Phong bì - các góc nhìn
Tôi ra đường, đường kẹt xe lắm, đông đúc quá, không thể nào đi đúng làn được, cũng tại nhiều cái phân làn đường còn vô lý (ví dụ đoạn đường 3/2 từ Cao Thắng về đến LHP (HCM) có 1 làn xe hơi thôi, trong khi đó làn xe máy thì to mà không có nhiều xe máy trong khi xe hơi thì xếp hàng dài chờ). Nhiều khi biết mà vẫn vi phạm luật giao thông vì không thể khác được.
Rất nhiều khi không bị phạt, cũng thỉnh thoảng bị phạt, bị phạt thì sao? Là một người đàng hoàng, chính trực thì nộp phạt, cầm giấy phạt, sau đó đến nơi hẹn, xếp hàng chờ lấy giấy, sau đó xếp hàng chờ đóng tiền ở kho bạc, lấy được cái phiếu về lại chờ để lấy giấy tờ xe… mà cái sự chờ sao nó nhiêu khê! Vì mình có lỗi mà cho nên có được đối xử đàng hoàng đâu?
Lại cái văn hóa chen lấn vốn chưa được chuyển thành cái văn hóa xếp hàng ở VN khiến tôi bực mình quá! Mất hết một ngày trải nghiệm, hãi hùng! Cho nên từ đó trở về sau tôi làm cách khác, cách làm sao để không phải đi đóng phạt nếu như cái chẳng đặng đừng ấy bị bắt gặp bởi “ai kia”. Vấn đề phát sinh ở đây!
Tôi biết cũng rất nhiều người như tôi, muốn được việc của mình cho nên nghĩ cách này cách kia cho nhanh cho mình – phong bì là một cách trong nhiều cách mà người ta nghĩ ra để giúp mình đạt mục tiêu nhanh. Nhiều người đưa phong bì quá! Tại vì mặc nhiên nó thế rồi, tại vì ai cũng muốn được việc của mình. Người nghèo, người giàu ai cũng thế người ta nếu có thể dùng tiền để giúp cho cuộc sống của mình tiện nghi hơn, thoải mái hơn thì thường thì người ta làm ngay (tất nhiên là theo bản năng nhé!).
Người không có tiền không thể đổ lỗi cho việc là vì tôi không có tiền đưa cho “ai kia” thì tôi phải mất một ngày chờ đợi? Một ngày chờ đợi là nguyên tắc, là quy trình rồi! Đó là công bằng mặc nhiên rồi! – đừng trách, đừng than giống như ai kia vào bệnh viện, đông quá, vì bệnh viện nào mà không quá tải đâu?
Những bệnh viện cao cấp bây giờ cũng phải chờ dài dài – người giàu cũng chờ - chờ là tất yếu! Đó là nguyên tắc rồi. Một bác sĩ khám một bệnh nhân 5 phút 1 tiếng khám được 12 người thì cả buổi sáng BS ấy khám chỉ được 48 người thôi, trong khi chúng ta đến bốc số là người thứ 60. Ngồi từ sáng đến chiều mới được khám 5 phút là điều tất nhiên thôi! Than gì? – trong khi đó BS có người quen, có này khác…thì có thể cuối giờ chiều chúng ta mới được khám (!) nên than chỗ này! than đúng vào chỗ này thì mình sẽ bớt cảm thấy bất công hơn. Than về những thứ khác (nếu có) cũng nên nhìn theo cách này!
Người đưa phải có người nhận chứ đúng không? – Nói về người nhận, mới đầu anh không muốn nhận vì anh có tự trọng, vì anh thực hiện đúng chức trách của mình. Nhưng người ta đưa anh hoài, anh cũng phải có “trách nhiệm” khác nữa, nên anh nhận vì anh biết rằng nếu anh không nhận thì cuộc sống này cũng không tốt đẹp hơn, xe vẫn kẹt và không ai có thể đi đúng tuyến được. Quá tải mà! Hơn nữa có mấy ai biết được công việc của anh cực khổ đến như thế nào không? Bụi, nắng, rủi ro…và thế là anh nhận! nhận nhiều lần rồi quen! Quen quá rồi các anh cho phép các anh được nhận những thứ đúng ra không thuộc về các anh! Nhận một cái phong bì là anh đã làm sai trách nhiệm của bản thân mình, là một lần anh không hoàn thành nhiệm vụ, là một lần cái tự trọng của anh mất đi, cái chữ công bằng trong anh không có! Thế là anh trở thành người khác vì những thói quen đó! Thương cho anh!
