Saturday, July 7, 2012

Năm dấu hiệu báo trước đại họa kinh tế Trung Cộng

Dấu hiệu báo trước đại họa kinh tế Trung Cộng


Trần Ngọc Cư 06/07/12
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “5 Signs of the Chinese Economic Apocalypse“.

Từ sự lỗ lã trong việc nuôi heo đến các khối lượng than đá tồn kho ngày một phình ra, kinh tế Trung Cộng đang báo động đỏ.
Mặc dù viễn tượng kinh tế Trung Cộng vẫn còn lạc quan theo tiêu chuẩn của châu Âu, nhưng những con số thống kê bắt đầu cho thấy cỗ máy tăng trưởng đầy huyền thoại của nước này đã khựng lại. Các doanh nghiệp càng ngày càng bớt vay vốn. Lãi suất thình lình bị cắt giảm. Nhập khẩu không tăng thêm chút nào. Những con số dự phóng mức tăng trưởng GDP trở nên thấp dần, trong khi một số người cho rằng có lẽ Trung Cộng đã lâm vào tình trạng suy thoái. Vào tháng Ba, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 7,5%, một con số vào thời điểm đó bị coi là bảo thủ, nhưng bây giờ bị coi là xa vời. Nếu được thể hiện, đây sẽ là tỉ lệ tăng trưởng hằng năm thấp nhất của Trung Cộng kể từ 1990, khi nước này đối diện sự cô lập quốc tế sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Những dấu hiệu cụ thể cho thấy Trung Cộng đang kinh qua một hiện tượng nghiêm trọng hơn biểu đồ cho thấy là gì? Sau đây là 5 dấu hiệu được biểu hiện trong thế giới thực của tệ trạng kinh tế Trung Cộng.
1. GIÃ TỪ BMW
Gói kích thích kinh tế 586 tỉ đô la Mỹ, mặc dù giúp Trung Cộng lèo lái qua cuộc suy thoái toàn cầu 2009, cũng chỉ hoãn lại cơn đau cho các chính quyền địa phương mà thôi. Bây giờ họ đang bị yêu cầu trả lại nợ, và điều này có nghĩa là quan chức tại các sảnh đường thành phố phải biết cắt giảm ngân sách.
Những đoàn xe bóng lộn mà các quan chức địa phương đã mua chất đống cho bằng thích sẽ là những vật đầu tiên phải ra đi. Ủy ban hành chánh thành phố Wenzhou đang lên kế hoạch bán đấu giá 80% số xe của nó năm này – gồm 1800 chiếc – đồng bộ với cuộc bán đổ đang diễn ra khắp nước. Ngay cả hãng Ferrari cũng đang nơm nớp lo sợ về cơn suy thoái của Trung Cộng, không phải chỉ vì Bạc Qua Qua nằm ngoài danh sách của các khách hàng tiềm năng.
Phần nào sự nhức đầu của các chính quyền địa phương phát xuất từ sự kiện các thương vụ đất đai đã cạn kiệt vì một nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm làm hạ nhiệt thị trường bất động sản Trung Cộng vốn trở nên quá nóng, cũng như sự thiếu tiền mặt và thiếu tin tưởng giữa các người có tiềm năng mua nhà đất. Vào tháng Sáu, giá nhà trung bình tại 100 thành phố chính của Trung Cộng bắt đầu tăng lên lần đầu tiên sau 9 tháng, nhưng giá nhà vẫn còn thấp hơn năm ngoái khoảng 1,9%. Một số cơ ngơi nhà nước có thể bị đưa lên thớt để cắt bỏ tiếp theo sau đó, một khi các chiếc xe công kia được các chủ mới là tư nhân lái về nhà. Lúc đó chính sách cực kỳ tiết kiệm sẽ bắt đầu: các buổi tiệc khoản đãi thịnh soạn dành cho quan chức có thể trở nên nhạt nhẽo hơn trước rất nhiều.
2. ĐỘNG LOẠN Ở QUẢNG ĐÔNG
