. Đó là điều đáng mừng, khi mà từng cá nhân nhiều người trong gia đình cuộc sống tăng tiến lên thì đứng trên bình diện xã hội nó được phân bố ra, nó chuyển sự tiêu thụ của người này thành sự phân phối lại đối với người kia, nó có tác dụng tốt.”
Qua Báo cáo toàn cảnh kiều hối Việt Nam, người đọc báo có thể thấy được vai trò của dòng tiền được xem như viện trợ không hoàn lại quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam. Dù dòng tiền kiều hối chảy vào đâu nói chung cũng đều có tác dụng quan trọng cho kinh tế tài chính của quốc gia. Điển hình như tăng dự trữ ngoại hối, tăng tín dụng cho vay, tăng vốn sản xuất cho doanh nghiệp tư nhân và dù kiều hối chỉ là để tiêu dùng thì tác dụng tăng tổng cầu cho nền kinh tế cũng rất quan trọng. Tuy vậy trong thập niên 1980, Chính phủ Việt Nam chưa nhìn thấy tác dụng tốt của kiều hối như một nguồn viện trợ không hoàn lại. Lúc đó Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu đã ban hành quyết định hạn chế tiền quà gởi về từ nước ngoài, mỗi gia đình chỉ được phép nhận 3 lần tiền quà trong một năm mà thôi.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, từng trải qua giai đoạn đó trong thập niên 1980 từ Saigon kể lại:
“Thật ra lượng kiều hối trong thời gian đó thì nó không nhiều, chủ yếu qua đường quà biếu là phần lớn. Nhưng mà phải nói trong hoàn cảnh khó khăn thời gian đó mà nhận được một thùng quà…bản thân tôi đã có kinh nghiệm, nhận được thùng quà do người bạn gởi về bán ra được khoảng một hai trăm đô thôi. Nhưng mà 100 đô-200 đô vào thời điểm 1976-1977… thì quả thật là như nguồn sinh lực nước cam lồ làm cho có thể sống lại được. Tôi cho rằng kiều hối trong thời gian khó khăn thời kỳ bao cấp, thực tế tuy nó ít nhưng vị trí của nó hết sức quan trọng giúp người Việt mà có thân nhân nước ngoài vượt qua những khó khăn rất lớn.”
Chính phủ Việt Nam sau đó đã sửa sai không hạn chế kiều hối nữa và qua giai đoạn mở cửa từ thập niên 1990 đến nay lượng kiều hối về nước tăng trưởng ngoạn mục 39% một năm. Với tổng lượng kiều hối đạt 90-100 tỷ USD trong 25 năm qua, các chuyên gia cho rằng dòng tiền viện trợ không hoàn lại này, xứng đáng được gọi tên là phao cứu sinh, tiếp sức sống cho nền kinh tế đầy khó khăn của Việt Nam.          

No comments:

Post a Comment