Friday, March 8, 2013

Nhìn Người Rồi Ngẫm Đến Ta!

Nhìn Người Rồi Ngẫm Đến Ta!

Huỳnh Quốc Bình

Tháng 10 năm 2005, giới truyền thông Hoa Kỳ và ngoại quốc loan truyền nhanh chóng tin Cụ bà Rosa Parks 92 tuổi đã qua đời vào ngày Thứ Hai, 23-10-2005 khiến cho nhiều người và các nhân vật quan trọng tại Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ lòng thương tiếc, nhất là người Mỹ da mầu.
Cụ Bà Rosa Parks là ai? Cụ là một người đàn bà bình thường, từng bị cảnh sát thành phố Montgomery, Ala. bắt bỏ tù và phạt 14 Mỹ kim vì Cụ bà không chịu nhường ghế cho người da trắng trên xe buýt vào ngày 1 tháng 12 năm 1955, năm đó cụ 42 tuổi. Hành động không chịu nhường ghế cho người da trắng không phải vì ích kỷ hay có ý tranh giành quyền lợi cho riêng mình, nhưng để bày tỏ sự chống đối ôn hoà về chính sách kỳ thị chủng tộc của người Mỹ da trắng, và điều đó đã thành luật dành cho người Phi Châu là thành phần nô lệ của người Mỹ gốc Anh vào những thế kỷ trước đó, khi họ đến sinh sống tại Mỹ châu.

Cụ Bà Rosa Parks (1913–2005)

