Friday, March 23, 2012

Biến động trong trung tâm quyền lực Tầu Cộng

 
Biến động trong trung tâm quyền lực Tầu Cộng
 
 
Ông Uông Dương, bí thư Quảng Đông (trái) và ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh.  
Ông Uông Dương, bí thư Quảng Đông (trái) và ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh.
REUTERS

Đức Tâm

Tầu Cộng đang trong đà chuẩn bị thế hệ lãnh đạo thứ 5. Vậy, việc ông Bạc Hy Lai bị cách chức ngày 15/03/2012 đánh dấu sự thắng thế của « mô hình Ô Khảm » đối với « mô hình Trùng Khánh » ? Phe Đoàn Thanh niên cộng sản lấn lướt được phe « Hoàng tử đỏ » ? RFI dịch và giới thiệu bài « Đại biến động trong trung tâm quyền lực Tầu Cộng » của Arnaud de la Grange, thông tín viên báo Le Figaro tại Bắc Kinh. Bài đăng ngày 16/03/2012.

Tất cả đã bắt đầu từ buổi tối mùa đông giá lạnh, trong một bầu không khí có hương vị chiến tranh lạnh. Thế nhưng, nếu kịch bản câu chuyện giống như một bộ phim Hollywood, thì các diễn viên lại hoàn toàn có thật, và đó là các nhân vật chính yếu của một nước Tầu Cộng, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Ngày 06 tháng Hai vừa qua (2012), ông Vương Lập Quân đến, hay đúng hơn là đến tỵ nạn, tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Ông Vương là phó thị trưởng Trùng Khánh, siêu đô thị với 30 triệu dân, cách Thành Đô khoảng ba giờ đường bộ. Ông chịu trách nhiệm về an ninh và chính viên « siêu cảnh sát » này, với phương cách hành xử « cơ bắp », đã tiến hành cuộc chiến chống lại các «hắc đảng », những thế lực mafia ở địa phương. Với vị trí này, ông là thuộc hạ thân tín của lãnh đạo Đảng ở Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, một gương mặt quan trọng trong bộ máy lãnh đạo chính trị Tầu Cộng, một trong những nhân vật đang khao khát có chân trong Thường vụ Bộ Chính trị trong dịp thay đổi thành phần vào mùa thu tới. Nhưng bước đường hướng tới tầm cỡ lãnh đạo quốc gia của ông Bạc Hy Lai chắc chắn đã dừng lại hôm thứ Năm vừa qua (15/03) với việc ông bị cách chức.
Tại Thành Đô, vào tối tháng Hai đó, các sự kiện nhanh chóng mang dáng dấp thảm kịch. Trên Vi Bác, mạng xã hội Twitter Tầu Cộng, các cư dân mạng nói là có hàng chục xe của lực lượng cảnh sát và bán vũ trang được điều động xung quanh cơ quan đại diện Mỹ. Ông Vương Lập Quân đã ở trong lãnh sứ quán khoảng 24 giờ. Điều gì đã xẩy ra trong suốt những giờ phút dài đằng đẵng đó. Vẫn hoàn toàn bí ẩn. Ngưòi ta nói rằng quan chức cao cấp này dường như xin tỵ nạn chính trị tại Mỹ. Vô ích. Các nhà ngoại giao Mỹ đã khẳng định, đúng là ông Vương đã tới Thành Đô, nhưng ông đã « tự nguyện » rời khỏi lãnh sự quán và họ không tiết lộ gì thêm nữa.
Người ta tưởng tượng đến bầu không khí sôi sục giữa hai cường quốc lớn, những cú điện thoại của các quan chức Tầu Cộng cảnh báo những mối nguy hiểm về một cuộc phiêu lưu như vậy… Trong một cuộc nói chuyện với đài truyền hình Phượng Hoàng Hồng Kông, vào tuần trước, thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan) đã nhả ra một vài thông tin. Ông thổ lộ là đã bỏ ra 2-3 tiếng đồng hồ để dỗ dành, thuyết phục ông Vương Lập Quân ra khỏi lãnh sự quán Mỹ. Do vậy, ông cho là đã tránh được một cuộc « khủng hoảng ngoại giao » nghiêm trọng. Trên thực tế, tối 07/02, ông Vương ra khỏi nơi tỵ nạn tạm thời. Các nhân viên an ninh quốc gia đón ông. Ngay hôm sau, 08/02, ông Vương được đưa lên Bắc Kinh bằng máy bay, từ đó, ông bị thẩm vấn trong những điều kiện được giữ bí mật. Cũng trong ngày hôm đó, một thông cáo cho biết ông Vương nghỉ phép vì « làm việc quá sức »… Câu chuyện « Thanh tra Eliot Ness Trùng Khánh » có cảm hứng từ bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng (*). Ông Vương giờ đây đã khoác bộ trang phục mầu ghi xám của « kẻ phản bội», bị nghi ngờ tham nhũng và có những phương cách làm việc phạm luật.
