Saturday, October 1, 2011

TAN TÁC MỘT ĐÀN CHIM

TAN TÁC MỘT ĐÀN CHIM

( Gửi các bạn Không Quân "thầm lặng")
****
Ý YÊN
Tôi vừa có một cảm giác thật bất ngờ như khi ra tù đến trình diện Ban quản Lý Người Cải tạo tại quận Tân Bình, Sàigòn. Hai trường hợp xảy ra cách nhau mười mấy năm từ hai phía địa cầu. Nhớ lại buổi sáng hôm đó, chờ tới lượt mình, tôi đưa tờ "giấy ra trại" cho một đại úy công an. Hai bên nhình nhau sững sờ, bởi anh ta từng là chú lính "tà lọt" cho một đại đội trưởng thuộc đơn vị tôi trước năm 1975. sau hôm tao ngộ đó, anh ta mang biếu tôi cà phê với thuốc 555 có cán, và "thành thật khai báo" sở dĩ vào thời gian trước kia anh không có manh tâm làm phản, bởi vì đơn vị chúng tôi vừa một lòng một dạ thương mến nhau, vừa ra sức bảo vệ người dân qua những cuộc hành quân liên tiếp khắp vùng 3 chiến thuật.
     Về một điều kinh ngạc tôi mới gặp gần đây là do chứng kiến hành vi của mấy cựu Không Quân "thầm lặng", phản đối ông cựu tư lệnh bằng những ngôn từ không tìm thấy trong quân kỷ. Có khác chăng, anh lính thuộc đơn vị tôi là một việt cộng nằm vùng, lẽ ra phải xanh vỏ đỏ lòng, nhưng cũng còn chút tình xưa nghĩa cũ. Đối lại, mấy anh bạn Không Quân bên này là người cùng tổ quốc và không gian một thời bên nhau, đã bất ngờ và vô bằng chứng, nặng lời với ông thầy mình ngay giữa bàn dân thiên hạ, thì sao người ngoài chúng tôi nhịn cười cho được.
     Vào dịp đầu xuân, khi tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ vừa đặt chân về bến cũ Sàigòn, tức thì một cựu đại tá Không Quân vội vàng thay mặt .....toàn thể chiến sĩ VNCH hải ngoại, phóng ra một hỏa tiễn tầm nhiệt muốn đốt cháy tướng Không Quân Cao Kỳ, sợ rằng ông ta về huấn luyện bay đêm thả đặc công xuống phá tình đoàn kết nơi cộng đồng Bolsa của ta. Hành động của vị cựu đại tá đã mở đầu cho cuộc diễn hành chống đối Tướng Kỳ, và kéo theo mấy bạn Không Quân "thầm lặng" kia, cỏ cả một người thơ "ngang phiếm dị", bởi vì trong tù phải vác vầu, anh ta đi ngang bàn chân sợ té dốc, bèn đem ý đó vô câu thơ "bàn chân ngang phiếm dị" gởi theo con thuyền Nghệ An.
     Dân bộ binh chúng tôi, và nơi tất cả các quân binh chủng nghành sở của quân đội ta cũ, không có một ai muối mặt lên tiếng, dù trong bất cứ tình huống nào, hạ nhục xếp mình một cách tệ hại như vậy. Một vài hội đoàn binh chủng có lên tiếng phản đối Tướng Kỳ này nọ, xem ra còn tạm được. Riêng dân Hải Quân và Bộ Binh chúng tôi chưa lần nào trách cứ những ông Bộ Binh Nguyễn văn Thiệu và Big Minh đã làm mất nước của chúng ta, mặc dù đó là những tội lớn. Nhưng mấy bạn Không Quân cùng một tổ với nhau, chưa biết nếp tẻ ra sao, đã vội vã theo gương chúng tôi mà "chửi" ông xếp cũ của mình một cách chẳng thầm lặng chút nào, hình như chỉ có một không hai từ ngày quân lực chúng ta hình thành, lại rơi vào trường hợp cái hào hoa phong nhã đã trở nên đáng ngờ vực.
     Ngoài ra, là lính bóp cò, tôi không hiểu nổi nhờ đâu mà ông "cựu cựu" Không Quân kia có thể tập họp được "toàn thể chiến sĩ VNCH" chỉ trong vài giờ để tố ông cựu Không Quân Kỳ, khi đại hội sơ bộ và lâm thời "tập thể chiến sĩ" mới họp dưới miền nam Cali, chưa mở rộng ra các vùng khác. Có chắc rằng "toàn thể" cựu lính VNCH chúng tôi đăng tên vô Tập Thể kia chăng? Lời thay mặt của vị Không Quân nhân danh toàn thể chiến sĩ VNCH để lôi ông Kỳ ra "tòa án nhân dân" có vẻ vội vàng áp đặt, tiếm dụng quyền hành, bởi vì ngài cựu kia ra nước ngoài có vẻ đã lâu năm, xa cách quê hương lửa đạn, và tên tuổi số quân chẳng còn nằm trên danh sách quân nhân tại hàng nữa. Thêm nữa, chỉ một trung đội trưởng tác chiến cũng đủ biết thế nào là ước tính tình hình, từ giai đoạn thu thập tin tức, gạn lọc tin tức, so sánh đối chiếu bản tin, nhận định giá trị tình báo......cũng phải mất một thời gian nhất định. Huống chi một chuyến đi của nhà lãnh đạo còn lại của Miền Nam ta xưa là phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, cho dù ông ta đi vào vùng địch tạm chiếm, ta cũng cần một thời gian để quan sát mới hiểu thực hư ra sao.