Bà Rosa Parks thời xuân sắc
Công khai chống đối sự bất công: Việc Bà Rosa Parks từ chối nhường ghế cho người da trắng là một trong những hành động góp phần cho việc khởi đầu và hình thành The Civil Rights Movement, đó là phong trào chống đối lại luật lệ và hành động kỳ thị chủng tộc của người da trắng lúc bấy giờ. Hành động đấu tranh ôn hoà nhưng quyết liệt của Bà đã đi vào lịch sử mà chính cụ cũng không ngờ. Bà đã biến những trăn trở trong tim, những ấm ức của lòng khi thấy phẩm giá của mình và đồng bào da đen của mình bị xúc phạm, những xót xa khi biết rõ cội nguồn của mình, ông cha mình từng bị bắt làm nô lệ.... trở thành hành động cụ thể. Đó là góp phần chống lại những bất công hiện tại, trong hoàn cảnh và khả năng của mình.
Muốn thành công phải hy sinh: Không một cuộc đấu tranh nào mà không có cái giá phải trả khi mà trước đó người Mỹ da đen phải chịu bao nhiêu tủi nhục. Lên xe buýt phải ngồi phía sau và phải luôn sẵn sàng nhường ghế cho người da trắng. Con cái của họ đi học thì bị nhà trường phân biệt kỳ thị. Những quyền lợi xã hội họ không được hưởng như người da trắng. Để đóng góp cho công cuộc đấu tranh ôn hoà, tất cả người da đen đã một lòng tham gia cuộc đình công, tẩy chay công đoàn xe buýt trong vòng 381 ngày, bằng cách không sử dụng phương tiện xe công cộng này. Tất cả di chuyển bằng phương cách đi bộ. Có người phải di chuyển hằng 20-30 dặm bằng chính đôi chân của mình. Dường như cho đến ngày nay, người ta chưa có một tài liệu nào cho thấy có người da đen nào "xé rào" để được an thân, hay hưởng những quyền lợi riêng tư khác trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt đó.
Tấm hình lịch sử: Bà Rosa Parks không nhường ghế cho người da trắng
Những người cùng chí hướng: Sau khi Bà Rosa Parks công khai tham gia phong trào tranh đấu do Mục Sư Martin Luther King lãnh đạo, bà đã không thể tìm được việc làm tại Tiểu Bang Alabama và thường bị quấy nhiễu. Cuối cùng bà và chồng mình là ông Ramond đã phải di chuyển về Detroit vào năm 1957. Đến năm 1965 bà có việc làm và đã về hưu năm 1988. Riêng Mục Sư Martin Luther King đã gục ngã vào ngày 4 tháng 4 năm 1968 vì kẻ gian đã ám sát ông bằng những viên đạn vô tình. Hành động này đã tạo nên làn sóng bạo động nổi lên nhiều thành phố tại Hoa Kỳ vào giai đoạn đó. Trước thời điểm này khoảng vài năm tại Việt Nam, là giai đoạn Hồ Chí Minh và đảng Vc đã ra lệnh quân cộng sản Bắc Việt tấn công vào các tỉnh miền Nam Việt Nam trong dịp tết Mậu Thân, trong các ngày hai bên đình chiến để đồng bào cả nước được hưởng Xuân. Hành động tàn bạo và vi phạm cuộc đình chiến của Hồ Chí Minh và đảng Vc đã gây ra cảnh chết chóc cho hằng chục ngàn người dân vô tội. Điều đáng tiếc là Mục Sư Martin Luther King vì không hiểu rõ nội tình của chiến tranh Việt Nam nên ông cũng đã có những nỗ lực lên tiếng chống chính phủ Hoa Kỳ mang quân vào Việt Nam, cùng với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại vùng Đông Nam Á.
Những tấm gương: Hơn nửa Thế Kỷ trước, bà Rosa Parks đã bị bỏ tù vì bày tỏ sự chống đối ôn hoà trước những bất công. Hơn một thập niên sau đó Mục Sư Martin Luther King đã bị giết chết. Hai vị này và những người da đen khác gục ngã để cho nhiều người khác có thể đứng xổng lưng. Tinh thần này không chỉ là tấm gương cho người Mỹ da đen mà cho tất cả những dân tộc nào đang nằm trong sự thống trị của các chế độ độc tài ngày hôm nay. Bất cứ cuộc tranh đấu nào muốn được thành công, dứt khoát phải có người đi tiên phong. Chọn thái độ tiên phong giống y như người lính chiến ngoài mặt trận có nhiệm vụ đi đầu và khi xáp trận những người đi trước rất dễ dàng trúng tên đạn của kẻ thù và gục ngã trước đồng đội. Nếu họ may mắn sống sót thì thân thể cũng khó mà nguyên vẹn. Điều này có thể được hiểu bằng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Chỉ có những ai chọn thái độ không biết, không nói, không nghe và không làm gì cả thì mới yên thân.
Không tranh đấu để được nổi tiếng: Bà Rosa Parks từng nhận hằng tá bằng khen, khích lệ và tên của bà cũng được đặt cho nhiều trường học và nơi công cộng tại Hoa Kỳ. Riêng Mục Sư Martin Luther King đã nhận được "Giải Nobel Hoà Bình", nhưng tôi tin rằng hai vị này đã không tham gia tranh đấu để mong được lịch sử ghi công. Phản ứng của người đàn bà chân yếu tay mềm của nửa thế kỷ trước đây tuy không chi là vĩ đại đối với thời nay, nhưng trong phạm vi trách nhiệm của mình, Người đã giúp cuộc tranh đấu mà dân da đen tiến hành dưới sự lãnh đạo của Mục Sư Martin Luther King nhắm đến mục tiêu san bằng chính sách kỳ thị bất công, được thành tựu một cách tốt đẹp. Bà đã đi vào lịch sử của Hoa Kỳ và ngày nay hình ảnh của Cụ và Mục Sư Martin Luther King đã nằm trong tim của người da den và những ai yêu chuộng công bằng, tự do.


