Friday, July 20, 2012

....Lần theo các hoạt động buôn xác người (PI)

Lần theo các hoạt động buôn xác người (PI)

Ngày 24/2, nhà chức trách Ukraine có một phát hiện gây hoang mang: xương và các mô cơ thể người nhồi nhét trong các thùng giữ lạnh chất trong một chiếc xe buýt nhỏ cáu bẩn màu trắng.
Những giao dịch hắc ám
Các nhà điều tra thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi phát hiện giữa các bộ phận cơ thể người là những chiếc phong bì chứa đầy tiền mặt và kết quả khám nghiệm pháp y viết bằng tiếng Anh.
Những gì mà cơ quan an ninh chặn lại không phải là tác phẩm của một kẻ giết người hàng loạt mà là một phần của đường dây quốc tế cung cấp nguyên liệu cho các sản phẩm y tế và răng miệng, vốn thường được cấy cho nhiều người trên khắp thế giới.
Lấy da từ xác chết
Những tài liệu thu giữ được cho thấy các phần thi thể của người Ukraine đã chết được đưa tới một nhà máy ở Đức, thuộc sở hữu của một chi nhánh của công ty các sản phẩm y tế Mỹ - công ty RTI Biologics đóng tại Florida.
RTI là một trong những công ty của ngành kinh doanh đang ăn nên làm ra, vốn thu lợi nhuận từ việc dùng những bộ phận của xác chết thành đủ thứ sản phẩm từ cấy răng tới chữa trị nếp nhăn.
Ngành kinh doanh trên phát triển mạnh dù những việc làm của nó gây lo ngại. Theo đó, có những lo lắng phát sinh về việc các mô được lấy như thế nào, các gia đình của người đã chết và bệnh nhân được cấy ghép được biết rõ tới đâu về thực tế và những rủi ro của ngành này.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, thị trường lớn nhất và nhà cung cấp lớn nhất, ước tính có tới 2 triệu sản phẩm được lấy từ mô người được đem bán mỗi năm, con số này đã tăng gấp đôi so với thập niên trước.
Đó là ngành kinh doanh quảng bá cho việc chữa trị và các sản phẩm của nó có thể giúp người mù nhìn lại được (thông qua cấy ghép giác mạc) và giúp người què chân có thể đi lại (bằng cách tái chế gân dây chằng và gân để dùng cho chữa trị đầu gối). Đây cũng là ngành kinh doanh được tiếp sức bằng lợi nhuận lớn và các cơ thể người còn tươi mới.
Tại Ukraine, ví dụ, lực lượng an ninh tin rằng các thi thể đi qua một nhà xác tại quận Nikolev, khu vực đóng tàu nằm gần biển Đen. Những thi thể này tiếp sức cho các hoạt động buôn bán, bỏ lại phía sau những thứ mà các nhà điều tra mô tả là hàng chục "con rối người" - những thi thể đã bị lấy đi các bộ phận có thể tái sử dụng.
Các quan chức ngành kinh doanh bộ phận xác chết cho hay, những cáo buộc lạm dụng là rất hiếm và ngành này hoạt động một cách an toàn và có trách nhiệm.
Về phần mình, RTI không đáp lại những đòi hỏi lăp đi lặp lại về việc bình luận hoặc trả lời một danh sách chi tiết các câu hỏi được đưa ra một tháng trước khi mọi việc được đưa ra ánh sáng.
Trong một tuyên bố công khai, công ty này cho hay, họ "trân trọng món quà là các mô được hiến tặng bằng cách xử lý các mô với sự tôn trọng, bằng việc tìm ra những cách mới để sử dụng các mô nhằm giúp cho bệnh nhân và càng giúp được càng nhiều bệnh nhân càng tốt".
Dù phát triển mạnh mẽ nhưng các hoạt động mua bán mô người vẫn tránh được con mắt dò xét của công chúng. Điều đó có được là nhờ vào sự giám sát không quyết liệt của nhà chức trách và sự kêu gọi được nhiều người ủng hộ - ý tưởng dùng người chết để giúp người sống.
Một cuộc điều tra dài 8 tháng tại 11 quốc gia do nhóm Hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã phát hiện thấy ý định tốt đẹp của ngành kinh doanh nội tạng người chết đôi lúc xung đột với cuộc chạy đua kiếm tiền từ người chết.
Theo khám phá của ICIJ từ hàng trăm cuộc phỏng vấn và hàng nghìn trang tài liệu được lấy ở 6 quốc gia cho thấy, các biện pháp bảo vệ chưa thích đáng đã được thiết lập để bảo đảm cho mọi mô mà ngành kinh doanh này thu được là hợp pháp và có đạo đức.
Bất chấp lo ngại của các bác sĩ rằng ngành kinh doanh được điều hành lỏng lẻo này sẽ cho phép các mô nhiễm bệnh lây nhiễm vào người được cấy ghép các virus nguy hiểm như viêm gan, HIV và các mầm bệnh khác, thì nhà chức trách chỉ động tay động chân rất ít để đương đầu với nguy cơ này.
