Huyền thoại võ sư 68 lần thượng đài bất bại
Xem Ảnh Huyền thoại võ sư 68 lần thượng đài bất bại
Thời trai trẻ, từng 68 lần thượng đài, đấu với những võ sĩ lừng danh trong, ngoài nước nhưng ông chưa một lần thất bại.
Năm nay ông vừa tròn 70 tuổi, dáng cao, quắc thước với mái tóc bạc trắng, nước da săn chắc. Thời trai trẻ, từng 68 lần thượng đài, đấu với những võ sĩ lừng danh trong, ngoài nước nhưng ông chưa một lần thất bại. Ông là Trần Quốc Phi Long, lão võ sư một thời “danh trấn giang hồ”.
Từ TX. An Khê, Gia Lai, đổ đèo An Khê về hướng Tây Sơn, Bình Định, đến giữa đèo, bên tay phải, có một trang trại trù phú với vườn điều, các loại cây ăn quả, và những dãy chuồng trại heo, dê, gà nhộn nhịp. Đó là nơi vợ chồng lão võ sư Phi Long chọn làm nơi “ở ẩn” suốt 16 năm nay.
Lừng danh đất võ
“Tôi sinh ra trong một gia đình võ nghiệp, nên ngay từ lúc 10 tuổi đã được cha truyền dạy những ngón võ khai tâm đầu tiên”, võ sư Phi Long mở đầu câu chuyện.
Sau đó, trong vùng có bao nhiêu võ sư nổi tiếng, cha ông, võ sư Trần Nghĩa Sỹ đều dẫn con đến bái sư. Chính vì thế, trong con người võ sư Phi Long hội tụ tinh tinh hoa võ thuật từ nhiều thầy dạy.
Võ sư Phi Long |
Hai sư phụ tại gia đầu tiên của ông là võ sư Nguyễn Thái Sơn và Trịnh Thiếu Anh ở Hoài Nhơn, Bình Định. Sau đó, ông xuống Phù Cát gặp và thọ giáo võ sư Huỳnh Điểu (lúc ấy hơn 60 tuổi, còn gọi là Hương Kiểm Kính). Đây là người thầy giúp Phi Long trưởng thành. Huỳnh Điểu coi ông là môn sinh tâm đắc, yêu thương như con trong nhà nên đã chỉ dạy ông rất cặn kẽ từ lý thuyết đến thực hành về võ học, võ y, võ đức.
“Thầy Phi Long có những đòn đánh lúc nhanh, mạnh, thể hiện nội lực, sức mạnh vô song, lúc lại nhẹ nhàng, khoan thai, điềm tĩnh và bay bướm, tài hoa như một nghệ sĩ. Có được những tố chất này là do thầy đã khổ luyện từ nhỏ kết hợp với luyện tâm đức, dưỡng tính”, võ sư Nguyễn Thanh Dũng, học trò của võ sư Phi Long, hiện là huấn luyện viên CLB võ thuật cổ truyền Bình Định ở Cung Văn hóa Lao động SàiGòn, nhận xét
|
Năm 1967, ông và Huỳnh Thảo, con trai võ sư Huỳnh Điểu mở võ đường Phi Long Thảo. Đến năm 1969, ông được thầy Điểu cho phép xuất sư, chính thức mở võ đường riêng và lấy võ hiệu là Phi Long. Võ đường của ông đã đào tạo khá nhiều môn đồ khắp các tỉnh thành trong nước và ngoài nước.
Thập bát binh khí võ sư Phi Long đều học tốt, bởi với ông, học võ cũng như văn. 18 binh khí đều sử dụng rất thành thạo nhưng ông lại chuyên về quyền. Ông thường phối hợp giữa hầu quyền và linh miêu quyền: giữa cái nhanh nhẹn (khỉ), nhẹ nhàng, uyển chuyển của mèo thành ra tuyệt kỹ. Ông bảo: “Nếu dùng hổ quyền thì mạnh quá, cương không thắng nhu, phải dùng nhu thắng cương. Còn Phụng Hoàng quyền thì quá trống trải, dễ bị đối phương tấn công. Dùng bạch hạc, kim kê quyền thì quá yếu đuối”.
Lão võ sư Phi Long thắp nhang trên bàn thờ tổ nghiệp |
“Chú nhớ nhất trận đấu nào?”, tôi hỏi. Võ sư trầm ngâm một lát rồi kể: “Năm 1968, có một võ sĩ miền Nam rất tên tuổi, người Campuchia thách đấu với tôi. Trận đấu diễn ra tại võ đài Cam Phúc, TX. Cam Ranh lúc bấy giờ. Khi tôi hạ đo ván hắn ở hiệp thứ 2, vừa bước xuống đài, thấy đám bạn hắn là lính rút chốt lựu đạn, tôi bỏ chạy. Chúng ném 3 trái lựu đạn khiến nhiều người chết, còn tôi may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Trận thứ 2 là năm 1970, hồi đó ở Bình Định có võ sư Lưu Lễ, xuất thân từ võ cổ truyền An Thái và mở võ đường ở An Khê, rất nổi tiếng. Là người lớn tuổi hơn và thành danh trước tôi nên thấy tôi tìm đến thách đấu, ổng rất tự ái và coi thường tôi. Nhưng kết quả, tôi không thua mà còn thắng điểm nên ông càng tức giận hơn”.