Mục Sư Martin Luther King và niềm mơ ước…

Chuyện của Người và vấn đề của ta: Đấu tranh chống vấn đề ký thị chủng tộc là chuyện của những người bạn da đen. Còn dân Việt Nam da vàng chúng ta thì sao? Lịch sử Việt Nam trong ngàn năm trước và cận đại, có nhiều nhân vật anh hùng đã đi vào lịch sử. Họ không tạo ra lịch sử, nhưng lịch sử không thể không nhớ đến họ. Những chiến sĩ vô danh của dân tộc Việt Nam đã bỏ mình vì lý tưởng bảo vệ Tổ Quốc để cho nhiều người trong chúng ta không bị đồng hoá với kẻ thù phương Bắc luôn chực hờ nuốt trửng chúng ta. Hoặc trong thời chiến tranh Quốc-Cộng, chúng ta có được tự do để cấp sách đến trường thời niên thiếu; được tự do bày tỏ lòng tín ngưỡng của mình đối với Thượng Đế, Ông Trời, Thiên Chúa tại các nơi thờ tự của các tôn giáo. Hay được êm ấm và hưởng thụ vật chất nơi thành thị. Ngay cả lúc dầu sôi lửa bỏng trong thời điểm 1975, cũng không ít người đã đổ máu để cầm chân giặc cộng không cho chúng tiến nhanh vào các thành phố, hầu cho nhiều người trong chúng ta có đủ thời gian xuống tàu hay lên phi cơ lánh nạn cộng sản. Có nhiều người trong chúng ta đã vội quên đi.
Tôi có thể nói: Chỉ cần nhìn lịch sử cận đại chúng ta có thể tự hào rằng: Nếu không có những vị anh hùng dân tộc như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái… Nếu chính quyền Việt Nam Cộng Hoà trước 30-4-75 không có những người hết lòng vì dân, vì nước, những chiến sĩ âm thầm xả thân trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền đất nước và ngăn chận quân xâm lược. Nếu không có những vị Tướng liêm khiết, đảm lược, dám tuẩn tiết vì "không giữ được thành" như năm vị Tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tuẩn tiết ngay ngày giặc cộng cưởng chiếm miền Nam vì không đầu hàng bọn chúng. Hoặc nếu không có những người sau khi ra hải ngoại rồi, nhưng đã từ bỏ nơi êm ấm để trở về quốc nội chiến đấu như Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh. Trong ba vị tiêu biểu này, hai vị đã hy sinh, một vị còn sống, dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Trong lúc chiến đấu có thể Người vừa hứng chịu tên đạn kẻ thù nhưng cũng phải lãnh đủ “đòn bạn” nữa…. Thì người Quốc Gia khó có thể hãnh diện, tự hào, về chính nghĩa sáng ngời, trước những hành động chụp mũ, vu khống, mạ lỵ người hết lòng tranh đấu một cách vô trách nhiệm mà chúng ta thấy đầy dẫy trong cuộc đấu tranh chống cộng ngày hôm nay.

Anh Hùng Dân Tộc: Nguyễn Trung Trực
Kết luận: Nhìn người rồi ngẫm đến ta, mới thấy rằng: Chẳng lẽ chúng ta muốn người khác tham gia tranh đấu lật đổ đảng cộng sản độc tài, vì đảng này từng đày đoạ chúng ta trong tù nhiều năm tháng, còn chúng ta không làm gì cả sau khi được tự do? Chẳng lẽ chúng ta muốn cho giới trẻ của gia đình khác dấn thân tranh đấu còn con em, trong gia đình mình thì phải học cho nhanh, cho lẹ, sớm ra trường để đi kiếm tiền? Chẳng lẽ chúng ta giảng dạy cho người khác phải biết bày tỏ "tình yêu thương" còn chúng ta lại dững dưng trước những đau khổ của đồng bào mình, anh chị em cùng niềm tin với mình bằng tấm binh phong "không chống chính quyền"?
Nếu vì hoàn cảnh chúng ta không thể tham gia tranh đấu một cách công khai, chúng ta cũng nên để tâm theo dõi những cá nhân, tổ chức, hội đoàn, đảng phái, cơ quan truyền thông nào của người Việt tự do có đường lối rõ ràng, lập trường vững chắc, để ủng hộ họ, thay vì thờ ơ, hay vô tình tiếp tay đồn đãi những điều dối trá mà Vc và kẻ gian tung ra để ly gián chúng ta.
Người da đen thường bị dân da trắng và các dân khác, hoặc kể cả một số người trong chúng ta kỳ thị, xem thường, nhưng chẳng lẽ họ biết tẩy chay, không sử dụng phương tiện công cộng đương thời để chống các chính sách bất công... Còn người Việt chúng ta thì không dám hy sinh quyền lợi riêng tư để đóng góp cho công cuộc đấu tranh chống cộng hay sao? Hỏi là trả lời. Và những gì tôi nêu ra không phải để thách đố nhau, nhưng để chúng ta cùng suy nghĩ về thân phận của mình trong cuộc sống lưu vong.
Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361
Salem, OR 97307, USA
(503) 949-8752,
E-mail:
huynhquocbinh@yahoo.com

No comments:

Post a Comment