Minxin Pei, The Diplomat
Trần Ngọc Cư dịch
(Bằng cách truy tố vợ của Bạc Hy Lai về tội giết người, các lãnh đạo chính trị Trung Cộng đã tạo một tiền lệ nguy hiểm)
Tin tức cho biết các công tố viên Trung Cộng (TC) đã lập hồ sơ chính thức truy tố bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu Bí thư Trùng Khánh vừa bị thất sủng, ông Bạc Hy Lai, đã gợi lên những hình ảnh hấp dẫn về một phiên toà sôi nổi, trong đó những hành vi dơ bẩn nhất của gia đình họ Bạc sẽ bị báo đài phơi bầy không thương tiếc. Nhưng trước khi các nhà văn có tham vọng viết một tác phẩm chính trị giật gân chạy tới mua bản quyền của cuốn trường thiên tiểu thuyết về họ Bạc, bất chấp giá trị giải trí hiển nhiên của nó, chúng ta cần phải dừng lại phút giây để suy ngẫm về một khía cạnh khác của vở kịch Bạc Hy Lai vốn chưa được quan tâm đúng mức: sự bất an của các lãnh đạo chóp bu TQ.
Mặc dù tuyệt đại đa số dân chúng reo mừng một cách dễ hiểu trước sự sụp đổ của các nhân vật như Bạc Hy Lai, tức các thành viên ban lãnh đạo Đảng (apparatchiks) kiêu căng, đạo đức giả, tàn ác, và tham lam trong lúc cầm quyền, nhưng những ngụ ý chính trị về sự sụp đổ của họ và về cách họ bị thanh trừng lại không mang ý nghĩa của một vở kịch dạy đạo lý. Trái lại, cái cung cách mà những kẻ quyền cao chức trọng mất hết quyền hành và những gì xảy ra cho họ sau đó có thể giúp ta hiểu biết rất nhiều về bản chất của chế độ chính trị mà họ đã lên voi xuống chó. Như trong chế độ TC hiện nay, cuộc thanh trừng không đẹp mắt dành cho Bạc Hy Lai đã phơi bày nhiều mặt u ám của chế độ: tham nhũng, vô pháp luật, đạo đức giả, và tàn bạo. Những tính cách này của một chế độ làm cho nó thiếu tính chính đáng (illegitimate) và hủy hoại khả năng tồn tại lâu bền của nó. Tuy nhiên, hiếm khi chúng ta có đủ điều kiện để nhìn những cuộc tranh giành quyền lực chính trị từ nhãn quan của một kẻ nằm bên trong chế độ. Do đó, chúng ta thường không hiểu đúng mức là làm sao mà sự bất an (thiếu tự tin) của giới lãnh đạo chóp bu có thể tạo ra một đe dọa chết người cho chính một chế độ vốn đã thành công để rồi thất bại.
Trước khi chúng ta phân tích mức độ bất an của tầng lớp thống trị chóp bu Trung Cộng hiện nay, thiết tưởng cũng nên nói đến một thời đại mà các lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản luôn luôn nơm nớp lo sợ cho mạng sống của mình và của gia đình mình – đó là triều đại Mao Trạch Đông từ năm 1949 đến năm 1976. Chế độ Mao là một cỗ máy thanh trừng thường xuyên hoạt động. Bất cứ một thành viên nào trong giai cấp quyền lực của Đảng, bất chấp thâm niên công tác hay lòng trung thành với họ Mao, đều bị trừ khử ngay cái giờ phút người ấy trở thành một mối đe dọa cho quyền lực của Mao. Không có một luật lệ nào chi phối những cuộc thanh trừng này. Gần như trong mọi trường hợp, nạn nhân không phải chỉ có bản thân quan chức thất sủng, mà còn gồm cả thân nhân vô tội của ông ta, những người này cũng bị ném vào tù hay gửi đi trại lao động cải tạo. Thật ra, bi kịch của gia đình Bạc Hy Lai trong thời Cách mạng Văn hóa cũng là một trường hợp điển hình. Cha ông trải qua 10 năm trong tù. Bản thân Bạc Hy Lai cũng bị tù trong thời Cách mạng Văn hóa. Mẹ ông đã tự tử.
