Sunday, October 16, 2011

Người Philippines ở TP.HCM.

Người Philippines ở TP.HCM.
 
(Kỳ 1): Osin cao cấp
Họ là những người giúp việc nhà cao cấp đến từ Philippines, hưởng lương từ 500 đến gần 1.000 USD/tháng.
Cô Rema, một người giúp việc Philippines ở TP.HCM rất thân thiết với con chủ nhà - ảnh: Y.T
Chúng tôi gặp Syjuco khi chị đang lái xe hơi đưa 3 đứa con chủ nhà và của chị đi coi phim vào buổi chiều thứ bảy. Syjuco 37 tuổi, dáng người đậm, nước da ngăm, rất nhanh nhẹn và nổi bật với cặp mắt sáng. Chị đã có chồng và một cô con gái 12 tuổi. Syjuco đến TP.HCM từ năm 2005 và đang giúp việc nhà cho một gia đình người Việt với mức lương cứng 700 USD/tháng.
Syjuco có 3 chị em gái và sau khi cô làm việc được 2 năm thì rủ rê 2 cô em của mình cùng sang VN. Hai người em, người 36, người 30 tuổi đều đã có chồng, có con nhưng gia đình họ sẵn sàng để vợ đi làm việc xa xứ vì mức thu nhập cao. Syjuco bảo mình may mắn vì được giúp việc trong gia đình người VN, công việc rất ổn định. Bằng chứng là 6 năm nay, từ khi đến TP.HCM tới giờ chỉ làm cho một chủ, vừa quen người, vừa quen việc nên rất thoải mái.
Syjuco kể rằng, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 4 giờ sáng. Chị chuẩn bị bữa ăn sáng cho 7 thành viên trong gia đình chủ nhà gồm 2 vợ chồng, 3 đứa con và ông bà nội. Sau đó đưa 3 đứa trẻ đến trường rồi quay về dẫn ông bà nội xuống công viên tập thể dục buổi sáng. Trong lúc ông bà nội đi dạo và trò chuyện với những người bạn già, Syjuco đi chợ mua đồ ăn cho cả ngày. Trên đường về, chị ghé đón ông bà nội, rồi lo việc tắm rửa và bữa ăn nhẹ cho các cụ. Khi ông bà đã lên phòng đọc sách, xem TV, Syjuco mới bắt đầu lo lau dọn nhà cửa, làm bữa trưa. Buổi chiều, sau nhiều công việc khác, chị đi đón 3 đứa con chủ nhà, về cho chúng ăn uống xong, lại kèm chúng học bài để trước 23 giờ là cả 3 phải đi ngủ.
Được dạy nghề trước khi xuất ngoại
Hiện nay, lao động giúp việc nhà đến từ Philippines đang làm việc rất nhiều ở Q.7 và Q.2. Ngoài những người làm việc cố định trong các gia đình thì có một bộ phận giúp việc theo giờ với lương từ 40 - 50 USD/giờ. Họ hầu hết đều đã có gia đình, vì thế, khi vợ giúp việc nhà thì chồng cũng kiếm những việc khác để làm. Giải thích vì sao lao động nữ xứ mình được ưa chuộng tại TP.HCM, Janeth, một người đang làm việc tại cao ốc Riveside, cho biết: “Trước khi qua VN, chúng tôi được tham gia một khóa học gần 1 năm chuyên về giúp việc nhà, chăm sóc người già, em bé và các kỹ năng như sơ cứu, cứu hỏa…”.
Trước đây, Syjuco học về điều dưỡng nhưng ở Philippines xin việc rất khó, vì thế chị đành sang VN kiếm việc. Nhờ làm việc chăm chỉ, lại được gia đình chủ nhà tin dùng, một tháng Syjuco lãnh lương 700 USD, tiền thưởng khoảng hơn 100 USD nữa. Mà Syjuco thì chẳng tiêu xài cá nhân gì. Ăn ở chủ bao, quần áo mặc hằng ngày bà chủ cũng mua sắm cho. Vì thế, tháng nào Syjuco cũng gửi về nhà được 700 USD, số tiền còn lại chị giữ để phòng khi đau ốm, hoặc tiêu xài dịp lễ tết.
