Nhà nước và phát triển
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-09-12
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ, một đề mục đang nêu bật sự khác biệt về triết lý chính trị và chủ trương kinh tế giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà.
Đảng Dân Chủ có truyền thống nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước trong công cuộc phát triển và đảng Cộng Hoà thì chủ trương thu hẹp vai trò của nhà nước để tư nhân và thị trường có thêm quyền quyết định về kinh tế vì đấy mới là động lực của phát triển.
Từ cuộc tranh luận đó tại Mỹ, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu một đề mục thiết thực là mối liên hệ giữa kích thước của nhà nước với đà tăng trưởng của kinh tế. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi của Vũ Hoàng với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về đề tài này.
Vai trò của Nhà nước
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ đang nêu bật một đề tài tranh luận về vai trò của nhà nước trong công cuộc phát triển. Nhưng dường như đề tài ấy không thu hẹp vào khối kinh tế công nghiệp hoá như Mỹ, Âu Châu hay Nhật Bản mà cũng được các nước đang phát triển thử nghiệm. Kết quả là nhà nước có thể đề ra chiến lược và phân bố phương tiện đầu tư để đạt mức tăng trưởng cao, như người ta đã thấy tại Đông Á. Nhưng sự chọn lựa ấy cũng có thể dẫn tới hiện tượng tư bản nhà nước và tư bản thân tộc là chuyện cũng đã xảy ra tại Trung Quốc hay Việt Nam. Thưa ông, từ vấn đề này, liệu chúng ta có rút tỉa được một bài học nào về kích thước của nhà nước và tốc độ tăng trưởng của kinh tế hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:Tôi thấy vấn đề này rất bổ ích nếu ta tính ra được mối quan hệ có định lượng giữa kích thước của nhà nước với tốc độ của tăng trưởng. Nhưng trước hết mình cần xác định nội dung của vấn đề này là gì.
Nhân loại đã có vạn năm sinh hoạt trong các quần thể mà ta tạm gọi là "quốc gia". Trong quãng thời gian đó, nói chung các nước đã có ba hình thái kinh tế khác nhau. Trước hết là sinh hoạt theo mô thức mẫu tôn giáo với ảnh hưởng phi kinh tế mà rất mạnh của những gì ta gọi là thần linh. Kế đó mới là sinh hoạt theo truyền thống, là đời trước làm sao thì đời sau làm vậy. Mãi sau này mới có hình thái sinh hoạt hiện đại, là người ta có thể chủ động chọn lựa giải pháp kinh tế có lợi nhất. Mà đấy mới chỉ là giải pháp kinh tế và kết quả là tăng trưởng. Nói đến phát triển thì ngoài con số tăng trưởng, ta còn phải châm thêm yếu tố xã hội, hoặc phẩm chất của tăng trưởng, là những chọn lựa khác nữa.
Vũ Hoàng: Tức là theo sự tiến hóa của nhân loại, người ta mới phát giác là quyết định kinh tế hay xã hội thật ra là sự chọn lựa. Nhưng thưa ông, câu hỏi mới là ai có quyền chọn?
Nói đến phát triển thì ngoài con số tăng trưởng, ta còn phải châm thêm yếu tố xã hội, hoặc phẩm chất của tăng trưởng, là những chọn lựa khác nữa.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đúng như vậy, khi đó mới có câu hỏi là ai chọn và cho ai hưởng? Nó cũng giống câu hỏi, rằng "chế độ chính trị nào là có giá trị nhất"? Câu trả lời là một câu hỏi khác, là "có giá trị cho ai"? Về chuyện này, nền dân chủ có câu trả lời tương đối thoả đáng hơn.
Còn về kinh tế thì ta thấy xuất hiện hai chủ trương khác biệt là nhà nước hay người dân phải giữ phần quan trọng trong kinh tế? Chủ nghĩa cộng sản đi theo hướng tập trung quyết định kinh tế vào một đảng nên phá sản vì gây ra khủng hoảng. Các nước khác thì do dự và cân nhắc xem là nhà nước có thẩm quyền quyết định đến mức nào. Những quốc gia đã cho tư nhân được sinh hoạt theo quy luật thị trường thì có tốc độ tăng trưởng cao hơn, nhưng thật ra không xứ nào lại có thể loại bỏ vai trò của nhà nước trong kinh tế, theo một chủ trương "vô vi" có màu sắc hoang tưởng.
