Chiến hạm Trung Cộng xuất hiện gần Senkaku
TT - Ngày 20-9, truyền hình FNN của Nhật đưa tin và hình ảnh hai tàu chiến Trung Cộng đã xuất hiện trong vùng biển cách khu vực quần đảo Senkaku 80 hải lý (150km) về phía tây bắc vào tối 19-9.
Tàu Trung Cộng tập trận ở biển Hoa Đông - Ảnh: chinamil.com.cn
Ngay lập tức các hãng tin lớn của Trung Cộng như Nhân Dân Nhật Báo, Thời Báo Hoàn Cầu đã dẫn lại thông tin này và cứ lập lờ không xác nhận có hay không sự xuất hiện này. Trong những ngày qua, Bắc Kinh liên tục có những động thái thị uy đối với Nhật Bản.
Trung Cộng tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông
Tân Hoa xã cùng ngày đưa tin hải quân Trung Cộng đã tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông với hình ảnh đông đảo tàu ngầm, tàu chiến và máy bay đang tập trận, song không tiết lộ địa điểm cũng như thời gian cụ thể.
Truyền thông Trung Cộng cùng lúc đồng loạt dẫn nguồn từ báo chí Nhật Bản cho biết số tàu tuần tra Trung Cộng ở khu vực quần đảo Senkaku đã tăng từ 14 lên 16. Thời Báo Hoàn Cầu cho biết rạng sáng 20-9, thêm hai tàu tuần tra Trung Cộng đã xâm nhập vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku dưới sự theo dõi của máy bay và tàu Nhật.
Kyodo News dẫn lời chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết Tokyo đang cảnh giác cao độ, nỗ lực thu thập thông tin và duy trì giám sát thông qua Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã tái khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và tuyên bố không hề có bất cứ thỏa thuận nào giữa Tokyo và Bắc Kinh về việc tạm gác vấn đề tranh chấp như tuyên bố của Trung Cộng.
Cùng lúc, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda kêu gọi dân chúng bình tĩnh và hành động xứng đáng với “phẩm giá” của người Nhật, khi ông nhắc đến việc Lãnh sự quán Trung Cộng ở Kobe bị một công nhân trẻ ném bom khói để phản đối Trung Cộng ngày 19-9.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 20-9 đã trở thành quan chức Ngũ Giác Đài đầu tiên được có mặt ở tổng hành dinh của hạm đội hải quân biển Bắc của Trung Cộng ở Thanh Đảo để thăm một trong những tàu khu trục và tàu ngầm diesel đời mới của Trung Cộng.
Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết kể từ ngày 11-9 đến nay, các website của ít nhất 19 tổ chức và cơ quan của Nhật Bản đã bị tin tặc tấn công. Trong số đó có các trang web của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và truyền thông, các ngân hàng, cơ sở điện lực, các công ty tư nhân, tòa án tối cao, Học viện Công nghệ Tokyo. NPA cũng cho biết khoảng 300 tổ chức khác của Nhật đang bị xem là mục tiêu tiềm năng của liên minh Honker, một nhóm tin tặc Trung Cộng.
Tuần san Châu Á trong số ra mới nhất ngày 15-9 cho rằng Trung Cộng đã thúc đẩy việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ hàng chục năm nay, nhưng mới chỉ dừng ở mức học thuật, chưa có hành động gì trên thực tế. Nếu lần này xung đột xảy ra, vô hình trung Trung Cộng sẽ giúp Mỹ ở vào thế “ngư ông đắc lợi”. Mỹ vừa có cơ hội để chỉ ra mối đe dọa Trung Cộng, vừa gây khó khăn cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Cộng. Vòng vây mà Trung Cộng rồi đây phải đối mặt có thể sẽ là liên quân nhiều nước “kiểu mới” gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Singapore và Philippines.
Nhật đòi Trung Quốc bồi thường
Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura ngày 20-9 thông báo sẽ yêu cầu Trung Cộng bồi thường những thiệt hại mà người biểu tình Trung Cộng đã gây ra đối với các cơ quan ngoại giao Nhật Bản. Đồng thời, đối với các doanh nghiệp là nạn nhân của các vụ đập phá, tấn công, cướp bóc của người biểu tình, các thiệt hại của họ sẽ được xử lý thông qua các kênh luật pháp của Trung Cộng. “Nhật Bản đang lên kế hoạch đòi Trung Cộng bồi thường vì đó là vấn đề giữa hai chính phủ”- ông Fujimura nhấn mạnh.
Theo Kyodo, căng thẳng chính trị giữa Nhật Bản - Trung Cộng cũng đã bắt đầu ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh doanh khác của Nhật ở Trung Cộng. Nhà chức trách Trung Cộng đã yêu cầu các công ty xuất bản ở Bắc Kinh không xuất bản sách của người Nhật viết hay sách do Nhật giữ bản quyền, kể cả sách liên quan tới Nhật do tác giả Trung Cộng viết.
Trong khi đó, Hiroyuki Kurihara - em trai và là người phát ngôn của ông Kunioki Kurrihara - người sở hữu những hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku vừa được Nhà nước Nhật mua với giá 2,05 tỉ yen - đã lên tiếng thúc giục Chính phủ Nhật đưa Trung Cộng ra Tòa án công lý quốc tế để giải quyết tranh chấp một lần cho xong.
KHỔNG LOAN - MỸ LOAN
No comments:
Post a Comment