Từ đầu năm học này, con gái Syjuco đã hoàn thành bậc tiểu học nên chị rước cả chồng và con sang VN. Hiện gia đình chị đang thuê căn phòng nhỏ ở Q.7, với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Con chị cùng học trường quốc tế với 3 đứa con ông bà chủ. Vì thế, chị rất tiện việc đưa đón.
Khác với chị, cô em kế của Syjuco là Santant đã thay chủ 5 lần. Vì Santant thường được những gia đình người nước ngoài thuê về làm. Mà người nước ngoài chỉ ở VN chừng nửa năm nên những lúc như thế, Santant lại phải đi tìm việc nơi khác. Hiện tại Santant đang giúp việc theo giờ cho một công ty du lịch của ông chủ người Mỹ, đặt văn phòng tại một chung cư cao cấp ở Q.7, lương 7 triệu đồng/tháng. Santant chỉ làm việc mỗi ngày 3 tiếng, vì thế thời gian còn lại chị rất rảnh rỗi. Santant đành phải dán thông báo ở công ty là chị có thể chăm sóc em bé, người cao tuổi, đưa đón con cái họ đi học hoặc làm gia sư theo giờ. Và thật may mắn, Santant đã được vị trưởng phòng trong công ty đó mời về làm gia sư dạy Anh văn cho 2 đứa con. Lúc cần, chị có thể dạy chúng cả vật lý, sinh học, hóa học với mức thù lao 6 triệu đồng/tháng. Santant thấy chưa hài lòng về thu nhập của mình, chị bảo sẽ kiếm thêm việc bán thời gian như chăm sóc em bé, người già…
Dạo một vòng qua khu Phú Mỹ Hưng và những phường lân cận tại Q.7, dễ bắt gặp rất nhiều gia đình đang có người Philippines giúp việc. Không chỉ các gia đình người nước ngoài, Việt kiều chuộng người giúp việc Philippines mà những gia đình khá giả người VN cũng rất ưa thích.
Gia đình ông T.L hiện đang có một người giúp việc mà ông nâng lên hàng “vệ sĩ cao cấp”. Vì không chỉ biết làm việc nhà, nấu ăn ngon, chăm sóc trẻ em kiêm gia sư dạy tiếng Anh mà còn biết sơ cứu, biết cứu hỏa, biết thoát ra khỏi nhà cao tầng trong trường hợp khẩn cấp, biết lái xe hơi. Ông bảo rằng, những người giúp việc đến từ Philippines rất tự giác trong công việc, không bao giờ phải để chủ nhắc. Ngoài ra, họ còn chủ động làm những công việc mà không phải bổn phận của mình.
Còn bà T.H thì đang có cô giúp việc đến từ Philippines mà bà đánh giá là "trên cả tuyệt vời". Đó là Cruytal, 40 tuổi. Cruytal đang sống với chồng và 2 con ở Q.4 nhưng hằng ngày, cô qua Q.7 làm việc cho gia đình bà T.H. Cruytal sạch sẽ, gọn gàng, không chỉ biết chăm em bé mà còn biết chăm sóc người già. Đặc biệt, điều mà bà T.H thích nhất ở Cruytal là không bao giờ... tám chuyện nhà chủ với mọi người. Bà T.H cho biết thêm, 2 đứa con bà một tuần mất 3 buổi đi học tiếng Anh với hơn 1.000 USD/khóa nhưng từ khi có Cruytal thì việc học ở ngoài không cần thiết nữa, đỡ tốn tiền bạc và thời gian. Vì thế, tổng cộng lương và thưởng mỗi tháng Cruytal được 800 USD.
Biên Thảo
Người Philippines ở TP.HCM - (Kỳ 2): “Hát rong” xa xứ
 
