Không ai mất quê hương
|
Ngô Nhân Dụng
Phần chót trong cuốn Những Dòng Kỷ Niệm, hồi ký của Giáo Sư Tô Ðồng, ông kể lại cuộc gặp gỡ một người bạn từ xa tới thăm ông tại tiểu bang Wisconsin, vào năm 1976, một năm sau khi cả hai đã đi tị nạn cộng sản.
Ông nhắc lại lời người bạn nói, “Chúng ta bỏ nước Việt Nam ra đi chứ nước Việt Nam không có bỏ chúng ta.” Nhớ lại câu này, vào năm 2004 khi ông in cuốn hồi ký, Giáo Sư Tô Ðồng tự hỏi không biết người bạn đã đổi ý kiến hay chưa?
Ðây không phải là nỗi thắc mắc của những người tị nạn năm 1975. Từ đó tới nay, bao nhiêu thuyền nhân đã ra khỏi nước dù biết sẽ có thể chết trên biển; cả những du học sinh đang tìm cách ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp, chắc cũng thắc mắc như vậy: “Mình bỏ nước Việt Nam ra đi hay nước Việt Nam bỏ mình?”
Nhưng thực ra, câu hỏi đó không cần thiết. Những người phải bỏ nước Việt Nam ra đi cũng chỉ có cái thân xác ra đi; còn trong tâm tư họ vẫn thiết tha không bỏ, và không cách nào bỏ được. Thời sinh tiền, Ngô Mạnh Thu vẫn làm chương trình “Chúng ta đi mang theo quê hương.” Mà nước Việt Nam cũng không bỏ đứa con nào hết. Như Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông sống ở nước Mỹ, gia đình an vui, thành công trong nghề nghiệp, nhưng vẫn quay trở về Việt Nam, dù biết về thì sẽ bị bắt bỏ tù. Mà nước Việt Nam cũng không bỏ ông; bao nhiêu người Việt vẫn đón tiếp, hỗ trợ ông trong công việc đội đá vá trời là vận động cho một đất nước tự do dân chủ - không phải cho mình mà cho đồng bào và con cháu đời sau được hưởng. Tất cả các thuyền nhân, hay những sinh viên du học sau này, khi ra đi hay quyết định ở lại, trong lòng họ đều mong có ngày được trở về sống trong một nước Việt Nam tự do dân chủ. Mà nước Việt Nam cũng không bỏ ai nào hết, những đứa con đang lưu lạc khắp bốn phương trời.
Tôi nghĩ đến niềm tâm sự của Giáo Sư Tô Ðồng khi đọc bản tin ông phó thủ tướng, bộ trưởng Kinh Tế Cộng Hòa Liên Bang Ðức thăm Việt Nam. Bác Sĩ Philipp Rösler sinh ra ở nước ta, sống trong viện mồ côi. Từ bé, ông được cha mẹ xin đem về nuôi ở Ðức, ông thành người Ðức. Bác Sĩ Philipp Rösler may mắn hơn nhiều người sinh ở Việt Nam mà sống ở nước ngoài. Ông không phải quyết định. Số phận đưa ông đi. Nếu cộng sản không gây ra cuộc chiến tranh, từ lúc họ gửi quân vào miền Nam năm 1959, thì chắc cậu bé không mang tên Philipp Rösler, mà cũng không sống ở nước Ðức. Ông kể với báo Der Spiegel, trước khi đi Việt Nam: “Khi tôi đã lớn, cha tôi có lần đặt tôi đứng trước gương và giải thích tại sao tôi lại trông không giống những đứa trẻ khác.” Thân phụ ông cũng cho ông biết đã từng quen mấy sĩ quan Việt Nam khi cùng đi tu nghiệp lái máy bay ở Mỹ; nghe chuyện nên biết đến nỗi khổ của người Việt trong cuộc chiến tranh. Vì thế mới nẩy ra ý đi tìm nuôi một đứa trẻ người Việt.
Philipp Rösler may mắn. Nhưng cũng nhờ cảnh bao nhiêu người Việt khác cực khổ vì chiến tranh đã làm động tâm người cha nuôi ở một phương trời xa xôi. Rösler không mang nợ những đồng bào này, trong đó có hàng triệu người đã chết. Nhưng số phận ông cũng không thể tách rời khỏi những nạn nhân đáng thương đó. Chúng ta sống trong một thế giới mọi thứ đều liên hệ với nhau, không thể tránh được. Nỗi đau thương, bất hạnh của người này có thể trở thành nhân duyên tạo nên may mắn cho người khác; chẳng cách nào khác được. Có một nghiệp báo chung, mà không có ai gây ra nghiệp báo đó. Cũng vì vậy, từ trong sâu thẳm, mỗi người chúng ta đều biết ơn mọi người khác, những người mình không hề quen biết.