Các quan chức cao cấp trong chính quyền đã cảnh báo qua nhiều thập kỷ rằng suy thoái kinh tế có thể đưa đến động loạn xã hội, và với ít ngoại lệ, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hiện đại đủ gây ấn tượng khiến đa số dân chúng gần như luôn luôn bằng lòng với cuộc sống. Nhưng khi mức tăng trưởng chùng xuống dưới 8% lần đầu tiên, sau nhiều năm phát triển đi lên, giềng mối xã hội Trung Cộng bắt đầu chịu nhiều sức ép, nhất là khi hàng ngàn, nếu không phải hàng triệu, công nhân nhập cư (migrant workers) thấy công ăn việc làm của mình bị đe dọa. “Rõ ràng rằng, mức tăng trưởng xuất khẩu bị chậm lại do hậu quả kinh tế suy yếu tại châu Âu và Mỹ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Trung Cộng”, Lu Ting, một chuyên gia kinh tế của Bank of America tại Hồng Kông đã phát biểu với tuần báo Bloomberg Buninessweek như vậy. Nhiều nhà xuất khẩu sẽ sạt nghiệp, và một số nhà máy nếu còn hoạt động sẽ chuyển từ 3 ca thành 1 ca mà thôi.
Công nhân nhập cư [từ các vùng nông thôn] từ trước đến nay vẫn luôn cung cấp nguồn lao động chân tay rất cần cù, giúp cho cỗ máy tăng trưởng kinh tế Trung Cộng chạy đều. Nhưng phải làm sao cho giới lao động đó cảm thấy họ cũng chia sẻ thành quả của sự tăng trưởng kinh tế, là một điều bức thiết cho sự ổn định của Trung Cộng. Sự bất mãn của họ có tiềm năng hủy hoại các thành tựu của Trung Cộng, như trấn Sa Khê ở phía Nam tỉnh Quảng Đông đã chứng kiến khi nó trở hành hiện trường của “sự cố quần chúng” to lớn gần đây nhất của Trung Cộng. Vụ bạo loạn này có vẻ đã bị chặn đứng, nhưng nhà cầm quyền TQ chỉ đủ sức đối phó với bấy nhiêu vụ trấn Sa Khê xảy ra cùng một lúc mà thôi.
3. NGƯỜI GIÀU BỎ NƯỚC RA ĐI
Khi tình hình trở nên khó khăn, dân giàu có cuốn gói ra phi trường.
Lượng hàng xa xỉ bán ra, từ trước đến nay vốn rất phát đạt tại Trung Cộng, đã bắt đầu chậm lại vào đầu năm này. Nhưng điều này không có nghĩa là dân giàu có Trung Cộng ngừng tiêu tiền. Họ chỉ ngừng tiêu tiền tại Trung Cộng mà thôi. Vào cuối năm ngoái, điều trở nên hiển nhiên là nhiều nhà giàu Trung Cộng đang mất tin tưởng vào thị trường trong nước, khi họ bắt đầu đầu tư vào các tài sản có thể hoán chuyển (convertible assets), như ngoại tệ, hơn là đầu tư vào các tài sản cố định, như nhà đất. Hiện nay, ngày càng có nhiều người nhìn ra nước ngoài, tìm cách đầu tư vào các tài sản sang trọng, một phần vì các hạn chế trong nước và giá hời ở nước ngoài, nhưng còn là một cách đề phòng các bấp bênh chính trị và kinh tế trong nước. Sự kiện này phù hợp với thông tin được tiết lộ vào cuối năm 2011 rằng hơn một nửa triệu phú Trung Cộng đang toan tính bỏ nước ra đi và tạo cơ sở làm ăn vĩnh viễn ở nước ngoài.
Các công tố viên Trung Cộng cho biết rằng khoảng 19 ngàn quan chức đã bị bắt giữ trong vòng 12 năm qua, đang lúc họ tìm cách trốn ra nước ngoài với lượng tiền kiếm được bất hợp pháp từ trong nước; họ dùng từ “quan chức trần truồng” để diễn tả một người đã chuyển một gia tài bất hợp pháp ra thu giấu ở nước ngoài, đã đưa vợ con ra sinh sống an toàn ở đó, và đang chờ giờ phút thuận lợi để nhảy khỏi con tàu sắp lật của Trung Cộng. Những người giàu và có thế lực chính trị của Trung Cộng thường là thành viên của cùng một gia đình, và nếu Trung Cộng thật sự lâm vào nạn suy thoái kinh tế, nhiều nhà giàu có thể sẽ bỏ chạy ra nước ngoài.