06/10/2011 1:29
 
Người Philippines “đổ bộ” vào TP.HCM không chỉ để giúp việc nhà; một bộ phận rất lớn đến đây để làm ca sĩ. Và đây chính là đặc điểm nổi trội của cộng đồng Philippines ở Sài Gòn.
Chàng luật sư điệu nghệ
Trong không gian quán cà phê sân vườn mát rượi, Phillip ôm đàn guitar ngồi trên sân khấu là cái chòi lợp cỏ tranh. Anh đang miên man trong giai điệu bài hát Careless whisper. Đây là yêu cầu của chàng trai dành tặng cô gái đang ngồi đối diện ngay sân khấu. Phillip sở hữu giọng hát ngọt ngào, ấm áp và tiếng đàn guitar mượt mà. Kết thúc bài hát, tiếng vỗ tay triền miên, cho tới khi anh phải nói lời xin phép để tiếp tục yêu cầu khác. Một cô gái tiến về sân khấu, nói nhỏ vào tai Phillip. Phillip nở một nụ cười tươi rói: “Please forgive me của Bryan Adams”. Nói rồi, anh chạm vào sợi dây đàn, lập tức những giai điệu da diết rung lên khiến người nghe không thể phân biệt được đâu là Bryan Adams, đâu là Phillip đang hát. Và cứ thế, chỉ với một cây guitar, Phillip hát hết bài này sang bài khác, càng hát càng say mê, càng ru lòng người.
Sau một tiếng rưỡi phục vụ, Phillip giải lao. Thấy chúng tôi tiến lại, anh đứng dậy kéo ghế bên cạnh ra mời ngồi rồi bảo: “Cám ơn vì đã đến nghe tôi hát”. Chúng tôi hỏi: “Phillip này, chắc hẳn ở Philippines, anh là ca sĩ rất được yêu thích?” Anh cười xua tay: “Ồ không, tôi là luật sư đấy, ở quê nhà, chưa bao giờ tôi hát trước đám đông”. “Ôi trời, vậy sao qua Việt Nam, anh liều thế?”. “Không liều lĩnh đâu, hồi sinh viên, tôi đi học thêm thanh nhạc, còn guitar á, tôi biết đàn từ bé xíu”. Phillip chia sẻ rằng nhà anh có 3 anh em trai, người nào ba mẹ cũng bắt học một môn thể thao, sử dụng được một loại nhạc cụ và thành thạo một ngoại ngữ. Anh đã chọn bóng rổ, guitar và tiếng Pháp. “Mà sao anh không theo nghề luật sư như đã học?”, chúng tôi hỏi. Phillip cười bảo: “Ra trường 4 năm, tôi chẳng xin được vào đâu làm mà độc lập hành nghề thì khó lắm”. Chính vì lý do đó mà Phillip quyết định đến TP.HCM du lịch. Và chính nơi đây đã tạo một bước ngoặt mới trong cuộc đời anh. Chúng tôi hỏi, sao Phillip chỉ hát một mình? Anh bảo rằng cũng có người mời vào ban nhạc nhưng anh thích hát sô-lô hơn. Vì hát chung sẽ mất thời gian tập vũ đạo, chọn bài hát biểu diễn, trang phục... Còn hát riêng thì chủ động mọi thứ. Anh bảo là âm nhạc đã ngấm vào anh từ bé nên giờ cứ thế tuôn ra, anh không phải mất thời gian tập nhiều. Vậy tiền cát-sê thế nào? Đến yêu cầu này thì Phillip xin được giữ bí mật. Anh chỉ có thể nói rằng "nếu không khấm khá thì anh đã bỏ hát lâu rồi", vì thu nhập chủ yếu bằng đi hát, phần còn lại là làm gia sư. Phillip hớp một ngụm nước rồi nói: “Sau gần 2 năm ở TP.HCM, anh đã để dành được khoản tiền kha khá. Noel này anh sẽ mời ba mẹ sang Việt Nam du lịch khắp cả nước rồi về TP.HCM nghe anh hát. Ông bà chắc sẽ ngạc nhiên lắm".
Ngoài Phillip ra, chúng tôi còn gặp những ca sĩ đang hát sô-lô khác như Ray, Gaile, Joan, Red... Họ là những cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, hằng đêm biểu diễn tại các quán cà phê yên tĩnh.

