Monday, January 21, 2013

Tu dưỡng và nhân tướng .

Tu dưỡng và nhân tướng .

             
Chân Phương
Phật giáo khẳng định tu là chuyển nghiệp và nhân tướng học phương Ðông cũng cho rằng tu là cải mệnh. Hai ý niệm này thể hiện rõ nét nơi bản thân của ngài Mizuno Mampoku, một cư sĩ Phật Giáo và cũng là một nhà nhân tướng học lừng danh ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 18. Cuộc đời tu học của ông hơi giống như ngài Huệ Năng, Tổ thứ 6 Thiền Tông Trung Hoa.
Mizuno Nampoku thuở bé mồ côi cha mẹ, được người chú đem về nuôi nhưng không được giáo dục chu đáo nên sớm trở thành một đứa bé hư hỏng. Ngay từ lúc lên mười, cậu bé Nampoku đã tập tành nhậu nhẹt và tìm mọi cách để có rượu từ làm thuê vác mướn đến ăn trộm, cướp giựt. Thêm vào đó, cậu ta sống rất ngang tàng, thường đánh lộn nên trong người lúc nào cũng có vết thương. Ðến năm 18 tuổi, vì gây nhiều tội ác, Nampoku đã bị bắt giam và ngục tù đã làm thay đổi con người cậu. Cảnh giam cầm là dịp để Nampoku chiêm nghiệm về cuộc đời và thấy được hai mặt của thế gian. Những người ở ngoài đời có địa vị cao thường tỏ ra lớn lối, bắt nạt kẻ yếu thì lúc gặp chuyện hiểm nguy lại vô cùng hèn nhát, trong khi những người thấp kém cư xử chân chất hơn, đôi khi thô lỗ hoặc hay nhường nhịn lại đầy lòng khẳng khái, hào hiệp. Ðồng thời, Nampoku khám phá được giữa hai hạng người này cũng như phạm nhân và người thường có sự đáng kể về tướng mạo, cốt cách.
Sau khi mãn hạn tù, Nampoku đến gặp một nhà nhân tướng học để cầu học thuật tướng số. Vị này quan sát gương mặt và hai bàn tay của cậu rồi bảo:
- Nhà ngươi có tướng chết thảm và chỉ còn sống được một năm nữa thôi.
Hoảng hốt, Nampoku xin ông chỉ cách cứu mạng.
Nhà nhân tướng học bèn khuyên cậu nên đi tu.
Nampoku liền tìm đến một thiền viện, xin nhà sư trụ trì cho thọ giới qui y. Nhìn thấy tướng mạo dữ tợn của người cầu đạo, vị sư bảo:
- Cảnh tu hành rất khắc khổ, nhưng nếu con quyết chí đi tu thì phải trãi qua một thời gian thử thách: làm việc công quả trong chùa và chỉ ăn cơm gạo mạch với tương đậu nành mà thôi!
Nampoku đồng ý ở lại thiền viện và làm việc không hở tay kể cả gánh nước, chẻ củi, nấu ăn, trong khi ăn uống lại rất đạm bạc.
Một năm sau, Nampoku trở lại gặp nhà nhân tướng học. Vị này tỏ ra ngạc nhiên hỏi:
- Dấu hiệu chết thảm đã biến mất! Có phải nhà ngươi đã làm việc thiện nào chăng, như cứu sống người ta hoặc cúng dường Tam bảo?
Nampoku thuật lại câu chuyện thử thách nơi thiền viện; nhà nhân tướng học à lên một tiếng và bảo:
- Ðó, chính khi làm việc quên mình và chấp nhận ăn uống đơn giản, diệt được khẩu dục, đầu mối của trăm ngàn tội lỗi là ngươi đã thực hiện được công đức lớn lao rồi, và nhờ vậy mà thoát khỏi nghiệp quả của bản thân.
Vì muốn vén toang bí mật của đời người và thấy được cội nguồn của hạnh phúc cũng khổ đau, Nampoku quyết ra đi tìm học những bậc thầy nhân tướng học. Bấy giờ ông đã 21 tuổi. Ông lặn lội khắp nơi trên đất Nhật, nghe nơi nào có người tinh thông đạo học và nhân tướng học là ông tìm đến. Ðể thực tập, có khi ông xin làm nhân viên ở các phòng tắm công cộng để quan sát hình tướng của những thân thể trần truồng hoặc làm phu hỏa táng để xem tướng người chết. Nhưng mãi đến năm 25 tuổi, ông gặp được một vị thầy ẩn dật trong núi sâu và học hỏi bằng cách vấn đáp suốt 100 ngày, ông mới nắm được then chốt của nhân tướng học và hiểu rằng vận mệnh con người tùy thuộc cách ăn ở hàng ngày.
Sau đó, khi ngồi thiền trong đền Ise thờ thần ngũ cốc, ông chợt nhớ lời Phật dạy: Mạng nhờ ăn mà sống, đạo nhờ ăn mà còn, và trong thoáng chớp giác ngộ, ông thốt lên, Thức ăn là thần thánh, là nguồn gốc của mọi hiện tượng sanh tử.Từ đó ông chuyên chẩn đoán vận mệnh bằng cách kết hợp xem tướng với cách ăn uống của người ta, nhất là xem phản ứng tâm lý và những biến chuyển trên gương mặt cùng cử chỉ của khách trước một bữa trà cực dở hoặc bữa cơm thật đạm bạc, và ông không đoán sai một ai cả.
Ông cho biết: Tướng mạo của tôi rất xấu, thân hình thấp lùn, mặt lép, miệng túm, cặp mắt sâu hoắm hung tợn, hai chân mày nhíu lại và mờ, mũi gãy và quặp, răng nhỏ nhọn, hai chân ngắn ngủn. Tôi lại là người thuộc hạng bình dân và vốn hèn kém, nhưng có thể đạt được trình độ như thế này là nhờ khám phá ra bí mật của việc tu dưỡng.

