Đạo đức xã hội hôm nay
Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-07-10
2013-07-10
Công an đàn áp, bắt bớ người dân biểu tình chống TC ở Hà Nội hôm 02/6/2013. AFP photo
Đạo đức xã hội VN ngày nay tiếp tục là đề tài gây quan ngại đặc biệt cho người dân Việt, nhất là những người luôn ưu tư cho vận nước, dân tộc. Một câu hỏi cần được nêu lên là vì sao đạo đức suy đồi?
Đạo đức suy đồi
Trong thời gian gần đây, xem chừng như ngày càng có nhiều báo động về tình trạng xuống dốc đáng ngại – gần như mọi mặt – trong xã hội VN, từ nhận xét cách nay chưa lâu của nhà văn Nguyên Ngọc về “căn bệnh giả dối” nặng nhất, “chí tử nhất, toàn diện nhất” đang hoành hành xã hội VN khiến “người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa” cho tới lối hành xử “vô cảm của giới công bộc nhân dân” mà khi chưa bị tù đầy như bây giờ, blogger Tạ Phong Tần đã nhiều lần lên tiếng.
Hồi đầu tháng Bảy này, tác giả Trần Thị Huyền Trang cũng cảnh báo về “Sự dối trá đang bao trùm trong đời sống xã hội VN”, lưu ý:
Chưa bao giờ chất lượng giá trị của cuộc sống lại xuống thấp như hiện nay ở Việt Nam, vì xã hội đã coi sự dối trá là một việc bình thường, niềm tin giữa con người với nhau đã bị lung lay, đi tới đâu ta cũng nghe bàn tán tới sự lừa đảo giựt dọc nhau, trong làm ăn, trong giao tiếp, trong mua bán với nhau ngoài xã hội, đọc báo chí ta cũng biết đầy dẫy sự lừa đảo nhau ở mọi cấp độ trong xã hội…
Mục Sư Nguyễn Trung Tôn từ Thanh Hoá cũng lên tiếng về “Lương Tâm Đạo Đức Làm Người”, đề cập tới “xã hội càng ngày càng đầy dẫy những chuyện bất công, chuyện bạo hành và bao nhiêu thứ tệ nạn khác”. MS Nguyễn Trung Tôn cho biết:
Bây giờ ra đường có thể chỉ vì một cái nhìn, chỉ vì một câu nói có thể dẫn tới án mạng; con có thể giết cha, vợ có thể giết chồng, anh em có thể chém giết lẫn nhau.
- MS Nguyễn Trung Tôn
Tôi sinh ra sau Cách mạng tháng Tám -sau năm 1945. Cha mẹ tôi, các cụ ngày xưa thì sống cuộc sống khổ sở, đói khát và nghèo nàn hơn so với bây giờ, nhưng các cụ vẫn nói với tôi rằng nhìn vào con người ngày hôm nay mới thấy đạo đức con người càng ngày càng xuống cấp: Con có thể chửi cha mẹ, chữ hiếu không còn, đạo đức chẳng còn đâu cả. Con người đi ra đường, không nhìn người ta thì người ta bảo mình khinh, nhưng nếu không may vô tình nhìn họ thì họ bảo là mình nhìn đểu ! Đây là trường hợp người dân đối với người dân thôi. Bây giờ ra đường có thể chỉ vì một cái nhìn, chỉ vì một câu nói có thể dẫn tới án mạng; con có thể giết cha, vợ có thể giết chồng, anh em có thể chém giết lẫn nhau.
TS Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội có lần nhận xét rằng “ Những vụ giết người, cướp của ngày càng táo bạo, kẻ thủ ác tuổi đời ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc ác, quyết liệt”.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng báo động về tình trạng “xuống cấp chưa từng thấy” của xã hội VN hiện nay:
Xã hội Việt Nam hiện nay, về mặt đạo đức, xuống cấp chưa từng thấy. Tình trạng này đầy tràn những mặt báo “lề phải”: Ngày nào cũng cướp, cũng giết, cũng có những tội phạm xã hội khủng khiếp. Nó tràn lan, không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà cả hệ thống như vậy rồi.
Dối trá tràn lan
Dân phòng gác trước chợ Bình Tây, TPHCM. AFP photo
Khi “Lạm bàn về căn bệnh dối trá ở Việt Nam”, GS Trần Kinh Nghị không khỏi lưu ý rằng “Ở Việt Nam bệnh dối trá có những đặc thù riêng”. Những “đặc thù riêng” ấy là như thế nào ? Tác giả giải thích:
“Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua nhiều biến cố lịch sử với những phong trào thi đua và những đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, nhân văn giai phẩm v.v… khiến xã hội bị xáo trộn, lòng người đảo điên. Những thời kỳ kinh tế khắc khổ cũng khiến con người ta trở nên bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường mang tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau.”
“Nói và làm không đi đôi với nhau” khiến người ta liên tưởng đến giới “công bộc của dân” ngày càng nhiều đặc quyền, đặc lợi, “nói một đàng làm một nẻo”, ngày càng xa lánh và coi thường người dân, ngày càng gia tăng cưỡng chiếm đất đai của dân oan, ngày càng “ác với dân nhưng hèn với giặc”. Có lẽ câu hỏi cần được nêu lên là nguyên nhân nào diễn ra tình trạng như hiện nay ? MS Nguyễn Trung Tôn từ Thanh Hoá phân tích:
Đảng CS thì phát động học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng không biết tấm gương của cụ nó tốt tới đâu ? Có phải chăng họ học vấn đề mà ông Hồ đem đồng bào ra “đấu tố” khiến con giết cha, vợ giết chồng, anh em giết lẫn nhau. Cho nên ngày hôm nay, cái “đạo đức” ấy nó dẫn đến như vậy ?
Những thời kỳ kinh tế khắc khổ cũng khiến con người ta trở nên bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường mang tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau.- GS Trần Kinh Nghị
Theo tác giả Huyền Trang vừa nói thì “Chính quyền họ dùng hình ảnh và nhân cách của ông Hồ Chí Minh như là một thần tượng để người dân tôn thờ, họ luôn thổi phồng và cố thêu dệt về một nhân vật xuất chúng, không vợ con suốt cuộc đời luôn lo cho nước cho dân, nhưng với hệ thống Internet hiện nay, mọi thông tin đều được minh bạch và giải mã, nên phương pháp này mất hết tác dụng và nhiều khi gây hậu quả ngược lại…”.
Khi viết về “ Cộng sản và sự tha hoá về đạo đức”, LS Lê Đức Minh nhận thấy dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, dân chúng phải đề cao và noi theo “tư cách đạo đức” của đảng viên. Mà “tư cách và đạo đức” của một “bộ phận không nhỏ” đảng viên ngày nay ngày càng “có vấn đề”. Cho nên, LS Lê Minh Đức không lấy làm lạ về sự vô cảm của xã hội ngày nay, nói chung, “coi tham ô hối lộ là cách kiếm tiền đương nhiên, coi sự lừa trên gạt dưới là tiêu chuẩn giao tiếp, coi pháp luật chỉ là đồ trang sức cho chế độ, coi các bản án hình sự như món hàng mua bán”.
Nói tóm lại, theo LS Lê Minh Đức, “ Chính những đảng viên mà đảng Cộng sản kêu gọi mọi người trong xã hội noi gương chính là nguồn gốc của sự tha hóa nhân cách và trí tuệ của con người”.
No comments:
Post a Comment