Mùa lạnh và bệnh viêm xoang
Việt Hà, phóng viên RFA
2012-12-19
Những tháng cuối năm là những tháng của lễ tết, nhưng sẽ thật khó chịu nếu ăn tết mà lại bị sụt sịt, nghẹt mũi, đau đầu, những triệu chứng điển hình của bệnh viêm xoang mùa lạnh mà nhiều người thường gặp.
Mùa lạnh và bệnh viêm mũi
Không có ai trong đời mà chưa từng bị sụt sịt, nghẹt mũi, hắt hơi, viêm họng. Không phải diễn tả thì ai cũng biết bệnh mũi họng là bệnh dù không nặng nề nhưng vô cùng khó chịu, đặc biệt là khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột. Đó là bệnh viêm mũi mùa lạnh mà rất nhiều người sống ở các vùng có mùa đông lạnh gặp phải.
Giải thích về cơ chế gây bệnh, bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, bện viện tai mũi họng thành phố Hồ Chi Minh cho biết:
Thường thường không khí lạnh thì khi nó đổi mùa từ nóng sang lạnh thì không khí lạnh ảnh hưởng trực tiếp vào cửa của cơ thể mình là cái mũi và cái họng. Khi mình hít vô thì mũi và họng bị ảnh hưởng trực tiếp, nó đưa vào phí trong. Đó là vấn đề cơ chế. Khi môi trường lạnh thì niêm mạc mũi của mình làm ấm không khí lạnh đó, nó làm việc nhiều hơn làm ấm khí lạnh đó, làm ẩm không khí lạnh đó để nó đưa vào phổi. Nó cũng có phản ứng phản xạ của niêm mạc mũi, nó bị viêm mũi xúc tiết, viêm mũi dị ứng…
Khi bị viêm mũi do lạnh, những triệu chứng đầu tiên thường thấy là tiết dịch mũi nhiều, hắt hơi và nghẹt mũi. Triệu chứng có thể tự hết mà cũng có thể kéo dài và nặng lên thành viêm xoang nếu không được chú ý kịp thời. Đối với những người đã có bệnh viêm xoang mãn tính, khi gặp lạnh, bệnh có thể tái phát và nặng lên nếu không được điều trị.
Viêm xoang mũi
Đối với nhiều người sống ở vùng lạnh, bệnh viêm xoang là bệnh khá phổ biến và có khi phải chung sống với bệnh cả đời. Quan niệm của nhiều người thường cho rằng xoang là bệnh do lạnh, nhưng trên thực tế xoang có thể do nhiều nguyên nhân. Bác sĩ Khoát, khoa tai mũi họng, đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Viêm xoang có nhiều nguyên nhân, còn bây giờ điều trị có hết không thì mình phải tìm ra nguyên nhân, điều trị theo nguyên nhân thì mới hết được. Nó có thể do dị ứng, do vi trùng, siêu vi, do nhiễm nấm, viêm xoang do bị tắc nghẽn do bất thường cấu trúc giải phẫu trong mũi, nó bị tắc xoang thì nó viêm.
Khi dịch mũi bị ứ tắc trong xoang lâu ngày có thể dẫn đến làm mủ gây viêm xoang. Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi giải thích:
Trước hết là nó viêm mũi trước, giữa mũi và xoang có những lỗ dẫn lưu từ xoang ra ngoài. Mình hít vô không khí vô mũi, một phần vô xoang, giống như đường cống vậy. Trong quá trình viêm thì các đường đó bị bít tắc lại giống như đường cống bị nghẹt thì nó không dẫn lưu được tốt. Không khí không vô được trong xoang và dịch trong xoang không ra được mũi để nó dẫn lưu xuống họng thì nó sẽ ứ lại dịch trong xoang gây viêm xoang và nó làm mủ.
Khi bị viêm xoang, dịch mủ trong xoang có thể gây đau nhức mặt, trán mũi, mỏi gáy, người bệnh cảm thấy dịch mũi chảy xuống họng rất khó chịu, có thể gây viêm họng. Có hai loại xoang phổ biến thường gặp là xoang trước và xoang sau. Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi giải thích tiếp:
Xoang có hai nhóm là xoang trước và xoang sau, xoang trước có nhóm xoang trán và xoang hàm, xoang sau thì có xoang sàn và xoang bướm tiếp cận với phía sau vùng não, nên khi bị đau thì đau ở sau và ảnh hưởng ra gáy, mỏi cổ. Nói chung là phải khám, nếu cần thiết thì chup CT scan, nếu cần thiết thì nội soi để người ta biết viêm chỗ nào để điều trị. Mức độ điều trị thì có thể là bằng thuốc hoặc điều trị phẫu thuật nội soi.
Theo các bác sĩ, bệnh viêm xoang do dị ứng thời tiết, bụi bậm, phấn hoa… thường khó giải quyết dứt điểm, còn đối với viêm xoang do vi trùng hay nấm thì bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc mổ. Tuy nhiên, đối với viêm xoang do nấm, cũng có những trường hợp biến chứng nguy hiểm cần phải thận trọng như giải thích của bác sĩ Khoát:
Nấm tùy theo nhiều loại, loại xâm nhập hay không xâm nhập. Nấm nằm trong xoang mình mổ lấy ra thì hết thôi, còn nếu mình để nó đầy ra, nó xâm nhập vào mô mềm, vào mắt, não thì lúc đó điều trị rất khó.
