Tuesday, July 10, 2012

Lý luận của ông độc quyền và sự thật
 
Văn Quang Viết từ Sài Gòn
 
Giá điện tăng 5% kể từ sáng ngày 1/7 làm lu mờ những câu chuyện về Euro 2012. Ngay trước khi trận chung kết giữa Tân Ban Nha và Ý diễn ra vào ngày 1-7, ở VN là vào đêm 1-7 bước sang 2-7. Ngay buổi sáng hôm 1-7 người VN chưa xem trận cuối cùng hứa hẹn rất hào hứng đã xen vào nỗi lo giá điện nước tăng, xem trận chung kết rất hay song không trọn vẹn. Nỗi lo vẫn ám ảnh trước mặt.
Cũng cần phải kể đến nạn cá độ bóng đá, “hậu Euro” đã và đang để lại những hậu quả lớn lao và lâu dài. Kỳ trước, tôi đã tường thuật những nét chính, chắc các bạn đã biết qua rõ rồi, nó cũng là nỗi ám ảnh trong nhiều gia đình.
Chuyện Euro đã thành lạc hậu
Thế nên sau trận chung kết này, hầu hết những người hâm mộ bóng đá cũng chỉ còn nhớ đôi điều về Euro năm nay.
“Thằng Tây Ban Nha ăn Ý tới 4 trái, không ai ngờ tới được. Có người bực mình cho rằng cầu thủ Ý bán độ. Tôi không tin bởi thực lực đội Ý chỉ có thế. Trận trước Ý đá rất hay thắng Đức, nhưng trận này lại đá rất dở với TBN, bởi lối đá của “thằng Tây” quá linh hoạt, chẳng biết đường nào mà đỡ. Thằng nào cũng là tiền đạo, thằng nào cũng sút được hết, không chỉ có môt hai anh như Balotelli, như Pirlo của Ý. Nó thua là đáng đời. Nhưng thôi quên nó đi, giá điện nước đang tăng, giá ngoài chợ cái gì cũng tăng, thế mà nói làm phát giảm thì giảm ở cái chỗ nào? Hay là giảm với các ông chuyên tính toán, vẽ sơ đồ cho nhà nước. Lo làm gì chuyện tận Ba Lan, lo chuyện cơm gạo áo tiền của vợ con mình chưa xong”. Có lẽ người bình dân chỉ lý giải “ngây thơ” cái gì cũng tăng là lạm phát tăng.
Đó là đại ý những câu chuyện của mấy anh tài trẻ chờ khách trong cái “bến xe ôm” ở đầu mấy cái ngã tư thành phố và dân đầu chợ. Những cái bến xe ôm tự phát, không ai tổ chức, nó tự động mọc lên ở những địa điạ thuận tiện cho việc đón khách. Đôi khi có cả mấy chị bán cây cảnh, anh hàng quà rong ghé vào góp chuyện.
Cho nên bây giờ nói đến chuyện Euro trở thành lạc hậu, có thể nói là xa xỉ, chuyện đó chỉ dành cho những ông rủng rỉnh tiền bạc, ngày rộng tháng dài, điện nước có tăng cũng chẳng ảnh hưởng gì tời đời sống của gia đình họ. Người yêu bóng đá không còn được hưởng cái dư âm ngọt ngào của những ngày hội bóng đá lớn như Euro, như World Cup vừa qua. Họ không còn hào hứng để biết Torres hay Xavi, anh nào lãnh giải quả bóng vàng, anh nào là cầu thủ xuất sắc nhất nữa. Euro chỉ còn lại trong ký ức lơ mơ của người bình dân và rồi nó sẽ lu mờ dần vài ngày là mất hẳn.
Những câu chuyện cửa miệng của các bác xem ôm, của mấy chị bàn hàng rong phản ảnh trung thực nhất tình hình sinh hoạt của đại da số người dân. Chẳng phải chỉ có thành phần người lao động đó lo ngại mà ngay cả những gia đình công tư chức, gia đình trung lưu, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa quanh đây cũng đang méo mặt về chuyện tăng giá điện.