     Nhưng cũng chẳng cần đợi bao lâu, sự thực đã tự chứng minh không nói ngược lại được. Cuộc phỏng vấn trên hai đài truyền hình tại Nam và Bắc California, và hai cuốn băng ghi lại nội dung chuyến viếng thăm Việt Nam đã chứng minh thiện chí của người lãnh đạo Miền Nam ngày nào. Chưa bao giờ có một biểu tượng của Miền Nam xuất hiện giữa xã hội và chính trường Miền Bắc trong tư thế bình đẳng như vậy. Chưa một ai khác đã dõng dạc tự giới thiệu với Hànội và dư luận quốc tế rằng, "Tôi là cựu phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa...", danh xưng Việt Nam Cộng Hòa mà từ bao nhiêu năm, chưa bao giờ Hànội chấp nhận. Nhưng họ đã ngồi quanh chiếc bàn tại Bộ Ngoại giao Hànội, nghe ông Kỳ trao đổi về những tiêu cực của chế độ cộng sản cần phải sửa sai, về việc trả tự do cho những vị lãnh đạo tôn giáo, và về chương trình hòa giải là lẽ tất yếu sau cùng để xây dựng đất nước. Ông Kỳ nói rõ thêm, "Tôi đã mở đường, đã nêu lên nhu cầu hòa giải; còn nội dung và tiến trình ra sao, là việc của thế hệ trẻ hoặc của những ai có thiện chí; tôi không còn mang tham vọng nào khác".
     Dư luận rộng lớn tán thành mục tiêu qua chuyến đi Việt Nam của Tướng Kỳ. tuy thế, vẫn còn lai rai những ý kiến bất đồng, hoặc do mặc cảm thua trận đuối lý, hoặc do tính gàn bướng kinh niên, hoặc do chính kiến của phe đảng khác nhau.
    Chúng ta còn nhớ qua hai giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa, trong khi biết bao người lính chịu trận nơi ải đầu, vẫn có những nhóm Caravelle thân Pháp chống chính phủ; có Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình nhi nhô; vẫn có một đảng M ra lập chiến khu N vừa chống Cộng Sản vừa chống Quốc Gia; vẫn có phi công cảm tình viên của đảng P dội bom dinh Độc Lập; vẫn có ông Thi theo nhóm ông Đông và Hoàng Cơ X. thân Pháp âm mưu đảo chánh ông Diệm , v..v... Do đó, nếu không phải ông Kỳ mà là người của "đảng ta hoặc phong trào tui" y hệt như khuôn mẫu cộng sàn.
    Thật tế cho biết rằng, xưa nay chưa có một thứ "đảng" hoặc "phong trào" nào lướt thắng được đảng cộng sản, trừ ra chính nghĩa của quốc gia đó. Vua Sihanouk hồi loan với lá cờ quốc gia Cambốt; Estonia phục hưng dưới mầu cờ quốc gia ngày trước; nước Nga tự do tôn vinh cờ Nga Hoàng, v..v... Và nhìn lại Việt Nam ông Nguyễn Cao Kỳ không theo đảng nào từ Cần Lao của ông Nhu sang Dân Chủ của ông Thiệu, hoặc cái đảng Dân Tộc còn mơ hồ nơi hải ngoại. Ông Kỳ là người lãnh đạo còn lại của Việt Nam Cộng Hòa chính thống, với lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, đối lập với chế độ cộng sản mà ông vừa gặp lại trên con đường lịch sử.
    Chương trình hòa giải nếu được thương thảo dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, sẽ diễn ra giữa một Việt Nam Cộng Hòa từ đông miên thức giấc, với một Việt Nam Cộng Sản đương quyền. Trừ những kẻ yếu bóng vía, những ai thức thời đều biết rằng thực thể Việt Nam Cộng Hòa còn nguyên vẹn, bởi là một quốc gia bị một quốc gia khác xâm lăng; và cuộc bức hàng lại xảy ra với một ông Tổng Thống vi hiến, soán ngôi trong tình hình hỗn loạn. Hơn nữa, Bắc Việt đã "chỉ định" Big Minh để nói chuyện với họ; và cuộc nói chuyện biến thành một hành động bán nước.