Các nghệ sĩ Philippines đang đắm chìm trong một màn biểu diễn - Ảnh: B.T
Những nhóm nhạc đa năng
Khác hẳn với không gian yên tĩnh tại các quán cà phê với một ca sĩ, một cây đàn, tại các quán bar, những nhóm nhạc đến từ Philippines biểu diễn rất máu lửa. Họ không phải là ngôi sao, cũng chẳng có chút tên tuổi gì trong làng âm nhạc nhưng chỉ cần xem họ biểu diễn một lần, những khán giả khó tính nhất cũng sẽ bị thuyết phục. Họ có chất giọng ngọt ngào và mạnh mẽ, phong cách biểu diễn hồn nhiên, nhộn nhịp, gần gũi và rất ấn tượng, kết hợp với sự điêu luyện trong việc sử dụng các nhạc cụ hiện đại.
Tại một quán bar trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, ban nhạc đồng quê gồm 3 cô gái và 3 chàng trai với trang phục quần lửng, áo thun, giày thể thao trông rất mạnh mẽ, cá tính biểu diễn hằng đêm. Hình như họ biểu diễn không bao giờ biết mệt. Khi người này hát thì người kia xuống chơi nhạc cụ. Cứ thế, luân phiên 6 người, ai cũng hát, ai cũng phải chơi đàn, chơi trống phục vụ khán giả từ tối đến khuya. Còn nhóm nhạc phục vụ tại một bar khác nằm trên đường Lý Tự Trọng, Q.1 (Carmen Bar) thì luôn khiến khán giả chìm đắm trong những giai điệu bi tráng và đầy chất tự sự về tình yêu, cuộc đời của dòng nhạc flamenco. Bằng chất giọng rất riêng và những nhạc cụ độc đáo, ban nhạc ở đây đêm nào cũng đưa khán đến với hình ảnh nàng Carmen với chiếc váy xòe và những bước nhảy điệu nghệ. Những nhạc cụ này do ban nhạc tự chế. Tới khoảng từ 21 - 22 giờ, khán giả và ca sĩ như hòa làm một, cùng hát, cùng nhảy flamenco. Còn 5 thành viên trong nhóm nhạc Saphiare đang chơi tại quán Saigon Sagon Bar (nằm trong khách sạn Caravelle) rất đa năng. Họ có thể hát nhiều loại nhạc khác nhau trong một đêm như pop, rock, jazz, disco, hip-hop... Bar trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1 (khách sạn Legend) lại khá cuốn hút với nhóm nhạc gồm 4 thành viên sẽ đến từng bàn phục vụ và hát theo yêu cầu của khán giả. Nhóm này tự nhận mình là những kẻ “du ca”, hát không phải để kiếm tiền mà hát để được hát.
Các nhóm nhạc Philippines không chỉ hoạt động tại khu vực trung tâm. Tại một quán bar (E7) trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, hằng đêm vẫn rất sôi động với 2 ban nhạc của Philippines, chuyên hát nhạc La-tinh. Tại quán bar trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3 (Cheer Lounge Bar) ban nhạc còn có phần giao lưu với khán giả. Ở đây khán giả sẽ được thử sức với các loại nhạc cụ độc đáo của Philippines và hát bằng tiếng Philippines.
Trên khắp TP.HCM còn rất nhiều tụ điểm ca nhạc, quán bar đang có những nhóm nhạc đến từ Philippines biểu diễn. Khi hỏi những ông chủ về việc tại sao lại có “hiện tượng Philippines” trong thời gian gần đây thì hầu hết họ đều công nhận, các nghệ sĩ đến từ Philippines rất đa tài. Họ vừa là ca sĩ, cũng là một nhạc công tài ba, chơi thành thạo được nhiều loại nhạc cụ. Cho nên, một ban nhạc Philippines chỉ cần sử dụng 3 - 4 người là đủ. Và hơn thế nữa, họ rất khiêm tốn, chỉ nghĩ mình là những người làm công ăn lương nên làm việc nghiêm túc, chăm chỉ và chi phí trả cho họ cũng không cao. Nếu thuê một ban nhạc Việt Nam thì phải cần tới 7-8 người. Vì ca sĩ Việt thường chỉ biết hát, còn nhạc công chỉ có thể đánh đàn, không ai thay thế ai được. Và tiền thù lao cho nhóm nhạc trong nước thường rất cao mà ông chủ bar lại phải quỵ lụy “sao” nếu không sẽ bị xù buổi diễn. Dễ hiểu vì sao những ca sĩ, ban nhạc đến từ Philippines đang là lựa chọn số 1 của các ông chủ bar, nhà hàng và cả khán giả tại TP.HCM.
Biên Thảo
Người Philippines ở TP.HCM - (Kỳ 3): Làm gia sư, chạy xe ôm...
07/10/2011 1:35
 
Để mưu sinh tại VN, những người Philippines không ngại ngần làm bất cứ việc gì.
 
