Liệu Nga có trở lại Cam Ranh?
Việt Hà, phóng viên RFA
2013-03-05
2013-03-05
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (T) bắt tay tướng Phùng Quang Thanh tại Hà Nội hôm 05 tháng 03 năm 2013
AFP photo
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu vừa có chuyên thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 3. Nhân chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đến thăm cảng Cam Ranh, vốn là căn cứ hải quân của Nga trước kia. Việt Hà có cuộc phỏng vấn chuyên gia Đông Nam Á, Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc.
Hợp tác quân sự Việt Nga
Trước hết, nói về hợp tác quân sự Nga Việt thời gian qua, Giáo sư Carl Thayer nhận xét:
"Vào tháng 11 năm 1978, hai nước đã ký hiệp ước quốc phòng và hợp tác quân sự trong vòng 25 năm. Sau đó thì Việt Nam xâm lược Campuchia, rồi Nga được vào Cam Ranh. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ và vì những khó khăn về kinh tế Nga cố gắng ép Việt Nam phải trả những món nợ với Liên Xô cũ, thế là Việt Nam đòi tiền cho thuê Cam Ranh và Liên bang Nga đã quyết định rút khỏi đây. Từ đó đến nay Việt Nam đã ký đến 9 thỏa thuận đối tác chiến lược với các nước khác, các nước lớn, đầu tiên là Nga vào năm 2001, 11 năm sau đó, được nâng cấp thành hợp tác đối tác toàn diện.
Theo tôi được biết là do nguyên nhân Nga bán rất nhiều vũ khí cho Việt Nam. Hiện Việt Nam là 1 trong 10 thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga. Tóm lại, hợp tác kinh tế hai nước có lúc lên xuống và chủ yếu trong dầu khí, còn hợp tác quốc phòng Việt Nam luôn phụ thuộc vào công nghệ vũ khí của Liên Xô trước kia và giờ là Nga. Cho nên tôi có thể nói việc Việt Nam mua nhiều vũ khí từ Nga là nguyên nhân chính đưa quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước lên tầm chiến lược.
Việt Hà: Việt Nam cũng có hợp tác quân sự với Trung Cộng và Mỹ, sự khác biệt giữa quan hệ với Nga so với các nước Trung Cộng và Mỹ là gì?
Có hai khả năng mà ta phải nói tới. Hải quân Nga liên tục đưa ra các báo cáo về khả năng quay lại Cam Ranh nếu họ muốn trong khi giới lãnh đạo ở Maxcova liên tục nói không vì không có tiền.
- GS. Carl Thayer
GS. Carl Thayer: Các mối quan hệ này có mục tiêu khác nhau. Quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ dựa vào bản ghi nhớ của hai bên trên 5 lĩnh vực, tức là mối hợp tác này không lên cao, chỉ là các đối thoại cấp cao, các hợp tác về y tế, tìm kiếm cứu hộ … Với Trung Cộng mối quan hệ hợp tác chủ yếu là tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ, và có thể là thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc Phòng, và trao đổi đào tạo nhân sự. Tuy nhiên với Nga, bởi vì Việt Nam mua một số lượng lớn vũ khí của Nga, Việt Nam gửi nhiều người sang Nga để được đào tạo sử dụng bảo dưỡng, và sửa chữa các thiết bị này. Nga là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam hơn hẳn so với Mỹ và Trung Cộng. Mỹ chỉ có thể bán cho Việt nam một số loại vũ khí không sát thương do những cấm vận về vũ khí, và việc bán vũ khí này cũng chưa được cải thiện vì tình hình nhân quyền Việt Nam.
Trung Cộng đã bán cho Việt Nam các vũ khí hạng nhẹ như đạn dược, nhưng Việt Nam giờ cũng đã có những xí nghiệp tự sản xuất các vũ khí này. Cho nên 3 hợp tác này là rất khác biệt. Đối với Nga là việc đào tạo những kỹ thuật viên cho việc sử dụng, bảo trì vũ khí và bán vũ khí cho Việt nam với số lượng lớn. Mỹ chủ yếu là vấn đề về ảnh hưởng an ninh chính trị, với Trung Cộng cũng vậy. Mối quan hệ với Mỹ và Trung Cộng ở mức song song, cả hai đều đã nâng lên mức đối thoại ở cấp thứ trưởng Quốc phòng.
