Hình sự trong kinh doanh
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-08-22
Vụ một nhà đầu tư nổi tiếng tại Việt Nam là ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt chiều ngày Thứ Hai 20 Tháng Tám tại Hà Nội đã khiến thị trường chứng khoán tại Việt Nam sụt giá trong sự hốt hoảng chung và Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam phải ào ạt bơm tiền qua thị trường mở để tránh một vụ sụp đổ dây chuyền.
Nhân vật bị tống giam và khởi tố cùng thời điểm tiến hành nội vụ khiến dư luận ưu lo về những khó khăn kinh tế và chính trị hiện nay của Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.
Khủng hoảng chính trị?
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập của một ngân hàng lớn tại Việt Nam bị cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công An bắt giữ đã gây chấn động cho thị trường tài chính tại Việt Nam và được truyền thông quốc tế loan tải. Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này mình sẽ cùng tìm hiểu về chuyện đó, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ban đầu, tôi có cảm giác ngán ngẩm vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, về bối cảnh chung, tình hình kinh tế Việt Nam quả là kém sáng sủa với quá nhiều vấn đề dồn dập vì đà tăng trưởng sẽ giảm, lạm phát có khi tái xuất hiện và trăm ngàn doanh nghiệp đang ở trong tình trạng dở sống dở chết, thậm chí là chết lâm sàng, hoặc là những "xác chết chưa chôn".
Giữa khung cảnh bên trong như vậy, biến động ngoài Đông hải do động thái ngang ngược của Trung Quốc hiển nhiên là những thách đố nan giải cho người cầm quyền. Nhưng vấn đề đầu tiên là "ai là người cầm quyền" hoặc cơ chế nào sẽ quyết định về những bài toán sinh tử cho quốc gia? Khi ấy, người ta mới chú ý đến những tranh chấp cá nhân không còn che giấu nổi ở trên thượng tầng.
Thứ ba, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang bị khủng hoảng nặng với một số nhỏ của nhà nước thì tập trung tài sản mà không kích thích sản xuất trong khi nhiều ngân hàng khác thì thiếu thanh khoản và có thể sụp đổ dưới núi nợ xấu nên vẫn cố thu vét ký thác bằng cách tăng lãi suất. Họ lao về phía trước trong sự tuyệt vọng. Tình hình đó càng khiến các doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu vốn kinh doanh và sẽ theo nhau phá sản, công nhân viên mất việc.
Thứ tư, dư luận kinh doanh quốc tế thì theo dõi xem lãnh đạo kinh tế và ngân hàng Việt Nam giải quyết ra sao bài toán nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Khối nợ xấu đó thật sự lên tới mức nào thì không ai rõ và làm sao thanh toán là một vấn đề sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia. Vì vậy, dư luận chờ đợi người cầm đầu hệ thống ngân hàng trung ương của Việt Nam sẽ giải trình những việc đó trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều Thứ Ba 21.
Tôi e rằng đấy là một chỉ dấu khó sai về khủng hoảng chính trị, chứ không chỉ là ngân hàng hay kinh doanh.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Và đấy là lúc bùng nổ vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, làm các thị trường đều bị rúng động!
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy và tôi e rằng đấy là một chỉ dấu khó sai về khủng hoảng chính trị, chứ không chỉ là ngân hàng hay kinh doanh.
Trước hết, trong một quốc gia bình thường, nếu một cá nhân hoặc doanh nghiệp có sai phạm về nghiệp vụ vì lý do kỹ thuật hay pháp lý thì cơ quan thanh tra giám sát có thể mở cuộc điều tra. Nếu sai phạm về kỹ thuật, tức là không cố tình nhưng có lầm lẫn thì cơ quan giám sát phải có biện pháp dân sự, thuộc về tội hộ. Tức là có thể bồi thường thiệt hại cho nạn nhân vì sự bất cẩn của mình. Nếu là sai phạm về pháp lý, tức là cố tình gian lận để trục lợi bất chính, thì cơ quan thanh tra phải yêu cầu nhà chức trách can thiệp và lập hồ sư truy tố kẻ bất lương, chứ không phải bất cẩn, về tội hình. Nghĩa là không chỉ phải bồi thường thiệt hại mà còn bị trừng phạt về tài chính và thủ phạm có thể bị án tù.
Việt Nam là một quốc gia bất thường vì luật lệ thiếu phân minh nên rất khó xác định nguyên do của sai phạm là thuộc về dân sự hay hình sự. Ví dụ có thể thấy ngay là trong lĩnh vực ngân hàng hay mớ bòng bong khó gỡ của những nghiệp vụ đầu tư chòng chéo trong một chế độ kiểm soát lỏng lẻo, rất rộng mà cũng rất nông.