    Những người chống phá ông Kỳ là những ai mang nỗi sợ hãi qúa đáng đối với một đảng Cộng Sản mà họ "loay hoay" không biết tìm ra phương thức đối kháng nào, ngoại trừ những khẩu hiệu và biểu ngữ, hoan hô đả đảo, cùng hình ảnh ông Kỳ bị vu oan và xỉ nhục. Các bạn Không Quân lấy thế làm vinh sao được.
    Hai phe chống đối ông Kỳ dữ dằn nhứt là Tập Thể Chiến Sĩ và Đảng Dân Tộc của ông Chánh. Hai tổ chức này mới hôm qua còn như nước với lửa, nay bỗng về hùa với nhau trong hành động phản đối Tướng Kỳ. Sự liên kết này xét ra cũng dễ hiểu, bởi phe Chánh rất mong được đại diện cho Miền Nam một khi có chuyện vui lớn xảy ra cùng đất nước. Cái "đảng" nào đó nên hiểu rằng, muốn có "danh" thì phải có "công"; cái "công" không thể làm được bằng những cái trợn mắt và phun nước miếng. Biết bao cái tuyên cáo của đảng C, của KBC này nọ, của hai hội Không Quân phản bác Tướng Kỳ, đã vô hình "chui" trọn vô những trang báo Dân Tộc mang lá đảng kỳ sao trắng trên nền xám tro lạnh ngắt . Chẳng hiểu các hoàng tử không gian còn đủ minh mẫn để hiểu ra sự kiện "vơ vào", treo đầu dê bán thịt chó của người ta chăng?
    Theo thiển ý, chiếc chìa khóa có đủ mã số để mở ra cánh cửa Việt Nam Dân Chủ vẫn nguyên vẹn nằm trong tay người Mỹ, mà không là một ông Tây ông Tầu hay một phe đảng lờ mờ theo Tây theo Tầu nào khác. Chính vì ý nghĩa và lý do đó, mà những lực lượng võ trang kháng chiến tại miền hậu giang nội địa hoặc ngoài biên giới Việt Lào, đã bị tiêu tan một sớm một chiều giữa thập niên 1980, bởi không có hậu thuẫn chính đáng, nói trắng ra là của Mỹ. Nhưng Tướng Kỳ với sự đồng thuận của chính quyền Mỹ, đã đơn thương độc mã về giữa thủ đô Hànội nói chuyện tay đôi với người cộng sản; vì ông có cái tư thế mà hiện nay không cá nhân hay những đảng phái nào cộng lại mà có được.
    Nhìn lại quá khứ Việt Nam Cộng Hòa, dù ai có mang lòng đố kỵ với Tướng Kỳ, cũng phải công nhận rằng ngoài ông Ngô Đình diệm, chỉ có Tướng Nguyẽn Cao Kỳ đã có công lớn khi kịp thời ra lệnh phản công thắng lợi trong biến cố Mậu Thân (lúc đó ông Thiệu bận ăn Tết nơi quê vợ tại Mỹ Tho); Và không ai khác đã dẹp loạn Miền Trung êm thắm, tránh nạn máu xương giữa anh em một nhà. Tướng Kỳ đại diện Quân Chủng của các bạn, đã hoàn thành được những công trình lịch sử đó. Đến nay, cũng vẫn trong tư cách một cựu phi công chiến đấu, đang tuyên xưng chính thể Cộng Hòa của chúng ta trước đối phương cũ, và đặc biệt hơn, giữa công luận quốc tế.
    Người cộng sản Việt Nam đành phải tiếp đón Tướng Nguyễn Cao Kỳ trong tư cách cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, dù đây là chuyện chẳng đặng đừng đối với họ, phải ngậm bồ hòn làm ngọt đó thôi. Về lâu về dài, người cộng sản Việt Nam, chỉ còn chỗ dựa cuối cùng chắc ăn nhứt là Hoa Kỳ. Tình thế 2004 không còn là là thời thế những 1954 hoặc 1975. Việt Nam cộng sản không còn lựa chọn nào khác hơn là hòa giải, vì đó là xu thế chung khắp nơi.
    Trên chuyến đi, từ Hànội đến Cà Mau, nơi nào đã đi qua, ông Kỳ cũng đưọc người dân vồn vã hỏi thăm đón tiếp. Ông đã thu hoạch được cái thế nhân dân bằng tên và nhãn hiệu phi công của ông, nhứt là bằng tiếng vang vọng Việt Nam Cộng Hòa.
    Sau cùng, tôi xin lượng thứ vì muốn thưa chuyện cùng một vài bạn Không Quân "thầm lăng", mà đánh động đến chung một tập thể ưu tú của Quân Chủng chúng ta xưa, nhũng người trai từng là nét đẹp và sức hào hùng của quê hương Việt Nam. Tôi dám mong mấy bạn Không Quân vẫn là những con người hào hoa phong cách, cao thượng tâm hồn, có đủ thiện chí mời cho được hai vị cựu tư lệnh Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Cao Kỳ ngồi lại cùng nhau, cụng một ly nước mắt-quê-hương cảm khái trên con đường lưu lạc, chờ trông một chuyến trở về trong tình dân tộc, là niềm vui và ý nghĩa đời ta.

No comments:

Post a Comment