Monday, March 11, 2013

Cuốn sách quý về chủ quyền Việt Nam

Cuốn sách quý về chủ quyền Việt Nam

Giáo sư (GS) Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại Hà Nội - là nhà nghiên cứu địa lý lịch sử Việt Nam nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ. Ông từng học ở Trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941) và Đại học Công giáo Paris (1951-1953). Tác phẩm chính của GS đã được xuất bản là Bộ sách nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (1805-1836). Quý 1.2013, NXB Trẻ vừa ấn hành tác phẩm Việt Nam quốc hiệu và cương vực - Trường Sa và Hoàng Sa của ông; sách dày 208 trang, in bìa cứng.


Cuốn sách quý về chủ quyền Việt Nam


Phần 1 (Quốc hiệu và cương vực qua các thời đại) gồm 4 chương, ghi chép súc tích sử liệu kèm nhiều bản đồ qua 4 thời kỳ lịch sử đất nước: Thời kỳ dựng nước (Hùng Vương dựng nước Văn Lang; Thục Vương chiếm Văn Lang đổi tên nước là Âu Lạc); Thời kỳ đấu tranh giành độc lập (từ nước Nam Việt năm 207 trước Công nguyên đến thời Lý Bôn xưng Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân với cương vực và các cuộc tranh đấu dưới các đời vua nhà Tùy, nhà Đường năm 603-907); Thời kỳ độc lập tự chủ (từ khi họ Khúc dấy nghiệp và họ Ngô dựng nghiệp năm 907-959 đến cương vực Đại Việt thời Tây Sơn (1771-1802); sau cùng là Thời kỳ thống nhất lãnh thổ với quốc hiệu Việt Nam (ghi chép cương vực và quốc hiệu nước ta từ triều Nguyễn (1802-1945) đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Kết thúc phần 1, sách thống kê một bảng tóm lược quốc hiệu, thủ đô và dân số nước ta từ thời Giao Chỉ (năm 6.000 trước Công nguyên) đến năm 2011. Giải thích về việc “tạm chia ra 4 thời kỳ” như vậy, GS Nguyễn Đình Đầu viết: “Quốc hiệu và cương vực nước ta, qua các thời đại, đã thay đổi khá nhiều. Quốc hiệu và cương vực lại không đồng thời thay đổi, cũng không nhất thiết thay đổi theo các triều đại hay phân kỳ lịch sử nào”. Mỗi thời kỳ, tác giả thường tóm tắt gọn và dễ nhớ. Thí dụ ở Thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tác giả viết: “Kể từ khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc (-206) tới khi Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng (938) đem lại nền tự chủ cho xứ sở, dài 1.088 năm (Nhà Tiền Lý đặt quốc hiệu là Vạn Xuân được 68 năm)”.
Tác giả đặc biệt dành phần 2 (Biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa) dài hơn 100 trang để biên soạn 6 chương, khẳng định “lịch sử Nam tiến và Biển Đông” và “chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các bản đồ cổ và tư liệu lịch sử”.
Mở đầu phần này, tác giả cho đăng Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) và viết: “Đây là bản đồ ghi chép nước ta đầy đủ về cương vực, cả lãnh thổ và lãnh hải, trước khi Pháp tới xâm lăng. Lãnh thổ nước ta bị thu hẹp khá nhiều, nhưng nay ta vẫn tôn trọng các đường “biên giới lịch sử”. Trên Biển Đông, hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Khối quần đảo Hoàng Sa - Vạn lý Trường Sa có dáng hình tương tự như cả ngàn bản đồ cổ Tây phương từ 1525 đến đầu thế kỷ XIX với tên gọi Paracel hay Pracel là của Việt Nam. Khoảng giữa thế kỷ XIX, họ mới gọi phần Trường Sa là Spratly và chia thành hai quần đảo cách xa nhau”.
Dẫn sử liệu và 2 bản đồ An Nam quốc (thời Hồng Đức, 1490) và Vương quốc An Nam (Alexandre Rhodes, 1650), tác giả nhận định 2 bản đồ này “đã biểu hiện khá rõ bờ biển, biển Đông và hải đảo Việt Nam đương thời”.
Tới thời các chúa Nguyễn (1600-1777), có bài “Các nhà hàng hải, tu sĩ Phật giáo, Công giáo, các sách địa lý thế giới đều nói Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”. Dưới triều Nguyễn (1802-1884), tác giả giới thiệu tiếp “Bốn bản đồ cùng khẳng định Việt Nam là cường quốc và Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”.
Gần cuối sách, tác giả viết riêng một bài tựa là “Những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa” với đoạn kết: “Cuộc đấu tranh trên biển Đông vì toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam thật là cam go và phức tạp. Sao cho công lý và hòa bình cùng được thực hiện. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của chính quyền và của mỗi công dân trong cương vị và khả năng của mình”.
Không dừng lại ở đó, trên bìa 4 tác phẩm này, GS Nguyễn Đình Đầu còn trân trọng viết: “Chúng tôi đã thu thập và nghiên cứu hàng trăm bản đồ thế giới của các nước phương Tây thực hiện, hầu hết trong đó đều có ghi đất nước ta với các hải đảo Hoàng Sa - Trường Sa mà họ gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Pracel (Costa da Pracel) là ở Trung bộ Việt Nam. Không một bản đồ nào ghi bờ biển Pracel ở Nam Trung Hoa hay ở Phi Luật Tân, Inđônêsia hay Mã Lai. Thật hiển nhiên, khắp thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”.
Huỳnh Kim

No comments:

Post a Comment