Nhưng bất thường hơn vậy, Việt Nam là nơi mà việc kinh doanh đòi hỏi những quan hệ thật ra là bất chính với giới chức có quyền. Người ta khó thành công, và trở thành "đại gia" như bà con trong nước thường nói, nếu không có quan hệ và trở thành vây cánh của những người quyền thế nhất ở trên cùng. Đó là trường hợp của đương sự, người vừa mới bị bắt.
Cách giải quyết của chính quyền
Vũ Hoàng:
Theo những tin tức được cơ quan Cảnh sát Điều tra loan tải, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về tội kinh doanh trái phép và liên quan tới vi phạm tại ba doanh nghiệp do ông ta làm chủ tịch, gồm có Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chỉ nội một cáo trạng như vậy cũng đã cho thấy sự bất thường. Ít khi nào có chuyện bắt giam một người về tội kinh doanh trái phép. Biện pháp quyết liệt này cho thấy là có cái gì đó nghiêm trọng hơn nhiều. Chuyện thứ hai là cách giải quyết của nhà cầm quyền trong vụ bắt giam. Nó vẫn nhuốm mùi hành xử của "xã hội đen" trong một xã hội chưa có ý thức về luật pháp và một hệ thống cai trị không có trách nhiệm với quốc dân. Tôi xin được giải thích.
Đáng lẽ, ngay sau khi tống giam đương sự, hãy cứ coi như một nghi can bị trọng án, giới hữu trách phải lập tức và công khai tổ chức một cuộc họp báo. Ngồi ở giữa là viên sĩ quan công an, hai bên là hai giới chức dân sự thuộc cơ quan thanh tra hay giám sát. Một trong hai người phải là viên chức có thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu là để trình bày dù ngắn gọn những kết quả của cuộc điều tra và thủ tục truy tố về những tội danh được minh định bởi viên chức thanh tra. Nhưng quan trọng nhất là để công chúng biết được rằng những sai phạm của đương sự, dù là một doanh gia về ngân hàng, không thuộc lĩnh vực ngân hàng. Lý do là để thị trường khỏi hốt hoảng và dân chúng mất tiền oan khi suy đoán rằng một đại gia ngân hàng đã rút ruột ngân hàng và tìm cách tẩu tán tài sản nên mới bị bắt.
Trong một xã hội thiếu thông tin chính thức và minh bạch và báo chí không có tự do thì thị trường thông tin là thị trường đen. Đó là nơi mà sản phẩm được phổ biến chính là lời đồn. Khi dân tin vào lời đồn hơn là thông báo chính thức – nhiều khi mâu thuẫn - thì niềm tin vào nhà nước không có và người đồn đãi không có tội, nhưng rốt cuộc thì đa số thiếu thông tin mới là nạn nhân.
Vũ Hoàng: Ông cho rằng trong vụ án hình sự này, những lời đồn đãi hay bàn tán của người dân cũng có tầm quan trọng?
Trong một xã hội thiếu thông tin chính thức và minh bạch và báo chí không có tự do thì thị trường thông tin là thị trường đen.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hiển nhiên là có và đấy mới là vấn đề!
Trước hết, người ta có thể suy đoán không sai, rằng đương sự là người có quan hệ vững chắc và rộng rãi với nhiều quan chức nên mới thành công rất nhanh như vậy, để trở thành một trong những người giàu nhất nước. Thứ hai, đương sự là người rất kín đáo trong các nghiệp vụ đầu tư của mình, hoặc của ai đó mà anh ta đứng tên. Thứ ba, đương sự có lối chơi nổi của kẻ thích vẻ hào nhoáng bên ngoài với xe hơi trị giá bạc triệu, nghĩa là chẳng sợ gây ra phản ứng đố kỵ ghen ghét. Thứ tư, đương sự còn bước vào một lĩnh vực được quảng đại quần chúng quan tâm là bóng đá và không ngại ngần gây hấn với tổ chức khác trong lĩnh vực này.
Ngần ấy sự việc khiến cho mọi người đều có thể kết luận rằng đương sự có gốc lớn, được nhiều thế lực bảo trợ ở đằng sau. Đấy là lúc người ta kết hợp với các tin đồn, rằng những thế lực đó là sĩ quan công an cao cấp, có người là thứ trưởng, và trên cùng là ông Thủ tướng vốn dĩ được đánh giá là có mức liêm chính dưới trung bình sau hàng loạt những vụ sụp đổ của các tập đoàn kinh tế nhà nước do Trung ương quản lý. Khi tổng hợp lại thì câu hỏi chính vẫn là động lực. Và câu trả lời là việc đương sự khỏi cần ấn tín gì, như chủ tịch một tập đoàn kinh doanh, mà vẫn thâu tóm khoảng 12 cơ sở kinh tế trong nhiều lĩnh vực, phân nửa là các ngân hàng. Nghĩa là làm sao?
