Câu chuyện ba vị phu nhân
Lê Phan Mấy tuần nay chính trị Hoa Kỳ đã bị chế ngự bởi ba vị nữ nhân, vâng ba chứ không phải hai. Dĩ nhiên khó có người Mỹ, hay bất cứ một công dân nào của thế giới ngày nay, có thể không biết đến hai vị phu nhân của chính trị Hoa Kỳ.
Nhưng cũng xin đừng quên một vị cựu đệ nhất phu nhân mà ngày nay là bộ mặt của Hoa Kỳ trên trường thế giới.
Tuần rồi chúng ta đã gặp bà Ann Romney, người muốn làm đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Phải nói là nếu ông Romney đắc cử, bà sẽ trở thành một đệ nhất phu nhân như khuôn mẫu của bà Jacqueline Kennedy, một mệnh phụ quen thuộc với xã giao và cuộc sống thượng lưu. Bà Ann Romney sẽ không bao giờ bị những vấp váp của một người như bà Michelle Obama khi mới vào tòa Bạch Ốc. Giới thượng lưu ở Washington đã chê bai ngay cả đến người mà bà Michelle đã chọn làm “social secretary,” một chức có nhiệm vụ lo liệu cho đệ nhất phu nhân về xã giao, nghi lễ. Bà Ann Romney sẽ như một người bạn tôi quen thời còn đi học. Cô bạn tôi hồi đó tốt nghiệp từ một trong những trường nổi tiếng chuyên dạy mệnh phụ, thành thạo cách làm thực đơn đại tiệc nhưng lại không biết tí gì về nấu nướng. Nhưng cô rất giỏi về giao tế. Cô vào học ngành quảng cáo và ra trường làm ở một trong những công ty PR nổi tiếng.
Bà Romney sẽ trở thành một người được báo chí tán thưởng. Những tờ báo thời trang sẽ có dịp ca ngợi quần áo của bà. Cái áo bà chọn đêm bà ra đọc bài diễn văn của nhà thời trang Oscar de la Renta chẳng hạn sẽ được ái mộ. Bà sẽ là một đệ nhất phu nhân kiểu mẫu, lúc nào cũng xuất hiện như một bức tranh toàn hảo. Bà sẽ hoàn toàn thoải mãi với các ông hoàng bà chúa, nhưng bà cũng sẽ giữ đúng mức với những khách khác đến Tòa Bạch Ốc.
Có điều bài diễn văn của bà làm tôi hơi cảm thấy xa lạ. Tôi không nói đến sự ngập ngừng của bà lúc đầu vì sự ngập ngừng đó đã làm cho bà được cảm tình của tôi. Tôi muốn nói đến thế giới mà bà vẽ ra, một thế giới trong đó bà mẹ không phải đi làm kiếm sống, một thế giới mà ông chồng kiếm đủ tiền để bà vợ có thể ở nhà nuôi con. Ngày nay có bao nhiêu gia đình Mỹ còn có thể sống sung túc với một đồng lương? Dĩ nhiên chúng ta đều ao ước đến một thế giới như vậy, nhưng sự thực thì khó lắm thay.
Tuần này chúng ta lại gặp bà Michelle. Phải nói đây là một bà Michelle lão luyện hơn trong vai trò “phụ tá cho chồng.” Cũng xin nói ngay là tôi hơi thiên vị bà Michelle vì tôi cảm thấy gần gũi với bà hơn. Là người phụ nữ, tôi không khỏi không để ý đến quần áo, nhất là quần áo của các bà, và ít nhất là cái áo của Tracy Reese cỡ ba bốn trăm đô la cũng còn khiến tôi nghĩ là nếu mình dành dụm cũng có thể mua được, nếu không thì cũng có thể mua qua eBay, chứ còn cái áo Oscar de la Renta, trên một ngàn đô la thì quả là quá xa tầm với của mình.
Hơn thế, dầu sao chăng nữa, trước khi Michelle Obama trở thành đệ nhất phu nhân bà là một luật sư đang hành nghề. Bà cũng có một cuộc sống như cuộc sống của hầu hết người Mỹ, vừa đi làm, vừa lo cho con, cho gia đình. Nếu quý vị thấy con ngựa đẹp cực kỳ của bà Ann Romney ở Thế Vận Hội Luân Ðôn, một con ngựa trị giá bạc triệu, thì mới hiểu tại sao mà tôi nghĩ là bà Romney có lẽ thể nào cũng có người giúp đỡ khi nuôi con.