Nampoku đã làm một cuộc cách mạng trong ngành nhân tướng học; ông phản đối các lý thuyết định mệnh và khuyên người ta nên tin vào lẽ công bình của tạo hóa, tin vào lòng hướng thiện của con người, đồng thời tạo cho mình một số phận mới bằng cách sửa đổi lối ăn ở hàng ngày. Ông để lại cho đời 24 tác phẩm bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến việc tu dưỡng và trong cuốn Tướng pháp tu thân lục, ông viết:
Trong khi thực hành nhân tướng học mà không để ý đến tầm quan trọng của việc ăn ở, đôi khi tôi gặp những sự kiện trái nghịch lạ lùng: có người mang tướng> chết yểu hoặc lâm vào cảnh khốn cùng dù mang những dấu hiệu trường thọ và giàu sang. Vì vậy tôi không thể nào xác định rõ ràng vận mệnh con người dù tôi có thể giải thích chuyện may rủi dựa theo hình tướng bên ngòai. Cuối cùng, tôi mới hiểu ra rằng mọi sự kiện trái nghịch đó đều do cách ăn ở có đúng đạo hay không. Từ đó khi nhận xem cho ai, đầu> tiên tôi hỏi chi tiết trongc ách dưỡng sinh của họ, sau đó tôi mới quan sát hình tướng để nhận xét cuộc đời họ dựa vào sự dò hỏi ấy. Nhờ vậy tôi không còn đoán sai nữa, dù một lần trong vạn lần, và đây chính là bí quyết của nhân tướng học.
Không những sử dụng bí quyết này để xem tướng, Nampoku còn chỉ dẫn cho người ta cách dưỡng sinh, đặc biệt là ăn uống đúng pháp. Ông nhận thấy nhiều người trong số đó vốn có tướng mạo xấu xa đã thoát khỏi vận mệnh bi thảm, lại có người gặp được may mắn bất ngờ hoặc gặt hái những thành công lớn lao, hoặc có những bệnh nhân phải chịu nhiều đau khổ trong nhiều năm và mang tướng chết yểu đã hoàn toàn đổi mới và vui sống đến già.
Nampoku kết luận:
Mọi vận mệnh của con người: giàu sang hay nghèo khốn, thanh cao hay thô lậu, sống lâu hay chết sớm, thành công hay thất bại, phát đạt hay suy vi đều phát sinh từ cách thức ăn ở hàng ngày.
Trích nguyệt san Ying Yang, France

No comments:

Post a Comment