Thursday, September 12, 2013

Máu lại đổ vì đất

Máu lại đổ vì đất

Mặc Lâm, biên tập viên RFA   
 034_699762-305.jpg  
Người dân hiền hòa vùng quê miền Bắc Việt Nam.AFP photo     
Vụ xả súng bắn cán bộ tại nơi làm việc đang làm cho dư luận nhức nhối trước hai cái chết không đáng có của Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Thái Bình và kẻ gây án là anh Đặng Ngọc Viết. Điều gì đã dẫn đến quyết định cùng đường này của một người dân bình thường bỗng trở thành sát nhân khi anh ta biết rằng không thể nào tránh khỏi cái chết của chính mình?
Dân bị dồn vào thế cùng
Chưa bao giờ chính quyền phải đối mặt với một sức ép lớn như hiện nay sau khi một thanh niên vào văn phòng làm việc của UBND thành phố Thái Bình nã súng vào các cán bộ địa chính thuộc Trung tâm Phát triển Quỹ đất của tỉnh gây cho một người chết và ba người khác bị thương. Kẻ gây án cũng tự sát vài giờ sau đó.
Sự thật đã nhanh chóng được sáng tỏ khi chính ông Đỗ Đình An, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trong một cuộc họp báo rộng rãi sáng ngày 12 tháng 9 tại Thái Bình đã xác định nguyên nhân dẫn đến vụ bắn người này là từ chuyện bất công trong khâu đền bù giải tỏa chứ không có một hiềm khích cá nhân nào.
Sát thủ là anh Đặng Ngọc Viết, vừa là kẻ sát nhân cũng là nạn nhân của câu chuyện đền bù giải tỏa. Anh Viết xuất hiện trên mặt báo với hai khuôn mặt, một kẻ sát nhân máu lạnh và một người đáng được thông cảm vì suy nghĩ nông cạn mặc dù nguyên nhân khiến anh tiến tới việc bắn người là do chính sách đất đai quá bất công kéo dài nhiều chục năm qua. Điều này chứng tỏ rằng động cơ giết người của anh Viết hoàn toàn có thể chia sẻ: bị dẫn tới đường cùng.
Gia đình anh Viết được láng giềng cho biết đã tận cùng của sự khốn khó. Cha và em trai anh là nạn nhân chất độc da cam. Anh Viết đã ly dị vợ và có hai con phải nuôi trong khi không có một nghề nghiệp gì chắc chắn. Mảnh đất duy nhất của gia đình anh đã qua nhiều đời bỗng nhiên bị trưng thu và đền bù với cái giá thấp hơn giá thật của nó rất nhiều lần. Một người láng giềng của gia đình anh Đặng Ngọc Viết cho chúng tôi biết:
Nó đi miền Nam sống nhưng thấy việc gia đình như vậy mà không giải quyết được nên nó bức xúc quá nó phải bắn vì biết không làm gì được chính quyền này đâu.
-Láng giềng anh Viết
Nó làm đường đi qua nhà người ta và lại đền bù không thỏa đáng. Trên cơ sở nó nói rằng nhà người ta không có giấy tờ nhưng thực ra đất này đã có bốn đời rồi cũng hơn trăm năm rồi. Thực tế là vậy đã dẫn đến bức xúc trước việc lấy quyền lực áp đặt trên đất đai của họ khiến đi kiện mãi nhưng không được thế thì bắn! Nó đi miền Nam sống nhưng thấy việc gia đình như vậy mà không giải quyết được nên nó bức xúc quá nó phải bắn vì biết không làm gì được chính quyền này đâu.
Sự khốn cùng về kinh tế cộng với bất công của chính sách đã đẩy anh vào con đường sát nhân. Sợ hãi và ân hận khiến anh phải tự sát vì biết rằng không thể trốn khỏi lưới pháp luật cùng sự trả thù của hệ thống.
Câu chuyện bi thảm khép lại với cái chết của hai con người và hơn hết hai cái chết ấy là hậu quả của một chính sách sai lầm về đất đai bao năm qua đã làm xã hội đảo điên khi chính sách ấy được dùng để nuôi sống nhiều nhóm lợi ích cũng như giúp nhiều cán bộ làm giàu qua sự tiếp tay của họ.
Do sai lầm chính sách đất đai
docbao-250.jpg
UBND thành phố Thái Bình, nơi anh Viết xả súng bắn cán bộ. Photo courtesy of docbao.vn  
 
Nhà báo Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết nhận xét của ông về chính sách gây ra những cái chết này:
Luật lệ quy định đất đai là của toàn dân, chính là ở đó. Cái đó đã tạo điều kiện tước đoạt đất của dân cho nên dân người ta mới phản ứng như thế và phản ứng như thế là đúng. Muốn khắc phục phải thay đổi vấn đề “đất đai là của toàn dân” phải bỏ cái đó mới được.
Đại tá Phạm Đình Trọng, nguyên là cây viết quân đội đã trả thẻ đảng và có các bài viết đào sâu về chính sách đất đai cho biết nhận xét của ông:
Chỉ có trả lại quyền sở hữu đất đai thiêng liêng của người dân, cho người dân chứ không thể lấy cái quyền công hữu hóa đất đai là sở hữu toàn dân để cướp đất của người ta được. Chỉ tạo điều kiện cho bọn quan tham nó cướp đất của người dân và nó sẽ đẩy nhà nước này tới chỗ đối lập với toàn bộ dân tộc Việt Nam chứ không phải chỉ mấy người nông dân mà thôi đâu.
Trong lúc các vụ đàn áp tôn giáo đang diễn ra tại Nghệ An chưa ngã ngũ, thì vụ xả súng bắn cán bộ tại Thái Bình như thêm dầu vào lửa. Người giáo dân cảm thấy có một sức mạnh mới phía sau trong khi nông dân mất đất được an ủi rất nhiều qua những phát súng của Đặng Ngọc Viết. Nhân dân không nhẫn tâm với cái chết của Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Thái Bình nhưng họ khó thể thông cảm cho vị trí mà ông này đang nắm giữ.
Hai cái chết ấy mở ra những câu hỏi cho lương tâm của nhiều giới trong đó có những người đang nắm vận mệnh đất nước và có trách nhiệm về chính sách đất đai buộc họ phải can đảm nhìn lại những gì mà từ lâu vẫn khăng khăng xác định là đúng đắn cần phải bảo vệ.
Cái cần phải bảo vệ ấy nay không còn chính đáng vì nó đã được tô bằng máu của người mất đất lẫn kẻ thừa hành chính sách lấy đất của người dân. Chính sách nào cũng do con người lập ra và vì vậy khi nó xâm phạm lương tâm, sinh mạng và tài sản con người thì phải bị đào thải. Nếu không thì chính người làm ra chính sách phi nhân ấy sẽ bị đào thải theo quy luật lịch sử.
Đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết về chính sách đất đai nhưng chưa bao giờ chúng được xem xét một cách triệt để trong tinh thần chia sẻ và phân tích khoa học. Nhà báo Kha Lương Ngãi nhận xét:
Chỉ có trả lại quyền sở hữu đất đai thiêng liêng của người dân, cho người dân chứ không thể lấy cái quyền công hữu hóa đất đai là sở hữu toàn dân để cướp đất của người ta được.
- Đại tá Phạm Đình Trọng
Phải thực hiện theo kiến nghị của nhóm 72, bỏ luật đất đai là sở hữu toàn dân mà phải là đa sở hữu, và muốn trưng thu đất thì phải bồi thường xứng đáng và đúng luật pháp thì mới giải quyết được vấn đề
Người láng giềng của anh Đặng Ngọc Viết cũng là nạn nhân của việc trưng thu đất, ông bức xúc không kém anh Viết và thẳng thắn nói rằng nếu tới bước đường cùng thì ông cũng làm như thế:
Khi nào cảm thấy chán quá rồi thì cũng giống như họ, bắt chước họ là xong: bắn chết mấy cái thằng ấy càng nhiều càng tốt!
Câu nói “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” vẫn nằm bệ vệ trong Hiến pháp và không ai có thể lay chuyển được, trong khi đó hệ thống tuyên truyền vẫn nỗ lực cho rằng “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là xu thế tất yếu của quá trình phát triển ở nước ta”.
Sự phát triển ấy chỉ thấy rõ trong từng gia đình đảng viên các cấp khi tài sản của họ mỗi ngày một lớn theo tỷ lệ teo tóp của đất đai khắp nước. Tỷ lệ teo tóp này cùng chiều với đà phát triển của bất công, đàn áp, cưỡng chế một cách dã man và nhiều nơi đã xuất hiện sự phản kháng mạnh mẽ không khoan nhượng của nhân dân.
Trí thức vẫn nhiều lần lên tiếng rằng thay một khẩu hiệu, cải tổ một chính sách không thật sự khó khăn như hệ thống vẫn đưa ra. Lịch sử không thời nào lại chấp nhận sự im lặng kéo dài trước cách rẻ rúng lương tâm và sinh mạng người dân để củng cố quyền lực và lợi ích của phe nhóm nhất là lợi dụng sức mạnh sẵn có để định danh những sai lầm ấy ngay trong Hiến pháp.

No comments:

Post a Comment