Khi chấp nhận rủi ro « được ăn cả, ngã về không » này, phải chăng tính mạng ông Vương bị đe dọa ? Ông đã mang theo những hồ sơ gì khi vào lãnh sự quán Mỹ ? Báo chí Hồng Kông nói rằng ông có một số thông tin bất lợi cho ông Bạc Hy Lai, rằng nhiều ngày trước khi xẩy ra sự cố, ông Vương đã viết một bức thư gửi cơ quan đáng gờm là Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng, cấp báo về một số việc bất hợp lệ của thủ trưởng ông ta. Cũng không quan trọng lắm. Điều cơ bản là vụ việc đã làm dấy lên một cơn bão chính trị dữ dội nhất mà Trung Quốc chưa hề thấy từ rất lâu nay và làm lộ rõ những biến động trong việc chuyển giao quyền lực chính trị năm 2012, một sự kiện mà mỗi thập niên chỉ xẩy ra một lần tại đây. Ở Tầu Cộng cũng vậy, « chiến dịch vận động tranh cử » - theo kiểu chủ nghĩa xã hội thị trưòng – đã thực sự được khởi động. Và dao nhọn đã được rút ra trong cuộc đấu đá giữa các phe phái khác nhau, giữa các đường lối khác nhau.
Trong những trận chiến trong bóng tối này, chỉ thỉnh thoảng người ta mới trông thấy ánh phản quang của dao. Theo thông lệ, đấu đá chỉ diễn ra trong bóng tối. Giống như thời cổ xưa của Liên Xô và của kiểu nghiên cứu « Kremlin học », người ta chỉ có thể phỏng đoán, tìm kiếm những điểm khác biệt tinh tế trong những lời phát biểu lạnh lùng, bài bản theo kiểu « lưỡi gỗ », dò xem kỹ lưỡng những bức ảnh chính thức để đếm kẻ vắng mặt, người hiện diện, đánh giá về thứ hạng của các nhân vật trong bộ máy quyền lực tùy theo vị trí của họ…Đúng vậy, trong những ngày vừa qua, kỳ họp thường niên của Quốc hội là dịp để quan sát, phỏng đoán. Hôm thứ Năm, các nhà quan sát bình luận nhiều về sự vắng mặt của ông Bạc Hy Lai trong một cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị. Ông đã cho biết là bị « cúm nhẹ ». Hôm sau, ông tham gia vào một cuộc gặp với báo chí của đoàn đại biểu Trùng Khánh. Vào dịp đó, ông thừa nhận « khuyết điểm không giám sát ».
« Chín Hoàng đế »
Có hai dữ kiện xác định khuôn khổ các cuộc đối đầu đang diễn ra. Dữ kiện đầu tiên là tính lãnh đạo tập thể tại Tầu Cộng mà trung tâm quyền lực là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, với chín thành viên, được gọi là « Chín Hoàng đế ». Chính từ đây mà những thoả hiệp được hình thành, những đồng thuận chung được đưa ra. Cần phải biết là tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo cộng sản không hề là một khối thống nhất. Có những thiên hướng bảo thủ hơn, có những thiên hướng cải cách hơn và nhất là tầng lớp này lại chia thành vài phe phái lớn với những liên minh đôi khi đan chéo nhau. Dữ kiện lớn thứ hai, đó là sự cần thiết đối với vị chủ tịch mãn nhiệm giữ được các phương tiện chi phối quyền lực, vì nên biết rằng thế hệ thứ 5 các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cầm cương điều khiển đất nước trong 10 năm trời, tới tận năm 2022. Như ông Giang Trạch Dân đã làm cách nay 10 năm, chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải xếp đặt càng nhiều người của ông càng tốt vào trong bộ máy quyền lực cao nhất, để giữ được khả năng tác động, chi phối.