Anakan đang chở khách - Ảnh: Y.T
Vợ giúp việc nhà, chồng chạy xe ôm
 
Anakan (47 tuổi) ở TP.HCM gần 2 năm nay với công việc chính là chạy xe ôm và đưa đón con của chủ nhà đi học, nơi vợ anh đang giúp việc. Ngoài ra, khách của Anakan còn là những người làm trong công ty của vợ chồng chủ nhà nữa. Nhìn sơ qua, không ai biết Anankan là người nước ngoài. Dáng người thấp, gầy, nhìn thật kỹ mới thấy sống mũi cao hơn và cặp mắt sâu hơn người Việt bình thường. Nhưng điều khác biệt là Anakan không bao giờ chở những người khách lạ, đơn giản vì anh không thạo đường TP.HCM cũng như không biết tiếng Việt nên chẳng biết nói giá cả thế nào.
Những người Philippines ở TP.HCM không sống thành cộng đồng như nhiều người châu Á khác. Họ sống rải rác khắp các quận, nhưng vào sáng chủ nhật thường quy tụ tại Q.7, Q.2 để chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và kinh nghiệm cuộc sống xa xứ. Hầu hết các lao động nhập cảnh VN bằng đường du lịch, khi hết hạn visa họ xuất cảnh qua Campuchia vài ngày rồi lại nhập cảnh về TP.HCM để tiếp tục sinh sống và làm việc.
Một ngày, Anakan phải dậy thật sớm, chạy từ Q.4 qua nhà vợ làm thuê ở Q.7 đón hai con của chủ đưa đến trường. Hôm nào hai đứa trẻ không chịu ăn sáng ở nhà, anh phải dẫn chúng đi ăn. Anakan kể vợ chồng anh có con gái 20 tuổi đang học đại học ở Philippines và ở ký túc xá, nghỉ hè cô về ở với ông bà ngoại. Vì thế, cả vợ chồng qua VN làm việc, mỗi tháng để dành được khoảng 7 triệu đồng gửi cho con. Để hòa đồng với những người chạy xe ôm, Anakan cũng sắm vài bộ quần áo xanh, chạy xe có biển kiểm soát 52… và có cả giấy phép lái xe hẳn hoi.
Ở khu vực Q.7, chúng tôi gặp khá nhiều trường hợp giống Anakan. Hầu hết những phụ nữ Philippines tới TP.HCM giúp việc nhà đã có chồng con. Vì thế, làm việc một thời gian họ đưa cả chồng, con sang tìm việc, học tập. Với họ, TP.HCM là một “miền đất hứa”, phù hợp để kiếm tiền và sinh sống. Ba vợ chồng chị em nhà cô giúp việc tên Syjuco (Thanh Niên đã thông tin) là một điển hình. Khi Syjuco có một công việc ổn định với thu nhập khá cao thì người chồng của cô đang phục vụ tại một quán ăn, kiêm phiên dịch với tiền lương 3,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền boa của khách. Eduardo, chồng Syjuco, bảo rằng trong khi chờ đợi một công việc phù hợp, anh tranh thủ làm phục vụ để phụ vợ đóng tiền nhà. Ở Philippines, anh là thợ sửa máy vi tính, làm trong “bệnh viện máy tính” của người bạn. Qua VN, anh cũng tính mở tiệm sửa máy tính nhưng chưa hiểu thị trường cũng như không biết làm ở địa bàn nào thì phù hợp nên chưa tiến hành. Anh bảo sau dịp Tết Nguyên đán ở VN, vợ chồng anh về Philippines thăm gia đình rồi sẽ quay lại TP.HCM tiến hành các dự định.
