Saturday, June 23, 2012

V-pop: Nghèo mà vẫn phải cố làm sang..

V-pop: Nghèo mà vẫn phải cố làm sang

Nhiều người thèm khát túi tiền của các ngôi sao, nhưng thực tế cái hầu bao ấy không thật sự dầy như nhiều người vẫn tưởng.

Mọi người thường thắc mắc: lợc tức thực của ca sĩ trung bình được bao nhiêu một tháng? Với những trường hợp đình đám thuộc về hàng siêu sao như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà thì đã được báo chí “khui giá” từ lâu, vậy còn những tầng lớp thấp hơn liệu sẽ ra sao?
Hãy đến với những ngôi sao nhóm B, họ chỉ đứng dưới vài người nhưng lại trên cả khối người. Giá lưu diễn của ca sĩ thuộc hàng này thường du di từ 15 cho đến 25 triệu một show đi tỉnh, còn nếu ở nội thành thì tùy vào nhiều yếu tố như địa điểm, tính chất chương trình, sự kiện quảng bá, hay truyền hình trực tiếp mà giá cả cũng được cân đong đo đếm từ 3 hay 4 triệu tượng trưng cho đến cả nghìn đô nếu ký được event mang tính thương mại.
Người ta vẫn thường nghe ca sĩ “quảng cáo” về cái sự bận rộn của họ ở khắp mọi nơi, cứ hễ ai động vào là y như rằng sẽ được nghe điệp khúc: “Tôi bận lắm, phải chạy show đến bở cả hơi tai” hay “thời gian tôi sống trên máy bay còn nhiều hơn ở nhà”… Những điều này không sai, nhưng cũng không hẳn như lời họ “bơm” trên báo. Ca sĩ thường chỉ có thể bận rộn vào mùa cuối năm, hoặc thời điểm họ có được hit lớn. Thế nhưng trong 2 năm trở lại đây, ngay cả mùa lễ Tết cũng đã bắt đầu tụt giảm về số lượng show diễn trên khắp cả nước, còn chuyện tạo hit thì ai cũng hiểu nó “khó ăn” ra sao.
Ca sĩ hạng A thuộc hàng ăn khách thì đa số các chương trình lớn đều cần mà cũng không có nhiều sự lựa chọn ngoài những gương mặt cũ kỹ, chưa kể đến với số lượng fan trung thành hùng hậu, họ còn có thể tổ chức những mini show định kỳ hàng tháng mà không lo vắng khách. Trong khi đó, các ngôi sao thuộc hạng B thì lại nhiều không đếm xuể, bầu show vì thế mà cũng tha hồ kén cá chọn canh. Eo hẹp là vậy, thế nhưng những ca sĩ trong loại này phần nhiều đều luôn cố giữ giá, không muốn rơi tuột xuống hạng D,E,F, lắm lúc đang ế ẩm nằm nhà thiu thiu ngủ mà vẫn phải nhẫn nại làm giá với từng cuộc điện thoại gọi đến: “Dưới 22 triệu em không ra Vũng Tàu được đâu anh ạ”. Lẽ hiển nhiên, người có được bản lĩnh này cũng không nhiều, trong thực tế đã có hàng loạt ca sĩ hạng B yếu lòng đành tự hạ giá và tên tuổi trôi tụt xuống ngay lập tức, có khi còn mất hút.

Ế ẩm đã là tình hình chung, mà còn phải giữ giá như thế, cho nên nếu tính riêng lợi tức ca hát một tháng, ca sĩ hạng B chỉ lưng chừng ở mức xấp xỉ 100 triệu, mà phải thuộc vào loại hoạt động mạnh, tên tuổi còn nóng hổi trên thị trường. Con số này cho thấy khả năng nhận show tỉnh là rất ít, giới hạn trên đầu ngón tay của một bàn tay, còn lại chỉ là những chương trình nhỏ lẻ. Thế nên mới có chuyện một cô ca sĩ hàng dưới B đã 4 năm trời không ra album, thương hiệu nguội lạnh từ lâu, mà lại ngang nhiên lên báo khoe: Kiếm ít nhất mỗi tháng 100 triệu, khiến nhiều người trong giới không khỏi che miệng cười.

