‘Bão trên Biển Đông’
14:15 GMT - thứ ba, 21 tháng 8, 2012
Jim Webb, thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mỹ đại diện cho tiểu bang Virginia, hôm thứ Hai ngày 20/8 đã có bài bình luận về sự hung hăng của Trung Cộng trên Biển Đông và thái độ của Mỹ trên nhật báo Wall Street Journal dưới tiêu đề ‘Bão đang nổi trên Biển Đông’. BBCVietnamese xin giới thiệu với quý vị.
Kể từ Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã chứng tỏ vai trò hết sức cần thiết trong việc gìn giữ ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương mặc dù đã có các cuộc chiến nhiều mất mát ở Triều Tiên và Việt Nam và bất chấp chu kỳ quyền lực đã luân chuyển từ Nhật Bản sang Liên Xô và bây giờ là Trung Cộng.
Nóng bỏng chủ quyền
Khi khu vực này ngày càng trở nên thịnh vượng, vấn đề chủ quyền lại càng trở nên nóng bỏng. Trong vòng hai năm qua Nhật và Trung đã có những lần va chạm công khai tại quần đảo Senkaku mà cộng đồng quốc tế thừa nhận là thuộc quyền quản lý của Nhật Bản.
"Giờ đây Trung Cộng lại bắt đầu mời thầu dầu khí tại những vùng biển mà cộng đồng quốc tế thừa nhận là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam."
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Jim Webb
Trung Cộng và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Cộng, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia đều tuyên bố có chủ quyền với quần đảo Trường Sa – nơi đã chứng kiến cuộc đối đầu tiếp diễn giữa Bắc Kinh và Manila.
Những tranh chấp như thế không chỉ là vấn đề tự hào lịch sử mà còn liên quan đến những vấn đề quan trọng khác như hàng hải, quyền đánh bắt và các tài nguyên giá trị tiềm tàng dưới lòng vùng biển rộng đến hàng ngàn dặm xung quanh các quần đảo tranh chấp. Không nơi nào mà căng thẳng gia tăng lại có thể nhìn thấy rõ ràng như trong vấn đề tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vốn ngày càng trở nên gay gắt.
Vào ngày 21/6, Quốc vụ viện Trung Cộng đã phê chuẩn thành lập một đơn vị hành chính mới mà họ gọi là Tam Sa với trụ sở chính quyền đặt trên đảo Woody (Trung Cộng gọi là Vĩnh Hưng còn Việt Nam gọi là Phú Lâm) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đảo Woody này không có dân bản địa và cũng không có nguồn nước ngọt tự nhiên nhưng lại có phi đạo có thể hỗ trợ các máy bay quân sự, một bưu điện, một ngân hàng, một cửa hàng tạp hóa và một bệnh viện.
Quần đảo Hoàng Sa nằm về cách đảo Hải Nam, điểm cực nam của lãnh thổ Trung Cộng, hơn 200 hải lý về phía đông nam nhưng nằm ngay phía đông bờ biển miền Trung Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này – nơi đã diễn ra một trận chiến vào năm 1974 khi quân đội tấn công để đẩy binh lính của chế độ miền Nam Việt Nam ra khỏi đảo.
Các cuộc xung đột tiềm tàng có thể bắt nguồn từ việc ra đời của đơn vị hành chính mới này của Trung Cộng vốn có phạm vi vượt xa quần đảo Hoàng Sa. Chỉ trong vòng 6 tuần lễ phía Trung Cộng đã tuyên bố thêm rằng phạm vi tài phán của Tam Sa không chỉ là Hoàng Sa mà còn là toàn bộ biển Nam Trung Hoa.
Theo hãng thông tấn Trung Cộng Tân Hoa Xã thì Tam Sa quản lý ‘hơn 200 hòn đảo’ và ‘vùng biển rộng 2 triệu km vuông’.
Để củng cố cho việc bành trướng này, Trung Cộng đã bầu ra 45 đại biểu lập pháp để quản lý khoảng 1.000 người dân sống trên các hòn đảo cùng với một Ủy ban thường trực gồm 15 thành viên, một chủ tịch và một phó chủ tịch thành phố.
Những động thái chính trị này đi cùng với việc mở rộng quân sự và kinh tế, và giờ đây Trung Cộng lại bắt đầu mời thầu dầu khí tại những vùng biển mà cộng đồng quốc tế thừa nhận là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Cộng đã đơn phương quyết định sát nhập vào lãnh thổ một vùng biển trải rộng về phía Đông đến tận Philippines và về phía Nam gần đến eo biển Malacca.
Đơn vị hành chính mới của Trung Cộng có diện tích lớn gần gấp đôi diện tích lãnh thổ của Việt Nam, Nam Hàn, Nhật Bản và Philippines cộng lại.