Do đó, vụ ông Bạc Hy Lai, có thể được diễn giải nhiều cách khác nhau. « Tất cả các diễn giải này vừa đúng vừa sai », như lời một nhà ngoại giao. Đó là cuộc chiến giữa hai phái, phái Đoàn Thanh niên Cộng sản và phái « con các hoàng tử » hoặc đó là cuộc chiến giữa « mô hình Trùng Khánh », bảo thủ hơn và « mô hình Ô Khảm », cải cách hơn. Trong trường hợp thứ nhất, có lẽ trước hết là cuộc đấu đá giữa các nhân vật vì quyền lực. Trong trường hợp thứ hai, đó là một sự đối chọi giữa hai tầm nhìn về một nước Trung Hoa trong tương lai.
Cuộc chiến giữa hai phái gần như là một sự đối đầu của « giới quan chức chống lại các hoàng tử ». Thực vậy, một bên là Đoàn Thanh niên mà thủ lĩnh là chủ tịch Trung Quốc hiện nay, ông Hồ Cẩm Đào. Trong nhiều trường hợp, đó là những người xuất thân từ giới bình dân và nhờ công trạng mà lên cao trong bộ máy chính quyền. Như vậy, họ không có « máu xanh – có dòng dõi quý tộc ». Bên kia chiến hào là phe « con các hoàng tử » trong đó có ông Tập Cận Bình, mà ai cũng cho rằng ông sẽ là chủ tịch tương lai của Trung Quốc. Họ là thành viên của tầng lớp quý tộc đỏ, hậu duệ của những anh hùng lập ra nền Cộng hòa Nhân dân. Đối với ông Lâm Hoà Lập (William Lam), người am hiểu những điều bí mật trong bộ máy quyền lực Trung Quốc, giờ đây, người ta đang chứng kiến việc xem xét lại một thỏa hiệp đã đạt được hồi năm ngoái, dựa trên việc chia ba số ghế trong cơ cấu quyền lực « Chín Hoàng đế » : Ba ghế cho phái Đoàn Thanh niên, ba ghế cho phe các hoàng tử, trong đó có ông Tập Cận Bình và ba ghế cho các phe phái khác. Trong một bài viết của Jamestown Foundation, ông Lâm Hòa Lập cho rằng ông Hồ Cẩm Đào và các thuộc hạ của ông đã chỉ đạo « sự bất trắc » Trùng Khánh, thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai. Chỉ còn cần đồng thuận với nhau về người thay thế ông Bạc Hy Lai…
« Sự phá sản của mô hình Trùng Khánh »
Về thực chất, dường như cũng có sự đối đầu giữa hai mô hình. Mô hình Trùng Khánh mà ông Bạc Hy Lai muốn thấy toàn Trung Quốc áp dụng. Đó là một dạng thỏa hiệp kết hợp giữa việc quay trở lại tư tưởng bình đẳng kiểu Mao và một sự mở cửa về kinh tế dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mô hình kia, mà một số người, từ nay coi đó là « mô hình Ô Khảm », ý muốn nói tới khu làng nổi dậy ở miền nam Trung Quốc vừa mới thực hiện cuộc bỏ phiếu cấp địa phương tự do đầu tiên. Ngưòi đã giải quyết cuộc khủng hoảng này là vị đứng đầu tỉnh Quảng Đông, ông Uông Dương (Wang Yang). Đây là người được chủ tịch Hồ Cẩm Đào che chở, cũng có thể sẽ tham gia vào nhóm Chín Hoàng đế và là đối thủ chính của ông Bạc Hy Lai. Được coi là người rất ủng hộ tự do kinh tế, ông chủ trương phải mạnh dạn hơn nữa trong cải cách, qua việc giảm vai trò của Đảng, nới lỏng hơn sự kiềm chế đối với xã hội dân sự. Một nhân vật chủ chốt trong phe tân tả theo tư tưởng Mao, ông Dương Phàm (Yang Fan), tác giả một cuốn sách ca ngợi ông Bạc Hy Lai, tựa đề « Mô hình Trùng Khánh », vừa thừa nhận là cần có thêm một cái nhìn khác về trường hợp Ô Khảm…
Đối với ông Trương Minh (Zhang Ming), giáo sư ở đại học Nhân dân, việc cách chức ông Bạc Hy Lai báo hiệu sự « phá sản của mô hình Trùng Khánh và bật tín hiệu cho đường lối cải cách hiện đại hơn, nhưng không quá thiên tả ». Nhà nghiên cứu Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), thuộc Viện Đông Nam Á, đại học Quốc gia Singapore, nhận định, « cho đến nay, có một sự đối địch, tranh đua liên tục giữa hai đưòng lối này. Giờ đây, đường lối Trùng Khánh bị gạt bỏ, các lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể tự do hơn nhằm tìm được đồng thuận chung và thúc đẩy cải cách. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào họ ».