4. MỘT MÙA HÈ DAI DẲNG VÀ OI BỨC
Việc tiêu thụ điện thường đạt cao điểm vào mùa hè, khi nhiều người mở máy điều hòa không khí để chống chọi với cơn nóng theo mùa. Nhưng năm nay, nhiều người Trung Cộng có vẻ can trường chịu đựng nhiệt độ cao để tiết kiệm tiền. Các cảng của Trung Cộng đang tồn đọng những ụ than đá chất cao, mà đáng lẽ phải được đốt trong các nhà máy phát điện của nước này. Đầu ra yếu kém của ngành chế xuất cũng là lý do của tình trạng ứ đọng này. Chỉ một năm trước đây thôi, Bắc Kinh bàn đến việc tích lũy một trữ lượng than đá khẩn cấp để tránh tình trạng thiếu hụt. Nhưng hiện nay, dường như Trung Cộng đã nhập khẩu nhiên liệu nhiều hơn cần thiết, trong khi người dân gặp khó khăn, các doanh nghiệp, và nhà máy phải cắt giảm việc tiêu thụ điện để giảm hóa đơn.
Giá than đá cả nước đã giảm 10% kể từ cuối năm ngoái. Việc sụt giá này có thể gây tổn thương thêm cho nền kinh tế toàn cầu, mà hệ quả là thế giới sẽ giảm bớt nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Trung Cộng hơn nữa. Đấy là ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa đối với mọi người: Nếu mỗi một người Trung Cộng tắt máy lạnh, thì cả nền kinh tế thế giới có thể bị cảm.
5. GIÁ THÀNH CỦA VIỆC NUÔI LỢN VÀ “NHỮNG QUẢ TRỨNG THĂNG THIÊN”
Khi Trung Cộng tiêu thụ những lượng thịt lớn hơn bao giờ cả, giá thịt heo và thịt bò đã tăng cao, được thúc đẩy do một nhu cầu bất tận. Tình trạng này khiến nạn lạm phát trở thành một bận tâm của những nhà làm chính sách Trung Cộng. Vào khoảng năm 2007, dân TQ đã tiêu thụ tới 1,7 triệu con lợn mỗi ngày; vào năm 2011 Phòng Thống kê Quốc gia Trung Cộng cho biết giá thịt lợn đã tăng 57% trong năm ấy.
Nhưng trong 6 tháng vừa qua, nhu cầu thịt lợn đã giảm nhanh. Do việc số cung vượt quá số cầu, giá thành được tính bằng tỉ số quan trọng, giữa giá con lợn và giá ngô dùng nuôi nó, rơi xuống một mức mà việc nuôi lợn không còn sinh lãi. Tình trạng này đã khiến chính phủ Trung Cộng phải can thiệp và mua hết số thịt lợn để bình ổn giá cả.
Ngay khi giá thịt lợn giảm xuống, giá trứng lại tăng nhảy vọt – một cách nhanh chóng đến nỗi những bà đi chợ đã bắt đầu dùng từ ngữ “những quả trứng thăng thiên”. Hơn thế nữa, người tiêu thụ Trung Cộng, không những mất niềm tin vào một nền kinh tế đang chao đảo mà lại còn dao động vì những vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm, đua nhau tự trồng lấy rau quả để (a) khỏi mua với giá cắt cổ, và (b) để khỏi ăn những trái dưa leo bị bơm đầy những hóa chất ngoài mức chịu được.
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được dự kiến nắm chức chủ tịch nước Trung Cộng trong một cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo cứ 10 năm diễn ra một lần vào mùa Thu này. Trong khi những vết nứt đang xuất hiện trong nền móng kinh tế của nước ông, người ta phải tự hỏi là liệu ông có còn mơ mộng gì về chức vụ đó không.

Tác giả: Trefor Moss,

No comments:

Post a Comment