Đầu vào cát sê là vậy, cũng đã đủ khiến nhiều người xuýt xoa, vì hàng triệu người đi làm công ăn lương trên khắp Việt Nam đều có mức thu nhập chẳng bằng cái móng tay ca sĩ. Nhưng thuyền to thì ắt sóng cũng phải to, để có thể bỏ túi từng ấy tiền, các ngôi sao chi ra cũng không phải là ít.

Mỗi ca sĩ sẽ có một cách chi tiêu riêng thế nên dư luận cũng chỉ có thể tính toán dựa trên những gì căn bản nhất qua 3 nhu cầu: ăn, mặc và tái đầu tư vào sự nghiệp. Loại trừ những trường hợp thỉnh thoảng vẫn lên báo chứng tỏ độ bình dân bằng cách... ngồi vỉa hè thì đa số các ngôi sao đều có nhu cầu bước vào nơi có thương hiệu. Mỗi miếng bánh, ngụm nước của họ đều phải tiêu tốn gấp 3, 4 lần công nhân viên chức bình thường. Chưa kể để giữ giọng, giữ dáng, duy trì thể lực, nhiều ngôi sao ngày nay quyết định nâng cao chế độ dinh dưỡng bằng các thực phẩm thuộc vào hàng vedette như sâm nhung, yến sào, sữa ong chúa… Thế nên chuyện tiêu tốn mỗi ngày tiền triệu vào chủ đề ẩm thực cũng là lẽ thường tình.

Bộ sưu tập vest với khoảng 20 bộ chiếm ít nhất ¾ catse của Nguyên Vũ trong Bước nhảy Hoàn vũ

Thế nhưng nó vẫn chưa thấm tháp gì so với chuyện cái quần cái áo. Lấy ví dụ đơn giản như trường hợp Nguyên Vũ với vai trò MC Bước nhảy hoàn vũ, theo tin hành lang Nguyên Vũ nhận được không dưới 80 triệu cho 10 số của chương trình. Nhưng nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy, Nguyên Vũ rất chịu chơi trong khoản đầu tư trang phục, anh thường xuyên thay đổi 2 bộ vest trong 1 đêm và cá biệt có lúc lên đến 3 bộ. Tuy không dùng hàng hiệu nhưng chỉ riêng chi phí đặt thiết kế, giá bộ sưu tập vest với khoảng 20 bộ chiếm ít nhất ¾ catse của Nguyên Vũ. Khấu trừ thêm các chi phí phát sinh khác, rõ ràng "cục tiền" anh nhận được còn lại chẳng đáng là bao, nếu không muốn nói là có nguy cơ ... hết nhẵn. Trang phục của nghệ sĩ chưng diện phải luôn đắt tiền, và chúng không thể tái sử dụng nhiều lần, nếu các ngôi sao muốn bị nhà báo giật tít: “Anh A, chị B mặc lại đồ cũ".

Yếu tố cuối cùng và cũng là điều khiến tất thảy các ngôi sao cảm thấy đau đầu đó là vấn đề tái đầu tư vào sự nghiệp. Trước đây để ra một album, ca sĩ ngót nghét cũng mất ba bốn trăm triệu, còn thời nay, khi đơn vị “tiền tỷ” đang được ưa chuộng như mốt mới thì giới ngôi sao lại càng phải dè xẻn hơn nếu không muốn bị đồn đại là đào mỏ, có người bao, đại gia chống lưng, bán dâm nghìn đô…

Khó khăn là vậy, thế nên ngoài khoản cát sê ki cóp mỗi tháng, thường ca sĩ hạng B vẫn phải lo thêm nghề tay trái, người thì kinh doanh, kẻ thì tìm đường làm diễn viên, MC, quảng cáo… Thực trạng trong ngành giải trí phức tạp là vậy, thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn hồn nhiên nhìn vào bề nổi, choáng ngợp trước danh tiếng, "quần là áo lụa" của các ngôi sao mà ngộ nhận rằng V-Pop thời nay sướng lắm, nhìn đâu cũng thấy hàng hiệu, điện thoại Vertu, đồng hồ 4 tỷ. Chính sự huyễn hoặc này đã đưa đẩy nhiều con thiêu thân ném hàng núi tiền vào nghiệp cầm ca với giấc mơ đổi đời trong chóng vánh, đến lúc vào rồi thì mới thấm câu: không giàu mà vẫn phải sang.
Trung Kiên


No comments:

Post a Comment