Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt – Người Di Tản Buồn
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-04-28
2013-04-28
Nhạc sĩ Nam Lộc năm 1975. Hình do nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp.
Và đã 38 năm trôi qua, Sài Gòn giờ đã khoác áo mới, cuộc sống trải qua bao thăng trầm, nhưng những giai điệu đượm buồn, đầy tâm sự của Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt và Người Di Tản Buồn của Nam Lộc thì dường như vẫn còn giữ nguyên sự chất chứa, đau đáu thuở nào.
Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt
“Tôi sáng tác trong giai đoạn đầu tiên, lúc mọi người đang trong hoàn cảnh vừa xa cách quê hương, trong tâm trạng vô cùng xao động của một cuộc thay đổi đời sống và chính niềm thương nhớ day dứt cũng như nỗi đớn đau của thân phận người tỵ nạn trong thời gian đó, nó đã bùng lên và làm cho tôi phải viết ra những dòng nhạc.
Thực sự mà nói khi tôi viết ca khúc này tôi dùng một vài câu hát, một vài dòng nhạc để tự an ủi chính mình, bởi vì lúc đó tôi chỉ ra đi có một mình trong một sự bất ngờ hoàn toàn, không có định trước. Chuyện thứ hai nữa, sở dĩ tôi nhắc như vậy là bởi vì trước khi tôi viết Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt thì trong đời tôi chưa bao giờ sáng tác cả, cho nên bất thình lình mình tự viết ra những dòng nhạc sơ sài an ủi cho chính thân phận mình thôi. Có lẽ vì bài hát chia sẻ tâm trạng của mình cũng giống như nhiều người, có thể vì đó, mà mọi người đón nhận bài hát này.
Khi ở trong trại tị nạn thì tôi có ghi vội những dòng nhạc và những khung nhạc một cách sơ sài mà thôi, cho đến khi xuất trại tị nạn vào tháng 11 năm 1975 thì tôi mới được một số anh chị em nhạc sĩ cùng chia sẻ và cố vấn cho tôi để hoàn tất bài hát này.”
Và giờ bản nhạc chép tay Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt bằng bút chì thuở nào vẫn được nhạc sĩ Nam Lộc giữ lại như một kỷ niệm không thể nào phai. Có một điều đặc biệt trong Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt là ở khổ nhạc cuối cùng, khi đó, vẫn biết là sẽ ra đi mãi mãi, cuộc sống vô định, nói là “vĩnh biệt” vậy mà Nam Lộc vẫn tự hứa “sẽ trở về”, vì sao những mâu thuẫn trái ngược ấy vẫn tồn tại?
Tôi sáng tác trong giai đoạn đầu tiên, lúc mọi người đang trong hoàn cảnh vừa xa cách quê hương, trong tâm trạng vô cùng xao động của một cuộc thay đổi đời sống...Nhạc sĩ Nam Lộc
“Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho tôi trong những năm qua, thậm chí có cả một nhà văn đã phê bình là người viết bài Sài Gòn Vĩnh Biệt có một tâm trạng rất là mâu thuẫn, ra đi gọi là vĩnh biệt, nhưng rồi ở dưới thì lại nói rằng “tôi xin hứa rằng sẽ trở về.”
Thưa anh, tôi chỉ biết nói rằng, tâm trạng lúc đó rất mâu thuẫn, nó ở trong một hoàn cảnh không được bình thường, một cơn xúc động mạnh mẽ. Khi tôi ngồi trên chuyến bay để rời Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4, thôi rồi mình không còn một cơ hội nào nữa để nhìn lại thành phố thân yêu nơi mình sống và đã trưởng thành, thôi rồi, mình không còn gặp lại những người thân trong gia đình mình nữa, nhìn xuống thành phố Sài Gòn xem như vĩnh biệt, vì tôi không biết là mình sẽ đi đâu và cuộc sống mình sẽ trôi dạt như thế nào, nằm trong một số phận mình không định đoạt được.