Còn Estreuta, chồng của Santant - em kế Syjuco - cũng đang làm chân chạy xe ôm ngay dưới cổng tòa nhà nơi cô đang làm việc. Chồng cô em út của Syjuco thì khá may mắn. Ngày đi chuyến bay để đến TP.HCM, anh ngồi cùng một giám đốc công ty du lịch có trụ sở tại Q.3, TP.HCM. Sau khi trò chuyện, ông này ngỏ ý mời anh làm hướng dẫn viên cho công ty. Bây giờ tháng nào anh cũng dẫn khách nước ngoài đi tham quan Đà Nẵng, Hội An, Sa Pa, thậm chí qua Campuchia, Thái Lan, Singapore… Nhờ vậy, mỗi tháng thu nhập của anh có thể lên đến cả ngàn USD.
Dè sẻn nơi đất khách
Chúng tôi gặp nhóm Corpuz (27 tuổi) khi họ đang đi chợ Bến Thành. Corpuz và 4 người bạn đến TP.HCM đã 2 năm nay. Họ cũng được đào tạo qua lớp giúp việc nhà nhưng thấy các cô còn quá trẻ so với những người đi cùng nên các gia đình có vẻ ái ngại, không muốn nhận. Cả 5 người thất vọng, rủ nhau hồi hương. Khi họ đến Saigon Square (đường Tôn Đức Thắng, Q.1) mua ít đồ để về nước thì thấy có 3 quầy hàng đăng thông báo tuyển dụng nhân viên. Cả 5 người đánh liều hỏi… xin việc. Sau khi thử việc, 3 người được nhận vào làm với lương 5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền hoa hồng. Thấy vậy, 2 cô chưa có việc quyết định ở lại tìm cơ hội và cuối cùng họ cũng được nhận vào bán hàng tại Saigon Square. Bây giờ, mỗi tuần họ được nghỉ một buổi vào chiều thứ năm nên tranh thủ đi chợ Bến Thành vừa tham quan, vừa mua ít đặc sản chuẩn bị đón thêm những người bạn đồng hương sắp qua du lịch.
Với 5 triệu đồng mỗi tháng ở TP.HCM thì các cô chi tiêu thế nào? Corpuz nói: “Chúng tôi tiết kiệm lắm nhé. Hiện tại 5 người thuê chung một phòng gần trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, giá 3 triệu đồng/tháng, đã bao điện nước. Chúng tôi bảo với ông bà chủ nhà là… sinh viên đi học cao học nên họ mới cho 5 đứa ở chung một phòng. Mỗi tháng một đứa bỏ ra 600.000 đồng tiền nhà, 400.000 đồng ăn uống, chi tiêu, vị chi mất chỉ có 1 triệu đồng/tháng thôi”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, 5 cô gái đấm nhau cười, rồi Corpuz nói tiếp: “Có tháng chỉ mất 200.000 đồng tiền ăn uống, chi tiêu thôi, vì chủ cửa hàng đã bao 3 bữa ăn, thậm chí ăn nhẹ giữa hai buổi làm việc họ cũng bao luôn”. Chúng tôi hỏi vậy thì tiền để đâu cho hết, Corpuz thật thà bảo là “để dành… cưới chồng”. Cô và những người bạn mong muốn có chồng VN để có thể ở lại TP.HCM làm việc và sinh sống lâu dài.
Còn cô gia sư Regina (29 tuổi) đang dạy Anh văn cho con của một chủ nhà hàng lớn trên đường Cao Thắng, Q.3 với giá 6 triệu đồng/tháng. Regina tốt nghiệp cao đẳng tại Philippines, mục đích của cô sang VN là muốn tìm một trung tâm Anh ngữ nào đó để cộng tác nhưng việc tuyển dụng gắt gao nên cô sợ mình không vượt qua được, vì thế cô chấp nhận đi làm gia sư vào các tối hai, tư, sáu. Riêng ba, năm, bảy đang trống nên cô tiếp tục tìm lớp dạy để kiếm thêm thu nhập.
Biên Thảo
Người Philippines ở TP.HCM - Kỳ 4: Một cộng đồng đoàn kết
08/10/2011 1:01
Vào một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi có mặt tại nhà thờ ở Q.2, TP.HCM, nơi cộng đồng người Philippines thường đến tham dự thánh lễ và sinh hoạt.
 