Sau khi triều đại Mao chấm dứt và sự tỉnh táo chính trị trở lại với Trung Cộng vào cuối thập niên 1970, các vị đàn anh trong Đảng đã ra sức phục hồi sự đoàn kết nội bộ. Một cái nhìn sâu sắc mà họ đã rút ra được từ tính tự hủy (self-destructiveness) của thời đại Mao là, sự bất an của giới lãnh đạo cao nhất đã làm tồi tệ tối đa những cuộc tranh giành quyền lực ở chóp bu. Ngoài ra, do sự thiếu vắng một thủ tục tố tụng công bằng hợp lý (due process) có khả năng bảo vệ những quyền cơ bản của những thành viên thuộc tầng lớp thống trị chóp bu, mức độ độc đoán, bất khả tiên liệu, và tàn bạo của việc xét xử mà họ và gia đình họ phải gánh chịu là rất hãi hùng và vô nhân đạo. Những trạng huống này ngụ ý rằng khi một kẻ nào trong hàng ngũ lãnh đạo ở chóp bu mất quyền hành, ông ta sẽ mất hết mọi thứ, kể cả mạng sống, sự tự do của bản thân mình và gia đình mình. Sự thể này khiến cho cái giá của việc mất quyền hành là đắt vô cùng. Vì thế, những nhà lãnh đạo chóp bu sẽ chiến đấu đến mức táng tận lương tâm để tránh thua cuộc.
Nhằm gia tăng sự yên tâm chính trị cho các lãnh đạo chóp bu trong Đảng, Đặng Tiểu Bình và các đồng chí của ông đã vạch ra một số kế hoạch tổ chức tinh vi, vừa chính thức vừa bất chính thức. Những nội quy chính thức gồm có những thủ tục cụ thể chi phối việc cách chức các quan chức cao cấp. Một trong những nội quy bất thành văn là, những người thua cuộc trong những cuộc đấu tranh giành quyền lực sẽ không bị phạt tù và gia đình họ sẽ không bị bách hại.
Hẳn nhiên, cũng như mọi thứ luật của Trung Cộng, những nội quy chính thức của Đảng được làm ra để mà vi phạm hơn để mà tôn trọng. Việc Đặng cách chức Hồ Diệu Bang, vị Tổng Bí thư Đảng có đầu óc cải cách, và Triệu Tử Dương, một nhà cải cách khác, đã vi phạm chính nội quy của Đảng. Nhưng mãi cho đến khi Đặng áp đặt 15 năm quản chế bất hợp lệ lên họ Triệu năm 1989, trên cơ bản ông vẫn tuân theo nội quy là không hành hạ thể xác hay làm mất tự do các đối thủ chính trị.
Trong thời đại sau Đặng Tiểu Bình, sự yên tâm của những nhà lãnh đạo ở chóp bu đã suy giảm đáng kể. Không những các thủ tục dùng để cách chức các đảng viên cao cấp trở nên mờ ám, vô lý, và bị chính trị hóa, mà cái giá của sự mất quyền hành cũng đắt ghê gớm. Các vụ thanh trừng bây giờ đi kèm với án tù, chứ không phải là được phép lặng lẽ nghỉ hưu. Người thân của kẻ sa cơ thất thế cũng vướng vào vòng lao lý.
Nạn nhân đầu tiên của các vụ thanh trừng thời kỳ sau Đặng là Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị và là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, bị cho vào tù về tội tham nhũng năm 1995. Con trai của ông cũng đi tù. Họ Trần gần đây đã cho xuất bản tập hồi ký của mình. Trong khi cố gắng để chứng tỏ rằng ông không liên quan đến vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, ông tiết lộ rằng vụ án bí mật của ông chỉ được xử chiếu lệ và ông gọi thủ tục của phiên toà là “phát xít”. Nạn nhân cao cấp thứ hai cũng mang họ Trần, đó là Trần Lương Vũ, một thời là Bí thư Thượng Hải và Ủy viên Bộ Chính trị đầy tham vọng. Cũng như Trần Hy Đồng, Trần Lương Vũ bị hạ bệ vì tội tham nhũng và bị kết án 18 năm tù.
