Monday, August 5, 2013

Nhận định về chuyến Hoa du và Mỹ du của ông Trương Tấn Sang

Nhận định về chuyến Hoa du và Mỹ du của ông Trương Tấn Sang

Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn
2013-07-31
000_Del439721-305.jpg
    
TBT Nguyễn Phú Trọng (giữa), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải), Chủ tịch Trương Tấn Sang bỏ phiếu bầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội hôm 17/1/2011.
AFP photo


Trước khi đi vào nhận định mục tiêu chuyến Mỹ du của ông Trương Tấn Sang chúng ta nhận định về hiện tình của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nội tình ĐCSVN hiện nay
Đảng CSVN hiện nay đang lâm vào thế đấu đá tranh giành quyền lực giữa ba nhóm thế lực: một của ông Nguyễn Tấn Dũng, một của ông Nguyễn phú Trọng và một của ông Trương Tấn Sang.
Ba nhóm quyền lực này hình thành thế “chân vạc” trong đảng CSVN. Nhưng cả ba nhóm quyền lực này đang lâm vào thế tranh giành để độc chiếm quyền lực. Thay vì tạo sự ổn định, họ luôn luôn có xu hướng muốn thay đổi thực trạng quyền lực. Đây là điều rất thường xảy ra ở các chế độ Cộng sản, nhất là tại Trung cộng hậu Mao trạch Đông và Đặng tiểu Bình, hay ở Việt Nam hiện nay. Vì trong số những lãnh đạo đảng CSVN, không có nhân vật nào đủ uy tín độc tôn và sự hậu thuẫn của quốc tế Cộng sản cũng không còn để xác lập một trật tự ổn định như trong thời của Hồ chí Minh hay Lê Duẩn.
Nhưng phải xác định rõ là những cuộc đấu đá này mang tính tranh giành quyền lực chứ không phải do bất đồng chính kiến. Cho nên dù mâu thuẫn giữa các phe nhóm là rất sâu sắc nhưng họ vẫn thống nhất với nhau về những nguyên tắc căn bản: Duy trì và bảo vệ chế độ “XHCN” với đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên đa đảng và dân chủ hóa Việt Nam.
Chính sự định hướng này quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của chế độ độc tài. Cho nên trong đường lối đối ngoại hay đối nội , nhất là đối ngoại, sự chỉ đạo của Bộ chính trị và Trung ương đảng là kim chỉ nam hành động của bất cứ nhân vật lãnh đạo nào.
Hoa du “kiên định” tình đồng chí
Chuyến công du của ông Trương Tấn Sang đến Trung quốc vừa qua cũng chỉ là một sự tiếp tục của đường lối chung đã được Bộ chính trị và Ban bí thư “nhất trí”. Cho nên chúng ta không lạ gì khi thấy trong Thông cáo chung Trung–Việt có đến 29 lần “nhất trí”.