Đối lập với hệ thống lần theo nội tạng nguyên như tim và phổi được giám sát chặt chẽ, nhà chức trách ở Mỹ và nhiều quốc gia khác không có cách nào theo dõi chính xác để biết được da tái chế và các mô khác tới từ đâu và nó sẽ đi đâu.
Cùng lúc, các nhà chỉ trích nói, hệ thống hiến mô có thể làm sâu thêm nỗi đau của những gia đình mất người thân, giữ họ trong bóng tối hoặc khiến họ bị nhầm lẫn về điều gì sẽ xảy ra với thi thể của những người thân yêu.
Những người bị bỏ lại, như cha mẹ chàng thanh niên 19 tuổi người Ukraine Sergei Malish, tự vẫn năm 2008, đang phải đối mặt với một hiện thực ảm đạm. Tại lễ tang của Sergei, cha mẹ cậu thấy trên cổ tay con trai có một vết cắt sâu ngay cả khi họ biết con trai đã treo cổ.
Sau này, cha mẹ Sergei mới được biết, các bộ phận cơ thể con mình đã bị tái chế và đưa đi sử dụng như vật liệu giải phẫu. "Họ kiếm tiền trên sự bất hạnh của chúng tôi", cha của Sergei nói.
Đắp mô của xác chết cho người sống
Trong suốt hành trình biến đổi mô - từ xác người sang vật liệu y tế - một số bệnh nhân thậm chí còn không biết rằng họ là cái đích cuối cùng.
Các bác sĩ không phải lúc nào cũng nói với bệnh nhân rằng sản phẩm dùng trong việc tái tạo ngực, cấy dương vật và các thủ thuật khác được lấy từ cơ thể những người mới qua đời.
Thêm nữa, nhà chức trách không phải lúc nào cũng biết các mô đó từ đâu có hay nó sẽ đi đâu.
Sự thiếu hụt các biện pháp truy tìm thích hợp đồng nghĩa với việc vào thời điểm các vấn đề được phát hiện, một số hàng hóa của nhà sản xuất đã mất hút. Khi Trung tâm kiểm dịch và ngăn ngừa bệnh dịch của Mỹ trợ giúp thu hồi các sản phẩm làm từ những mô có khả năng nhiễm bệnh, các bác sĩ cấy ghép thường không giúp được gì.
"Luôn luôn là một sự im lặng. Họ thường nói: Chúng tôi không biết nó đi đâu", Tiến sĩ Matthew Kuehnert, giám đốc về máu và sinh học của Trung tâm kiểm dịch và ngăn ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) cho hay.
"Chúng ta có mã cho món ngũ cốc ăn vào bữa sáng song chúng ta không có mã cho các mô người", ông Kuehnert nói. "Mỗi bệnh nhân, người được cấy mô nên biết mã đó. Điều đó là hiển nhiên. Nó nên là quyền cơ bản của bệnh nhân. Nếu không thì thật nực cười".
Kể từ năm 2002, cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã ghi chép được ít nhất 1.352 trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ theo đường cấy ghép mô người, theo dữ liệu của FDA. Sự lây nhiễm này liên quan tới cái chết của 40 người, dữ liệu cho thấy.
Một trong những điểm yếu của hệ thống giám sát mô đó là sự bí mật và rắc rối đi kèm với việc trao đổi các bộ phận cơ thể người xuyên biên giới.
Slovakia xuất khẩu các phần của tử thi sang Đức, người Đức lại xuất khẩu các sản phẩm đã hoàn thiện sang Hàn Quốc và Mỹ, từ Hàn Quốc các sản phẩm lại được xuất sang Mexico, Mỹ và hơn 30 quốc gia khác. Có thể tìm thấy nhà phân phối các sản phẩm đã hoàn thiện ở nhiều nơi như Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Canada, Thái Lan, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, Australia và New Zealand. Một số là chi nhánh của những tập đoàn y tế đa quốc gia.
Bản chất quốc tế của ngành này khiến việc di chuyển các sản phẩm từ nơi này sang nơi khác rất dễ dàng mà không bị dò xét nhiều, các nhà chỉ trích nhận xét.
"Nếu tôi mua thứ gì đó từ Rwanda, sau đó lại dán nhãn Bỉ lên đó, tôi có thể đưa nó vào Mỹ. Khi bạn đưa nó vào hệ thống chính thức, mọi người đều tin tưởng", Bác sĩ Martin Zizi, giáo sư về bệnh học thần kinh tại đại học Tự do ở Brussels nói.
Một khi sản phẩm đó có mặt ở Liên minh châu Ấu, nó sẽ có thể được chuyển tới Mỹ mà không gặp nhiều khó khăn. "Họ cho rằng EU đã kiểm tra chất lượng. Chúng ta thận trọng với rau quả hơn là với các bộ phận cơ thể người", ông Zizi cho hay.
(Còn tiếp)
Hoài Linh (Theo DailyMail)

No comments:

Post a Comment