Một năm sau, Lưu Lễ gặp Phi Long tiếp tục thách đấu. Lúc này, Phi Long không muốn đấu tiếp vì biết chắc sẽ thắng và cũng không muốn thấy đàn anh “quê”. Nhưng Lưu Lễ không nghe nên ông phải miễn cưỡng đấu. Và ngay đầu hiệp 2, Phi Long đã hạ gục đối thủ bằng chân trái. Cú đá nhanh như gió, mạnh như vũ bão của ông khiến đối phương trật quai hàm.
“Sau khi điều trị khỏi, ổng kéo mấy chục học trò cầm gậy chặn đánh tôi trọng thương, phải điều trị rất lâu mới khỏi. Hồi đó tôi dùng thuốc rất nhiều chứ không là chết. Sau này gặp lại, thấy tôi không thù oán gì, ổng rất hối hận. Và dù lớn tuổi hơn, nhưng sau đó ổng rất tôn trọng tôi”, võ sư nhớ lại.
Chăm sóc cây cảnh là một trong những thú điền viên |
Đam mê trọn đời
Với lão võ sư Phi Long, niềm vui từ 68 lần thượng đài chưa từng thất bại chưa lớn bằng việc có những thế hệ môn sinh thành danh trong nghiệp võ. Hiện họ là những võ sư, huấn luyện viên võ cổ truyền Bình Định, là những kiện tướng quốc gia và đã có nhiều môn đệ của ông lập nghiệp, mang võ cổ truyền Bình Định truyền bá khắp nơi trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều học trò đã nổi danh như Lê Cung ở California (Mỹ), Nhất Phi Long Hải ở Sài Gòn, Phi Long Du ở Tây Ninh, Phi Long Nghĩa ở Đồng Nai…
Võ sư Phi Long nói: “Niềm vui chiến thắng ấy chỉ đến trong một thời gian rồi cũng sẽ phai nhạt. Còn lớp đệ tử của tôi mới là niềm vui lớn và bền vững mãi mãi”.
Tâm sự với tôi, võ sư Phi Long cho biết, nguyên tắc dạy võ của ông là phải trang bị cho học trò cái gọi là “đạo” của võ trước, sau đó mới truyền đạt những đường, thế võ.
Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại ngồi nghiền ngẫm sách võ |
“Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đã có những học trò thành danh đúng nghĩa trong nghiệp võ”, ông nói. “Đúng nghĩa là sao chú?”, tôi hỏi. “Là như tôi vừa nói, không chỉ thấm nhuần cái tinh túy của võ, mà còn hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của những đường võ. Học võ để trở thành một con người hoàn hảo về tâm, đức và sức mạnh vô song của cơ thể”, ông đáp.
Năm 1998, sau khi quyết định “ở ẩn”, lão võ sư Phi Long cùng người bạn đời, bà Trần Thị Cần, rời đất Đồng Phó, Tây Sơn, Bình Định lên Gia Lai mua đất trồng cà phê nhưng thất bại. Đến năm 2001, ông lui về giữa lưng chừng đèo An Khê tạo lập trang trại và đã thành công.
Hiện trang trại giữa đèo đầy nắng gió của ông có diện tích 14 ha và rất trù phú, với nhiều loại cây lâu năm như điều, chanh, đào, mít. Còn đàn gia súc, gia cầm của ông đã lên đến hàng trăm con gồm dê bách thảo, heo, bò, gà. Ngoài ra, trang trại của ông còn có một lượng cây cảnh khá lớn với đủ chủng loại, trị giá hàng trăm triệu đồng...
"Chú định chia tay với nghiệp võ sao?”, tôi hỏi. Lão võ sư cười đáp: "Mấy chục năm tuổi trẻ bôn ba, giờ đã đến lúc phải thực hiện điều mà lúc trẻ 2 vợ chồng tôi mong ước. Nhưng dù ở đâu, làm gì thì nghiệp võ sẽ vẫn theo tôi đến trọn đời. Tôi vẫn đang sống với võ thuật, ở một vai trò khác” võ sư Phi Long nói.
Hiện nay, dù đã cùng người bạn đời lên lưng chừng mây ở ẩn, vui thú điền viên, nhưng nghiệp võ vẫn chảy trong huyết quản, cứ vài tháng 1 lần, ông lại rong ruổi đi thăm gần 20 võ đường của các học trò ở khắp cả nước từ Nam ra Bắc. Hằng ngày, mỗi khi rảnh, ông lại ngồi viết sách về võ đạo, võ y, với mong muốn góp những kiến thức võ nghệ một đời sẽ giúp ích cho đời sau tiếp tục làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định. Đến nay, ông đã hoàn thành những cuốn sách như "Tây Sơn võ thuật đạo", "Những phương thuốc võ cổ truyền", "Phương pháp sơ cấp cứu"…
Theo Phúc Lập (Nông nghiệp VN)
No comments:
Post a Comment