Theo bác sĩ Khoát trường hợp nấm xâm nhập vào mắt và não gây nguy hiểm tính mạng rất hiếm xảy ra.
Nguy hiểm tính mạng thì có nhưng tỷ lệ rất hiếm vì những chứng vào não và ổ mắt nó gây nguy hiểm tính mạng không nhiều. Nếu có thì cực hiếm. Chủ yếu là nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, ví dụ như bị nhức đầu, tăng tiết, khịt khạc, người mệt mỏi, uể oải, giảm chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, người ta cũng chia viêm xoang làm hai loại bao gồm viêm cấp tính và mạn tính. Viêm cấp tính thường diễn ra trong 4 tuần. Còn viêm mạn tính thường kéo dài 3 tháng hoặc hơn.
Điều trị và phòng tránh
Một phụ nữ đang đi ngoài trời dưới nhiệt độ - 37C (-34F) tại thành phố Pavlodar thuộc Kazakhstan hôm 19 tháng 12 năm 2012. AFP photo
Có nhiều cách điều trị viêm xoang tùy theo nguyên nhân và mức độ khác nhau. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên đi khám bệnh khi thấy có các triệu chứng này để tìm nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó có điều trị đúng cách.
Với các loại viêm xoang cấp tính do vi trùng, các bác sĩ thường điều trị bằng kháng sinh, còn với viêm xoang do nấm, phương pháp điều trị là mổ để làm sạch nấm trong xoang.
Cũng có những người bị viêm xoang không do nấm nhưng vẫn phải mổ là bởi do cấu trúc giải phẫu như vẹo vách ngăn mũi, hoặc có u nhỏ trong mũi khiến dịch mũi ứ đọng, hoặc do đã điều trị kháng sinh mà không thành công. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, phần lớn các ca viêm xoang hiện không phải mổ.
Không phải cái nào cũng mổ đâu, hầu như là 70 80% là điều trị, tự cơ thể mình có sức đề kháng và thêm thuốc thì nó sẽ cải thiện được. Nếu bị tắc mà uống thuốc mà không cải thiện được, thì mình phải mổ, để làm dẫn lưu cho tốt, không để nó ứ lại trong đó.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, với phương pháp mổ nội soi hiện đại, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm về thành công của phương pháp điều trị này.
Trên thực tế, có những người phải sống chung với bệnh viêm xoang cả đời nhưng lại tìm ra cách điều trị khá hữu hiệu mà không tốn kém. Ở Việt Nam, hiện vẫn phổ biến cách điều trị dân gian là sử dụng lá cây cứt lợn giã nhỏ lấy nước nhỏ mũi. Hoặc cách làm khác là đun lá cây và hoa cứt lợn với muối nhạt để nhỏ mũi hàng ngày. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân có thể pha nước muối nhạt ấm hoặc nước muối sinh lý (còn gọi là saline water) để rửa mũi mỗi ngày. Bằng cách này, dung dịch muối sẽ giúp hòa tan dịch mũi đặc và rửa trôi dịch này khỏi mũi và họng, giúp thông thoáng, tránh viêm. Đây là cách làm khá hiệu quả với nhiều người đã từng bị xoang.
Trong quá trình bị viêm xoang, người bệnh được khuyên nên uống nhiều nước để làm loãng dịch mũi, dùng khăn ấm đắp lên mặt nhiều lần trong ngày, xông mũi bằng hơi nước ấm.
Với những người bị viêm mũi dị ứng do phấn hoa, thường rất phổ biến ở Mỹ, có thể uống thuốc hoặc tiêm thuốc chống dị ứng.
Tuy nhiên theo các bác sĩ thì cách điều trị tốt nhất vẫn là phòng bệnh. Việc phòng tránh bệnh viêm xoang mũi trong mùa lạnh cũng không phải là quá khó để thực hiện với nhiều người. Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi có một số lời khuyên như sau:
Bây giờ phương pháp phòng bệnh thì mình làm sao giữ cho mũi họng sạch, bằng cách đeo khăn che, để giữ ấm, massage mặt mũi, hạn chế hơi lạnh vào, để điều hòa tốt hơn. Đặc biệt khi ngủ mình nằm trong phòng ấm, trong một thời gian dài 8, 9 tiếng, sáng dạy ra đánh răng xúc miệng mình ra môi trường lạnh thì nó phản ứng liền, nó chưa kip chuẩn bị, nó phản ứng liền. Sáng ngủ dậy, nằm trên giường mở mắt, lấy hai tay massage mặt mũi 5 đến 6 phút, khi nó ấm xong rồi thì khi mình ra tiếp xúc với mới trường kia thì nó ít phản xạ.
Mũi họng là cửa ngõ chính tiếp xúc với môi trường bên ngoài của cơ thể. Như lời của bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, thì còn sống, còn hít thở thì con người còn có nguy cơ bị các bệnh liên quan đến mũi họng. Tuy nhiên nếu mọi người biết cách phòng tránh bệnh trong các điều kiện môi trường khác nhau thì họ có thể giảm đáng kể số lần mắc các bệnh về tai mũi họng trong đời.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
No comments:
Post a Comment