Saturday, May 21, 2011

NGUYỄN BÍNH
 
  

      Sao chẳng về đây

Lối đỏ như son tới xóm Dừa,
Ngang đầu đã điểm hạt mưa thưa,
(Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá)
Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?
Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên,
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn.
Xót xa một buổi soi gương cũ
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền
Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang
Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng.
Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị
Tôi đã về đây rất vội vàng.
Ở đây vô số những trời xanh
Và một con sông chảy rất lành,
Và những tâm hồn nghe rất đẹp
cùng chung sống dưới mái nhà tranh.
Sao chẳng về đây múc nước sông
Tưới cho những luống có hoa trồng?
Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở
Phô nhụy vàng hây với cánh nhung.
Sao chẳng về đây bắt bướm vàng
Nhốt vào tay áo, đợi xuân sang,
Thả ra cho bướm xem hoa nở
Cánh bướm vờn hoa loạn phấn hương?
Sao chẳng về đây có bạn hiền,
Có hương, có sắc, có thiên nhiên
Sống vào giản dị, ra tươi sáng
Tìm thấy cho lòng một cảnh tiên?
Sao chẳng về đây lục tứ thơ
Hỡi ơi, hồn biển rộng không bờ
Chùm hoa sự nghiệp thơm muôn thuở
Thiên hạ bao nhiêu kẻ đợi chờ?
Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài
Giữa nơi thành thị gió mưa phai
Chết dần từng nấc, rồi mai mốt
Chết cả mùa xuân, chết cả đời?
Xuân đã sang rồi em có hay
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?
 
Nguyễn Bính (1918-1966)
 
1. Hoàn cảnh ra đời (Xuất xứ bài thơ)
 
Năm 1941 Nguyễn Bính vào Nam, khi đó những bài thơ của Nguyễn Bính đã làm độc giả Nam Bộ mến mộ, vì vậy có nhiều tờ báo thời đó mời Nguyễn Bính tham gia. Ông Tế Xuyên tức (Hoàng Hữu Tiếp) là chủ bút một tờ báo, đã đặt Nguyễn Bính làm một bài thơ cho báo mình để đăng trên số báo xuân năm đó. Bài thơ Sao chẳng về đây được ra đời trong hoàn cảnh đó.

2. Thơ đắt như vàng

Lúc ban đầu định với giá một hào một chữ, sau mặc cả mãi thành một đồng một câu. Nguyễn Bính thấy Tế Xuyên cò kè hà tiện quá, mới nghĩ cách chơi lại một vố.
Nguyễn Bính làm bài thơ này dài 40 câu, nhưng chưa đưa vội, đến khi sắp in báo, ông vẫn nói chưa song. Chủ bút rất lo, thay bài khác cũng được, nhưng thiếu thơ Nguyễn Bính thì không được, báo sẽ ế ! vả lại, đã giới thiệu quảng cáo rồi. Tế Xuyên phải đến nói khó với Nguyễn Bính làm cho kịp in. Bấy giờ Nguyễn Bính mới đưa bài thơ ra. Tế Xuyên đọc, thấy bài thơ quả là rất hay, nhưng trong đó có câu: Làm Thơ đem bán cho thiên hạ. Thiên hạ đem thơ đọ với tiền thì Tế Xuyên cho là Nguyễn Bính xỏ mình, đề nghị Nguyễn Bính sửa câu đó và phải sửa ngay mới kịp đưa in. Nguyễn Bính đồng ý sửa ngay nhưng giá phải gấp đôi! Bí quá chủ bút đành nhận lời. Nguyễn Bính sửa: Xót xa một buổi soi gương cũ. Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền thế là ông chủ bút phải trả 80 đồng. Thời đó một chỉ vàng là 8 đồng, thế là bài thơ này tiền nhuận bút tương đương một cây vàng.
 

No comments:

Post a Comment