Do đó, một số người tự hỏi phải chăng có một sự trùng hợp giữa vụ nổ chính trị và việc đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống những bài viết có giọng điệu « cải cách » hơn là bình thường, kể cả về mặt xã hội và chính trị. Người ta tấn công các « nhóm lợi ích », nhất là những người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước, dường như đã ngăn chặn cải cách. Từ đó mà suy luận rằng thời của những đại cải cách đã đến, là viển vông, vì vẫn còn một khoảng cách rộng bằng nước Trung Hoa. Vả lại, việc trấn áp những tiếng nói bất đồng không hề giảm. Và các giai đoạn quá độ vẫn chỉ đưa đến nguyên trạng. Chuyên gia Lâm Hòa Lập cũng lưu ý là các nhà lãnh đạo cộng sản có « truyền thống lâu đời sử dụng những nhân vật cải cách triệt để và những ngưòi có tư tưởng tự do về kinh tế như những con tốt trong các thủ đoạn chính trị, để rồi sau đó gạt bỏ chúng đi khi trận chiến giành quyền lực kết thúc ».
(*) : Eliot Ness (1903 – 1957) là thanh tra cảnh sát nổi tiếng chống băng đảng tội phạm trong thời kỳ nước Mỹ cấm buôn bán rượu 1920 – 1930 (Probibition). Đây là đề tài của bộ phim truyền hình



Trung Quốc: Sự nhức nhối lớn dần

TTH

Cùng tác giả:

(China’s Economic Growing Pains)
Lời giới thiệuNgày 5 tháng 3 vừa qua, Trung Quốc giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn 7.5 phần trăm. Năm 2011 mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 9.2%. Sau đó các giới chức nước này cho rằng họ sẽ giữ được mức tăng trưởng khoảng 8 đến 8.5% cho năm nay. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng đầu năm, chỉ tiêu vừa kể lại bị cắt giảm xuống chỉ còn 7.5%.
Vào tháng 3 năm ngoái, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh báo về tình trạng “bốn không” của nền kinh tế Trung Quốc là : “không cân đối, không công bằng, không ổn định và không bền vững”. Đến tháng 10/2011, đã xuất hiện hàng loạt dấu hiệu bất ổn trong nền kinh tế nước này, và nay thì những bất ổn đó xem chừng đã bắt đầu phát tác. Tuy nhiên, kinh tế không phải là lãnh vực duy nhất của Trung Quốc lâm vào tình trạng bất ổn, mà chính trị và xã hội cũng không thoát khỏi. Đến nỗi ngày 3/12, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu ban Chính Pháp, là cơ quan có quyền hạn trên cả hai bộ Công An và bộ Quốc Gia An Toàn (lo về an ninh, tình báo và phản gián), đã tuyên bố là phải cải tiến chế độ quản lý xã hội để nâng cao khả năng ứng phó của các tỉnh với những thay đổi kinh tế.
Điều gì đã khiến nước đông dân nhất địa cầu, với nền kinh tế vừa ngoi lên hàng thứ nhì thế giới (về tầm vóc (’size’ - khác với sức mạnh kinh tế) hơn một năm trước, lâm vào cảnh mà những người đứng đầu nhà nước phải liên tục đưa ra những cảnh báo đen tối như vậy? Không những thế, hôm 16/3/2012, cùng lúc với lời cảnh báo của thủ tướng Ông Gia Bảo về nguy cơ xảy ra một vụ “Cách mạng văn hóa” như trong thập niên 60, nếu không kịp thời thay đổi; Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng, đảng Cộng Sản mà ông sắp lên lãnh đạo vào tháng 10 tới đây chỉ là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm cần phải được "trong sạch hóa".