Theo thiển ý của tôi với chuyến đi Trung quốc vừa qua CSVN đã xác định rõ vị trí và định hướng của mình trong quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ- Trung, đó là, coi mối quan hệ Trung- Việt là nền tảng, giống như quan hệ Việt-Xô trước đây bất chấp một thực tế phũ phàng là Trung cộng đang từng bước thôn tính Việt Nam trên mọi lãnh vực mà mục đích cuối cùng là biến Việt Nam thành quận huyện của Tàu.
Đảng CSVN chỉ có một ưu tư duy nhất đó là làm sao để giữ vững chế độ Cộng sản, giữ vững quyền độc tôn lãnh đạo đất nước và bảo vệ khối tài sản khổng lồ mà họ và gia tộc đã thủ đắc được sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền và sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi….. sụp đổ!
Còn đối với Trung cộng thì họ luôn dành cho đảng CSVN sự ủng hộ “mạnh mẽ”, "kiên định" vì Trung cộng biết rằng không ai phục vụ quyền lợi cho họ tốt hơn người đồng chí CSVN trong bối cảnh Mỹ đang xoay trục chiến lược sang vùng châu Á – Thái Bình Dương.
Trung cộng không hài lòng khi thấy nội bộ đảng CSVN đang hục hặc với nhau để tranh giành thế lực. Và theo thiển ý của tôi chắc chắn là trong lần diện kiến chủ tịch nước Trung QuốcTập cận Bình vừa qua của ông Trương Tấn Sang, Trung cộng có nêu lên sự lo lắng này vì họ muốn nội tình của đảng CSVN ổn định để không phương hại đến chiến lược của Trung Quốc tại biển Đông và khu vực.
Còn đối với nhân dân và đất nước Việt Nam thì những hậu quả tai hại của chuyến công du sang Trung quốc này của ông Trương Tấn Sang khó lòng lường hết được, e rằng nó sẽ như chiếc vòng kim cô trên đầu CSVN và như  những sợi dây trói chặt thân thể Việt Nam.
Mỹ du để “đối trọng”: Vì dân, vì nước hay vì đảng?
Câu hỏi đặt ra ở đây là ông Trương Tấn Sang Mỹ du để làm gì?
CSVN đủ khôn ngoan để biết rằng nếu chỉ “thân thiện” với  Trung quốc mà không tỏ ra “biết điều” với Hoa kỳ sẽ là một sai lầm chiến lược, cho nên Bộ chính trị đảng CSVN quyết định vội vàng cho ông Trương Tấn Sang gấp rút công du Hoa Kỳ để “tái cân bằng” quan hệ quá thiên lệch mang nặng màu sắc chiến tranh Lạnh.
Bộ chính trị cử ông Trương Tấn Sang đi Mỹ để làm yên lòng đối tác Mỹ rằng: Việt Nam vẫn giữ thế “trung lập” giữa hai siêu cường. CSVN không muốn làm Mỹ thất vọng và “nổi giận”.
Nhưng định hướng ngoai giao của đảng CSVN rất rõ ràng:
- Với Trung cộng là “đồng chí”, “anh em”, là hợp tác đối tác chiến lược toàn diện trên tinh thần “16 chữ vàng” và “4 tốt”.
- Còn với Mỹ chỉ là đối tác kinh tế vì VN muốn “làm bạn với tất cả các nước” trong “quan hệ đa phương” mà thôi.
Hiện nay Hoa kỳ là thị trường lớn và đầy hứa hẹn để cân bằng cán cân thương mại bị thâm thủng nặng của Việt Nam. Trong tương lai việc gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái bình dương TPP do Mỹ chủ xướng sẽ là cứu tinh cho nền kinh tế Việt Nam đang hụt hơi.
Với áp lực của một nền kinh tế đang xuống dốc dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội là một thực tế, nên CSVN rất cần Mỹ. Nhưng sẽ không có chuyện hợp tác với Hoa Kỳ để ngăn chận sự hoành hành của Trung cộng tại biển Đông vì biển Đông và chủ quyền của đất nước không bao giờ là quan trọng đối với đảng CSVN. Hơn nữa, Việt cộng ngầm hiểu rằng Biển Đông là “quyền lợi cốt lõi” của Trung cộng nên không dám đụng đến hồ sơ “tế nhị” này.
CSVN luôn ý thức rằng Trung cộng còn –Việt cộng còn, Trung cộng  mất - Việt cộng mất, cho nên họ sẽ không có bất cứ một “hợp tác” nào với Mỹ nếu nó đe dọa đến quyền lợi và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.
Người Mỹ không nên kỳ vọng điều này ở CSVN, nếu nước Mỹ muốn bảo vệ lợi ích chiến lược của mình thì cách duy nhất là giúp thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa Việt Nam và khu vực để Việt Nam có cùng một giá trị với Hoa Kỳ trong mục tiêu bảo vệ hòa bình và sự thịnh vượng của nhân loại trong thế kỷ 21 này.
Hậu ý thâm độc của Việt cộng: Duy trì chế độ
Chuyến Mỹ du vừa rồi của ông Trương Tấn Sang còn nhắm đến một mục tiêu chính trị nữa, đó là nhân chuyến thăm này những người lãnh đạo Việt Nam mong muốn Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam để lòe với dân chúng và ngầm gởi một thông điệp đến những người đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền tại VN cũng như cộng đồng người Việt quốc gia khắp thế giới là họ (VC) mới là đối tác của Mỹ!!
Hồ sơ khó khăn nhất mà những người cộng sản phải giải quyết trong thời gian tới đó là hồ sơ vi phạm Nhân quyền tại VN mà người Mỹ đã đặt ra như một điều kiện để được Mỹ chấp nhận nâng tầm quan hệ ngoại giao và mở đường cho CSVN gia nhập TPP mà không bị sự phủ quyết của quốc hội Mỹ.
Chúng ta phải chờ xem nhưng theo tôi lúc này người Mỹ đã ít nhiều mất kiên nhẫn vì thái độ “nước đôi” của CSVN và sự quyết đoán của Trung cộng mỗi ngày một dữ dội hơn trên nhiều khu vực nhất là tại châu Á- Thái Bình Dương.
Xin được nhắc lại, trước chuyến Mỹ du của ông Trương Tấn Sang, tướng Đỗ bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN cũng đã đến thăm Ngũ giác đài. Tất cả những hành động này chỉ nhằm mục đích tuyên truyền không hơn không kém nên sẽ chẳng mang lại sự “đột phá” nào như mong đợi của một số người.
Chúng ta nên nhớ rằng người dân Việt Nam vốn thực dụng và hiểu rõ sức mạnh của người Mỹ, họ luôn coi mối quan hệ với Mỹ là một “bảo đảm” cho sự thành công và vững chắc của một chế độ. Những người lành đạo cộng sản luôn biết khai thác tâm lý này.
Cuối cùng, theo tôi, chuyến Mỹ du của Trương Tấn Sang vừa qua chẳng mang lại kết quả gì to lớn cho cả hai phía Mỹ- Việt và điều gì tốt đẹp cho đất nước Việt Nam, nó chỉ phục vụ ý đồ tuyên truyền của CSVN thôi. Vì vậy quan hệ Mỹ- Việt cũng không thể tiến xa hơn được trong thời gian tới và như vậy CSVN vẫn tiếp tục lộ trình trong quỹ đạo của Trung Hoa.
Xin dẫn lời của nhà bình luận thời cuộc Elle Bork của US News để kết thúc bài này:
- “Lời mời ông Sang viếng thăm Hoa Kỳ là một quyết định thiếu khôn ngoan nếu xem xét những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Vì cuộc gặp sẽ được diễn ra nên việc yêu cầu Tổng thống Obama chia sẻ công khai và rõ ràng với Chủ tịch Sang về vai trò của dân chủ trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ là vô cùng cấp bách. Và sau đó Tổng thống Obama nên hành động cụ thể như những gì ông đã nói”.
- "Thực tế là dân chủ cuối cùng sẽ giúp cho ‘trục châu Á’ thành công, chứ không phải các cuộc trao đổi ‘thực tế’ với một quốc gia như Việt Nam”.
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn ởQuảng Nam. Thường có nhiều bài viết tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam. Ông từng bị cầm tù suốt từ năm 1992 tới năm 2002 vì gửi một số bài viết ra nước ngoài

No comments:

Post a Comment