Khi đàn tranh của Tầu thắng giải
Thứ hai, ngày 18 tháng sáu năm 2012
TT - Tại một liên hoan nhạc cụ “tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, phát huy tinh hoa âm nhạc của dân tộc”, ban tổ chức đã trao giải cho một tiết mục dùng đàn tranh xuất xứ từ...bên Tầu.
Tiết mục độc tấu đàn tranh của nghệ sĩ Bùi Thị Phương Nhung - Ảnh: Trọng Bình
Ðó là Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I - 2012. 380 diễn viên, nhạc công của 19 đơn vị nghệ thuật (gồm nhạc viện, đoàn nghệ thuật, trường văn hóa nghệ thuật, nhà hát...) từ nhiều miền trong cả nước đã tham gia liên hoan (do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TTDL, Hội Nhạc sĩ VN và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức từ ngày 5 đến 10-6).
Trong số khoảng 100 tiết mục biểu diễn (gồm các thể loại độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tuyệt, hòa tấu...), ban tổ chức đã chọn trao 18 huy chương vàng, 17 huy chương bạc và nhiều giải khác. Trong đó, nghệ sĩ Bùi Thị Phương Nhung đến từ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Hà Nội đoạt giải nghệ sĩ biểu diễn và trình diễn đàn tranh hiệu quả với tiết mục độc tấu đàn tranh tại đêm bế mạc.
Tuy nhiên, từ bức ảnh chụp lại phần trình diễn của nghệ sĩ Phương Nhung, nhiều người đã nhận ra đây là loại đàn tranh của Tầu chứ không phải đàn tranh của Việt Nam.
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xoay quanh vấn đề này từ những người trong nghề:
* Giáo sư TRẦN VĂN KHÊ:
Sơ suất của ban tổ chức
Nhìn qua tấm ảnh, ai cũng dễ dàng nhận ra đây là loại đàn tranh mới của Tầu. Ðàn tranh của người Việt thường chỉ có kích thước khoảng 1m hoặc 1,1m là tối đa, đó là loại đàn tranh mà nghệ sĩ Vĩnh Bảo vẫn thường biểu diễn. Còn đàn tranh của Tầu dài hơn, có thể đến 1,4m. Ðây là loại đàn mới, còn đàn tranh của Tầu xưa cũng nhỏ, không to và dài đến thế.
Cùng là một loại đàn nhưng ở mỗi quốc gia, tùy theo văn hóa lại có những sáng tạo khác nhau. Ví dụ như chiếc đờn cò của Việt Nam và của Tầu cũng vậy. Nếu như đờn Việt Nam có ống hình tròn thì đờn của Tầu lại có hình bát giác, âm thanh phát ra cũng to hơn, nên các nghệ sĩ Việt khi trình diễn thường chọn loại đờn của Tầu. Nếu nghệ sĩ biểu diễn chơi thì không sao, như nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh vẫn có khi sử dụng loại đàn tranh của Tầu để biểu diễn...
Thật ra nếu xét về mặt chuyên môn, chỉ cần nghệ sĩ đàn hay thì đàn của Việt Nam hay của Tầu đều không phải là vấn đề, nhưng đặt trong bối cảnh một liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, lại chọn trao giải thì tôi cho rằng đó là sơ suất của ban tổ chức, làm mất đi ý nghĩa, giá trị của chương trình.
* Nhà nghiên cứu âm nhạc ÐẶNG HOÀNH LOAN:
Việc dùng đàn của Tầu đã thành thói quen
Tôi nghĩ cây đàn không có tội. Vì người ta đã dùng đàn nhị, tam thập lục cải tiến của Tầu từ rất lâu rồi. Vấn đề là người nghệ sĩ có đánh ra đúng ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hay không. Tầu có những cải tiến mạnh về mặt nhạc cụ cổ truyền và phẩm chất nhạc cụ của họ tốt hơn Việt Nam. Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam rồi các nhà hát cũng nhập về rất nhiều nhạc cụ này. Ðây là cuộc thi vừa có tính truyền thống, vừa có tính sáng tạo cho nên theo tôi không có vấn đề gì cả.
Nó chỉ có vấn đề trừ khi người ta bảo đó là đàn truyền thống Việt Nam hoặc họ đưa vào nhã nhạc để trình diễn. Ở Việt Nam, từ lâu chúng ta đã không chỉ sử dụng nhạc cụ cải tiến của Tầu mà bắt chước cả cách đánh của họ. Ðàn nhị là một minh chứng điển hình. Việt Nam có đàn nhị kẹp giữa hai chân nhưng sau này bắt chước của Tầu lại đặt lên đùi và cách thức chơi đàn cũng bắt chước luôn.
Lối chơi đàn nhị của người Việt từng được các chuyên gia của Tầu khen là độc đáo thì giờ chúng ta cũng bỏ để bắt chước họ.
Khó có thể phê phán hay trách móc gì được khi sân khấu của liên hoan hay các sân khấu biểu diễn nói chung không còn nhạc cổ truyền nữa. Thay vào đó là nhạc cải biên, nhạc sáng tác từ chất liệu cổ truyền. “Nhờ” sự cải biên đó mà chúng ta làm mất sân khấu cổ. Giờ việc sử dụng đàn của Tầu, chơi những tác phẩm cải biên đã thành thói quen mất rồi. Những nghệ sĩ tốt nghiệp trường nhạc, về các đoàn học thêm chút chèo, tuồng, cổ nhạc thì họ thích nhạc cụ của Tầu và chơi rất sành nhạc cải tiến. Hơn nữa, liên hoan là cuộc chơi của các nhà hát với nhau, ở đó vốn đã chẳng tồn tại cái gọi là nhạc cụ truyền thống hay âm nhạc truyền thống thuần chất nữa.
Ghi chú: Nói như bác này thì nghệ sĩ trình diễn nhạc cổ truyền có thể mặc quần Jean hay áo tắm lên trình diễn vì y phục không làm thay đổi âm thanh. Điều mà y phục hay nhạc cụ thay đổi là cảm quan của người tham dự. Cái hồn Việt không còn nữa.
* Nhà giáo ưu tú PHẠM THÚY HOAN (chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương, Cung văn hóa Lao động Sàigòn):
Đàn tranh Việt có những nhấn nhá riêng
Là người chơi đàn tranh bao nhiêu năm qua, tôi rất buồn với thông tin này. Quả thật với mỗi loại đàn tranh, đàn của Việt Nam hay của Tầu đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, tùy theo tác phẩm trình diễn.
Ưu điểm của đàn tranh của Tầu là sợi dây rất mảnh, nghệ sĩ chơi ít khi bị lạc dây, tuy nhiên âm thanh của đàn này thường là nét thẳng mà ít có những nhấn nhá mang dấu ấn riêng của nghệ sĩ như đàn tranh Việt Nam. Tôi đi biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đến những nơi đàn tranh được nhiều người biết đến như Nam Hàn, Ðài Loan..., bạn bè trong nghề đều nhận xét: ít có loại đàn tranh nào mà nghệ sĩ còn giữ được tay trái rất tế nhị như với cây đàn của Việt Nam.
Dĩ nhiên, tùy theo tác phẩm, người nghệ sĩ có thể chọn loại đàn tranh cho phù hợp, đó là quyền của họ. Vấn đề ở đây là ban tổ chức phải tinh ý ngay từ đầu để không xảy ra những sơ suất như thế này.
M.TRANG - H.HƯƠNG - TH.LỘC
No comments:
Post a Comment