Ngày 10/2 vừa qua, trên trang mạng The Week đã có một bài nhận định nhan đề: “China’s Economic Growing Pains”(1) (tạm dịch: ’Kinh Tế Trung Quốc, Sự Nhức Nhối Lớn Dần’) phân tích những vấn đề đã tích lũy từ ba thập niên qua trong cuộc cải cách kinh tế tại nước này, để dẫn đến tình trạng ngày hôm nay. Kính mời quý độc giả theo dõi phần lược dịch của TTH dưới đây.
BBT WebVT
- - -
Trung Quốc có điều gì bất ổn ?
Nước này đang chật vật đối phó với hậu quả sự tăng trưởng kinh tế vũ bão của chính mình. Trong một thập niên qua, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 10 phần trăm một năm, khiến bộ mặt quốc gia này giàu có hẳn lên. Tuy nhiên, sự tăng trưởng không đồng bộ trải rộng trên một dân số hơn 1 tỷ 3 người đã dẫn đến sự mất cân đối đầy cay đắng. Sự thăng hoa kinh tế đã tạo nên một giai cấp mới gồm các viên chức hàng đầu của nhà nước và chủ các doanh nghiệp, nổi bật về sự giàu có của họ (2). Trong đó có hơn 500 ngàn “đại gia” triệu phú mỹ kim đi du lịch nước ngoài như cơm bữa, đi xe Mercedes-Benzes và Rolls-Royces, cổ tay sáng rực đồng hổ Rolexes. Trong khi đó thì lợi tức bình quân của người dân Trung Quốc chỉ ngang hàng với Jamaica hay Albanie. Hậu quả là nước này đang phải gánh chịu những bất ổn trầm trọng về cả xã hội, kinh tế và chính trị, khiến người dân chỉ chực nổi loạn, còn nhà nước thì lo âu.
Liệu rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển?
Kinh tế Trung Quốc đã đi xuống rồi, tăng trưởng trong quý 4 năm ngoái chỉ còn dưới 9 phần trăm. Điều này một phần phản ánh sự lệ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào lãnh vực xuất khẩu. Âu Châu và Hoa Kỳ là hai thị trường lớn nhất cho các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng kể từ khi kinh tế suy thoái, cả hai thị trường đó đã giảm bớt rất nhiều khối lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu. Điều trớ trêu là, sự tăng lương cho công nhân ở Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến kinh tế nước này đi xuống. Một số kỹ nghệ, đặc biệt là về may mặc và giày dép, đã di chuyển cơ xưởng sản xuất từ Trung Quốc sang Indonesia và Bangladesh, những nơi mà chủ xí nghiệp vẫn có thể trả lương cho công nhân vài chục xu một ngày. Tuy nhiên, sự đe doạ lớn nhất cho kinh tế Trung Quốc là lạm phát và “bong bóng” địa ốc. Những người giàu mới nổi ở Trung Quốc đã đổ tiền bạc vào lãnh vực địa ốc khiến giá cả tăng vọt. Nhiều người có tiền bạc cũng đầu tư trong các công ty tài chính tư nhân, cung cấp vốn cho các doanh nghiệp tư nhân không thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ ngân hàng nhà nước. Dịch vụ này nở rộ vì các ngân hàng chính thức thường từ chối cho tư nhân vay tiền. Ở thành phố Wenzhow, sự vỡ nợ cuả một loạt các dịch vụ làm ăn kiểu này đã gây nên một làn sóng tự tử của những người không trả được nợ.(3)
Sự phẫn nộ của dân chúng lan rộng đến mức nào?