Vấn đề là định ra được vai trò hay kích thước của nhà nước, ví dụ như qua phần quản lý ngân sách quốc gia so sánh với tổng sản lượng của cả nước. Như diễn đàn này đã trình bày kỳ trước, cuộc tranh luận hiện nay tại Hoa Kỳ về vai trò của nhà nước thật ra đã có từ thời lập quốc hơn 200 năm trước và đề tài này đã được các nước Âu Châu chú ý với nhiều kết quả đáng học hỏi. Vì đề tài khá mông lung phức tạp nên ta sẽ cố thu hẹp dần vào một số yếu tố thẩm định xuất phát từ thực tế đã có kiểm chứng tại các quốc gia khác.
Yếu tố khách quan của tăng trưởng
Vũ Hoàng: Hình như là ông muốn dẫn thính giả vào từng bước tiệm tiến của vấn đề. Bước đầu tiên, thưa ông, đâu là yếu tố khách quan của tăng trưởng? Cái gì làm cho mức sản xuất của một quốc gia hay xã hội gia tăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ khi xuất hiện môn kinh tế học, mới chỉ hơn 200 năm mà thôi, người ta đã tìm hiểu xem là những yếu tố nào đóng góp cho đà tăng trưởng của một nền kinh tế.
Trên đại thể thì lúc ban đầu, ai cũng có thể đồng ý rằng kinh tế tăng trưởng khi có thêm nhập lượng cho sản xuất như đất đai, tư bản, nhân lực hay dân số lao động. Sau đó, người ta tìm đến chi tiết tinh tế hơn để giải thích đà tăng trưởng như kiến năng về kỹ thuật, vai trò của nhà nước qua thuế khóa và ngân sách, hoặc sự đóng góp của các định chế trong xã hội như nền tảng luật lệ, quyền tư hữu của cá nhân. Tôi xin không đi vào các lý luận chuyên môn của từng trường phái kinh tế như cổ điển, tân cổ điển, hoặc các lý thuyết về tăng trưởng mà chỉ nhấn mạnh là nhân loại vẫn tiếp tục tìm kiếm và mỗi loại lý luận có thể nhấn mạnh đến một số yếu tố cho một bài toán không đơn giản. Bài toán đó là con người ta luôn luôn mong muốn thăng tiến và có thêm phương tiện cho cuộc sống mà kinh tế không thể đáp ứng dễ dàng.
Trong các cuộc nghiên cứu tìm tòi hay tranh luận, người ta mới chú ý đến vai trò rồi kích thước của nhà nước. Vai trò của nhà nước là đảm bảo sự vận hành bình hòa của các định chế như pháp luật, quyền tư hữu, quyền trưng thu thuế khóa để phân bố tài nguyên. Kích thước của nhà nước là số lượng tài nguyên quốc gia nằm trong thẩm quyền phân phối của chính quyền.
Vũ Hoàng: Như vậy, thưa ông, ta có các tác nhân kinh tế như người dân, nhà sản xuất hay doanh nghiệp, và nhà nước, là cơ chế duy nhất có thẩm quyền chi phối các tác nhân kia. Thế thì các nhà nghiên cứu đã tìm ra những kết quả gì mà người thường như chúng ta có thể hiểu được?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:Giới nghiên cứu kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm ra một số chuyển động sau đây. Tại các nước chưa hoặc đang phát triển, khu vực công quyền còn nhỏ và yếu nên sự can thiệp của nhà nước có đóng góp cho đà tăng trưởng ban đầu vì phần nào hợp lý hóa các quyết định về đầu tư. Nhưng chiều hướng đó không vĩnh viễn vì kinh nghiệm từ các nước đã phát triển cho thấy là khi khu vực công quyền bành trướng và khích thước của nhà nước gia tăng thì đã tăng trưởng lại giảm.
Các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc hay Việt Nam, có thể rút tỉa bài học của các nước tiên tiến. Một bài học thấm thía là tăng thuế không đóng góp cho tăng trưởng!
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nói cho đơn giản thì khi đầu tư nhiều vào nhà nước, lúc ban đầu người ta có thể đạt kết quả tốt. Nhưng như trong mọi chuyện đầu tư, cứ dồn thêm phương tiện vào một khu vực thì người ta không thấy đà gia tăng như trước mà sẽ có kết quả suy giảm dần.