Nga sẽ trở lại Cam Ranh?
Việt Hà: Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đến thăm vịnh Cam Ranh, nơi vốn là căn cứ hải quân của Nga trước kia. Có nhiều đồn đoán cho rằng Nga sẽ trở lại Cam Ranh nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thể. Ông nhận định thế nào về khả năng Việt Nam cho phép hải quân nước ngoài đóng căn cứ tại Cam Ranh?
GS. Carl Thayer: Có hai khả năng mà ta phải nói tới. Hải quân Nga liên tục đưa ra các báo cáo về khả năng quay lại Cam Ranh nếu họ muốn trong khi giới lãnh đạo ở Maxcova liên tục nói không vì không có tiền. Đó là một khía cạnh. Thứ hai là vào năm 2004 và 2009 Việt Nam đưa ra sách trắng Quốc phòng và cả hai sách trắng này đều nói rõ là không có hải quân nước nào được vào đóng ở Việt Nam. Vào khoảng cuối năm 2009 đầu 2010, giới chức Việt Nam nói là các cơ sở thương mại ở cảng Cam Ranh sẽ được mở cửa cho hải quân các nước nhưng không vì mục đích quân sự. Mỹ là nước đầu tiên có tàu đến đây để sửa, nhưng chỉ ở mức độ nhỏ khoảng 500 ngàn đô la một lần sửa.
Sau đó khi Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm kilo, Việt Nam phải có nơi đỗ tàu, và Cam Ranh là căn cứ hải quân của Nga trước kia, là nơi đỗ tàu ngầm của Việt Nam. Vì vậy Việt Nam đã đề nghị Nga tân trang các thiết bị ở đây cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cho mục đích này. Từ năm 2014 đến năm 2016 Việt nam sẽ nhận những tàu ngầm này. Cả Nga và Trung Cộng đều đã gửi tàu chống hải tặc đến vịnh Aden, các tàu này đã đi những chặng dài qua eo biển Malacca, biển Đông để rồi trở về Trung Cộng và cảng Vladivostok vùng viễn Đông Nga.
Tổng Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đến thăm cảng Cam Ranh hôm 03/6/2012. AFP photo
Trung Cộng đã muốn gửi tàu đến thăm Cam Ranh và Nga cũng đã làm như vậy trong quá khứ, nhưng Việt Nam vẫn chưa cho tàu hải quân nước ngoài đến thăm Cam Ranh. Các quan chức Việt nam đã nói khi đàm phán với Nga về việc giúp Việt Nam cải tiến các cơ sở hải quân, Việt Nam sẽ cho Nga những đối xử đặc biệt vì lúc đó thì hai nước chưa thành đối tác chiến lược, bởi Nga phải gửi tàu vào đây để đưa các thiết bị, chuyên viên kỹ thuật và kỹ sư cho mục đích này. Tôi nghi ngờ khả năng Nga sẽ đóng quân ở đây. Mặc dù vậy, vịnh Cam Ranh rất có giá trị không thể bỏ qua. Bất cứ tàu nào đi qua biển Đông cũng cần sửa chữa nhỏ, Mỹ đã sửa máy lạnh, ống dẫn và hệ thống cung cấp nước tại đây, và Nga cũng thế. Những cho đến lúc này chưa có nước nào có thể đưa tàu quân sự vào thăm chính thức ở đây.
Việt Hà: Nga là nước bán vũ khí quân sự lớn nhất cho Việt Nam và Trung Cộng, nhưng ông có nói rằng Nga đã giới hạn việc bán vũ khí cho Trung Cộng vì Trung Cộng đánh cắp kỹ thuật của Nga, liệu đây có phải là lợi thế cho Việt Nam?
