Cơm ký ở Sài Gòn
Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-06-11
Trong bối cảnh vật giá tăng cao, bữa ăn hàng ngày của nhiều người trong xã hội đang xuống cấp. Bên cạnh những tô phở bò kobe có giá gần 1 triệu đồng, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những bịch cơm vài ngàn.
Khuất trong vẻ nhộn nhịp của một đô thị lớn nhất nước, câu chuyện xoay quanh những quán cơm ký đẫm tình người cần được nhắc tới.
Trong điều kiện giá thực phẩm ngoài chợ tăng từng ngày thì một phần cơm bụi, có 3 món: mặn, xào và canh; tối thiểu cũng hết vài chục ngàn đồng. Nhưng trước tình trạng kinh tế khó khăn hơn như hiện nay, cơm bụi có vẻ không còn là giải pháp tình thế qua ngày. Giới lao động bình dân đã tìm đến những quán cơm loại khác. Không giống với loại đựng trong hộp gọi là cơm hộp, hay cơm bụi tức hàng ăn dọc các vỉa hè. Cơm ký là loại cơm được người bán cho vào bịch nylon, đặt lên cân tính theo ký giao cho khách, không kèm theo thức ăn.
Trong điều kiện giá thực phẩm ngoài chợ tăng từng ngày thì một phần cơm bụi, có 3 món: mặn, xào và canh; tối thiểu cũng hết vài chục ngàn đồng. Nhưng trước tình trạng kinh tế khó khăn hơn như hiện nay, cơm bụi có vẻ không còn là giải pháp tình thế qua ngày. Giới lao động bình dân đã tìm đến những quán cơm loại khác. Không giống với loại đựng trong hộp gọi là cơm hộp, hay cơm bụi tức hàng ăn dọc các vỉa hè. Cơm ký là loại cơm được người bán cho vào bịch nylon, đặt lên cân tính theo ký giao cho khách, không kèm theo thức ăn.
Tương truyền, ông Thọ là người khai trương loại quán cơm này. Ông Thọ nấu cơm ở nhà, bỏ vào rổ bưng ra ga Hòa Hưng bán cho những người khách lỡ đường hay chờ tàu. Lâu dần dưới áp lực của khủng hoảng kinh tế, nhiều quán cơm ký xuất hiện. Đa phần những quán cơm ký chỉ gồm mấy bình ga đặt nơi góc phố, dăm cái nồi đựng cơm, dưới cây dù phất phơ mưa nắng. Khách hàng ở đây bổ sung những khuôn mặt mới. Hiện nay, ngoài sinh viên và giới lao động bình dân, bộ phận làm việc văn phòng cũng tìm đến. Chúng tôi có hỏi thăm một nhân viên văn phòng là khách hàng của quán cơm ký, thì được cho biết về lý do mua cơm ký và giá cả như sau:
"Khách hàng chị ấy bán cũng đa dạng lắm. Văn phòng cũng có, rồi những người dân lao động… người ta lại mua rất là nhiều. Cái này do người ta đi làm, thay vì mang cơm theo thì nó nguội. Cơm chị ấy bán như vậy, giá cũng bình dân cho nên người ta ghé mua ăn cho tiện, khỏi phải nấu. Chị ấy bán cỡ 10 năm rồi.
Cái này cũng tương đối đó, giá này là chấp nhận được. Tại vì thường người ta mua khẩu phần có thể là khoảng từ 3 – 5 ngàn là một người ăn đủ rồi. Nếu là phụ nữ thì ăn khoảng 3 ngàn là đủ; còn nam thì nhiều khi là dân lao động thì mua 5 ngàn."
Khách hàng chị ấy bán cũng đa dạng lắm. Văn phòng cũng có, rồi những người dân lao động… người ta lại mua rất là nhiều.
Một NV văn phòng
Đa phần khách hàng các quán cơm này là dân lao động nghèo, ghé vào các quán cơm ký với những đôi chân cất bước mệt nhoài. Không chỉ là cư dân thường trú đô thị, họ còn là những người đến từ nhiều vùng trong cả nước. Họ có một điểm chung là nghèo và những ánh mắt hắt hiu. Giữa những bề bộn công việc, bà Nguyễn Thanh Nga, một chủ quán cơm ký đã trả lời cho chúng tôi biết về các khách hàng của mình:
"Đa phần là những người nhập cư vô, chẳng hạn như Quảng Ngãi, ngoài Bắc. Người ta khổ, vào đây bán vé số, bán nhóm gánh… Rồi những người già đơn chiếc. Tóm tắt là lao động bình thường. Chứ còn nhà giàu thì người ta dư sức nấu ăn rồi, đâu có cần tới cơm ký của mình đâu.
Chỉ có những người đi thuê nhà, thuê cái phòng bé quá nên chủ nhà không cho nấu, tại vì nó ưa cháy nổ tùm lum. Giờ đi ăn cơm tiệm thì nó mắc quá, không có tiền. Nên người ta đi mua cơm ký, ăn cho tiện. Chẳng hạn sinh viên cũng vậy, hai ba đứa ở cái phòng bé tý xíu, chỗ đâu mà nấu. Cơm tiệm 30 – 40 ngàn/bữa, lấy gì tiền đâu đi học.