Lý luận của ông độc quyền
Giá điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đồng loạt được điều chỉnh, với mức tăng trung bình 65 đồng, tương đương 5% lên trung bình 1.369 đồng mỗi kWh (chưa bao gồm VAT). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện ngày 1/7 có tác động động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân (?).
Các gia đình nghèo, gia đình có thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh mỗi tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện. Các nhà sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh mỗi tháng tăng chi 4.200 đồng mỗi tháng, sử dụng 150 kWh tăng chi 8.600 đồng, sử dụng 200 kWh tăng chi 14.050 đồng, sử dụng 300 kWh tăng chi 26.050 đồng, sử dụng 400 kWh tăng chi 38.950 đồng.
Thật ra quyết định tăng giá điện được đưa ra trong bối cảnh EVN thua lỗ và nợ đọng các đối tác hàng ngàn tỷ đồng. Đúng lúc này, chỉ số giá tiêu dùng cũng đang ở mức thấp kỷ lục suốt 38 năm qua. Một số ý kiến cho rằng có thể tận dụng bối cảnh này để điều chỉnh một cách hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu đang phải kìm nén lâu nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo CPI âm hiện nay chủ yếu do sức mua của người dân kiệt quệ vì kinh tế suy giảm, thu nhập của từng gia đình sa sút.
Sau khi 
tăng hơn 15% vào tháng 3 năm 2011, giá điện tiếp tục tăng lần thứ hai trong năm vào ngày 20/12/2011, lên 1.304 đồng mỗi kWh, tăng 62 đồng, tương đương với 5%. Ngành điện cho biết, với mức tăng này, EVN thu thêm được khoảng 6.000 tỷ đồng và chỉ đủ bù lỗ cho chi phí môi trường rừng khoảng 700 tỷ đồng, chi phí nhiên liệu trong năm 2012. Còn khoản lỗ 10.000 tỷ đồng, EVN vẫn chưa thể giải quyết được. Đó là vấn đề của EVN trong chiến lược kinh doanh.
Lạm phát cao đánh vào đời sống người dân
Về phía người dân, tỉ trọng thu nhập của người dân tiêu pha cho việc ăn uống ngày càng cao tất yếu mức sống của người dân càng thấp. Lạm phát ở Việt Nam đang quá cao và là một thứ “thuế” rất nặng đánh vào đời sống người dân.
Lạm phát tháng 6-2012 giảm nhưng giá cả hàng hóa vẫn đứng ở mức cao. So với tháng 12-2011, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,52%, nhưng nếu so với cùng tháng này năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng đến 6,9%.
Hiểu một cách đơn giản nhất, lạm phát là hiện tượng tăng giá của hàng hóa khiến cho cùng một mức tiền nhưng chỉ mua được số hàng hóa ít hơn. Khi giá tiêu dùng tăng lên, thu nhập không tăng tương ứng nên người dân phải giảm lượng tiêu dùng hoặc giảm loại hàng hóa, làm dịch chuyển sức mua.
Cụ thể, ông Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết theo thống kê của hiệp hội, số người mua sắm tại hệ thống siêu thị Hà Nội 6 tháng đầu năm nay đã giảm một nửa so với trước. Doanh số bán hàng phi thực phẩm giảm rất mạnh do cơ cấu giỏ hàng của khách mua hiện nay chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống hằng ngày, chiếm đến 80%.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại của hệ thống siêu thị BigC, cũng nhận định: Doanh số bán hàng của các mặt hàng gạo, thịt, trứng, đường… nhích lên trong khi hàng may mặc, tivi, tủ lạnh… bán ngày càng chậm.
Không còn tiền để nâng cao đời sống
Kết quả điều tra xã hội học về đời sống dân cư năm 2010 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy người dân đang phải dành quá nửa thu nhập để chi tiêu cho ăn uống hằng ngày. Năm 2002, tỉ trọng chi cho ăn uống chiếm 56,7% trong chi tiêu đời sống và đến năm 2010 giảm xuống còn 52,9%. Tỉ trọng chi ăn uống trong chi tiêu đời sống là một chỉ tiêu đánh giá mức sống cao hay thấp. Tỉ trọng chi ăn uống càng cao thì mức sống càng thấp và ngược lại.