 
Sau thánh lễ, mọi người quây quần quanh khuôn viên nhà thờ để chia sẻ với nhau cuộc sống xa quê hương. Khoảng hơn 100 người, không phân biệt giàu nghèo, doanh nhân hay người lao động, họ hòa đồng, lắng nghe và chia sẻ với nhau những khó khăn, thuận lợi khi làm việc và sinh sống trên đất khách. Qua cuộc nói chuyện, có thể thấy người Philippines sống rất biết tương trợ nhau. Bằng chứng là những người đến TP.HCM trước sẽ hướng dẫn người đến sau, ai chưa có chỗ ở thì họ sẵn sàng đưa về ở cùng cho đến khi tìm được việc, có lương để đi thuê nhà.
Người Philippines sang VN bán quần áo - Ảnh: B.T
 
Hầu hết mọi người lao động chân tay đều chia sẻ rằng, cuộc sống của họ hơi bất an vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị trục xuất. Nếu phải về nước thì họ rất tiếc, vì cuộc sống ở TP.HCM cho họ nhiều thứ. Một người đàn ông cao lớn, tướng bệ vệ, ông giới thiệu là đang làm chuyên gia cho một công ty trong KCN VN-Singapore (Bình Dương) đứng dậy nhắc nhở mọi người rằng, hãy sống đúng luật pháp VN và thể hiện là người Philippines có văn hóa. Một phụ nữ trung niên nhìn rất sang trọng, bà giới thiệu là một doanh nhân đã làm việc ở TP.HCM gần 5 năm đứng dậy phát biểu là cũng đang rất trăn trở khi phần lớn người Philippines đang sống và làm việc tại TP.HCM là những lao động chưa hợp pháp. Vì theo bà biết, luật pháp VN chỉ cấp giấy phép lao động và thẻ cư trú dài hạn cho những chuyên gia, doanh nhân... Cho nên một bộ phận lớn người Philippines đang phải sống một cách “đối phó”. Bà doanh nhân vừa dứt lời thì một phụ nữ luống tuổi, nói chậm rãi, tán thành ý kiến trên và bà còn bảo rằng, vì sống “đối phó” cho nên khi gặp phải chuyện gì cũng không dám lên tiếng.
Theo Nghị định 34 của Chính phủ (34/2008/NĐ-CP) và Nghị định 46 (46/2011/NĐ-CP) thì hiện nay, những người nước ngoài giúp việc nhà hay lao động phổ thông không được cấp giấy phép lao động. Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, dù nhu cầu cần người giúp việc cao cấp là có thực nhưng chỉ rơi vào một bộ phận nhỏ là các gia đình nước ngoài, Việt kiều chứ không phải nhu cầu chung. Còn các gia đình VN, chắc chắn rất hiếm nhà nào chịu bỏ ra một số tiền gần cả ngàn USD để thuê người giúp việc. Cho nên việc kiến nghị để cấp giấy phép lao động cho dạng này là chưa cần thiết.
Nhưng một ý kiến khác lại cho rằng, nên học tập các nước bạn, cấp giấy chứng nhận chuyên gia cho lao động dựa vào mức lương họ hưởng. Ví dụ, quy định một người được hưởng lương 20 triệu đồng/tháng trở lên họ nghiễm nhiên có giấy phép lao động và phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Làm như thế, vừa tạo điều kiện cho lao động nước bạn hòa nhập một cách hợp pháp vào cuộc sống mới, vừa là sự công bằng trong việc cùng hưởng lợi và cùng đóng thuế. Ngoài ra, với đà phát triển mọi mặt như ở TP.HCM, thiết nghĩ người giúp việc cao cấp, được đào tạo bài bản đang là một nhu cầu có thực, không chỉ với các gia đình nước ngoài hay Việt kiều mà cả gia đình VN.
Phường Tân Phong, Tân Phú, Tân Hưng, Q.7 là nơi có nhiều người nước ngoài đang cư trú, trong đó có một bộ phận người Philippines. Theo các cán bộ tiếp nhận hồ sơ lưu trú thì những người nước ngoài đến đăng ký tạm trú rất nghiêm túc và thường ở các diện như doanh nhân, giáo viên, thăm thân, du lịch... chứ không ai khai báo giúp việc nhà hay làm các nghề khác.
Người Philippines gây án
Tuy nhiên, không phải người Philippines nào qua VN cũng sống và lao động chân chính như những trường hợp trên, có một bộ phận ẩn náu ở TP.HCM để làm chuyện phi pháp. Bộ phận này thường là những đối tượng đến VN để "đánh nhanh rút gọn". Bằng chứng là gần đây, Công an TP.HCM bắt được nhiều nhóm người Philippines, cả nam lẫn nữ chuyên gạ gẫm khách nước ngoài chơi bài bịp để lừa lấy tiền. Thủ đoạn của nhóm này là vào VN bằng con đường du lịch, sau đó thuê nhà ở xa trung tâm Q.1 để đưa con mồi về “xẻ thịt”. Họ chỉ lưu trú 1 - 2 tháng để gây án kiếm tiền, rồi về nước...
Một trong số đối tượng bị bắt khai nhận, kể từ ngày vào Việt Nam gây án (2008-2009) đã lừa lấy được hơn 20.000 USD. Và với thủ đoạn tương tự, bọn chúng còn đến các nước Campuchia, Thái Lan gây án. Liên quan đến băng nhóm tội phạm này, có ít nhất là 8 người bị bắt.
Ngoài ra, một số người Philippines còn tới TP.HCM để tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do người gốc châu Phi điều khiển. (Đàm Huy)
Biên Thảo
In October 2010, there are around 3,500 to 4,000 Filipinos in Vietnam, the bulk of which are in Ho Chi Minh.Huy

No comments:

Post a Comment