Chỉ có những người đi thuê nhà, thuê cái phòng bé quá nên chủ nhà không cho nấu, tại vì nó ưa cháy nổ tùm lum. Giờ đi ăn cơm tiệm thì nó mắc quá, không có tiền. Nên người ta đi mua cơm ký, ăn cho tiện. Chẳng hạn sinh viên cũng vậy, hai ba đứa ở cái phòng bé tý xíu, chỗ đâu mà nấu. Cơm tiệm 30 – 40 ngàn/bữa, lấy gì tiền đâu đi học.
Mua chừng 5 ngàn cơm ký thôi, mua thêm chừng vài ngàn đồ ăn nữa, hoặc là trứng chiên trứng luộc. Cũng xong một bữa. Ăn để mà sống qua ngày thôi, chứ người ta đâu có tiền."
Ba ngàn đồng tương đương một ly trà đá ở Sài Gòn. Trong cảnh mưu sinh ngày thêm chật vật, yêu cầu gạo thơm thịt tốt trở nên xa vời. Giới lao động bình dân đang cầm cự trong thời bão giá, để vươn tới một ngày mai tươi sáng hơn. Người dân luôn phải cân nhắc lại việc tiêu dùng. Sau khi các khoản chi phí cho mua sắm, giải trí bị cắt xén, đến lượt số tiền bỏ ra cho bữa ăn hàng ngày cũng co lại. Nhận xét về quán cơm ký, một khách hàng có ý kiến rằng:
"Bán cả ngày, ở đó chỉ toàn là bán cơm không thôi, còn đồ ăn thì tự người ta mua chỗ khác. Tôi có mua, cơm của chị ấy nấu thì cũng được.Có 2 loại, cơm thường 8 ngàn, cơm ngon là 10 ngàn. Cơm ngon thì cái gạo của nó mềm hơn cơm kia một chút.
Hồi xưa thì cũng ít, nhưng mà bây giờ thì nhiều rồi. Ở quanh chỗ khu thì cũng có hai, ba quán cơm mở như vậy. Khoảng nửa ký cơm thì ăn được một người. Với cái giá này thì thành phần dân lao động ăn cũng không đến nỗi khó khăn lắm."
Người nghèo giúp nhau
Khách hàng đa dạng của các tiệm bán cơm ký. Photo courtesy of dunghangviet.com
Trong lúc tiền thuê mặt bằng và thực phẩm đều tăng, giá cơm bụi cũng đến vài chục ngàn một suất. Kiếm bữa cơm no lòng là đỏ con mắt. Khách nghèo, các chủ quán bán cơm ký cũng nghèo. Nhân công làm việc là vợ chồng con cái trong nhà, phụ vào lấy công làm lời.
Giữa một thành phố lớn nhất nước, xem ra chuyện đi lượm bạc cắc từ nghề bán cơm cân ký quả là khó làm giàu. Mỗi ngày, người chủ quán cơm ký thức dậy từ 3 – 4 giờ sáng, bán đến 1 giờ trưa mới nghỉ. Chiều lại ra bán tiếp, trời sập tối, hết cơm mới dọn quán. Để lý giải cho công việc theo đuổi hơn chục năm ròng, đơn giản không chỉ là lợi nhuận, chúng tôi được bà Nga cho biết:
"Tùy theo người, thí dụ như một mình anh ăn thì mua 2 ngàn. Hai người ăn thì 5 ngàn, tùy theo người ta ăn khỏe hay ăn yếu. Chứ còn tôi không bắt buộc người ta phải mua 1 ký, chẳng hạn như người ta mua 2 ngàn cũng có. Mình đâu có bắt người ta mua nhiều được. Coi như mình làm phước thì mình có phước. Mỗi người một chút, mình làm giúp cho người nghèo được cái gì thì giúp thôi."
Coi như mình làm phước thì mình có phước. Mỗi người một chút, mình làm giúp cho người nghèo được cái gì thì giúp thôi.
Bà Nga bán cơm
Giữa những chung cư cũ kỹ, góc phố quanh co đặc trưng Sài Gòn, xem ra các quán cơm ký ngày càng đông khách. Người bán hàng cơm, lợi nhuận chủ yếu dựa vào thức ăn. Các quán chỉ bán cơm không này, kiếm được đồng lời càng khó. Sài Gòn thì vẫn nhộn nhịp và muôn màu.
Tình người bên quán cơm ký vẫn sáng lên đâu đó giữa chợ đời phố thị. Tinh thần nhân bản trong xã hội có lẽ sẽ lớn dậy là nhờ những cảm thông và chia sẻ bình dị như vậy.
Trong bối cảnh người lao động còn đang vất vả với miếng ăn vài ngàn đồng, khó mà không chạnh lòng khi hàng đống tiền tỷ khác bị tiêu xài một cách vô tội vạ. Tiến trình đưa các thủ phạm hủ bại ra ánh sáng công lý cũng ngang bằng với nhịp độ cải thiện chất lượng cuộc sống của tầng lớp bình dân.
No comments:
Post a Comment