Trong những hàng hóa gồm 10 nhóm tính CPI hiện nay, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (gồm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) chiếm tới 42,85% tỉ trọng cả nhóm hàng hóa. Điều này cũng cho thấy cơm ăn, nước uống vẫn là vấn đề quan trọng nhất của người dân, chiếm tỉ trọng gần bằng tổng số tiền các nhu cầu khác cộng lại. Vì vậy, sau khi lo cho đủ cơm ăn, nước uống và dành một phần để dành, người dân không còn tiền để chi cho các hàng hóa, dịch vụ khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Báo cáo kết quả nghiên cứu tâm lý, thái độ người tiêu dùng của người dân TP Sài Gòn năm 2011 do Báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện cũng cho thấy ăn uống chiếm 34,3% tổng thu nhập của người dân. Còn lại, khoảng 30% để dành và tất cả các nhu cầu khác như học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí, mua sắm thiết bị gia đình… đều gói gọn trong hơn 30% thu nhập còn lại.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, tăng trưởng thấp, lạm phát vẫn cao đang khiến người dân phải vật lộn với cuộc sống. Trong hoàn cảnh này, số người nghèo không những không giảm mà còn tăng lên do khả năng tái nghèo ở một bộ phận dân cư rất cao.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét lạm phát ở Việt Nam đang quá cao và đây là một thứ “thuế” rất nặng đánh vào đời sống người dân.
Người dân phải gồng gánh cả những thua lỗ của ngành điện
Đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế khi đề cập việc điều chỉnh tăng giá điện 5% vừa qua của Bộ Công Thương. Các chuyên gia cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp cho việc tăng giá, nhất là tăng với những lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng thực ra chỉ có một lý do giải thích hợp lý việc tăng giá là lấy kinh phí này để bù vào những khoản lỗ trong các năm trước. Và tăng giá điện còn để bù vào những khoản lương “khủng” của lãnh đạo ngành điện, thay vì chi phí sản xuất.
EVN đang tính giá điện theo cách “gom” mọi chi phí đầu vào để ra giá thành. Điều này chẳng khác nào bắt người dân gồng gánh những hoạt động đầu tư ngoài ngành thua lỗ của mình. Trong khi người dân lại không thể kiểm soát được đâu là chi phí sản xuất, chi phí đầu tư ngoài ngành… EVN là tập đoàn Nhà nước được ưu ái về nhiều mặt từ vốn, đầu tư… nhưng không giúp cho việc giảm giá điện mà còn tăng liên tục trong thời gian qua.
Một đòn nặng vào các doanh nghiệp
TS Lê Đăng Doanh nói: Điện là yếu tố đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất nên tác động từ việc tăng giá sẽ lớn hơn nhiều mức công bố của EVN, nhất là việc lợi dụng tăng giá điện để “té nước theo mưa”. “Có thể sau vài tháng, người ta mới thấy tác động trực tiếp của việc điện tăng giá nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với dự báo của EVN và không thể là “tác động không đáng kể”. Ông lo ngại doanh nghiệp (DN) đang phải xoay xở với hàng loạt khó khăn trước mắt, nay điện tăng giá, giá nước cũng tăng gấp rưỡi từ ngày 11-7 chẳng khác nào bồi thêm một đòn nặng nề cho DN. Các DN sẽ phải tăng chi phí, đẩy giá thành sản phẩm tăng lên nhưng giá bán lại khó điều chỉnh nên càng khó khăn.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại DN sẽ bị bồi thêm đòn nặng vào hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị đình trệ hiện nay. Trong kết quả rà soát số lượng DN được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, tại thời điểm ngày 1-1 có đến 92.710 DN không thể xác minh được (là DN đã đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế nhưng thực chất không còn hoạt động vì thua lỗ, bỏ trốn, giải thể…).