Trong lĩnh vực đó, chúng ta đều nhớ đến kinh nghiệm của các nước Bắc Âu có đà tăng trưởng cao, với sự can thiệp của nhà nước bao cấp để phát triển tương đối quân bình và hài hòa. Nhiều quốc gia coi đây là một giải pháp lý tưởng với vai trò của một nhà nước anh minh sáng suốt. Thế rồi một công trình nghiên cứu vào đầu năm ngoái của hai chuyên gia kinh tế Thụy Điển tại Bắc Âu lại cho thấy một bức tranh khác. Khi kích thước của nhà nước gia tăng khoảng 10% thì sẽ làm đà tăng trưởng sụt mất từ 0,50% đến một phần trăm!
Vũ Hoàng:Ông vừa nêu ra một thí dụ đáng suy ngẫm. Thứ nhất là kích thước của nhà nước có liên hệ, nhưng mà ngược, với đà tăng trưởng. Thứ hai, người ta còn tìm ra cách tính cách đo để định lượng hóa tầm can thiệp này. Nhà nước mà thu góp phương tiện của quốc dân để dồn vào phát triển thì có thể đạt kết quả tốt, nhưng nếu cứ gia tăng kích thước hay số tiền thuế khóa và ngân sách thì mỗi đợt gia tăng 10% lại làm giảm đà tăng trưởng từ 0,5 đến 1%?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy và xin cho tôi được giải thích thêm.
Công trình nghiên cứu của thiên hạ thật ra công phu vì hoàn cảnh kinh tế của mỗi nước vào mỗi thời lại mỗi khác. Thế thì làm sao giữa bao khác biệt đó mà tìm ra một lý giải chung có giá trị cho nhiều quốc gia? Sau khi thu thập nghiên cứu nhiều cách phân tích và lý giải của các nước, hai kinh tế gia Thụy Điển này mới tìm ra kết luận là mối liên hệ ngược giữa kích thước của nhà nước và đà tăng trưởng trong các nước đã phát triển, điển hình là Hoa Kỳ, Âu Châu hay Nhật Bản.
Chính là kết luận ấy mới soi sáng chúng ta về những khó khăn hiện nay của các nước công nghiệp hoá, như vụ khủng hoảng của Liên Âu và khối Euro hoặc tình trạng nợ nần chồng chất của Nhật Bản rồi đến Hoa Kỳ. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, khi kinh tế lại bị suy trầm, nhà nước mà càng can thiệp và tăng thuế để tăng chi thì càng gây thêm vấn đề và cản trở đà tăng trưởng.
Các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc hay Việt Nam, có thể rút tỉa bài học của các nước tiên tiến. Một bài học thấm thía là tăng thuế không đóng góp cho tăng trưởng! Nếu đưa kết luận này vào cuộc tổng tuyển cử năm nay tại Hoa Kỳ, mình có thể thấy ra nhiều nhược điểm trong các chương trình tranh cử. Người ta không thể tăng chi khi đã đi vay quá mức và tăng thuế để tăng chi thì sẽ làm giảm đà tăng trưởng sau này.
Điều gì đóng góp cho phát triển
Hội chợ việc làm tại New York hôm 07/6/2012. AFP photo
Vũ Hoàng:
Chúng ta xin ghi nhận kết luận đó. Bây giờ mình mới nói qua khía cạnh phẩm chất của tăng trưởng, tức là phát triển. Nền sản xuất gia tăng thì được gọi là tăng trưởng, nhưng xã hội cũng cần đến các yếu tố khác thì mới phát triển, là trường hợp của các nước đang lên hiện nay. Thế thì cái gì đóng góp cho phát triển?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu hỏi này mới là lý thú vì cỗ xe kinh tế có thể đi nhanh hay chậm, tăng trưởng cao hay thấp, nhưng sẽ đi tới đâu? Khi ấy, ta thấy ra bài toán đa diện về môi trường.
Môi trường kinh doanh có thuận lợi hay không thì đấy là trách nhiệm của nhà nước khi xây dựng các định chế như nền tảng luật lệ minh bạch và bình đẳng cho mọi người. Các nước đi sau mà không chú ý đến môi trường đó và phát triển hạ tầng luật lệ thì tăng trưởng vẫn bất công và không bền. Đây là yếu tố môi trường đầu tư đã được mọi quốc gia chú ý.