Philipp Rösler cũng nói với Der Spiegel: “Tôi sang Việt Nam lần này với tư cách bộ trưởng Kinh Tế Ðức, là người đại diện quyền lợi kinh tế Ðức, chứ không phải đi tìm cội nguồn của mình... Nước Ðức là quê hương của tôi. Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi, phần mà tôi không có một chút ký ức nào... Xin nói cho rõ hơn: Lẽ tất nhiên một phần của đời tôi đã gắn liền tôi với đất nước đó, nhưng tôi sang Việt Nam với tư cách là bộ trưởng Kinh Tế Ðức.” Ðây là một thái độ rất đường hoàng, thẳng thắn, và sòng phẳng. Một ông bộ trưởng Kinh Tế Ðức dù sinh tại nước nào đi nữa, cũng phải lo tròn bổn phận mà dân Ðức trao cho. Mọi gia đình Việt Nam đều dạy con như vậy: Phải sống trung tín, với tinh thần trách nhiệm. Mà không phải chỉ có các gia đình người Việt Nam. Thân phụ ông Philipp Rösler chắc chắn cũng dạy con các quy tắc cư xử giống như vậy, nhất là khi ông phải nuôi cậu bé một mình, từ năm lên bốn tuổi.
Ðạo lý của nhân loại có thể vượt trên biên giới các quốc gia, các chủng tộc. Nhưng tư cách một con người chắc hẳn không phải chỉ do xã hội, do giáo dục tạo nên mà còn có thể đã được “cài” vào trong hạt giống di truyền nhiều đời trước (hiểu chữ “cài” như khi sử dụng máy điện toán). Người Việt gọi đó là “phước đức ông bà.”
Cho nên Philipp Rösler đi đâu trên thế giới với tư cách một phó thủ tướng Ðức, khi biết ông sinh từ nước Việt Nam, chắc nhiều người cũng ngạc nhiên, và thầm khen cả giống dân đã sinh ra một con người như vậy. Báo Der Spiegel có hỏi: “Khi ông đi ra nước ngoài, có ai nhắc đến nguồn gốc của ông không?” Rösler nói: “Thỉnh thoảng. Năm ngoái khi tôi đi với (thủ tướng Ðức) Angela Merkel sang Mỹ, có hai bộ trưởng gốc Á Châu (trong chính phủ Mỹ) cũng hỏi thăm về nguồn gốc của tôi; và cả Tổng Thống Obama nữa...”
Nhưng ở Việt Nam Philipp Rösler sẽ làm nhiều người ngạc nhiên hơn; khi ông xuất hiện trên các bản tin truyền hình. Cho nên, những lời ông nói trước công chúng, chắc phải gây nên những rung động trong lòng mọi người. Các chính khác ngoại quốc khác, dù nói những lời tương tự, cũng không tạo được ảnh hưởng như vậy. Ðây là một điều đáng mừng.
Nói chuyện với các sinh viên trường Ðại Học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội ngày hôm qua, Rösler có nhắc nhở các sinh viên và giáo sư rằng những thành công mà ông đạt được ở Ðức là bằng chứng cho thấy cuộc sống tự do cho người ta nhiều cơ hội phát triển. Ông khuyến cáo: “Nước Việt Nam không những cần thúc đẩy thêm nữa việc tư hữu hóa và mở cửa thị trường mà còn cần cho dân chúng hưởng thêm nhiều tự do.” Ông Rösler nhấn mạnh: “Không có tự do thì làm sao người ta có thể suy nghĩ, quyết định và hành động một cách tự chủ với tinh thần trách nhiệm được?” Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh vực kinh doanh tư nhân. Nói chuyện với báo Der Spiegel trước khi đi, ông Rösler cũng báo trước: “Tôi sẽ nhấn mạnh điều này tại Việt Nam: Về lâu về dài, một nền kinh tế thị trường sẽ không thể phát triển được nếu không có tự do.”
Riêng những lời phát biểu trên đây cũng là một đóng góp đáng kể của Philipp Rösler cho đất nước của những người đã sinh ra ông. Một đứa trẻ Việt vô danh, được rơi vào sống trong một xã hội tự do dân chủ, đã đạt được thành công mà bao nhiêu thanh niên Việt Nam phải ngưỡng mộ và ao ước. Nay anh ta giải thích rất rõ ràng, anh thành công như vậy là vì được sống trong tự do dân chủ.