Số lượng tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chờ giải thể lên tới hơn 55.000 DN. Còn hàng ngàn DN đang “sống lay lắt” vì gặp nợ xấu, khó vay vốn, không bán được hàng sẽ gặp cú sốc từ việc điện tăng giá.
Có một thực tế hơn cả thực tế là tâm trạng người dân
Nói những chuyện trên đây còn mang đậm tính chất lý luận về kinh tế, chưa rõ ràng lắm về đời sống thực của người dân. Có một thực tế dễ hiểu và trung thực hơn, đó là những lời phát biểu từ trong sâu thẳm ý nghĩ của người dân trong hoàn cảnh hiện nay. Tôi không nói nhận định của riêng mình, xin mượn tâm tình của người dân trên các trang thông tin của báo chí trong nước lên tiếng về vần đề này, bạn đọc dễ thông cảm hơn cái giá của người dân phải trả khi điện nước tăng giá. Người dân nghèo “mạt” nhất, có thể chỉ trả giá điện như cũ, nhưng tực tế họ đã phải mua bất cứ thứ gì cũng đắt hơn trước. Như thế ảnh hưởng sẽ rất lớn đối với đời sống quá nghèo của họ hiện nay, còn hơn là phải trả giá tiền điện như cũ. Lý luận của EVN và các “nhà thống kê” không thuyết phục được người dân.
Thể hiện lòng “yêu nước”
- Bạn -Le Hung - lehung2010@yahoo.com trên báo Người Lao Động có một ý kiến nửa cay đắng, nửa khôi hài:
“Đồng ý lạm phát là một thứ thuế đánh vào người dân. Nhưng nói theo lời của một BT (bộ trưởng), thì nộp thuế càng cao thì càng thể hiện lòng yêu nước, nên tôi nghĩ là người dân nên vui mừng vì khi lạm phát cao thì mình càng yêu nước nhiều hơn. Không đủ tiền mua thực phẩm, thì chúng ta nên uống nhiều nước hơn. Đó cũng là thể hiện lòng “yêu nuớc”.
Các ông độc quyền mặc sức tung hoành
- Bạn Nguyễn Các Điềm - ncdiem.aasc@gmail.com lại chĩa mũi dùi vào các ông độc quyền:
“Đó là điều thật dễ hiểu. Hậu quả của các ngành thiết yếu như: xăng dầu, điện, nước...đều được CP (chính phủ) giao hết cho các ông độc quyền mặc sức tung hoành. Thuế, phí, lệ phí...như cái mạng nhện rồi đổ hết lên đầu người dân. Người dân kêu gào thì CP lại sợ thâm hụt, thất thu ngân sách. Tham nhũng thì ngày càng quy mô, xử lý thì như cóc bỏ dĩa. Kinh tế không lao dốc, rơi tự do mới là chuyện lạ.”
Các nhà khảo sát chưa hợp với tính thực tiễn
- Bạn Tai Lanh - lgtvquoi@gmail.com đưa ra những điển hình về sự khảo sát điều tra của các nhà thống kê chưa làm đúng với thực tế đời sống của nhân dân:
“Các chuyên gia kinh tế đều đưa ra tình trạng rất khả quan cho nên kinh tế Việt Nam nào lạm phát kiềm chế lạm phát đã có tác dụng, lo ngại sự giảm phát xảy ra. Nhưng thực tế đời sống của người dân chưa được cải thiện, nhứt là bộ phận làm công ăn lương, cán bộ hưu trí, đồng lương công chức hiện nay không đủ sống tối thiếu được một tháng, người mới ra trường có việc làm thì sống với đồng lương tằn tiện lắm chỉ được 20 ngày, ra chợ cái gì cũng tăng, không tăng tiền thì giảm lượng nhưng các nhà điều tra không quan tâm đến điều này, ví dụ: một bó rau muống 5.000đồng khoảng 1 ký, nay bó rau muống cũng 5.000đồng nhưng trọng lượng còn 500g. Đó là một thực tế mà các nhà thống kê chỉ số giá tiêu dùng cần quan tâm, không chỉ cứ nhìn bề ngoài không tăng giá mà đánh giá giá cả hàng hóa giảm không tăng, mà tất cả các mặt hàng thiết yêu tiêu dùng trong bữa ăn hàng ngày điều tăng đến chóng mặt. Mong rằng các nhà kinh tế khảo sát điều tra hãy thực tế hơn, không chỉ cứ căn cứ vào rổ hàng hóa mà các ngài đưa ra chưa hợp với tính thực tiễn cuộc sống hằng ngày của người dân”.