Thứ hai, môi trường giáo dục và đào tạo có thể cung cấp nguồn nhân lực thích hợp cho kinh tế hay chăng là vấn đề thứ hai. Trong lĩnh vực này, nhà nước không thể chu toàn được mà phải cần tư nhân. Nhưng tư nhân trong các trường tư thục cũng cần nhà nước và các nguồn tài trợ khác vì học phí đương nhiên là không đủ và không thể đủ. Sự hợp tác và phân công trách nhiệm giữa nhà nước và tư nhân là điều cần thiết và một nhà nước độc đoán hoặc bao cấp thì sẽ gây tai họa cho kinh tế và các thế hệ về sau vì đào tạo ra những người không thích hợp cho yêu cầu sản xuất.
Thứ ba, quan trọng nhất mà ít thấy ra là môi trường sinh sống, hoặc sự tai hại của môi trường sinh sống là nạn ô nhiễm. Sau khi phát triển khả quan, các nước đã phát triển đều chú ý đến môi sinh và có nhiều biện pháp bảo vệ đắt đỏ như cái giá phải trả cho sự tăng trưởng. Các nước đi sau thì chỉ chú ý đến tăng trưởng nên gây hủy hoại môi sinh và sẽ có ngày trả, các thế hệ về sau sẽ trả.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông là tình liên đới của con người trong xã hội, nó có là vấn đề kinh tế hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng có và đấy là môi trường an sinh xã hội, trong đó có các bài toán về phúc lợi, hưu bổng, bảo dưỡng sức khoẻ cho người nghèo, người yếu, người già.
Nếu phát triển nhà nước bao cấp để đảm nhiệm vai trò phúc lợi cần thiết này thì người ta cũng nên thận trọng vì viễn ảnh vẫn là khủng hoảng và phá sản như ta đang thấy trong khối công nghiệp hoá.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Các nước Âu Châu đi trước đã xây dựng chế độ bao cấp để nhà nước chu toàn việc đó, nhưng tấm lưới chăng ra đã thành tấm nệm êm ấm và tốn kém mà vẫn được nhiều thành phần bảo vệ. Hoa Kỳ chưa đi tới tình trạng bao cấp đó, nhưng chế độ tăng chi hào phóng trong hệ thống ngân sách cũng gây bội chi và nay mai còn gặp loại vấn đề an sinh là hưu bổng và y tế. Trong các xã hội này, nhà nước lớn hay nhỏ và tốn kém cao hay thấp đang là chuyện tranh luận giữa các nhóm quyền lợi khác biệt và ai ai cũng nói đến tình liên đới mà ít chú ý đến cái giá phải trả.
Trong hoàn cảnh đó, các nước đang phát triển cũng phải nghĩ đến quy luật tất yếu là sự chuyển dịch dân số và gia tăng tuổi thọ nhờ tăng trưởng khiến lớp người cao niên cần nhiều phúc lợi sẽ có tỷ trọng cao hơn so với thành phần thanh niên và trung niên trong thị trường. Nếu phát triển nhà nước bao cấp để đảm nhiệm vai trò phúc lợi cần thiết này thì người ta cũng nên thận trọng vì viễn ảnh vẫn là khủng hoảng và phá sản như ta đang thấy trong khối công nghiệp hoá.
Vũ Hoàng:Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Theo dòng thời sự:
- Đi tìm sự dung hòa kinh tế
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Hình sự trong kinh doanh
- Mặt trái kinh tế của biểu hiện ngang ngược
- Vũ khí kinh tế
- Dầu khí trên thương trường và chiến trường
- Động thái của Trung Cộng ở Biển Đông
- Cải Tổ Lãi Suất
- Doanh nghiệp và thất nghiệp
- Ngợi ca Tư Bản Chủ Nghĩa
- Cải cách ngân hàng VN gặp khó khăn
- Doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn dễ dàng?
- Ngân hàng Nhà Nước giảm lãi suất của một số hạng mục
- Hoạt động tài chính ngân hàng sụt giảm nhiều so với năm 2010
- Suy Trầm Hay Khắc Khoải?
No comments:
Post a Comment