Người vừa mới bị bắt chỉ là một nhà đầu tư đại diện cho nhiều nhà đầu tư giấu mặt ở bên trên. Với chế độ hiện hành, mỗi thế lực chính trị lại tỏa xuống dưới thành hệ thống kinh doanh có khả năng vi phạm luật lệ mà không bị trách nhiệm vì đã có trong túi những người có trách nhiệm thực thi luật pháp. Mọi sự chỉ vỡ lở khi các thế lực chính trị ở trên xung đột với nhau nên tay chân ở dưới mới bị sa lưới nếu không kịp thông báo để bỏ chạy, như trường hợp đã xảy ra. Rốt cuộc thì vụ việc được trình bày như một nỗ lực giải trừ tham nhũng để kiện toàn nhân sự, là khẩu hiệu đang được đảng tung ra sau màn phê bình và tự phê bình vừa qua.
Hiện tượng tất yếu
Ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại một sự kiện bóng đá tại Hà Nội vào ngày 16 Tháng 2 năm 2012. AFP photo
Vũ Hoàng: Thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?
Vũ Hoàng: Thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta rất khó biết được sự thể trong khung cảnh không chỉ là mờ ảo của một xứ lạc hậu mà còn mờ ám và đầy bạo lực vì là sự lạc hậu phát sinh từ nạn độc tài.
Sau một sâu chuỗi những tai tiếng và phải nói là phạm pháp nghiêm trọng từ các tập đoàn kinh tế nhà nước ra tới khu vực tôi gọi là "tư doanh nhập nhằng" vì những thế lực chính trị và trung tâm lợi ích kinh tế ở đằng sau, thì vụ "Bầu Kiên" như người ta gọi chỉ là một nối tiếp tất yếu. Hiện tượng tham ô và khuất tất trên doanh trường còn lan vào chính trường khi một đại gia kinh doanh và đảng viên làm nữ dân biểu lại bị truất bãi trong một hoàn cảnh khó hiểu. Những vụ nổ liên tiếp này chỉ là mấy cầu chì bị cháy ở dưới đển dòng điện khỏi lan lên trên và báo hiệu nhiều biện pháp trả đũa khác của thế lực đang bị tấn công. Chúng ta có thể coi đây là những tranh chấp của các tổ chức tội ác trong xã hội đen, không hơn không kém.
Vũ Hoàng: Ông có một kết luận khá bi quan về sự thể này, vì sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ đến một đảng Mafia có cái vẻ đa nguyên của nhiều phe nhóm toàn là đại gia.
Dân chúng chưa thấy một nỗ lực lớn lao của chính quyền để đưa kinh tế ra khỏi những khó khăn chồng chất hiện nay.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khốn nỗi, và đây mới là vấn đề gây ra sự ngán ngẩm cho mọi người, khốn nỗi người ta thanh lý môn hộ hoặc thanh toán nhau như vậy mà dân chúng chưa thấy một nỗ lực lớn lao của chính quyền để đưa kinh tế ra khỏi những khó khăn chồng chất hiện nay. Việc một kẻ gian có thể sa lưới và lãnh án tù chỉ là một niềm an ủi nhỏ, trong khi bất ổn kinh tế và khủng hoảng chính trị mới là vấn đề lớn lao gấp bội cho mọi người.
Khi lại nhìn trên toàn cảnh, ở bên cạnh xứ Trung Cộng cũng đang có những bài toán nan giải bên trong vì giai đoạn chuyển quyền đầy sóng gió của họ, người ta thấy rằng Việt Nam lại lỡ một cơ hội cải cách hầu có thể xây dựng một nền móng vững bền hơn cho việc bảo vệ quyền lợi của đất nước. Con thuyền đang lao vào giông bão mà thuyền trưởng, tài công và thủy thủ đoàn đánh nhau để giành lấy phao cấp cứu thì hành khách khó tìm ra lối thoát.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Theo dòng thời sự:
- TS Lê Đăng Doanh: vụ “Bầu” Kiên là hệ quả việc thiếu giám sát quyền lực
- Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính ACB Nguyễn Đức Kiên bị bắt
- Thị trường chứng khoán Việt Nam hốt hoảng trước tin Bầu Kiên bị bắt
- “Đại gia” hay “trọc phú” thời hiện đại?
- Công ty Cổ phần thủy sản Bình An thanh toán tiền nợ
- Nông dân Cần Thơ đòi Bianfishco phá sản
- Vỡ Nợ Dây Chuyền- Tháp Cao Sụp Đổ?
- Phó vụ trưởng Bộ Tài chính bị truy nã vì tội lừa đảo
- TGĐ công ty CP sàn bất động sản Việt Nam tù chung thân
No comments:
Post a Comment