VN đàm phán mua 4 tàu chiến của Hòa Lan
Cập nhật: 10:30 GMT - thứ ba, 18 tháng 10, 2011
Tin cho hay Việt Nam đang thảo luận việc mua bốn tàu hộ tống lớp Sigma của Hà Lan, tổng trị giá lên tới nhiều tỷ đôla.
Truyền thông Hà Lan cho biết kế hoạch mua bốn tàu chiến hiện đại này được thông báo trong chuyến thăm Hà Lan mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong chuyến đi kéo dài từ 27/09-01/10, ông Dũng đã thăm nhà máy đóng tàu của tập đoàn Damen, một công ty khổng lồ đã có hoạt động hợp tác kinh doanh dân sự với Việt Nam.
Hiện giới chức hai nước đang tiến hành thảo luận về ngân vốn cho hợp đồng mua tàu chiến khổng lồ trước khi có thể ký kết chính thức.
Trị giá hợp đồng không được tiết lộ, tuy nhiên theo các nguồn tin quân sự, mỗi chiếc tàu hộ tống lớp Sigma chế tạo và lắp đặt tại Hà Lan có thể có giá tới gần 1 tỷ đôla.
Báo Hà Lan cho hay Việt Nam dự tính mua hai tàu lắp đặt tại nhà máy Schelde ở Vlissingen, Hà Lan; hai chiếc khác sẽ đóng tại Việt Nam, và do vậy giá thành có thể giảm nhiều.
Tàu hộ tống lớp Sigma có lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.692 tấn, dài 90,7m và rộng 13m.
Tàu này được trang bị bốn bệ phóng tên lửa chống hạm MM40 Block 2, hai bệ phóng tên lửa phòng không có điều khiển Mistral, pháo và ngư lôi chống tàu ngầm. Tàu Sigma cũng có sân bay dành cho trực thăng.
Các nước như Indonesia và Morocco đã mua nhiều tàu hộ tống lớp Sigma từ Hà Lan, quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ đóng tàu.
Hiện đại hóa hải quân
Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp hạm đội vốn nghèo nàn và lạc hậu của mình trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều biến động.
Hải quân Việt Nam năm ngoái đã tiếp nhận hai tàu hộ tống Gepard-3.9 từ Nga.
Tàu hộ tống Gepard-3.9 đời mới nhất so Nga sản xuất, sử dụng công nghệ tàng hình, có khả năng tác chiến với cả tàu ngầm và tàu chiến, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Quân đội Việt Nam cũng đã đặt sáu tàu ngầm hạng Kilo và nhiều chiến đấu cơ Su-30MK2 từ Nga.
Ngoài hai tàu Gepard, Hải quân Việt Nam có 2 chiếc tàu tuần tiễu loại nhẹ BPS – 500 và 5 chiếc lớp Petya-III.
Việt Nam cũng đã mua từ Nga 4 tàu hỏa tiễn lớp Tarantul I và tàu chiến siêu tốc Molnya có trang bị tên lửa siêu âm chống hạm và tên lửa phòng không tầm ngắn.
Tuy nhiên hợp đồng mới cho thấy Việt Nam đang muốn mở rộng hợp tác mua bán vũ khí ra các quốc gia vốn không có truyền thống cung cấp vũ khí cho Việt Nam.
Mới đây, một nhà máy ở trong nước loan báo đã lần đầu tiên đóng mới thành công tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động.
Việt Nam cũng đang hy vọng sẽ tự sản xuất tàu chiến ở trong nước theo bản quyền của nước ngoài.
No comments:
Post a Comment