Sự phẫn nộ này đã ăn sâu vào tận xương tuỷ của xã hội Trung Quốc. Dân ở vùng thôn quên nghèo nàn thì than phiền là lương bổng và lợi tức chỉ gia tăng ở thành thị, chứ nông thôn chẳng có phần. Dân chúng ở một số nơi đã bắt đầu đứng lên phản đối nạn tham nhũng tràn lan trong các quan chức địa phương, là những người đã cưỡng chế đất đai của nông dân rổi bán cho các công ty phát triển với giá giá gấp hàng chục, hàng trăm lần số tiền bồi thường cho nông dân, để kiếm những lợi nhuận khổng lồ. Tháng chạp năm ngoái, vụ nổi loạn của dân làng Ô Khảm (Quảng Đông) khiến cả thế giới chú ý. Trong vụ nổi loạn này, dân làng đã đã cướp chính quyền và tự quản lý khu vực sinh hoạt của họ. Cuối cùng chính quyền ở trên bị động, phải cách chức các quan chức địa phương và trao quyền quản lý cho chính những người biểu tình nổi loạn, vì sợ rằng động loạn sẽ lan rộng.
Hàng chục triệu người đã bỏ vùng nông thôn để đi tìm việc làm có đồng lương khá hơn ở các thành thị. Chỉ trong một thế hệ dân số của các thành phố ở Trung Quốc đã gia tăng gấp đôi. Năm 1990 chỉ có 25% dân số sống ở thành thị. Bây giờ đã lên đến 50%. Làn sóng di dân khổng lồ này đã tạo thêm những căng thẳng không thể tưởng tượng được tại các thành phố.
Di dân nông thôn có được hội nhập không?
Thực ra thì người dân nông thôn không được phép di dân như vậy. Chính sách hộ khẩu cũ kỹ đòi hỏi tất cả mọi công dân Trung Quốc phải đăng ký ở chính quán, nơi họ ra đời. Khi di chuyển đi lên thành phố, chính quyền các nơi này thường từ chối không cho di dân được thường trú trong khu vực quản trị của họ. Có ít nhất 200 triệu di dân ở trong trường hợp này không được cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội căn bản như y tế, giáo dục. Nhiều di dân phải sống trong những khi vực tồi tàn ở ven biên thành phố. Năm ngoái, một video ngắn được phát tán tràn lan trên internet trong nỗi kinh hoàng của nước Tàu. Cảnh đứa trẻ bị xe cán đi cán lại, nằm trong vũng máu trên đường phố đông người qua lại, nhưng chẳng được ai ngó ngàng đến. Đứa trẻ đó thuộc một gia đình di dân bị tước quyền sinh sống ở trong thành phố lớn này. Mặc dù gần đây đã có một số cải cách, nhưng chính sách hộ khẩu vẫn góp phần trong việc “phân biệt hoá” những di dân, mà tờ The Economist gọi là "Hệ thống phân biệt chủng tộc của Trung Quốc".
Giới công nhân thì sao?
Giới công nhân cũng bồn chồn. Đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc ngày càng thường xuyên hơn. Trang mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc (tương tự như Twitter) đã tán phát trên khắp nước tin tức về những vụ động loạn ở các địa phương. Tháng 11 năm ngoái công nhân của một xưởng giày nổi loạn vì bị sa thải và cắt giảm đồng lương. Hình ảnh công nhân đầy máu me khi xung đột với cảnh sát được lan truyền rộng khắp trên internet. Một báo cáo của viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc cho biết, các cuộc đình công ngày càng trở nên mang tính cách đối đầu hơn và có khuynh hướng làm cho nơi khác bắt chước..
Nhà cầm quyền phản ứng như thế nào?
Nhà cầm quyền phản ứng bằng cách phối hợp giữa đàn áp và cải cách. Trong một nỗ lực để ngăn chặn những cuộc biếu tình và nổi dậy tại các địa phương, tháng 12 vừa qua, Bắc Kinh đã bắt mọi người dùng trang mạng Weibo phải dùng tên thật. Những ai phàn nàn quá nhiều về nạn tham nhũng, lương bổng hay ô nhiễm công nghiệp, có khi bị bắt bỏ tù hay bị đưa vào viện tâm thần. Tuy nhiên, trong một động thái mang tính cách hoà giải, mới đây thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi phải bảo vệ cho quyền xử dụng đất đai của nông dân. Một trong những người mạnh mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ thái độ này là Hoàng Giang (Wang Yang), bí thư tỉnh Quảng Đông, người có nhiều triển vọng sẽ được đưa vào Ủy ban thường vụ bộ chính trị trong lần thay đổi nhân sự lãnh đạo đảng cuối năm nay, khi mà bảy trong số chín người của cơ chế này sẽ bị thay thế, (đồng thời cũng thay đổi 2/3 nhân sự trong trung ương đảng - ghi chú của người dịch -). Đảng Cộng sản Trung Quốc rất lo lắng về việc họ phải cẩn thận trong những chính sách đối phó với sự bất mãn của công luận. Lần cuối cùng có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo chóp bu rộng lớn tương tư như năm nay diễn ra vào năm 1988, cùng lúc với sự suy thoái kinh tế. Một năm sau, sự thất vọng đối với nhà nước bị dồn nén đã làm bùng nổ những cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn.