Như vậy những gì xảy đến cho Bạc Hy Lai và người thân của ông có lẽ không đến nỗi bất thường. Như đã dự kiến, quyết định đưa Cốc Khai Lai ra toà chỉ báo hiệu rằng ban lãnh đạo chóp bu đã định tội và biện pháp trừng phạt bà. Bạc Hy Lai, hiện đang mòn mỏi trong chế độ quản chế nghiêm khắc của Đảng (chế độ giam giữ vô thời hạn ngoài pháp luật), gần như chắc chắn sẽ chịu chung số phận với hai ông cựu Bí thư họ Trần.
Một số quan sát viên thời sự có thể không đồng ý với dự đoán trên vì họ cho rằng việc thanh trừng các quan chức cao cấp về tội tham nhũng hoàn toàn khác với việc trừng trị họ về tội bất trung với Đảng hoặc vì đấu tranh bè phái để giành quyền lực. Sự phân biệt này có thể đúng về mặt kỹ thuật nhưng về thực chất và về ý nghĩa chính trị thì không quan trọng. Trong việc nuôi dưỡng một nỗi bất an đáng sợ cho hàng lãnh đạo chóp bu, thì các tội tham nhũng và các tội chính trị là không khác nhau.
Một là, cũng như tội chính trị, tội tham nhũng cũng có thể ngụy tạo. Những bằng chứng được đem ra để buộc tội hai Bí thư họ Trần, chẳng hạn, đã cho thấy hai vụ án gượng gạo và thiếu cơ sở. Ai cũng biết hai ông họ Trần sụp đổ không phải vì tham nhũng nhưng vì tham vọng chính trị và vì bất trung với đường lối của Đảng. Người ta có thể nói như thế về nguyên nhân hạ bệ Bạc Hy Lai.
Hai là, vì các lãnh đạo chóp bu của TQ, dù chính bản thân họ không trực tiếp tham gia các hoạt động tham nhũng, nhưng tất cả người thân và bà con họ đều có dính vào những hợp đồng khả nghi hoặc phi pháp, không một vị nào ở chóp bu là tuyệt đối an toàn. Hiện nay, hình như Đảng đã vạch ra một đường ranh giới hạn đối với cấp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – các Ủy viên Bộ Chính trị vẫn không được an toàn, nhưng các thành viên Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị thì tuyệt đối được miễn truy tố (absolute immunity), bởi vì những vụ thanh trừng ở cấp cao nhất của Đảng sẽ làm cho tình hình quá bất ổn. Nhưng đây không phải là một sự dàn xếp được bọc thép (ironclad), nên đố ai biết được khi nào thì Đảng sẽ quay ra truy tố một trong chín vị lãnh đạo chóp bu trong tương lai?
Ba là, một khi bị hạ bệ trong một cuộc đấu tranh giành quyền lực, thậm chí những vị lãnh đạo chóp bu của TQ cũng thiếu cả sự bảo vệ tối thiểu của luật pháp. Họ không thể lựa chọn luật sư hay có khả năng thách thức những tội danh đã gán cho mình như trong một nền tư pháp độc lập. Bản án và hình phạt dành cho họ thường được quyết định, không phải bởi những thẩm phán chuyên nghiệp ở cuối các phiên toà, nhưng bởi các lãnh đạo chính trị chóp bu đã họp bàn bí mật với nhau.
Điều mà sự phân tích này cho thấy – và là điều mà vụ án dành cho Bạc Hy Lai và vợ ông chứng tỏ – là an ninh chính trị của các lãnh đạo chóp bu TQ đã sa sút đến độ, trong nhiều tình thế nghiêm trọng, họ có thể cảm thấy như mình đang trở về những ngày u ám dưới thời đại Mao. Sự chia rẽ ở chóp bu và những đấu đá thâm độc trong nội bộ hiện nay là một thông lệ, chứ không phải là một ngoại lệ. Đây không phải là một tin trấn an đối với những cá nhân mà cơn ác mộng hàng ngày của họ là một sáng đẹp trời nào đó họ có thể biến thành một Bạc Hy Lai thứ hai.
No comments:
Post a Comment