Người ta năn nỉ, đưa tiền cho anh vì cái vị trí của anh, chứ không phải bản thân anh. Thế mà anh cứ nhầm. Anh nghiện nhầm nó mãi rồi anh cho mình là người quan trọng, anh có quyền xỉ vả người khác, la mắng, thậm chí đánh người ta vì anh nghĩ là anh đang có quyền đó!
– Có một lần tôi đang lái xe trên đường ĐBP (góc Phạm Ngọc Thạch) đi làn xe hơi bên ngoài, xe tải bên trong cao quá nên tôi không nhìn thấy đèn đỏ, chỉ nhìn thấy hướng PNT đang dừng thì tôi đi, nhưng khi vừa qua khỏi vạch sơn trắng thì tôi thấy bên PNT đi, nên tôi dừng lại! Nhưng muộn rồi! qua vạch sơn trắng hơn 1m. Bên trong lề đường một CSGT còn trẻ hùng hổ bước ra, đập cái dùi cui lên xe tôi vài cái chỉ vào mặt tôi quát: “Đi như vậy hả? Giấy tờ đâu? Giấy tờ đâu?” – Vẫn nóng như thế, đến bên chỗ tôi, tôi quay kính xe xuống! Tôi nói: “Em đừng to tiếng! vì tôi không đáng phải bị em quát!” “To tiếng to tiếng gì? Giấy tờ đâu?” – vẫn thế! tôi nghiêm mặt, giọng bình thường: "Anh nói em không có quyền to tiếng với anh! Anh sai, anh sẽ bị phạt!” – sau đó, gặp cậu ta thì cậu ta “em xin lỗi, vì nãy nóng tính quá, trời nóng nữa!” – ngạc nhiên chưa? – “Không phạt anh à?” - Tôi hỏi. Cậu ta nói: “Không, anh đi lần sau lái xe cẩn thận!”.
Tóm lại:
Người đưa phong bì:
Nhìn nhận thực tế là đi đâu người ta cũng tìm cách cho được việc của mình, như bệnh viện, công chứng, hải quan, cho con đi học,… đó là cách sống vì chính bản thân mình. Đó là lỗi của người đưa! – Chủ nghĩa cá nhân, không tôn trọng sự công bằng và pháp luật! - cũng nhiều khi thấy thương, thấy tội quá, bồi dưỡng chút để cảm ơn! – Nếu vì người ta, không nghĩ đến lợi ích bản thân mình thì có thể chấp nhận được. Nhưng nên vào cái chung, toàn cục, mình dạy cho người ta hư, mình có lỗi lắm đấy!
Người nhận phong bì:
Cuộc sống này vốn không công bằng, một con én không làm nên mùa xuân? – Cuộc đời có bao lâu, vài lần thôi… xem như mình đã già? – nên chúng ta nhận? tùy anh! Nhưng nếu vì cái phong bì mà anh mất công bằng, mất tự trọng thì nên không? – Nếu vì phong bì mà anh không hoàn thành trách nhiệm thì anh có xứng đáng được khoác cái áo đó, ngồi cái ghế đó không? Anh có nghĩ rằng nhận nhiều quá sẽ thành thói quen, thói quen sẽ biến nó thành tính cách, và số phận của mình nó bị quyết định bằng những điều nhỏ nhặt ấy! – anh dạy con anh như thế nào? Anh nói gì về công bằng, tự trọng hay trách nhiệm? con anh chúng có ổn không? Đời mình chết (không thể nói là hi sinh) đã đành – Nhưng củng cố đời con khi thiếu hụt những nền tảng cơ bản của một người thành công đó sao được?
Những người có trách nhiệm xây dựng môi trường: tất nhiên chuyện này khó vì nước mình nghèo, nhìn thấy bệnh viện đường xá thôi là cũng thấy mệt rồi! Không thể thay đổi được môi trường thì không thể thay đổi được những con người sống trong môi trường đó, nếu có thì chỉ có những ngoại lệ thôi! – Bộ trưởng Đinh La Thăng là một ngoại lệ nhưng ông có thoát ra được hết những rào cản hữu hình và vô hình để làm cái khác biệt đặc biệt mà người ta gọi là đột phá không? Khó! Nhưng cũng cần phải có và cố! – Hãy có trách nhiệm, tự trọng và công bằng! Chỉ mong thế!
Minh Nho
No comments:
Post a Comment