Chuyện anh hàng xóm bất lương xin để kỳ sau bàn tiếp
Thưa bạn đọc,
Đó là mối lo thiết thực, mối lo tâm huyết của người dân VN trước một đời sống quá khó khăn. Tất nhiên, tình hình chung trện toàn thế giới hiện nay, nước nào cũng lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế, nước nào cũng lo tiết kiệm từ ngân sách chính phủ đến số tiền chi tiêu hàng ngày của người dân. Mỗi nước có hoàn cảnh khác nhau, VN cũng không thể đi ra ngoài cái qũy đạo chung ấy. Có thể nói bất cứ thứ gì tăng giá cũng làm người dân lo lắng, ở VN giá điện nước tăng có một hiệu ứng rất lớn với người dân và ngay cả các doanh nghiệp. Đó là đề tài nóng bỏng nhất trong đời sống thực tế.
Vấn đề thứ hai là chuyện anh hàng xóm xấu bụng Trung Quốc luôn dùng mọi thủ đoạn thâm độc nhất để phá phách nền kinh tế của VN. Mới nhất anh ta còn mời cả thế giới tham dự vào trò chơi đấu thầu khai thác dầu vùng biển thuộc chủ quyền VN. Đó là một trò cười, ngang nhiên coi như “đất nhà hàng xóm thuộc quyền của mình”.
Cái trò chơi ngông cuồng ấy càng thể hiện bộ mặt “xâm lược” xấu xa mà lâu nay anh ta che giấu dưới muôn hình vạn trạng khác nhau. Nào là “hữu hảo, hữu nghị, VN và TQ như răng với môi…” Nhưng bây giờ rõ ràng răng cắn môi đau quá, ai cũng thấy trò thâm độc này của anh “răng cắn vỡ môi”.
Ngoài ra còn những chuyện trớ trêu là những “bệnh viện” của người Trung Quốc nằm la liêt chềnh ềnh giữa Hà Nội, Sài Gòn từ bao năm nay, các cơ quan được gọi là chức năng vẫn bình thản coi như nó hợp lệ, cho nó tự do lừa bịp móc túi dân, trong đó phải kể đến cả sự tiếp tay của những cơ quan được gọi là truyền thông VN.
Thêm một chuyện hy hữu nữa là người Việt đã cùng thương nhân Trung Quốc xây dựng trái phép một nhà máy chế biến tinh bột wolfram (ATP) xuất khẩu công suất 3.000 tấn/năm trên diện tích 5 ha tại TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nhưng chính quyền không hề hay biết. Sự việc diễn ra từ đầu năm 2011 đến tận tháng 11.2011 chính quyền địa phương mới phát hiện…
Kỳ này dành riêng cho những sự việc không thể không nói về thực trạng đời sống và dư luận của người dân Việt, kỳ sau xin điểm tiếp đến những trò chơi gian lận của anh hàng xóm bất lương này.
Văn Quang 06-7-2012

Hình:
01- Ngôi nhà của dân lao động dù chỉ thắp 1 ngọn đèn cũng chịu ảnh hưởng bởi điện tăng giá vì các loại thực phẩm, gạo muối, thuốc men đều tăng cao.
02- Một xóm nhà trọ của người lao động chịu cảnh mua lại điện của chủ nhà với giá rất đắt.
03-  Một phòng khám bệnh lớn của người Trung Quốc tại TP Sài Gòn
04- Nhà máy Wolfram xây trái phép tại Móng Cái, từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2011 chính quyền mới biết.

No comments:

Post a Comment