Chính sách một con sẽ chấm dứt?
Chính sách một con của Trung Quốc chỉ cho phép mỗi gia đình có một con được đưa ra từ năm 1978 đến nay đã trở thành quả bom nhân số. Ba muơi năm tới đây, khi lớp người già đến tuổi nghỉ hưu, Trung Quốc sẽ đi từ tình trạng có tám công nhân đang làm việc gánh chịu cho một người nghỉ hưu như hiện nay xuống còn có hai. Đây là một gánh nặng khủng khiếp và không chiụ nổi cho nền kinh tế. Ngoài ra, do truyển thống trọng nam khinh nữ, chính sách một con đã ngầm khuyến khích chọn lọc phá thai hài nhi nữ. Kết quả là trai thừa gái thiếu. Trong lớp người dưới 20 tuổi, hiện nay, phái nam nhiều hơn phái nữ 32 triệu người. Với số lượng lớn đàn ông không kiếm được vợ, mà triển vọng tìm ra công ăn việc làm lại hiếm hoi, theo các nhà xã hội học đó là một công thức để đưa đến động loạn lớn. Nhiều nhà phân tích tin rằng, nhà cầm quyền sẽ phải sớm thu hồi chính sách một con. Trên những poster tuyên truyền người ta đã thấy hình ảnh gia đình có hai người con. Tuy nhiên, sự thay đổi có lẽ đã quá trễ. Ông Sanjeev Sanyal, người phụ trách về chiến lược toàn cầu của ngân hàng Deutsche nhận định rằng: “Do sự kết hợp giữa bất quân bình giới tính với một cấu trúc già nua xộc xệch, Trung Quốc đang ở ngưỡng cửa của một sự xụp đổ”.
- - -
(1) “China’s Economic Growing Pains”, http://theweek.com/article/index/224189/chinas-economic-growing-pains
(2) Theo một báo cáo của doanh nghiệp tư vấn Boston Consulting Group thì đến 70% tài sản của Trung Quốc nằm trong tay 0,2% dân số - là khoảng hai triệu rưởi người, Chuyện nợ nần của Trung Quốc,” Nguyễn Xuân Nghĩa – Vũ Hoàng, RFA(>http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/nation-indebted-prc-06302011111410.html)
(3) Trạng mạng Diễn Đàn Kinh Tế Việt Namhttp://vef.vn/2012-03-20-thanh-pho-ma-lon-nhat-trung-quoc, hôm 2/3/2012 có bài viết nhan đề: “Thành phố ma lớn nhất Trung Quốc” của tác giả Bảo Linh viết theo đài BBC. Trong đó thuật lại chuyện một người tên là Li “đã rót tiền vào tham gia đầu tư vào bất động sản, và trả cho ông lãi suất ở mức khoảng 40%/năm. Ông Li đã đầu tư tổng cộng lên tới trên 1 triệu USD vào những danh mục đầu tư như thế. Trong hai năm đầu, các công ty tài chính cá nhân đã trả lãi đầy đủ, nhưng tới năm ngoái các lần thanh toán lãi suất bắt đầu thưa thớt. Sau đó, một công ty tài chính đã biến mất. Câu chuyện này đã rất quen thuộc ở Trung Quốc khi nhiều nhà tài phiệt phải ra hầu tòa vì các gian lận tài chính khổng lồ. Wu Ying, người phụ nữ giàu thứ 68 của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với án tử hình vì những mô hình kinh doanh bà điều hành từ khi 20 tuổi. Với ông Li, hiện ít nhất một nửa số tiền của ông đã bốc hơi. "Chúng tôi từng giàu có, còn bây giờ chúng tôi lại nghèo", ông Li chua xót nói.”
TTH phỏng dịch - WebVT

No comments:

Post a Comment