Nhưng khi mình đến trại tị nạn và suốt những ngày sống trong trại tị nạn, xa gia đình, xa quê hương, lúc đó, tôi mới cảm thấy rằng, tôi không thể sống được như vậy, tôi không thể chấp nhận được cuộc sống cô đơn ở bên một xứ lạ, một đất nước không phải là quê hương của mình, không có người thân bên cạnh. Nghĩ đến cha mẹ, anh chị em, nghĩ đến những người thân trong gia đình, nghĩ đến nơi mình đã sống, đã trưởng thành, tôi nghĩ rằng, tôi phải về, tôi xem đó như một lời an ủi và một lời hứa trong lòng để tôi tiếp tục cuộc sống và có lẽ lúc đó là nỗi nhớ thương, cơn đau đớn lên đến tột cùng, thì tôi đưa ra lời hứa để tự an ủi mình, để có gì đó mà sống.”
Người Di Tản Buồn
Nhạc sĩ Nam Lộc tại trại Pendleton, California năm 1975. Hình do nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp.
Cùng với Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt, Người Di Tản Buồn là bài hát thứ hai Nam Lộc tự sự về cuộc sống tha hương, cô độc với những nỗi nhớ day dứt về một quá khứ vừa vuột khỏi tầm tay.
“Bài Người Di Tản Buồn, có thể nói là phần hai của bài Sài Gòn Vĩnh Biệt, bởi vì khi tôi đã chấp nhận một cuộc sống cô đơn ở xứ người, một mình sống trong một căn phòng nhỏ, ban ngày đi làm, ban đêm trở về, cuộc sống cứ kéo dài lê thê như vậy, thì rõ ràng đây là một người di tản, nói cho đúng là một người tị nạn cô đơn, buồn khổ, bởi lúc đó tôi sống trong một thành phố nhỏ bé nghèo nàn. Dĩ nhiên là khi cô đơn như vậy, ngồi trong phòng một mình, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến đất nước, đặc biệt thời gian đó, lại còn nghe đến tin những người bạn đồng ngũ với mình bị bắt đi cải tạo, và dĩ nhiên nghĩ đến người yêu của mình, người tình của mình, nên tôi đã viết Người Di Tản Buồn.
Nếu quí vị để ý thì thấy bài hát chia làm ba đoản khúc khác nhau. Đoạn đầu là những chia sẻ cho quê hương mình, cho gia đình mình, đặc biệt trong đó tôi nhớ tha thiết đến nơi mình đã sinh ra lớn lên, cứ mong rằng một ngày nào đó, qua đời mình sẽ được nằm xuống ở nơi đã chôn nhau cắt rốn.
Rồi thì ở đoạn 2, tôi nhớ đến những người bạn gái của mình, những người mình đã có một thời quen biết, dấu yêu với nhau, bây giờ cũng đã xa rồi. Có lẽ đoạn làm tôi xúc động nhiều nhất là khi tôi nhớ đến những đêm hành quân, những người bạn cùng chiến đấu với tôi, có những người còn sống, có những người đã chết, có những người đang ở trong rừng chiến đấu, đi kháng chiến. Vì thế cho nên đồng thời tôi nghĩ đến họ và hi vọng một ngày nào đó, tôi nằm xuống thân xác tôi được nằm cạnh những người chiến hữu mà tôi đã từng sống chết với họ trong những ngày hành quân, những đêm đóng trại."
Trong ca khúc Người Di Tản Buồn, quý vị hẳn nhận ra “cho tôi xin” được lặp đi lặp lại nhiều lần, và hôm nay, khi cuộc chiến đã đi qua hơn nửa đời người, nếu được “xin” lại một điều gì, thì nhạc sĩ Nam Lộc mong muốn điều gì?
“Tôi rất mong một ngày nào đó, tôi được đưa những đứa con tôi sinh ở hải ngoại được về lại quê hương, quê cha đất tổ của chúng nó, để được nhìn lại quê hương của mình, để nhìn lại con đê ở làng Nội Duệ , Bắc Ninh, nơi tôi chào đời.
Tôi muốn cho các cháu được đi lại từ Bắc cho đến Nam và cá nhân tôi cũng được nhìn lại, những nơi tôi đã sống và trưởng thành. Tôi cũng có một nguyện ước là khi tôi nằm xuống có thể sẽ mang một ít tro tàn của tôi để rải xuống trên quê hương mình, trải xuống bên cạnh những người chiến hữu của tôi như tôi đã hứa, hoặc có thể trải xuống tượng đài những chiến sĩ Việt Mỹ mà tôi đã cùng hợp tác xây dựng, đó là những ao ước của tôi.
Nói tóm lại, những hình ảnh, những tâm sự của tôi trong bài hát này, tôi sẽ giữ mãi cho đến khi tôi nhắm mắt.”