‘Mỹ yếu ớt’
Phản ứng của Mỹ cho đến nay là rất yếu ớt. Mãi đến ngày 3/8 Bộ Ngoại giao mới bày tỏ quan ngại chính thức về việc Trung Cộng ‘nâng cấp đơn vị hành chính... và thành lập một lực lượng trú đóng’ trên quần đảo tranh chấp.
Tuyên bố này của Bộ Ngoại giao đã được soạn thảo rất cẩn trọng trong khuôn khổ chính sách lâu nay của Mỹ là kêu gọi giải quyết các vấn đề chủ quyền trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và không sử dụng sức mạnh quân sự.
"Với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực, việc không đứng về phía nào cũng có nghĩa là Washington đã tạo điều kiện cho các hành động càng lúc càng hung hăng không có điểm dừng của Trung Cộng."
Jim Webb, thượng nghị sỹ Hoa Kỳ
Ngay cả như thế mà chính phủ Trung Cộng còn phản ứng giận dữ. Họ cảnh báo rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ‘làm lẫn lộn phải trái và gửi một thông điệp sai lầm nghiêm trọng’. Tờ Nhân dân nhật báo còn cáo buộc Mỹ là ‘thổi lửa và kích động chia rẽ và cố tình tạo ra sự thù địch với Trung Cộng'.
Ấn bản hải ngoại của họ cũng yêu cầu Mỹ phải ‘câm mồm’.
Thật sự là trong những năm qua sự dao động của Mỹ đã khiến Trung Cộng ngày càng mạnh bạo. Lập trường của Mỹ về tranh chấp chủ quyền ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương cho đến nay vẫn là không đứng về bên nào và các vấn đề phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan.
Các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn đã nhiều lần kêu gọi sự can dự nhiều hơn từ phía quốc tế.
Trong khi đó, Trung Cộng vẫn khăng khăng rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết song phương – có nghĩa là hoặc sẽ không bao giờ giải quyết được hoặc giải quyết theo ý của Trung Cộng.
Với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực, việc không đứng về phía nào cũng có nghĩa là Washington đã tạo điều kiện cho các hành động càng lúc càng hung hăng không có điểm dừng của Trung Cộng.
Bài học lịch sử
Hoa Kỳ, Trung Cộng và toàn bộ khu vực Đông Á giờ đây đã đến khoảnh khắc sự thật không tránh khỏi. Các tranh chấp chủ quyền mà các bên phải tìm kiếm giải pháp hòa bình là một chuyện; còn các hành động hung bạo lại là chuyện khác.
Lịch sử đã dạy chúng ta khi các hành động hung hăng từ một phía không được đáp trả, thì theo thời gian cái xấu chẳng bao giờ trở nên tốt hơn.
Không ở đâu mà quy luật này được thể hiện rõ như là với chu kỳ thay đổi quyền lực ở Đông Á.
Như sử gia Barbara Tuchman đã nhận thấy trong quyển tiểu sử mà bà viết về Tướng Joseph Stillwell của quân đội Mỹ thì lời khẩn cầu của Trung Cộng để Mỹ và Hội Quốc Liên giúp đỡ đã không được đáp ứng sau khi quân Nhật xâm lược Mãn Châu vào năm 1931 – một sự thờ ơ đã ‘tạo thành chất độc của sự dung dưỡng... vốn mở màn một thập kỷ chìm vào chiến tranh’ ở châu Á và các nơi khác.
Trong lúc nước Mỹ đang bận tâm vào cuộc bầu cử tổng thống thì toàn bộ khu vực Đông Á đang theo dõi Mỹ sẽ làm gì trước các hành động của Trung Cộng trên Biển Đông.
Khi họ thấy một hành động nào đó thì họ sẽ biết đấy là một phép thử. Họ đang chờ xem liệu Mỹ có xứng với vai trò không hề dễ chịu nhưng lại cần thiết là người bảo trợ đích thực cho sự ổn định của Đông Á hay không và liệu khu vực này một lần nữa có bị bao phủ bởi sự hung bạo và ức hiếp hay không.
Nước Trung Hoa của năm 1931 đã thấu hiểu mối nguy này và đã gánh chịu hậu quả trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế. Vấn đề đặt ra là liệu Trung Cộng của năm 2012 có thật sự mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các chuẩn mực quốc tế có thể chấp nhận được và liệu nước Mỹ của năm 2012 có ý chí và năng lực để khẳng định rằng cách xử lý như thế mới là con đường duy nhất đem đến ổn định hay không.
Toàn thể Đông Á đang chờ đợi xem Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào trước sự hung hăng của Trung Cộng.
No comments:
Post a Comment