GS. Carl Thayer: Nga ở vị trí tuyệt vời khi họ bán SU 27 Sukhoi và SU 30 cho cả việt Nam và Trung Cộng nhưng Trung Cộng có một nền kỹ nghệ quốc phòng rất lớn, và sau đó sẽ ký giấy phép để sản xuất chúng trong nước và Nga đã làm. Còn Việt Nam thì quá nhỏ và một đề nghị như vậy chưa tiến đến đâu. Sau đó Trung Cộng đã sử dụng kỹ sư điều nghiên các kỹ thuật của Nga và áp dụng chúng trong một loạt các trang bị của mình như máy bay, tàu chiến.
Các nhà phân tích Nga sau đó xem các hình ảnh và phân tích để thấy Trung Cộng lấy các ý tưởng này từ đâu. Sau đó có tin là Nga đã giới hạn bán vũ khí cho Trung Cộng, giới hạn một số các kỹ thuật có tính nhạy cảm, vì Nga muốn kiếm tiền trên các kỹ thuật của mình. Về phía Việt Nam thì làm sao Trung Cộng có thể phản đối một cách công khai khi mà họ cũng mùa cùng một loại vũ khí.
Tôi nghi ngờ khả năng Nga sẽ đóng quân ở đây. Mặc dù vậy, vịnh Cam Ranh rất có giá trị không thể bỏ qua.Những cho đến lúc này chưa có nước nào có thể đưa tàu quân sự vào thăm chính thức ở đây.
- GS. Carl Thayer
Cả hai đều mua máy bay chiến đấu SU 30, cùng mua tàu ngầm hạng kilo. Trung Cộng dù không chính thức cũng phải lo lắng vì họ biết kỹ thuật của Nga hiệu quả thế nào. Mặc dù Việt Nam không thể tấn công hải quân Trung Cộng và thắng nhưng nếu có xảy ra xung đột thì Việt Nam có thể gây thiệt hại không nhỏ cho đối phương.
Việt Hà: Việt Nam có vai trò quan trọng thế nào đối với Nga trong chiến lược của nước này tại khu vực châu Á Thái Bình Dương?
GS. Carl Thayer: Hai nước nhìn nhau như là đối tác hợp tác chiến lược một phần bởi vì ở vùng viễn đông của Liên Xô cũ và Nga bây giờ việc vận chuyển dầu khí có thể được thực hiện dễ dàng bằng đường biển đến Vladivostok hơn là trên cạn. Nga cần tiền có thể làm các trao đổi buôn bán với Việt Nam, một số trao đổi bằng hàng như dầu cọ, và hàng nông sản và vì vậy rất linh hoạt.
Nga muốn một thế giới đa cực và không muốn Mỹ chiếm vị trí thống soái ; rồi Nga cũng có những quan ngại nhất định với Trung Cộng, đặc biệt là tình hình người nhập cư bất hợp pháp ở vùng viễn Đông Nga. Nhưng cả hai nước đều có thể điều chỉnh mối quan hệ của mình. Mặc dù vậy Nga sẽ không hợp tác với Trung Cộng để chống lại Mỹ. Mặt khác Nga cũng luôn nói là họ muốn trở lại phía Đông, tức là đông Á, nhưng họ cần tiền.
Dầu khí của Nga cung cấp cho họ một khoản tiền đáng kể nhưng sẽ là quá đáng khi nói rằng hải quân Nga sẽ có mặt hùng hậu trong khu vực. Ngay cả khi thời chiến tranh lạnh ở đỉnh điểm, sự hiện diện của hải quân Nga cũng rất hạn chế, một phần là bởi Ấn độ là một đối tác chính với Nga, và tàu của Nga thường đến Ấn Độ, Việt Nam là nơi dừng chân thuận tiện trên đường.
Việt Nam là nơi cung cấp tiền lớn cho Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, và Nga cũng có quyền lợi sâu ở đây phải bảo vệ các đầu tư của mình ở các vùng mà Trung Cộng chưa tạo sức ép. Mặc khác Nga cũng muốn có tự do hàng hải trong khu vực như hải quân các nước khác. Vì vậy Trung Cộng phải cẩn thận không cản trở các tàu của Nga vì nếu không họ sẽ gặp phải tình huống như với hải quân Mỹ, Nhật hay Úc. Điều này gây khó khăn hơn với việc đòi chủ quyền của Trung Cộng trên vùng biển nhưng không liên quan đến các đảo và bãi đá vốn không có gì liên quan đến Nga.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment