'Cần đối thoại với Việt Kiều ở Canada'
Cập nhật: 16:21 GMT - thứ hai, 10 tháng 10, 2011
Trong một buổi làm việc với Luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, quan chức từ Đại sứ quán Việt Nam tại Canda nói họ muốn tiếp tục đối thoại thẳng thắn về hoà giải, hòa hợp dân tộc.
Được biết Đại diện Sứ quán cũng nhận thư ngỏ mà Luật sư Khanh, một người từng lên tiếng vận động chính giới Canada về nhân quyền ở Việt Nam, nêu ra về chủ đề ‘tự do và dân chủ cho Việt Nam’.
Trả lời BBC hôm 10/10, ông Khanh cũng cho hay ông đã gửi một thư lên lãnh đạo Trung Cộng đề nghị họ đem vấn đề Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc bàn thảo.
Trước hết, Luật sư Vũ Đức Khanh, người từng công bố thư ngỏ đề nghị thả tự do cho LS Cù Huy Hà Vũ, nói sáng kiến về cuộc họp giữa ông và đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Canada đến từ đâu:
LS Vũ Đức Khanh: Tôi là người hoạt động cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam cho nên một trong những đối tượng mà tôi cần phải tiếp xúc là các viên chức ngoại giao Việt Nam tại nơi tôi đang sống và làm việc. Và đây không phải là lần đầu tiên mà tôi tiếp xúc với họ. Chúng tôi đã có nhiều lần tiêp xúc và trao đổi trước đây về những vân đề mà chúng tôi và toàn xã hội VN có cùng quan tâm. Tuy nhiên để có buổi làm việc hôm 5/10/2011 vừa qua tôi đã phải liên lạc vận động Đại Sứ quán từ hôm 16/6/2011.
BBC: Đây có phải là một phần của kế hoạch vận động Việt Kiều tại Bắc Mỹ của Chính phủ Việt Nam, vì gần đây cũng có các buổi tiếp tân, trao đổi, giao lưu giữa các quan chức ngoại giao Việt Nam và một số đại diện cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ?
LS Vũ Đức Khanh: Việc này tốt nhất BBC nên liên lạc trực tiếp với Đại Sứ quán Việt Nam tại Canada để được biết thêm. Điều duy nhất tôi có thể nói là tóm tắt nội dung chính của buổi làm việc trên. Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều vấn đề nhưng tựu chung vào ba điểm chính sau đây:
"Các bạn người Canada mong muốn lãnh đạo Việt Nam nên có đối thoại với kiều bào chúng tôi"
Một là về Việt kiều và Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tổng thể chính sách "Đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc",
Hai là tình hình nhân quyền Việt Nam 2011 trong bối cảnh tu chỉnh Hiến pháp 1992 và chương trình cải cách tư pháp tiến tới xây dựng bền vững "nhà nước pháp quyền",
Ba là lá thư ngỏ và phúc trình của tôi mang tên là "Con đường Việt Nam: Tự do, Dân chủ, Phú cường" mà chúng tôi sẽ được đệ trình lên các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2011 trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông và một cường quốc Trung Hoa đang trỗi dậy mãnh liệt.
Thông điệp chính mà tôi mang tới Đại sứ quán Việt Nam tại Canada là thông điệp "hoà giải, hòa hợp dân tộc" vì mục tiêu kiến tạo một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường.
Tôi khẳng định với đại diện của Chính phủ Việt Nam rằng kiều bào chúng tôi luôn hướng về tổ quốc và mong mỏi được cùng đồng bào trong nước phấn đấu vì một quốc gia Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường. Chúng tôi sẵn sàng gặp bất cứ ai đại diện cho Chính phủ để trao đổi nhằm thu hẹp khoảng cách và tăng cường sự hiểu biết để cuối cùng đi tới điểm đồng thuận đó là phấn đấu vì một quốc gia "Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường".
Tôi cũng chuyển thông điệp của kiều bào là mong muốn Đại Sứ quán phải là ngôi nhà Việt Nam thân thương, mến thương của tất cả mọi người Việt Nam khi chúng tôi có dịp tới tham quan, sinh sống và làm việc tại Canada.
Chiến tranh đã qua hơn 36 năm, đất nước đã thống nhất và Chính phủ Việt Nam cũng đã làm hòa với hầu hết các quốc gia cựu thù vậy mà đáng tiếc khi thấy lòng người Việt vẫn còn ly tán. Tôi xin nêu ví dụ như mới đây mẹ của một người bạn tôi trước khi qua đời đã cầm tay tôi nhắn nhủ nhớ tạo điều kiện cho bạn tôi mang tro của bác ấy về Việt Nam chỉ sau khi Việt Nam được thực sự tự do, dân chủ.
Ngoài ra tôi cũng chuyển thông điệp của những người bạn Canada của chúng tôi về việc họ mong muốn nhìn thấy lãnh đạo Việt Nam khi sang Canada làm việc được kiều bào tiếp đón trọng thị. Họ mong muốn lãnh đạo Việt Nam nên có đối thoại với kiều bào chúng tôi.
BBC: Tinh thần, thái độ của phía Đại sứ quán Việt Nam trong cuộc trao đổi gần nhất đây là thế nào? Họ nói gì về kiến nghị của ông?
Đại sứ Lê Sỹ Vương Hà đã uỷ nhiệm cho ông Tham tán Đào Ngọc Dinh tiếp và làm việc trực tiếp với tôi hôm 5/10/2011 vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày tại trụ sở của Đại Sứ quán ở Ottawa. Chúng tôi đã có một buổi làm việc vô cùng thú vị trong tinh thần tương kính, trọng thị và thẳng thắn. Chúng tôi đã nghiêm túc trao đổi cả những vấn đề tế nhị mà chúng tôi có cùng quan tâm chung và hai bên nhất trí sẽ tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại để giải quyết những khác biệt theo chủ trương "hoà giải, hòa hợp dân tộc và đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu kiến tạo một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường".
BBC: Trước chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Cộng, được biết ông cũng nêu ra ý kiến của mình với phía Trung Cộng về Biển Đông, vậy ý kiến đó là gì?
Ngày 7/10 vừa qua tôi có thư gửi Chủ tịch Trung Cộng Hồ Cẩm Đào về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Tôi đề nghị phía Trung Cộng nên đứng ra đề nghị các bên cùng tranh chấp nên từ bỏ vấn đề "chủ quyền" và tuyên bố đặt toàn bộ vùng biển đang có tranh chấp dưới quyền tài phán của Liên Hiệp Quốc để thảo luận đi tới việc thành lập một uỷ ban quốc tế quản trị sự hợp tác và phát triển của toàn bộ khu vực nói trên. Tôi tạm gọi uỷ ban đó theo tên tiếng Anh là "International Committee for the Management of the South China Sea's Cooperation and Development".
Tôi nghĩ đây có thể là giải pháp duy nhất để vượt qua bế tắc hiện tại đồng thời cũng phù hợp với tinh thần của Hiến Chương LHQ và chủ trương 'Phát triển hòa bình của Trung Cộng'. Tôi hy vọng Chủ tịch Trung Cộng sẽ có một quyết định đúng đắn và chắc chắn là công lao của ông ấy sẽ vô cùng to lớn trong việc kiến tạo hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung cho toàn khu vực và trên toàn thế giới.
No comments:
Post a Comment