Monday, October 27, 2014

Virus Marburg

Sau Ebola sẽ là gì?
 
Hình thể virus Marburg
 
Khi thế giới vẫn còn đang vật lộn chống chọi những bước tiến của “tử thần” Ebola thì một virus khác đã lại xuất hiện và cũng nguy hiểm không kém gì Ebola. Đó là virus Marburg.

Ebola và Marburg đều là 2 virus thuộc họ Filovirus và gây ra bệnh sốt xuất huyết. Vật chủ truyền bệnh đều là động vật có vú, đặc biệt là dơi ăn quả. Thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 21 ngày. Cả 2 bệnh đều có những triệu chứng giống nhau và tỷ lệ tử vong cũng cao tương đương.
Giống như Ebola, Marburg lây nhiễm thông qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bệnh như: máu, nước bọt, mồ hôi, tinh dịch... Điều nguy hiểm nhất đó là, hiện nay, vẫn chưa có phương thuốc nào có thể chữa trị cả 2 bệnh này. Bệnh nhân khi nhiễm một trong 2 bệnh sẽ được điều trị như nhau. Người bệnh cần được cách ly cho tới khi khỏi bệnh...hoặc chết.
Hiện nay, Tây Phi là khu vực chịu sự hoành hành mạnh nhất của Ebola. Tuy nhiên, virus này lại xuất hiện lần đầu tại Cộng hòa Dân chủ Congo (thuộc Đông Phi). Marburg cũng vậy, người ta phát hiện ra virus này vào khoảng thời gian từ năm 1998-2000, tại CHDC Congo và đã khiến 128 người chết trên tổng số 154 ca nhiễm bệnh.
Tại Angola vào năm 2005, có 374 ca nhiễm Marburg và 321 người chết. Năm 2007, 2008, 2012 và 2014, tại Uganda cũng ghi nhận gần 10 trường hợp nhiễm virus này và tỉ lệ tử vong là 50-100%. Khi Ebola xuất hiện tại Tây Phi, nó còn khá lạ lẫm đối với người dân, nên các công tác phản ứng chữa trị khá chậm chạp khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát. Còn ở Đông Phi, người dân đã biết tới virus Marburg, vì vậy, giới lãnh đạo đã có những hành động nhằm tránh bùng nổ dịch.
Quan chức Rwanda và Uganda đã bắt đầu triển khai kiểm tra người qua lại biên giới sau khi một ca nhiễm virus Marburg đã tử vong tại Kampala (Uganda) hồi đầu tháng 10. Vào lúc đó, chính phủ Uganda đã cách ly 99 người có liên quan tới nạn nhân để kiểm tra và theo dõi.
WHO thông báo rằng Ebola đã “ăn sâu” vào Conakry (thủ đô Guinea), Monrovia (thủ đô Liberia) và Freetown (thủ đô Sierra Leone) – những nơi này có thể trở thành các “đô thị Ebola”. Tốc độ đô thị hóa tại Tây Phi là yếu tố khiến dịch Ebola lây lan nhanh chóng, đặc biệt từ các khu ổ chuột. Và đô thị hóa tại Đông Phi cũng có thể tạo ra những tác động tương tự.
 
Hà My (theo MedicalExpress)

No comments:

Post a Comment