Ðây cũng chính là điểm làm tôi bất bình. Là một phụ nữ chuyên môn, suốt đời tay làm hàm nhai, nhưng đồng thời cũng là một người tự hào với sự nghiệp riêng của mình, tôi không hiểu tại sao khi vào đến Tòa Bạch Ốc, một vị đệ nhất phu nhân không còn được phép duy trì cá tính của mình, cũng như phải bỏ sự nghiệp của mình. Tôi thầm nghĩ bà Michelle Obama, trong những nghi lễ này đến nghi lễ kia liên tiếp hẳn đã có lúc thèm muốn trở lại văn phòng luật sư của mình.
Và đó cũng là lý do tại sao tôi muốn nói đến vị phu nhân thứ ba, bà Hillary Clinton. Nếu tôi phải chọn một người làm khuôn mẫu cho con mình hay cho chính mình thì tôi chọn bà Clinton. Ðây là một phụ nữ tài ba nhưng đầy tinh thần phục vụ. Bà cũng đã phải chịu đựng tám năm trời khi ông chồng làm tổng thống, bỏ sự nghiệp để làm “đệ nhất phu nhân.” (Dĩ nhiên chưa kể cái tính lang bang của chàng, một việc mà có lẽ hơn ai hết bà hiểu, bởi như một phụ tá của ông Clinton đã giải thích ông Bill yêu vợ, chỉ có điều ông không cầm được khi thấy phụ nữ).
Bà đã ra ứng cử tổng thống với rất nhiều hy vọng, và có lẽ nếu bà là một người đàn ông, bà đã thắng dễ dàng Thượng Nghị Sĩ Barack Obama và cũng đã thắng được Thượng Nghị Sĩ John McCain. Nhưng bà là một phụ nữ và bà đã thua.
Nhưng như chính ông Bill Clinton đã giải thích, tranh chấp chính trị ở một quốc gia dân chủ không phải là một cuộc chiến đẫm máu. Thất cử không có nghĩa là mất tất cả. Khi tổng thống đắc cử Barack Obama mời bà làm ngoại trưởng, bà đã chứng tỏ một sự rộng rãi đáng kính nể khi nhận lời.
Ðiều còn đáng kính nể hơn là sau khi nhận lời bà đã làm hết sức mình để trở thành một trong những ngoại trưởng tài ba nhất của Hoa Kỳ.
Tuần vừa qua chẳng hạn, khi ở Washington diễn ra đại hội lưỡng đảng, bà Clinton đang đi thăm Á Châu Thái Bình Dương. Ngoài việc làm quần đảo Cook, nước chủ nhà, lúng túng, sự hiện diện của ngoại trưởng Hoa Kỳ ở Diễn Ðàn Ðảo Thái Bình Dương đã là một bước tính toán lý thú. Với việc, như chính ngoại trưởng đã nói, Trung Quốc đã thường xuyên mời các lãnh tụ Nam Thái Bình Dương đến Trung Quốc để “chuốc rượu và mời tiệc (wine and dine)” thì sự việc bà ngoại trưởng đến dự cuộc họp thường niên của các đảo quốc này là một điều làm họ hài lòng.
Cũng trong chuyến công du lần này bà ghé thăm không những Indonesia mà còn cả Ðông Timor. Ðông Timor nghèo nàn, nhỏ bé, một thí nghiệm dân chủ mới nhất của thế giới, đã thường bị bỏ quên, nhưng đáng được chú ý hơn như chính bà ngoại trưởng đã nói, “Các nền dân chủ mạnh, chúng tôi biết qua kinh nghiệm lâu dài, tạo láng giềng ổn định và bạn bè có khả năng.” Việc cho đến nay một số các quốc gia ASEAN vẫn muốn từ chối không cho Ðông Timor tham dự trong khi họ đã tiếp nhận Lào là một điều thật đáng chê trách và sự hiện diện của ngoại trưởng Hoa Kỳ là một thông điệp rất mạnh.
Nhưng khó khăn nhất trong chuyến công du này của bà ngoại trưởng là Trung Cộng. Bắc Kinh đã làm đủ cách để cho chuyến đi vô cùng khó chịu nhưng bà Clinton đã chứng tỏ đủ bản lãnh để đối phó. Trước khi bà đến chính quyền Trung Cộng đã cho báo chí mở một chiến dịch đến mức mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo lá cải của Nhân Dân Nhật Báo, còn dám công khai bảo “Nhiều người Tầu không thích bà Clinton.” Nhưng bà vẫn tiếp tục lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh tham gia vào một điều đình về một Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông với toàn khối ASEAN. Bà cũng đã thẳng thắn nói, “Hoa Kỳ, chắc chắn là bản thân tôi, sẽ không né tránh việc bảo vệ cho những quyền lợi chiến lược của chúng tôi, và nói rõ khi nào chúng tôi không đồng ý.”
Làm sao mà không thán phụ vị phu nhân này cơ chứ?
|
No comments:
Post a Comment