Philipp Rösler cũng có thể khiến nhiều người Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với ông thấy hổ thẹn. Trong mạng “Portal liberal” của các dân biểu Ðức cùng đảng với ông, Bộ Trưởng Rösler cho biết sẽ nêu ra vấn đề trả tự do cho năm tù nhân chính trị với chính quyền Việt Nam. Chắc chắn ông sẽ giảng cho họ nghe ông lớn lên ở một quốc gia mọi người đều có quyền bất đồng chính kiến với nhà nước. Mà quốc gia Ðức phát triển và dân Ðức hạnh phúc, là nhờ sống trong tự do dân chủ như vậy. Nhưng các viên chức chính quyền ở nước ta chắc cũng không hổ thẹn. Họ đã quen nghe những ý kiến như vậy rồi, da mặt họ đã đủ dầy để không cảm xúc chút nào cả.
Nhưng một điều khác mà ông Rösler sẽ nói có thể khiến nhiều người Việt Nam phải thấy hổ thẹn cho nước mình. Cũng theo mạng trên, Rösler cho biết sẽ cho biết nước Ðức rất quan tâm đến việc mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam. “Tuy nhiên, nếu nước Việt Nam muốn nhận được đầu tư từ phía người Ðức thì phải theo một điều kiện, không thể thiếu được: Là họ cần phải thi hành cho đúng các thỏa thuận và hợp đồng.” Vì trong quá khứ, cũng theo mạng trên, các doanh nhân Ðức đã than phiền rằng nhiều “hợp đồng và thỏa thuận không được tôn trọng, hóa đơn không được thanh toán.”
Chúng ta tin rằng ông Rösler không nghĩ bản tính người Việt Nam là không giữ lời hứa, không làm đúng lời cam kết, trong việc kinh doanh cũng như trong đời sống hàng ngày. Ông phải hiểu rằng đó không phải là đặc tính của dân tộc, nơi ông đã ra đời. Một chế độ chính trị độc tài toàn trị chắc chắn sẽ tạo ra những con người gian dối. Thử tưởng tượng, từ trên xuống dưới ai cũng phải cam kết đạt chỉ tiêu, bám sát kế hoạch sản xuất; nhưng trong thực tế họ lại biết không thể nào làm đúng kế hoạch được nếu không làm giả, làm gian; và khí cụ sau cùng là báo cáo láo. Một guồng máy cai trị sống quen như vậy suốt mấy thế hệ, không thể tạo ra những con người lương thiện được. Trong chế độ cộng sản một số người duy nhất đã giữ đúng, không làm sai lời hứa của họ, là những người lính, khi ra trận. Chỉ có những người lính đã chết đó là đã chết theo đúng kế hoạch, đạt được chỉ tiêu do lãnh đạo đưa ra!
Một người gốc Việt Nam như Philipp Rösler khi về nước sẽ giúp cho đồng bào tự nhìn lại mình, tự xét mình, và thấy mình phải làm gì để tiến lên cho bằng các dân tộc khác, Không phải chỉ một mình Rösler có khả năng đó. Tất cả mọi người Việt, dù chỉ về Việt Nam như các du khách, cũng có thể đóng vai xúc tác này. Mọi người chỉ cần nói sự thật, sống thẳng thắn, thành thật, là đủ giúp những người chung quanh biết khi được sống tự do người ta sẽ cư xử, suy nghĩ như thế nào.
Cuối cùng thì thật sự chúng ta chưa rời khỏi quê hương Việt Nam. Lòng chúng ta lúc nào cũng hướng về quê hương. Và chúng ta cũng chưa bao giờ bị quê hương ruồng bỏ. Ngay cả một em bé đã ra khỏi nước từ khi nằm nôi, trở về quê cũ vẫn có thể được đồng bào nhìn như một người thân; và vui mừng, hãnh diện thấy một đứa con của nước Việt Nam đã thành công khi sống tại nước ngoài. Tôi tiếc trong ba năm qua đã không gặp lại Giáo Sư Tô Ðồng; để thưa chuyện với ông điều này; tôi sẽ khấn ông trong tuần 49 ngày sắp tới.
(Những đối thoại trong cuộc phòng vấn với báo Der Spiegel và các câu trên mạng“Portal liberal” trích trên đây do Tâm Việt dịch.)
|
__._,_.___
No comments:
Post a Comment